"Nhờ cô nói với họ dùm..."

LÊ THỦY LỆ 25/08/2012 23:08 GMT+7

TTCT - “Là nông dân ai hổng muốn nông sản mình làm ra bán đắt, bán được giá cao, phải hông cô? Vậy mà...”. Trước mắt tôi và chị là một mảnh ruộng nham nhở đất cày, cỏ dại cùng với những con mương do máy xúc móc lên cắt dọc ngang thành những ô đất vụn.

Phóng to
Nông dân huyện Bình Tân, Vĩnh Long thu hoạch khoai lang đúng lúc giá giảm thê thảm - Ảnh: ngọc tài

Cơn khát trồng khoai

Chị cười mà như có nước mắt đắng cay trong giọng nói. Vì sao ra nông nỗi này? Mới năm trước thôi, cả cánh đồng chỉ làm lúa ba vụ. Dân vùng này không có kinh nghiệm và cũng không có tập quán trồng màu. Những huyện bên cạnh ùn ùn trồng khoai. Phong trào lan từ Bình Tân xuống tới Bình Minh, rồi lan sang cả những xã giáp ranh bên Đồng Tháp này. Đã có lúc chính quyền địa phương tự hào xem đây là mô hình làm ăn mới để xóa đói giảm nghèo bền vững. Báo đài nói vậy và người dân cũng thấy như vậy.

Những căn nhà mới khang trang được xây lên vội vã trong một thời gian ngắn như để minh chứng cho hiệu quả kinh tế mang lại từ một giống cây trồng. Thiên hạ truyền tai rồi rủ nhau trồng khoai. Khoai lang xuất khẩu, giá trên trời, có bao nhiêu thương lái nước ngoài thu mua hết bấy nhiêu!

Chị rưng rưng: “Ban đầu tui đâu chịu trồng khoai. Mình biết ất giáp gì mà trồng. Ông chồng tui nói như đinh đóng cột: Thời buổi này không chịu nắm bắt cơ hội làm ăn, không nhạy bén, không có gan thì làm sao ngóc đầu lên nổi! Cô biết hông, vợ chồng cự cãi, cuối cùng ổng không trồng khoai mà cho mướn đất... trồng khoai”.

Tôi nói vậy có khác gì nhau, chị ngừng lại khá lâu, thở dài buồn bã: “Có khác nhau chứ cô. Người ta mướn đất của mình, đưa tiền cọc trước rồi hứa chồng tiền đủ sau khi thu hoạch vụ khoai đầu. Mình khỏi lo trồng lúa trúng thất, được mùa rớt giá, bão lũ, sâu rầy... Tiền bỏ túi mà chẳng đổ ra một hột mồ hôi, ai hổng ham!”. Chị cười cay đắng: “Phải chi mình bị người nước ngoài gạt còn đỡ tức, đằng này người mình lại gạt dân mình. Họ từ Sài Gòn xuống, đi đầu trên xuống xóm dưới hỏi mướn đất trồng khoai. Ai đồng ý thì họ chồng tiền cọc rồi cho máy xúc xuống đào mương, cày xới, vun giồng...”.

Và ước mơ khoai... đừng đắng

Chồng chị, một tay mê đá gà, nói như than thở: “Tưởng dễ nuốt. Mới ra mần ăn chuyến đầu lại dính cựa!”. Hơn 6 công đất của anh chị giờ này vẫn trơ đất nâu và cỏ dại, trong khi những chân ruộng kề bên đã ửng vàng những hạt lúa ngậm sữa. Không ai nói với anh chị về những nguy cơ. Chỉ nghe nhắc nhở chung chung là khi gieo trồng nên cân nhắc để cung không vượt cầu. Anh và chị không nhìn xa hơn bờ tre làng mình thì biết đâu là cung với cầu. Nông dân vẫn là những người cuối cùng chịu thiệt.

Thanh long Bình Thuận, dừa Bến Tre, khóm Long An... rồi khoai lang nơi đây. Còn bao nhiêu nơi nữa mà nông dân đang đánh đu với số phận bằng kiểu làm ăn bấp bênh này? Thương nhân nước ngoài thì mất tăm, người trung gian hợp đồng lại biệt tích. Anh, chị và nhiều bà con biết nắm áo ai đây? Số tiền đặt cọc ít ỏi không đủ để gia đình anh chị san ủi trả lại mặt ruộng bằng phẳng trước kia. Lại phải mang bằng khoán đỏ vay nợ ngân hàng; lại những ngày tháng khó khăn, cơ cực đang chờ anh chị phía trước.

Sao không ai nói với anh chị về những điều này - tôi tự hỏi. Chẳng lẽ cái giá để trả cho một bài học thời kinh tế thị trường, thời mở cửa hội nhập với nông dân lại đắt đến vậy sao?

Trời tháng 6 vẫn nắng mưa bất chợt. Nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu phù sa. Lúa vụ ba đã qua thời xuống giống. Anh chị ngồi trong nhà nhìn ra ruộng trong cơn mưa mù trời. Dẫu anh chị phải bắt đầu bằng muôn vàn khó khăn thì... cũng phải bắt đầu.

Chị tiễn tôi ra cửa lúc mưa ngơi hạt. “Cô gặp ai cũng nói với họ giùm, bây giờ muốn hợp tác làm ăn với ai cũng phải tỉnh táo. Trật một cái là chết liền!”. Tôi hiểu chị muốn mang chính cái dại của gia đình mình ra để nhắc nhở, để cảnh báo. Có thể ai đó sẽ cười vợ chồng chị, nhưng những điều chị nói cũng đáng để mọi người suy ngẫm.

Tôi đi qua những cánh đồng quê tôi, đi qua xã Phú Long, một địa phương có diện tích đất trồng khoai lang lớn của tỉnh. Bên cạnh những ruộng lúa tươi tốt vẫn còn những ruộng khoai xanh tươi mơn mởn khoe lá trong mưa. Khoai lang vẫn là giống cây mang lại cho nông dân hiệu quả kinh tế cao. Hi vọng khoai mùa này vẫn ngọt chứ không phải là mùa... khoai đắng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận