Những câu chuyện hài hước và cay đắng của V.M. Garshin

TRẦN NHÃ THỤY 25/09/2011 10:09 GMT+7

TTCT - 1. “Có một con ếch sống trong đầm, một hôm thấy đàn vịt trời bay ngang qua, nó nảy ý định nhờ đàn vịt trời để chu du thiên hạ. Con ếch kêu đàn vịt lại nêu sáng kiến: hai con vịt dùng mỏ ngậm hai đầu khúc cây, còn nó sẽ ngậm khúc giữa, rồi đàn vịt sẽ thay phiên nhau đưa nó bay về phương nam ấm áp. Đàn vịt quá phấn khích vì ý tưởng của con ếch nên nhận lời. Thế là một chuyến du hành lạ lùng diễn ra.

Phóng to

Trong chuyến bay, không ít lần con ếch muốn há hốc miệng ra để tỏ nỗi kinh ngạc hay thích thú. Nhưng nó buộc phải kìm nén cảm xúc vì ý thức tình cảnh của mình: há miệng là rơi ngay. Thế nhưng khi đàn vịt bay ngang ngôi làng, mọi người thấy cảnh tượng lạ lùng thốt lên: “Ô kìa, lũ vịt mang con ếch đi. Không biết ai nghĩ ra cái trò khôn ngoan thế nhỉ?”. Con ếch muốn kêu lên là mình nghĩ ra, rồi kịp kìm lại. Nhưng rồi những lời tán thưởng cứ vang lên mãi: “Ai nghĩ ra cái trò khôn ngoan thế nhỉ?”. Con ếch sợ mọi người sẽ nghĩ lũ vịt đã sáng kiến ra trò này và nó mở miệng ra: “Tôi nghĩ ra đấy”. Thế là con ếch rơi tõm xuống cái ao làng”…

Một câu chuyện như ngụ ngôn, khi kể lên có lẽ ai cũng thấy như quen thuộc, từng một lần nghe. Nhưng đó chính là truyện ngắn Con ếch du hành của nhà văn Nga Vsevolod Mikhailovich Garshin (1855-1888) được giới thiệu trong Bông hoa đỏ (*). Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, nhưng tuổi thơ của Garshin trải qua trong những tháng ngày buồn bã. V.M. Garshin học trung học ở Petersburg, sau đó vào trường đại học mỏ nhưng học dở dang. Năm 1877 cuộc chiến tranh Nga - Thổ nổ ra, V.M. Garshin tình nguyện tham gia chiến tranh ở Serbia. Garshin chiến đấu như một người lính thật sự, từng bị “ăn đạn” của quân thù. Những ngày quân ngũ đó là chất liệu để ông viết nên truyện ngắn Bốn ngày, ngay khi được đăng tải (trên tờ Bút Ký Tổ Quốc, năm 1877) đã lập tức gây tiếng vang. Và những truyện ngắn đăng tải sau đó như: Sự cố, Một cuộc gặp gỡ, Kẻ hèn nhát… đưa tên tuổi Garshin đi vào văn học sử nước Nga.

2. V.M. Garshin là người có công trong tiến trình phát triển văn chương Nga (cụ thể là thể loại truyện ngắn), được đánh giá là trước và hơn cả A.P. Chekhov, nhưng thực tế tên tuổi ông không phải độc giả yêu văn chương nào cũng biết đến. Thế thì đọc Garshin trong tâm thế hôm nay chúng ta sẽ thấy gì? Với riêng tôi, vẫn thấy đây là một văn tài đáng nể. Cách viết mỗi truyện ngắn như một “đề tài nghiên cứu”, cách đặt lý thuyết phổ quát cho một hiện trạng, để rồi bắt mũi khoan tư tưởng đi sâu vào tận lõi sự việc, thì đó vẫn là một thao tác văn chương rất chuyên nghiệp, rất hiện đại.

Một cuộc gặp gỡ là câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa hai người bạn thân thời sinh viên, bây giờ một người làm giáo viên, còn người kia là kỹ sư. Người giáo viên kiếm thêm tiền bằng công việc dạy thêm, còn người kỹ sư làm giàu bằng những… đồ án trên giấy. Một cái đập trên biển xây chẳng biết bao giờ hoàn thành, nhưng chẳng có gì phải vội vì cứ tiếp tục xây thì tiền tiếp tục đổ vào túi một “nhóm lợi ích”. Truyện ngắn này được viết năm 1879, bối cảnh nước Nga, nhưng hôm nay đọc thấy như còn nguyên tính thời sự.

Bông hoa đỏ thuật chuyện một người điên đêm đêm trốn khỏi phòng bệnh ra ngoài vườn để thực hiện một sứ mệnh... ám sát những bông hoa anh túc đỏ. Với người điên, hoa đỏ là hiện thân cho cái ác, và anh ta bằng mọi cách phải tiêu diệt nó. Khi bông hoa đỏ cuối cùng bị ngắt đi thì người điên cũng lìa đời. Đây được xem là truyện ngắn mang tính tự truyện của Garshin, bởi nhà văn cũng có những năm tháng bị bệnh tâm thần và nằm nhà thương điên. Đây cũng được xem là truyện ngắn gây ảnh hưởng rõ rệt với Lỗ Tấn khi ông viết Ngọn đèn sáng mãi (Trường minh đăng).

3. Sau một giai đoạn trầm uất, ngày 19-3-1888 Garshin nhảy từ lầu bốn căn hộ của ông xuống đất, bị chấn thương nặng và qua đời vào ngày 24-3-1888. Năm đó Garshin mới 33 tuổi. Câu chuyện về chuyến du hành của con ếch kể ở trên là truyện ngắn cuối cùng của Garshin được viết vào năm 1887. Một truyện đồng thoại vừa hài hước vừa cay đắng như bản chất cuộc đời, mà hôm nay chúng ta đọc hay kể lại cũng là một cách để tưởng nhớ một văn tài đau khổ bạc mệnh: V.M. Garshin.

__________

(*) Bông hoa đỏ - tập truyện ngắn của V.M. Garshin; Trần Thị Phương Phương dịch; NXB Hội Nhà Văn & Phương Nam Book ấn hành 2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận