Những cây đinh

LYUDMILA ULITSKAYA (NGA) 16/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Những cây đinh là truyện ngắn trong tuyển tập Tuổi thơ 49 của nữ nhà văn hàng đầu Nga Lyudmila Ulitskaya, kể về tuổi thơ hậu chiến mà chính tác giả đã trải qua.

Minh họa: Nuyễn Thị Hợp
Minh họa: Nuyễn Thị Hợp

 Những câu chuyện trong tuyển tập này dung dị nhưng đầy các điều kỳ diệu, làm lu mờ những xấu xí của ký ức chiến tranh, mở ra một cuộc đời mới tràn đầy sức sống và năng lượng. Được sự cho phép của tác giả, TTCT giới thiệu đến bạn đọc một truyện ngắn trong tuyển tập nổi tiếng này.

Mùa hè năm đó, khi em gái Masha chào đời, Seryozha được gửi về quê - không phải về quê ông nội như những đứa trẻ khác thường được đưa đến, mà là ông cố nội.

Ông cố sống ở một làng quê xa xôi, cậu và cha tới được đó bằng cách khá phức tạp: đầu tiên họ đi tàu, rồi lên một con thuyền nhỏ, và cuối cùng phải đi bộ khá lâu.

Chỉ đến tối họ mới tới làng. Ở cả hai phía của con đường hẹp phủ đầy cỏ mềm là những ngôi nhà gỗ xám lớn. Một số đã bị đóng chèn lại. Giữa đường có những con vật chân nhỏ xù xì bước chậm chạp mà Seryozha gọi là những con chó kỳ cục!

Cha phì cười:

- Con không biết con cừu! Còn kia kìa, cậu bé chăn cừu! Và chỉ vào một cậu bé lớn hơn Seryozha một chút, đi chân đất nhưng đội mũ ấm. Cả điều đó cũng kỳ quặc.

Ngôi nhà gỗ mà ông cố sống nằm ở rìa làng. Khi họ bước vào, Seryozha đứng lặng - cậu có một quyển truyện cổ tích Nga, trong đó mọi thứ được vẽ chính xác như thế: phía trên lò sưởi Nga treo một áo khoác da cừu mà ông già trong truyện cổ tích mặc vào, trước khi dẫn đứa con gái nghèo của mình vào rừng đến chỗ Thần băng giá.

Thậm chí cái lò nướng cũng đứng ngay chỗ đó, y như trong truyện tranh. Và cái mùi đặc biệt, được cậu nhớ suốt đời: mùi da cừu cũ, men chua, táo, yên cương ngựa và những mùi lạ khác không còn tồn tại trên cõi đời này...

Hai bà già lao về phía cha, hôn hít, khóc lóc, hỏi han. Trước chiến tranh, khi còn là thiếu niên, cha từng đến thăm họ. Họ cũng hôn Seryozha. Một bà không đến nỗi, nhưng bà kia thì đáng sợ, gầy quắt queo và không còn cái răng nào.

- Seryozha, đây là các cô của ba, Nastasya và Anna - Cha nói - Em gái của ông nội con. Nên họ cũng như là bà của con vậy...

- “Mình đã có bà ngoại rồi!” - Seryozha buồn bã nghĩ, nhớ ngay đến bà ngoại xinh đẹp tóc xoăn, mẹ của mẹ, làm kế toán viên ở nhà hát và thường dẫn cậu đi xem kịch thiếu nhi. Cậu nhăn mặt, nhưng không nói gì.

Cha lấy bánh kẹo từ balô ra - một bà rất vui, còn bà thứ hai lại khóc. “Có lẽ bà này sợ bà kia lấy hết quà” - Seryozha nghĩ và nhẹ nhàng kéo áo cha, muốn nói để cha tự chia quà, không thì bà gầy sẽ không có gì.

Sergey là một người rất công bằng và trong khu nhà mình, cậu đã quen với việc chia sẻ đồng đều. Nhưng cha cậu lại phẩy tay:

- Sau đã, sau đã... và kéo hết các gói của mình ra. Lúc đó, ông cố bước vào. Ông rất to con và đi như một con gấu xấu xí. Các bà già lập tức im bặt, một trong hai bà nói:

- Anh à, Viktor về đây, con của Ivan đấy.

Họ hôn nhau.

- Đúng là nòi nhà chúng ta đấy - cố nội nói bằng giọng rè - Nhưng thằng bé nhỏ con quá.

Seryozha có cảm giác cha trở nên rụt rè. Mấy bà già lăng xăng, dọn lên bàn ổ bánh mì nâu lớn, những cái muỗng và một cái chậu xanh mà họ gọi là “bát”. Chẳng ai để ý đến Seryozha, nhưng cậu chẳng hề buồn.

Cậu lặng lẽ nhìn quanh rất nhiều đồ vật xa lạ. Một điều thật ngạc nhiên: ở đây, ngay cả những đồ vật quen thuộc cũng mang một vẻ gì đó khác, mới lạ - những chiếc muỗng bằng gỗ, còn gối lại được mặc những chiếc áo nhiều màu và cả màu đỏ, chứ không toàn trắng như ở nhà cậu.

Bà già không làm cậu sợ cắt nhỏ hành lá, dưa leo và khoai tây bỏ vào chậu, bà thứ hai mang từ đâu đó vào cái rổ đựng trứng. Rơm thò ra từ cái rổ, giống như trong bức tranh về con gà Ryaba...

Có ba đứa bé chạy tới: hai bé gái lớn hơn Seryozha và một cậu bé, vẻ ngoài có thể bằng tuổi hoặc nhỏ hơn.

- Đấy, bạn con đến đấy - cha nói - Đây là các em họ con.

Chúng tên là Marinka, Ninka và Mitka. Seryozha ngạc nhiên - cậu không biết mình có bấy nhiêu họ hàng. Họ ngồi vào bàn. Giữa bàn là một cái chậu với xúp màu nâu gì đó.

Nhưng không có đĩa, chỉ có muỗng và một ổ bánh mì kềnh càng lớn, như cái bánh nướng. Ông cố làm dấu thánh và múc một muỗng từ cái chậu chung, rồi lần lượt mọi người theo thứ tự múc sau ông.

- Ăn đi - cha thầm thì - Đấy là xúp lạnh.

Mọi người múc rất khéo, không ai để nhểu một giọt nào ra bàn, kể cả Mitka. Ông cố hỏi cha về nhà máy, về cuộc sống.

Cha trả lời và không buồn nhìn Seryozha. Còn Seryozha ngồi, xoay tròn mẩu bánh mì và ngạc nhiên sao họ có thể ăn từ một cái chậu chung như thế.

Bỗng dưng bà già đáng sợ tên Anna cầm một cái đĩa sâu lòng màu trắng, đổ từ cái chậu chung đó ra một ít xúp rồi đặt trước Seryozha:

- Ăn đi, cháu yêu, cháu đã quen kiểu thành phố rồi - bà thì thầm bằng cái miệng không còn răng của mình.

Các cô bé cười khúc khích, còn cậu bé kia khịt mũi. Bỗng dưng Seryozha thấy mình bất hạnh và cô đơn. Cậu nghĩ sẽ không ở lại đây và sáng mai sẽ ra về cùng cha.

Trước mặt cậu là cái đĩa trắng - tất cả mọi người đều ăn trong cái bát chung, và bất ngờ Seryozha cảm thấy tủi thân. Còn cha cứ ngồi ăn và chẳng để ý gì. Nước mắt dâng lên tới cổ họng Seryozha và sắp tràn ra.

- Sao cháu không ăn? Hay không thích hở? - bà già hỏi.

- Thích ạ - Seryozha thì thầm.

Nước mắt cứ tự trào ra. Cậu hiểu là mình muốn ăn trong cái bát xanh, như mọi người. Nhưng đã muộn. Không ai nhìn cậu.

Cậu đẩy cái đĩa trắng ra và với tới cái bát chung. Xúp lạnh, chua, còn trong muỗng hành lá bơi lăn tăn, thứ mà Seryozha không quen ăn.

Sau đó các bà đặt lên bàn đĩa trứng tráng lớn và khoai tây luộc. Đó là món quen. Seryozha ăn được. Xong, bà già Anna đưa cậu đi ngủ trên một nửa kia của chiếc giường cao rộng với những chiếc gối đủ màu. Cậu nằm xuống và nghĩ sẽ không ở lại đây vì bất cứ lý do gì.

Buổi sáng, khi cậu thức giấc, hóa ra cha đã rời đi. Chuyện đó bà Anna kể, người mà cậu không cách nào gọi bằng bà được. Bà cho cậu sữa, một mẩu bánh mì lớn còn mới và bảo cậu đi chơi. Bọn nhóc cũng đã đi rồi.

Seryozha bước ra khỏi nhà. Cậu đi quanh một vòng, căn nhà thì ra rất lớn, với một phần xây thêm và đằng xa còn có nhà kho. Cửa mở, cậu nhìn vào. Không ai trong đó.

Có một cái bàn thợ, bên trên treo đủ các dụng cụ: những chiếc bào, búa và nhiều đồ lề bằng sắt khác mà Seryozha không biết gọi là gì. Trên bàn thợ có một cái hộp.

Trong đó ở các ô khác nhau chứa những chiếc đinh kích cỡ khác nhau. Sergey lấy một cây đinh cỡ trung, dài bằng ngón tay út, nhặt một cái búa và tìm xem nên đóng vào đâu.

Cậu ngồi xuống ngưỡng cửa, đổ đinh thành đống dưới hai chân và bắt đầu đóng vào ngạch cửa. Cậu trượt tay, đóng vào ngón tay, làm cong đinh. Sau đó mọi việc tiến triển tốt hơn...

Bỗng dưng cậu có cảm tưởng không chỉ có một mình. Cạnh cậu, ông cố đang đứng và nhìn cậu. Seryozha sợ hãi. Không nói lời nào, ông cố cầm búa, lấy vài cây đinh và đóng chúng một cách bằng phẳng, nhẹ nhàng bên cạnh những cây đinh của Seryozha.

- Cháu cầm cái đuôi cán ấy - ông già nói giọng rè rè - Còn đinh thì đặt thế này này. Đóng một phát! Và Seryozha hiểu, ông cố không giận lắm.

Cậu cầm cái búa, như ông già bảo, và ngồi đóng khá lâu, cho đến khi đóng hết cả cái ngạch cửa. Sau đó, cậu đứng dậy và muốn bỏ đi. Ông cố đang bào một tấm ván bằng cái bàn bào, dừng bào lại, đưa cho Sergey một thanh sắt cong nặng có đầu nhọn chỉa làm hai và nói:

- Cầm lấy cái nạy đinh! Và giờ thì nhổ đinh lên! Đinh cần cho công việc. Chứ chúng nằm đó làm gì?

Seryozha cầm cái nạy đinh bằng cả hai tay... Và một lần nữa, ông cố quỳ xuống, giật lại cái nạy đinh và chỉ nên cầm nó như thế nào. Các ngón tay của ông cố rất to, chúng đen nhẻm, còn những cái móng tay thì dày và màu nâu, như giấy cactông cũ.

“Với những ngón tay thế này thì có thể nhổ đinh chẳng cần kềm” - Seryozha nghĩ.

Cậu cố rất lâu nhổ một cây đinh lên, nhưng nó không chịu đầu hàng. Với nỗi buồn, cậu nhìn con đường lấp lánh những chiếc mũ mà cậu phải nhổ lên. Cậu hiểu là đã rơi vào bẫy. Ông cố tới, gõ búa nhẹ một cái vào mũi của cái nạy đinh, và nó ôm chặt cái cổ đinh.

- Ép xuống! - ông cố bảo, và Sergey bằng cả hai tay nhấn cái tay cầm xuống.

Cây đinh, hơi do dự, dao động, rồi trồi dậy, và đơn giản làm sao nảy lên một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, dường như chính nó cũng mong thế... Chỉ cuối cùng cậu mới phải nhổ lên chút chút... Và nó lộ ra ánh sáng. Với cây khác thì không được khéo như thế - cái mũ bay đi. Ông liếc nhìn và nói giọng khàn:

- Hãy tiết kiệm đinh.

Sergey bắt tay vào cây đinh thứ ba. Ông cố đưa cái hộp và ra lệnh đặt vào đó. Cứ thế cậu kéo và kéo, cho đến khi mọi người gọi...

Sau bữa trưa, ông cố đi đâu đó, còn Seryozha quyết định trốn. Cậu chui vào gác mái. Ở đó bụi bặm và kín đáo, nhưng những cây đinh chưa được nhổ ở ngạch cửa cứ hành hạ cậu, nên cậu lại leo xuống khỏi gác mái và đi tới nhà kho. Sau ông cố lại đến, nhìn công việc của Seryozha và không nói gì. Những ngón tay bị gõ trúng và đau, nhưng vì sao đó mà cậu chẳng thể bỏ đi.

“Đóng vào có năm phút - Sergey giận ai không biết - Còn nhổ ra mất cả trăm giờ”.

Đến tận khi màn đêm buông xuống, cậu vẫn còn bận rộn với cái nạy đinh và kềm, nhưng rồi cuối cùng tất cả những cây đinh, bị cong và gãy, đã nằm trong hộp. Cậu trao cái hộp cho ông cố, ông đặt nó lên cái bàn thợ và nói:

- Đi vào nhà đi...

Sergey hài lòng với chính mình, mặc dù ông cố chẳng khen cậu.

Buổi sáng, cậu dậy sớm. Các bé gái đi chân trần và Mitka chạy thình thịch quanh nhà. Sergey cài quai xăngđan và nghĩ làm cách nào đó để chơi cùng với chúng, nhưng ông cố đã bước vào nhà và nói:

- Đi theo ông, Sergey.

Sergey ngạc nhiên, nhưng cũng đi. Ông cố dẫn cậu đến nhà kho. Ở đó, trên bàn thợ, vẫn còn cái hộp đinh hôm qua. Ông cố cầm một mẩu sắt cỡ bằng cuốn sách, nhưng mỏng hơn, đặt nó lên trên cái bàn cặp cao, nhón hai ngón tay lấy ra một cây đinh cong queo và bắt đầu lấy búa gõ nhẹ lên nó. Cây đinh thẳng ra và sáng lấp lánh.

- Đấy, cháu sẽ làm thế đấy - ông cố nói.

Sergey vô cùng sửng sốt.

- “Việc này làm hết cả đời” - cậu nghĩ. Cầm cái búa, gõ nhẹ. Cây đinh quay sang bên kia. Nó xoay từ hông này qua hông nọ, như người sống vậy. Sergey gõ trượt, đập vào ngón tay...

Ông cố khịt mũi.

- Giữ búa nhẹ thôi!

Và Sergey, cắn môi để không khóc, cứ gõ và gõ... Khá lâu không được, nhưng bỗng nhiên lập tức tất cả mọi thứ cứ như tình cờ - những cây đinh trở nên ngoan ngoãn.

Khi công việc hoàn tất, cậu đặt cái hộp trở lại bàn thợ. Ông cố cầm nó rồi đặt vào thùng, dưới cái bàn thợ, rồi đứng thẳng lên và nói:

- Trong chuồng gà có hai tấm ván phải thay. Chúng ta đi nào, cháu giúp ông...

Mùa hè đó, Sergey cuối cùng cũng không làm bạn được với các anh chị em họ của mình. Cậu đi theo ông già và làm tất cả mọi việc cùng ông: việc mộc, việc nhà, ngoài trại nuôi ong...

Cuối hè, người ta chở trên xe ngựa về cho ông cố những tấm ván. Họ dỡ chúng xuống cạnh nhà kho. Ông cố ngắm nghía rất lâu, rên rỉ, lắc đầu. Sau đó, ông gọi Sergey đến giúp. Đầu tiên, ông già sửa tấm sắt của cái bàn bào rất lâu, rồi ông vuốt thẳng lưỡi cưa cũ và khi mọi đồ lề đã chuẩn bị xong, ông bắt tay vào việc... Không cần sự giúp đỡ của Seryozha nữa, nhưng ông cố không thả cho cậu đi, luôn ra lệnh... Ngay trước chuyến trở về của Seryozha công việc mới xong - đó là một cái thùng dài có nắp.

Anh họ Mitka vào ngày cuối cùng đã hỏi:

- Cậu sẽ dự đám tang chứ?

- Đám tang ai? - Seryozha ngạc nhiên.

- Thì ông cố sắp chết, chứ ông làm quan tài kia cho ai?

“À thế đấy, cái thùng gỗ đó là quan tài!”, cuối cùng Seryozha cũng hình dung ra.

Hôm sau, cha đến đưa Seryozha về. Ông cố chỉ cho cha xem cái quan tài trong nhà kho và cha khen gỗ rất tốt...

Mùa hè năm sau, Sergey lại về làng lần nữa. Nhưng mùa hè này mọi thứ đều khác. Cậu chơi với những anh em họ của mình, đi cùng chúng vào suối, vào rừng hái quả dại. Cậu chỉ ghé vào kho chứa có một lần - trên bàn thợ vẫn còn hộp đinh mà mùa hè đó cậu đã sửa. Nhưng ông cố đã không còn nữa.■

Phan Xuân Loan (dịch)

Lyudmila Ulitskaya
Lyudmila Ulitskaya

 

Bà Lyudmila Ulitskaya sinh năm 1943 ở Bashkiria (Liên bang Nga), tốt nghiệp khoa sinh Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU).

Bà làm việc được hai năm ở Viện Sinh học tổng quát thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô thì bị sa thải do in lại những tác phẩm bị cấm, hoặc chưa được kiểm duyệt (samizdat) thập niên 1970.

Từ đó, bà quyết định không làm việc trong khu vực nhà nước nữa. Bà làm quản lý văn học cho nhà hát, viết hồi ký, kịch bản thiếu nhi, dịch thơ Mông Cổ.

Bà bắt đầu in các truyện ngắn từ thập niên 1980, trở nên nổi tiếng sau khi các kịch bản của bà được quay thành các phim Các chị em Liberti (1990), Người phụ nữ cho mọi người (1991).

Sau khi tạp chí Thế Giới Mới in truyện vừa Sonechka (1992), năm 1994 quyển sách này trở thành cuốn sách dịch tốt nhất năm của Pháp và mang đến cho nữ tác giả giải thưởng danh giá Medici.

Bà là nữ tác giả Nga đầu tiên đoạt giải Sách Nga (2001), hai lần đoạt giải Sách lớn (2007, 2016). Từng chỉ trích Nga trong việc sáp nhập Crimea và trong cuộc bầu cử Đuma Nga năm 2016, bà Lyudmila Ulitskaya ủng hộ Đảng Yabloko đối lập.

Hiện nay, các tác phẩm của bà đã được dịch ra 25 thứ tiếng. Các nhà phê bình gọi sáng tác của bà Ulitskaya là “văn xuôi của các sắc thái”, nhấn mạnh “những biểu hiện tinh tế nhất của bản chất con người cùng những chi tiết của cuộc sống hằng ngày đã được viết bằng sự chăm sóc tối đa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận