Những game show thương nhớ với khán giả Việt

HOÀNG LÊ 10/07/2021 23:05 GMT+7

TTCT - Từ năm 2000, truyền hình Việt bùng nổ những game show làm theo format nước ngoài, tạo nên cơn sốt. Trong khi những game show “kinh điển” vẫn còn được sản xuất và phát sóng ở Mỹ, phiên bản Việt của chúng đã tạm biệt khán giả từ lâu.

 

Lý do khiến chúng “vắn số” (so với các phiên bản gốc bên Mỹ) đến từ sự thay đổi về sở thích, “khẩu vị” của cả người tham gia lẫn các đơn vị sản xuất.

Một phần ký ức

“Chiếc nón kỳ diệu” (dựa trên Wheel of fortune, có từ năm 1975) phát sóng liên tục trên VTV3 trong suốt 15 năm, từ 2001 đến 2016, tổng cộng 811 số. Chương trình có đến 5 MC lần lượt dẫn dắt là: Lại Văn Sâm, Long Vũ, Tuấn Tú, Danh Tùng, Đức Bảo.

Với nhiều khán giả, “Chiếc nón kỳ diệu” gắn liền với quãng đời của họ. Chị Lan Anh, nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết: “Tôi xem chương trình từ lúc còn cô bé đến trưởng thành. Có thể thấy, dù cách chơi khá đơn giản nhưng điểm thú vị của chương trình nằm ở những ô chữ bí ẩn và những vòng quay kỳ diệu. Khán giả vừa xem vừa có thể đoán được câu trả lời”.

Một game show khác cũng nổi tiếng không kém là “Hãy chọn giá đúng” (The Price is right) - phát sóng tập cuối cùng trên VTV năm 2020, sau hành trình dài đến 17 năm với 832 số. Chương trình được xem là sân chơi thuần túy bởi người chơi chỉ việc đoán giá các sản phẩm. Luật chơi đơn giản vì vậy ai cũng mong muốn được đứng trên sân khấu để được vui, được nhận giải, mang quà về nhà.

Nhắc đến game show gây thương nhớ không thể không nhắc đến “Chung sức”, phát sóng trên HTV7, từ năm 2004 và kết thúc năm 2016. Đây là chương trình phiên bản Việt của Family Feud (Mỹ) được ra mắt năm 1976. Những năm đầu tiên, người chơi đến từ cơ quan, công ty... các năm sau thì người chơi có thể tự lập thành đội và đăng ký tham gia. Năm 2013 đến 2014 game show này có phiên bản dành cho các em học sinh tiểu học.

Đặc biệt với “Ai là triệu phú” (mua bản quyền từ Who wants to be a milionaire?), VTV3 từ 2005 đến nay vẫn phát sóng. Người chơi trả lời 15 câu hỏi từ dễ đến khó. Mỗi câu hỏi có một mức tiền thưởng, tăng dần theo thứ tự... Nhà báo Lại Văn Sâm dẫn dắt chương trình trong suốt 13 năm liền (từ 2005 đến 2017). Sau Lại Văn Sâm là nhà báo Phan Đăng và Đinh Tiến Dũng.

“Rồng Vàng” được Đài truyền hình TP.HCM mua bản quyền từ trò chơi “Millionaire” của Công ty Katana - Thái Lan, có format tương tự Who want to be a milionaire? phát sóng trên HTV7 từ năm 2003 và kết thúc năm 2007, vỏn vẹn 4 năm phát sóng chứ không dài hơi như phiên bản trên VTV3.

Ngoài ra có thể kể “Đấu trường 100” (1 vs. 100) trên VTV3, phát sóng năm 2006 đến năm 2015 kết thúc. Đây được xem là game show có số người tham gia trực tiếp đông nhất tại Việt Nam: 100 người. MC Thái Tuấn dẫn dắt suốt trong thời gian phát sóng.

Không gì là mãi mãi

Là nhà sản xuất truyền hình lâu năm, bà Bích Liên, tham gia việc sản xuất game show từ những ngày đầu tiên, nhớ lại: “Bây giờ mua bản quyền game show dễ dàng rồi chứ thời đó khó khăn lắm. Chúng tôi phải đến tận nước đó để thị mục, xem thực tế, học hỏi. Bên bán cũng chưa an tâm, họ cử chuyên gia đến Việt Nam để theo dõi, hướng dẫn. Sân khấu làm xong phải gửi họ duyệt rồi mới được quay. Quay xong tập đầu, phải gửi họ duyệt mới được làm các số tiếp theo”.

Lý giải cho sự khó tính này, bà Bích Liên bảo: “ Truyền hình Việt Nam mình lúc đó chưa phát triển, đơn vị bán format chưa tin tưởng lắm. Họ khó vì sợ mình làm hỏng format của họ nên xét năng lực công ty mua rất kỹ rồi mới đồng ý bán cho ai. Điều này cũng đơn giản thôi vì format bán theo năm. Chương trình tồn tại càng lâu họ càng có tiền”.

Dù mỗi chương trình kể trên có quy tắc chơi khác nhau nhưng điểm chung của thời đó là đối tượng chơi mở rộng cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung vào nghệ sĩ như các game show đang phát sóng như hiện nay.

Vì thế mỗi lần tuyển sinh như một ngày hội, rất đông người dự thi. Như “Chung sức” dành cho mọi đối tượng, tuyển sinh khá đơn giản, chỉ cần dạn dĩ trước máy quay nên hot đến mức chỉ trong một đợt tuyển sinh năm 2004 có đến 700 đội đăng ký, nếu sử dụng hết các đội này thì quay được trong... 6 năm.

“Lúc đó game show với người Việt còn mới lắm nên ai cũng thích thú, muốn tham gia. Về sau mọi người không mê nữa nên tìm người chơi khó hơn. Như “Đấu trường 100” ban đầu thí sinh tự đăng ký. Sau đó, chúng tôi nhờ đến các đoàn hội, trường đại học... để có thí sinh. Chi phí sản xuất khá đắt”, bà Bích Liên nhớ lại.

Đó có lẽ cũng là một lý do để lý giải vì sao game show Việt đó tuổi thọ không được dài. Thậm chí có những game show nước ngoài vẫn sản xuất nhưng ở Việt Nam chỉ tồn tại được vài đến hơn chục năm.

Một người từng là nhà sản xuất game show thời kỳ đầu giấu tên cho biết: “Một phần do tính cách của người Việt cả thèm chóng chán. Một lý do khác là sau này nhiều nhà sản xuất chạy đua mua bản quyền. Thấy cái cũ đã quen thuộc trong khi cái mới đang xếp hàng chờ lên sóng, nhà đài chọn chương trình mới để dễ có quảng cáo hơn”.

Vị này cũng nhận định việc sử dụng các nghệ sĩ trong các game show gần đây cũng là cách để thu hút khán giả. Nhưng ở các nước, bên cạnh chương trình có nghệ sĩ tham gia, họ đều có phiên bản dành cho mọi đối tượng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận