Những góc khuất của một nhà tài phiệt bóng đá

HẢI MINH 12/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Uli Hoeness, chủ tịch CLB Bayern Munich đang làm mưa làm gió ở châu Âu, đứng trước nguy cơ ngồi tù vì tội trốn thuế.

Vụ việc cho thấy những khoảng tối trong cuộc đời một doanh nhân đã góp công lớn vào việc biến Bayern thành một đội bóng vĩ đại như bây giờ.

Phóng to
Uli Hoeness có thể sẽ không còn chỗ ở Allianz Arena vì tội trốn thuế - Ảnh: Reuters

Một bản tin đăng tuần trước trên tạp chí Focus nói Hoeness đang bị điều tra với tình nghi trốn thuế (lệnh bắt được hủy bỏ sau khi tiền bảo lãnh được nộp), đúng vào tuần lễ “điên loạn” nhất trong 113 năm lịch sử CLB: thắng Barcelona 4-0 ở lượt đi bán kết Champions League, chức vô địch Bundesliga, vụ chuyển nhượng Mario Goetze từ Borussia Dortmund, đề nghị mua nốt tiền đạo của Dortmund Robert Lewandowski.

Ân oán với nhà chức trách

Cách hành xử của Bayern trên thị trường chuyển nhượng phản ánh đúng tính cách của Hoeness: thành công bằng mọi giá và sẵn sàng hủy diệt đối thủ, như việc bỏ ra 37 triệu euro mua Mario Goetze.

Cho tới tuần trước, Hoeness vẫn là tấm gương của cả một cộng đồng và những chính trị gia. Giờ ông được so sánh với Margot Kassmann, người đứng đầu giáo hội Tin Lành Đức bị bắt khi lái xe say rượu hoặc Karl-Theodor zu Guttenberg, cựu bộ trưởng quốc phòng, được chờ đợi thay thế bà Merkel nhưng phải từ chức vì phát hiện bằng tiến sĩ giả.

Vụ việc mang hơi hướng chính trị khi Thủ tướng Đức Angela Merkel của Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Thống đốc Bavaria Horst Seehofer, thuộc đảng liên minh của CDU, Liên đoàn xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), đều thường xuyên nhận tư vấn từ Hoeness. “Lần đầu nghe những cáo buộc này, tôi nghĩ chuyện này không thể là sự thật” - Seehofer nói với Spiegel.

Từ khi tin tức được đưa lên báo, Hoeness nổi giận và tránh xa báo chí. Ông muốn biết ai đã lộ thông tin về việc ông tới trình diện nhà chức trách thuế, đúng vào thời điểm Bayern Munich sắp bước vào trận đấu lớn nhất trong nhiều thập niên qua: chung kết Champions League với kình địch Borussia Dortmund trên sân Wembley. Việc những đồng minh Merkel và Seehofer nhanh chóng tạo khoảng cách với Hoeness vì vụ bê bối cũng khiến ông thấy cay đắng (trước giờ ông đã luôn bảo vệ họ).

Thật ra còn nhiều khía cạnh trong vụ việc chưa được làm sáng tỏ. Câu chuyện bắt đầu năm 2000, Hoeness khi đó kết thân với Robert Louis-Dreyfus, trưởng ngành hàng thể thao của Adidas, thương hiệu cung cấp áo đấu cho Bayern Munich. Với hợp đồng Adidas - Bayern, Hoeness nhận 5 triệu mark (khoảng 3,35 triệu USD). Số tiền này được gửi vào tài khoản chứng khoán số hiệu 4028BEA ở Vontobel, một ngân hàng ở Zurich (Thụy Sĩ) nổi tiếng vì sự bí mật.

Vontobel sau đó đã cho Hoeness vay 15 triệu mark mà Louis-Dreyfus đứng ra bảo lãnh. Báo chí nói có lẽ Hoeness đã dùng số tiền này vào một canh bạc lớn: mua cổ phiếu và kinh doanh ngoại hối. Trong khi tất cả những điều đó đều hợp pháp, không đóng thuế từ phần lãi lại là phạm pháp.

Theo Spiegel, đầu tháng 1 năm nay Ngân hàng Vontobel gọi điện cho Hoeness nói có người từ tạp chí Stern của Đức đang thu thập tư liệu về ông để viết bài: “Có người đang hỏi những câu hỏi ngu ngốc, chỉ báo để ông biết thôi”. Hoeness nổi nóng và yêu cầu kế toán tư vấn thuế của ông, Guenter Ache, 65 tuổi, viết một tuyên bố tự nguyện về các trách nhiệm thuế gửi cho nhà chức trách.

Lá thư gửi tới văn phòng thuế quốc gia ở thị trấn miền nam Đức Miesbach ngày 12-1. Tuyên bố tự nguyện trách nhiệm thuế là một động thái nhiều rủi ro do chỉ cần một lỗi sai, việc bị truy tố là khó tránh khỏi.

Thật không may, tuyên bố của Hoeness quá nhiều lỗi và được khẳng định là không đủ. Hồ sơ được chuyển sang văn phòng công tố Munich và điều tra được mở ngày 1-2. Giữa tháng 3, căn biệt thự của ông bên hồ Tegernsee bị lục soát, kèm theo một lệnh tạm giam. Hoeness đã đóng 5 triệu euro tiền bảo lãnh để được tại ngoại và tới giờ vẫn tự do.

Các công tố viên tính toán Hoeness nợ số thuế tổng cộng 3,2 triệu euro, nhưng Spiegel dẫn các nguồn trong nhánh tư pháp nói những điều tra viên đặc biệt mạnh tay vụ này vì họ có nhiều ân oán với Hoeness. Tháng 9-2011, trong tình trạng say xỉn, cầu thủ người Brazil Berno (21 tuổi) đốt cháy căn biệt thự thuê ở khu ngoại ô Gruenwald giàu có của thành phố Munich và bị bắt giữ. Hoeness lên báo rủa xả nhà chức trách đã ra lệnh bắt một thanh niên hoàn toàn tuyệt vọng.

Hoeness còn có thể bị kết tội nhận hối lộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao Louis-Dreyfus cho ông hàng triệu euro để cá cược trên các thị trường chứng khoán và ngoại hối? Liệu nó có liên quan gì tới hợp đồng Adidas - Munich? Thỏa thuận giữa hai phía được gia hạn vào tháng 8-2001, dù Hãng Nike kình địch khẳng định sẽ trả khoản tiền lớn hơn nhiều để cung cấp áo đấu cho Bayern.

Nhà tư bản trước khi là cầu thủ

Cha mẹ Hoeness có một cửa hàng thịt tại Ulm, ở bang miền nam Đức Baden-Wuerttemberg. Ngay từ thời trẻ, ông đã không chấp nhận cuộc sống khiêm nhường đó. Bóng đá là con đường khả dĩ nhất với một thanh niên không có nhiều cơ hội. “Tôi là người hết sức tham vọng, đôi khi đến tuyệt vọng” - Hoeness từng nhận xét về chính ông.

Có những tài năng lớn hơn ông trong thời hoàng kim của bóng đá Đức cuối những năm 1960 đầu 1970, nhưng không ai có quyết tâm sắt đá như Hoeness. Ông dậy lúc 5g30 mỗi sáng, chạy bộ đến trường. Trên sân bóng trường học, ông không chịu đá cùng đội với người em Dieter vì sợ sẽ ảnh hưởng tới cơ hội chiến thắng (Dieter Hoeness sau này cũng là một tiền đạo thành công và có khoác áo Bayern Munich).

Thua cuộc đối với Hoeness là sự xúc phạm. Năm 15 tuổi, ông nói với một đồng đội ở TSG Ulm: “Những người khác đang uống bia, còn chúng ta một ngày nào đó sẽ chơi cho Bayern Munich”. Ba năm sau, ông làm được điều đó, chơi bóng cạnh Franz Beckenbauer và Gerd Mueller. Năm 20 tuổi, Hoeness cùng Bayern vô địch Cúp C1. 22 tuổi ông có mặt trong đội hình tuyển Tây Đức vô địch thế giới năm 1974.

Sau World Cup 1974, Hoeness bán 300.000 cuốn tự truyện chỉ trong vài tháng, đích thân ký từng cuốn một! Ông cũng bán thông tin đám cưới của mình cho truyền thông lấy 75.000 mark, quảng cáo cho một nhãn hiệu đồ lót trong tư thế gần như khỏa thân, cho du khách thuê một nửa căn hộ của mình và cả nấu ăn cho họ. Nói chung, Hoeness là một nhà tư bản trước khi là một cầu thủ.

Năm 27 tuổi, vì một chấn thương Hoeness từ giã sự nghiệp, trở thành tổng giám đốc Bayern Munich. CLB lúc đó, năm 1979, nợ 7 triệu mark và những ngày hoàng kim đã qua (Beckenbauer đang ở Mỹ, còn Mueller sắp tiếp bước). Nhưng Hoeness vẫn vững tin ông sẽ xây dựng từ đó “một Real Madrid mới”.

Chính sách của Hoeness rất đơn giản: hút máu đối thủ, mua những cầu thủ giỏi nhất từ các đội bóng đối địch. Lần lượt Michael Sternkopf, Oliver Kreuzer, Mehmet Scholl, Oliver Kahn, Thorsten Fink rồi Michael Tarnat chuyển tới Bayern. Thành công trên sân cỏ mang tới tiền bạc: hợp đồng bản quyền truyền hình với Tập đoàn truyền thông Kirch mang về 15 triệu euro/năm trong ba năm từ năm 1999, để rồi tăng lên 40 triệu euro/năm từ năm 2003.

Đội bóng lúc nào cũng có 100 triệu euro tiền mặt trong ngân hàng với tỉ lệ sở hữu rất vững chắc: 80% thuộc về cổ động viên, Adidas và Audi mỗi hãng sở hữu 9%. Điều đó giúp Bayern không bao giờ phụ thuộc vào một cá nhân nào như Chelsea hay Manchester City.

Cách hành xử của Bayern trên thị trường chuyển nhượng phản ánh đúng tính cách của Hoeness: thành công bằng mọi giá và sẵn sàng hủy diệt đối thủ, như việc bỏ ra 37 triệu euro mua Mario Goetze. Tệ hơn, chính ông rất có thể là người đã tiết lộ tin tức về vụ chuyển nhượng ngay trước trận đấu quan trọng của Dortmund ở bán kết lượt về gặp Real Madrid. Tin đồn từ Dortmund nói Hoeness muốn tránh viễn cảnh tồi tệ rằng Dortmund sẽ vô địch châu Âu sau khi đánh bại chính Bayern.

“Ông ấy muốn hủy diệt chúng tôi” - một lãnh đạo giấu tên ở Dortmund nói.

Nhưng giờ đây có thể Hoeness sẽ không còn chỗ ở Allianz Arena. Nhiều người cho rằng đã đến lúc Beckenbauer trở lại, sau khi nhà quản lý có quan điểm xã hội và hòa hoãn hơn này đã nhường chỗ cho Hoeness năm 2009. Bayern đang ở đỉnh cao nên cần một gương mặt ít điều tiếng hơn. Hoeness có lẽ đã xong nhiệm vụ lịch sử của mình, với bản án trốn thuế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận