Những kiệt tác vẽ giữa đại dịch

MAI HƯƠNG 26/03/2020 03:03 GMT+7

Khi bệnh dịch càn quét khắp nơi, các danh họa vẫn vẽ lên canvas những tác phẩm đầy sống động, mà hàng trăm năm sau, hậu thế xem tranh vẫn có thể thấy từng cơn hấp hối và nghe từng lời nguyện cầu của bao người trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại.

Các thành phố châu Âu đã nhiều lần phải hứng chịu những trận dịch bệnh làm chết 10-50% dân số. Và rất nhiều tên tuổi của nền hội họa thế giới bị những cơn dịch bệnh ám ảnh. 

Nhưng những bức tranh vẽ giữa đại dịch đầy tài hoa của họ không chỉ tái hiện một cách sống động cảnh hoảng loạn, chết chóc, mà giữa tuyệt vọng và đau đớn, các tác phẩm ấy vẫn cho thấy đức tin và tình yêu của con người.

 

 "Pietà", sơn dầu trên canvas, kích thước 389×351cm, do Titian vẽ vào khoảng năm 1575-1576 

Lòng thương (khoảng năm 1575-1576)
Trong bức Pietà (Lòng thương), Titian (1488/1490-1576) đã đưa chính mình vào hình ảnh một ông già đang phủ phục trước Đức Mẹ và thi thể Chúa Jesus. 

Ở góc dưới bên phải của bức tranh, họa sĩ khéo léo vẽ thêm một khung tranh nguyện, một vật trang trí thường thấy trong các nhà thờ đương thời. Chi tiết này có hình bóng của cả Titian và con trai Orazio đang quỳ. 
Nó nhấn mạnh thông điệp đơn giản mà họa sĩ truyền tải trong toàn bộ tác phẩm: Để sống sót qua trận dịch, một ông già đã khấn nguyện cho bản thân và con trai. Vào cái thời người ta không biết bệnh dịch đến từ đâu và làm thế nào để chữa trị, việc mà tất cả - từ những người nông dân bần hàn đến những vị văn sĩ và quý tộc - có thể làm là cầu nguyện. 
Nhưng điều đó không cứu được Titian. Ông và con trai đều chết năm 1576, trong một trận dịch kinh hoàng tàn phá thành Venice bằng một loại bệnh mà sau này hậu thế mới xác định được là dịch hạch. 
 

 "The seven works of mercy", sơn dầu trên canvas, kích thước 390x260cm, Caravaggio vẽ năm 1607.

Bảy hành động nhân từ (năm 1607)

Các nhà thờ Công giáo thường treo bảy bức tranh chỉ ra các việc mà tín đồ nên lưu tâm thực hiện để giúp đỡ kẻ khó. Nhưng nhà thờ Pio Monte della Misericordia ở Napoli chỉ treo có một bức. 

Đó là một tác phẩm do Caravaggio (1571-1610) thực hiện, thường được biết đến với tên The seven works of mercy, vẽ bảy hành động với sự sắp đặt khéo léo cho thấy rõ những gì mà đương thời người ta thường được nhắc nhở phải làm cho người khác: cho người đói ăn, cho người vô gia cư chỗ nương náu, cho người không áo quần thứ để mặc, cho người khác nước uống, thăm nom tù nhân, chăm sóc người ốm, và chôn cất người chết. 

Vẽ giữa thời tử khí bốc lên khắp nơi ở Napoli, Caravaggio tinh tế che đi cảnh thương tâm trong lời dạy thứ bảy, chỉ để lại một chi tiết nhỏ thể hiện sự chết chóc: một đôi bàn chân lộ ra dưới lớp vải liệm, khi hai người đàn ông đến đưa thi thể đi chôn.

 

 "Saint Sebastian", sơn dầu trên canvas, kích thước 101x117cm, Gerrit van Honthorst vẽ khoảng năm 1623.

Thánh Sebastian (khoảng năm 1623)

Vì theo Thiên Chúa giáo, người lính La Mã tên là Sebastian bị tra tấn bằng bắn tên ở tầm gần. Nhưng cực hình không giết chết được Sebastian, anh vượt qua được cơn nguy kịch và bình phục một cách thần kỳ, rồi từ đó được tôn là một vị thánh bảo vệ con người trước những cơn dịch bệnh. 

Gerrit van Honthorst (1592-1656) đã vẽ Thánh Sebastian (Saint Sebastian) khi quê nhà Utrecht của ông ở Hà Lan bị bệnh dịch hạch tấn công vào những năm 1620. 

Chỗ những mũi tên đâm vào Sebastian chính là những chỗ mà cơ thể con người thường nổi những hạch viêm khi nhiễm bệnh dịch hạch. Sắc da trắng xanh của nhân vật nổi bật giữa một bối cảnh tối sẫm và những chi tiết của màn hành hình đầy dã man được mô tả sống động là những gì Honthorst ảnh hưởng từ bậc thầy Caravaggio. 

Nhưng ẩn trong sự mô tả nỗi thống khổ của vị thánh là một thông điệp đầy khích lệ rằng hãy như Sebastian, hãy sống sót thần kỳ qua cơn nguy nan.

 Bức tranh "L'Umana Fragilita" (Sự yếu hèn của loài người) sơn dầu trên canvas, kích thước 197x131cm, Salvator Rosa vẽ năm 1656.

Sự yếu hèn của loài người (1656)

Người ta cho rằng ít nhất một nửa số người ở thành phố Napoli - khoảng hơn 200.000 người - đã chết vì bệnh dịch hạch vào năm 1656.

 Được vẽ từ tâm dịch, bức Human Frailty (Sự yếu hèn của loài người) của Salvator Rosa (1615-1673) ban đầu thu hút người xem vào hình ảnh lấp lánh ánh sáng của ba đứa trẻ kháu khỉnh chơi đùa bên một người phụ nữ xinh đẹp, nhưng rồi lại mang đến sự sợ hãi với hình ảnh Thần chết hiện ra từ bóng tối trong hình dạng một bộ xương đen vươn đôi cánh xơ xác lông đầy gớm ghiếc ra bao trùm lên mọi thứ. 

Sự tàn nhẫn của bệnh dịch được thể hiện lên đến đỉnh điểm trong một chi tiết đầy nhức nhối: đứa bé sơ sinh viết bản thỏa thuận trước Thần chết thừa nhận rằng sự tồn tại của kiếp người là khốn khổ và ngắn ngủi. 

Rosa sống sót qua trận dịch, nhưng con trai nhỏ của ông, Rosaldo, thì không. Đó chính là đứa trẻ viết thỏa thuận với Thần chết mà ông đã vẽ trong bức tranh. Ngoài con trai, trận dịch còn cướp đi của họa sĩ một anh trai và cả gia đình chị gái gồm bảy người.

 "The Virgin appears to the plague victims", sơn dầu trên canvas, kích thước 555x335cm, Antonio Zanchi vẽ năm 1666.

Đức Mẹ hiện ra trước nạn nhân của bệnh dịch hạch (1666) Trên một bức tường lớn của tòa nhà Scuola Grande di San Rocco ở Venice, họa sĩ Antonio Zanchi (1631-1722) đã vẽ lại cảnh bệnh tật lan tràn khắp thành phố này vào năm 1630 trong bức The Virgin appears to the plague victims (Đức mẹ hiệnra trước nạn nhân của bệnh dịch hạch).
 Không tận mắt chứng kiến trận đại dịch, nhưng trong công trình được xây dựng để tôn vinh vị thánh chống dịch San Rocco, họa sĩ vẫn tài tình thể hiện được một bức tranh toàn cảnh về giai đoạn ảm đạm nhất của Venice. 
Giữa la liệt xác chết nằm trên thành cầu và dưới những con thuyền, trước bao người đang hấp hối trên giường bệnh, và dưới bóng của các ác thần cánh đen quần vũ khắp trời, đức tin của con người vào cuộc sống và những đấng linh thiêng vẫn tồn tại trong hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Trời hiện ra trên cao xanh giữa những đứa trẻ thơ dại. Trong chết chóc, người ta vẫn luôn tin rằng sẽ có những phép mầu chữa lành bệnh tật và những đứa trẻ vẫn sẽ được sinh ra để cuộc sống được tiếp diễn trên trần gian.
 

 "The Family", sơn dầu trên canvas, kích thước 152×162cm, Egon Schiele vẽ năm 1918.

Gia đình thời bệnh dịch(1918)

Lý do của sự thiếu vắng những bức tranh về đại dịch trong giai đoạn thế kỷ 18-19 đơn giản là vì… không có dịch lớn. Nhưng đau thương đã trở lại vào những năm đầu thế kỷ 20 trong một trận dịch đến nay vẫn còn khiến thế giới hiện đại sợ hãi: cúm Tây Ban Nha.

Giữa những tháng ngày đầy chết chóc đó, họa sĩ người Áo Egon Schiele (1890-1918) cầm cọ vẽ một bức tranh ban đầu có tên là Squatting Couple (Cặp đôi ngồi xổm), nhưng sau này thường được biết đến với tên The Family (Gia đình). 

Không còn những đường cơ vặn xoắn với những tư thế kỳ dị như trong những bức vẽ người đầy ấn tượng trước đây, Schiele họa chính gia đình mình trong tư thế tay chân duỗi giãn, tư thế của sự ngừng chống chọi, sự buông xuôi.

Schiele chết vào ngày 31-10-1918 khi chưa hoàn thành tác phẩm này, trước đó ba ngày vợ ông đã chết với thai nhi 6 tháng tuổi trong bụng. Đứa con trong bức The Family là mong ước của Schiele, được vẽ với hình mẫu từ một cháu trai của ông. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận