Những ngã rẽ nội tâm

TRẦN QUỐC TÂN 06/12/2013 02:12 GMT+7

TTCT - Một nhà văn lớn như William Faulkner để lại di sản gì, nhất là khi ông vẫn thường thách thức độc giả bằng những dòng độc thoại thao thao bất tuyệt?

Phóng to
Cả hai tác phẩm Chết ở VeniceThời khắc đều được chuyển thể thành phim rất thành công

Có hai thái cực khi nghĩ về Faulkner. Ông hoặc phải là một lão già nhăn nheo, cau có với vẻ hợm hĩnh đầy âm khí như Salvador Dalí, hoặc là gã bảnh bao sôi nổi mang điệu cười nửa miệng với những tác phẩm không giấu sự mỉa mai như Pablo Picasso.

Ở hai phong cách khác biệt ấy, ta thấy có điểm chung là sự bất tuân theo cảm thức chung, mà chinh phục người xem bằng cảm xúc cao trào của người nghệ sĩ. Giống như khi đẩy nội tâm đến cùng cực, ta sẽ có hai vòng xoáy ngược chiều không cắt nhau của cùng một hình trôn ốc.

Ngòi bút của Faulkner thực khắc nghiệt, ông tạo ra hai dạng cảm xúc theo một lược đồ như thế. Một bức tranh u tối với tông màu lạnh lẽo, rùng mình trong Âm thanh và cuồng nộ (nguyên tác The sound and the furry, bản dịch của Phan Đan và Phan Linh Lan, Bách Việt & NXB Văn Học) toát lên sự vô vọng và bất lực của phận người, ở đó mỗi nhân vật bị giam hãm, bỏ rơi, khóa chặt vào cái cùm bản năng.

Còn với Nắng tháng tám (nguyên tác Light in August, bản dịch của Quế Sơn, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn) người đọc cảm nhận rõ sức nóng, tính gấp gáp của cuộc rượt đuổi, sự sinh động của những xung đột về màu da và thân phận.

Một bên, Faulkner dùng bi kịch nội tâm khoét sâu sự mục ruỗng đè nén con người trong khung thời gian giãn nở, xuyên suốt gia đình ba thế hệ. Bên kia, ông dùng tính hài hước của Chúa đẩy nhân vật vào cuộc xê dịch chỉ trong vài ngày tháng tám và kết luận con người sau rốt vẫn còn hi vọng.

Nắng tháng tám kể hành trình của nàng Lena Grove bụng mang dạ chửa đi bộ suốt quãng đường dài từ Alabama đến Jefferson tìm cha của đứa bé, Lucas Burch.

Biến cố nhà cháy và vụ giết người sẽ mở ra mối quan hệ đan cài giữa nhiều nhân vật: Byron, người đàn ông chân chính giúp Lena vô điều kiện; Christmas, gã ma cô bán rượu lậu mập mờ giữa thân thế da trắng và da đen, trở thành tình nhân của Burden, nạn nhân vụ hỏa hoạn; cha Hightower, một mục sư thu mình vào cô độc; và Joe Brown, nhân dạng khác của Lucas Burch.

Trong khi cuộc truy lùng kẻ sát nhân là biểu tượng về sự săn đuổi của quỷ dữ, hành trình cơ cực nhưng luôn nhận được giúp đỡ của Lena lại là điểm sáng về tính hướng thiện của con người.

Cũng để nhân vật bị quỷ dữ ám ảnh như cách Dostoievsky trong Tội ác và trừng phạt, nhưng Faulkner cho nhân vật một lối thoát (một hàm ý về tính hài của tác phẩm). Hình ảnh Lena lê bước vào một ngày nắng tháng tám sẽ trở thành nguồn gốc hòa giải những mối xung khắc trong tác phẩm: sự phân biệt đối xử với người da đen, nỗi cuồng tín đối lập với sự báng bổ tôn giáo, việc bám trụ một vùng đất và cuộc sống tha hương...

Sự hòa giải ấy sẽ dần hé mở qua những cuộc trò chuyện của mục sư Hightower và Byron, nhưng phần lớn dưới hình thức độc thoại nội tâm, như thể những lời thì thầm trước đấng tối cao.

Chọn một cách viết cũng là cách chân nhận một cuộc đời. Hai tác phẩm của Faulkner là hai ngã rẽ, hai lựa chọn. Ông truy đuổi cõi nội tâm đến cùng bằng tác phẩm của mình. Hãy thử soi rọi những trường hợp cùng dùng dòng ý thức nhưng đi theo hai hướng khác nhau.

Thời khắc (nguyên tác The hours, Lê Đình Chi dịch, Bách Việt & NXB Văn Học) của Michael Cunningham, con đường nội tâm vô vọng và bất lực. Còn ở Chết ở Venice (Nguyễn Hồng Vân dịch, NXB Văn Học), Thomas Mann mô tả một ẩn ức trụy lạc dưới điệu cười mỉa mai.

Phóng to

Phóng to
William Faulkner

Giọng kể trong Thời khắc, mang lại giải Pulitzer cho tác giả và bộ phim chuyển thể gây tiếng vang, cho thấy cuộc trò chuyện nội tâm có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Truyện xoay quanh ba người phụ nữ ở ba thế hệ khác nhau: nhà văn Virginia Woolf khi đang viết tác phẩm Mrs. Dalloway; cô Brown, một người đọc cuốn tiểu thuyết ấy; và Clarissa Vaughan, một người đồng tính nữ chuẩn bị ăn mừng giải thưởng thơ ca mà Richard bạn bà, người chết dần chết mòn vì AIDS, vừa đạt được.

Chống đỡ cho cuộc đời bấp bênh của các nhân vật là cái khung xập xệ, mất phương hướng của hôn nhân, của ốm bệnh, của tâm hồn phụ nữ nhạy cảm.

Tác giả xử lý dòng nội tâm ra sao? Ở chương về Clarissa, trong sự cô độc và nỗi ám ảnh trước bóng ma tuổi tác, bà cảm nhận “dòng cảm xúc tiếp tục trôi đi [...] giống như một đoàn tàu dừng bánh ở một ga xép tỉnh lẻ, đỗ lại một lúc và sau đó tiếp tục lăn bánh” (tr.127).

Hay như chương về Brown, trong khao khát đi tìm tự do và sự trấn an trước thực tại, cô đã nghĩ về hạnh phúc như cái thời khắc đứa trẻ tìm được sự cân bằng trên chiếc xe đạp. Thực tại cũng bấp bênh như bản tính người phụ nữ. Cuộc đời của ba nhân vật như là biểu tượng của phế tích, đẩy dòng nội tâm vào vô vọng.

Cunningham chịu ảnh hưởng từ cách kể chuyện “dòng ý thức” của Virginia Woolf. Ông vận hành tỉ mỉ, áp dụng nhạc tính và nhịp điệu vào từng câu chữ. Cũng như Woolf, Cunningham soi rọi và tìm kiếm giá trị nền tảng trong những thứ nhỏ nhặt.

Chính những điều đang ôm ấp cuộc sống thường ngày cũng là tác nhân gặm nhấm ghê gớm nhất: gia đình, giấc mơ, niềm hi vọng, sự nỗ lực và nhất là thời gian. Sự kỳ vọng có thể đưa ta vượt qua được trắc trở, nhưng “sau những thời khắc như thế, tất yếu sẽ phải tới những thời khắc khác, tối tăm và khó khăn hơn nhiều” (tr.309).

Không chọn cách bi kịch, Chết ở Venice là cách tác giả giễu chính mình. Thực tế là trong một tuần ghé Venice cùng vợ năm 1911, Thomas Mann bị một cậu bé Ba Lan xinh xắn cuốn hút và trải nghiệm ấy là nguồn cảm hứng cho tác phẩm, như sau này ông thú nhận trong bức thư gửi nhà soạn nhạc Carl Maria Weber. Tác giả trở thành nguyên mẫu của nhân vật chính - nhà văn Gustav von Aschenbach.

Trong chuyến đi đến Venice, ông ta bị ám ảnh bởi cậu bé Tadzio với vẻ đẹp rạng ngời thánh thiện. Ông bận trang phục trẻ trung tươi tắn, ông đeo đá quý và xức nước hoa, ông tốn thời gian chải chuốt cầu kỳ chỉ để thu hút sự chú ý của cậu. Ngay cả khi cơn dịch thổ tả tràn tới thành phố, Aschenbach cũng đắn đo không muốn cảnh báo vì sợ cậu sẽ rời khỏi.

Ban đầu, niềm đam mê của Aschenbach chỉ mang tính thẩm mỹ (ngay cái nhìn đầu tiên, vẻ đẹp hoàn mỹ của Tadzio làm ông nhớ đến những tượng điêu khắc Hi Lạp), càng ngày nét đẹp ấy càng thổi bùng lửa nhiệt dồn nén trong ông. Aschenbach đặt lòng say mê nằm trên dòng suy tưởng, vượt trên cả nhận thức.

Sức mạnh bản năng vượt ngoài tầm kiểm soát của ông. Ông dễ dàng rơi vào khủng hoảng “trung niên”, như cách nhà tâm lý học Carl Jung mô tả, trong đó những khía cạnh bị chôn vùi của cái tôi khiến sự hiện hữu của họ rơi vào những giấc mơ kỳ vĩ, những cơn ảo hóa liêu diêu và vỡ bùng cảm xúc.

Ba tác phẩm đều đã có bản dịch tiếng Việt và không thu hút nhiều sự chú ý. Bản thân nguyên tác đã nặng về ngôn ngữ nội tâm, bản dịch sang một ngôn ngữ khác khó mà truyền tải hết những đứt gãy, khúc khuỷu khi nhà văn cố tình phá vỡ các quy chuẩn từ ngữ (chẳng hạn việc sử dụng phức tạp các thì trong Chết ở Venice, hay cách dùng những từ ghép dính liền nhau ở Nắng tháng tám), sự pha trộn giữa ấn tượng và nhận thức của nhân vật kể chuyện.

Nhất là những cuộc độc thoại thì không phải người đọc nào cũng trụ lại được. Nó quá khắc nghiệt và mệt mỏi.

Người ta quen đánh giá những tác phẩm nội tâm là cái gì đó gần với sự nặng nề, ỉ ôi, than vãn, thứ mà người đọc thời hiện đại sẵn sàng buông bỏ vì họ đã lãnh quá đủ. Thế giới đang phẳng đi và truyền thông xã hội khiến cho những giãi bày, than van vô nghĩa xuất hiện với mật độ ngày càng dày.

Nhưng những tác phẩm ấy sẽ vẫn đứng vững với thời gian, vì dòng nội tâm là “bệnh lý” chung của người nghệ sĩ bất kể thời đại nào. Họ chẳng màng gì đến thế giới, chẳng có nhu cầu giành giật với ai, chỉ sống trong cõi độc thoại của riêng mình. Kẻ ác miệng gọi đó là căn bệnh “phản xã hội,” còn độc giả trung thành gọi đó là một di sản văn chương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận