Những người chuyển tiếp thông điệp của tiền nhân

NGUYỄN QUANG THIỀU 05/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Tôi nhận thấy tinh thần của những bài thơ trong tuyển thơ này, những bài thơ viết cách đây hàng trăm năm, của quá khứ, nhưng lại thuộc về hiện tại và thuộc về tương lai. Bởi tinh thần của những bài thơ ấy là câu trả lời xác thực cho hạnh phúc.

Đó là điều tôi muốn nói về Tuyển thơ Thiền Lê - Nguyễn (*) do nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung chủ biên cùng sự cộng tác đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ, dịch giả người Mỹ Sam Hamill.

Tập thơ Thiền Lê - Nguyễn
Tập thơ Thiền Lê - Nguyễn

Khi nhìn thấy cuốn sách đó trên bàn làm việc của tôi, một bạn viết trẻ xem lướt qua và hỏi: “Bây giờ cũng có người đọc thơ này hả chú? Cháu nghĩ cũ quá rồi!’’.

Câu hỏi của bạn viết trẻ đó là chân thành vì nó cho chúng ta thấy hiện thực của đời sống đương đại. Nhưng cũng chính câu hỏi của bạn trẻ ấy lại chứa trong đó câu trả lời gián tiếp về ý nghĩa của tập thơ.

Con người trong thời đại hậu công nghiệp này đang đi lạc trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc của mình, và tinh thần của những bài thơ trong tập thơ này chính là con đường để con người tìm thấy hạnh phúc. Đó là sự thanh thản trong tâm hồn.

Hiện thực cho thấy chưa bao giờ con người lại phải đối mặt với vô cảm, bất trắc, sợ hãi, hận thù nhiều như bây giờ, dù con người đang sống trong một thế giới chất đầy của cải và các điều kiện sống siêu thuận lợi. Kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu trong hàng chục năm nay cho thấy: những quốc gia có đời sống vật chất trung bình lại là những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất.

Và thế, vật chất ở mọi khía cạnh không phải là yếu tố đầu tiên quyết định hạnh phúc của một cá nhân hay của một quốc gia. Chỉ khi tinh thần được giải phóng và tìm được sự cân bằng thì con người mới chạm vào hạnh phúc đích thực.

Bởi thế, tôi nhận thấy tinh thần của những bài thơ trong tuyển thơ này, những bài thơ viết cách đây hàng trăm năm, của quá khứ, nhưng lại thuộc về hiện tại và thuộc về tương lai. Bởi tinh thần của những bài thơ ấy là câu trả lời xác thực cho hạnh phúc.

Hiện thực lại cho thấy một điều khác nữa rằng mỗi ngày, nhà thờ, chùa chiền… được xây dựng nhiều hơn, con người (cả người giàu, kẻ nghèo, người uy quyền, kẻ vô danh) đến nhà thờ, chùa chiền cũng ngày một nhiều hơn. Mục đích của hầu hết những “chuyến đi” ấy là tìm sự bình an trong lòng họ. Bạn viết trẻ kia, có thể nói là một đại diện cho con người đương đại, đang nỗ lực kiếm tìm một cách chính đáng những giá trị của họ. Nhưng đến một ngày, tôi tin, họ sẽ nhận ra họ có rất nhiều thứ ngoại trừ sự bình an tâm hồn - điều duy nhất quyết định hạnh phúc của họ. Lúc đó, họ sẽ thấy tinh thần sống của những bài thơ viết cách đây hàng trăm năm, hàng ngàn năm là biển chỉ đường cho họ đi tới hạnh phúc.

Những người thực hiện cuốn sách này đã làm việc với một nỗ lực không mệt mỏi. Nhiều năm trước, nhà thơ Nguyễn Duy; nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và nhà thơ, dịch giả người Mỹ Kevin Bowen đã cho ra mắt Tuyển thơ Thiền Lý - Trần. Và Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Duy tiếp tục con đường ấy cùng nhà thơ, dịch giả người Mỹ Sam Hamill (ông mất cách đây một năm).

Những con người thực hiện hai tuyển thơ Thiền này là những người sống trong thời hiện đại và ở một quốc gia hiện đại nhất thế giới. Nhưng họ đã nhận ra (giác ngộ) con đường đi tới hạnh phúc. Nhiều người Việt Nam đã gặp, đã làm việc với Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung, gọi họ là “bồ tát” bởi chính quan niệm và hành động sống của họ.

Gần nửa thế kỷ sống ở nước Mỹ, nhưng càng ngày Nguyễn Bá Chung càng thuần Việt. Vợ chồng nhà thơ Kevin Bowen theo đạo Phật. Những buổi tối ở trong nhà Kevin, tôi thường tĩnh lại để nghe tiếng tụng kinh của chị Leslie, vợ nhà thơ Kevin.

Sam Hamill là một người thấu hiểu văn hóa phương Đông và Phật giáo. Ông là nhà thơ Mỹ hiện đại, người đã khởi xướng phong trào “Các nhà thơ chống chiến tranh” (The Poets Against War movement) nổi tiếng. Ông sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng lại sống một cuộc sống thường nhật trong tinh thần Thiền phương Đông. Còn nhà thơ Nguyễn Duy từ mấy chục năm trước đã viết: Ánh trăng im phăng phắc / Đủ cho ta giật mình. Hai câu thơ đó là hai câu thơ Thiền của thời hiện đại.

Những người làm tuyển thơ Thiền Việt Nam không phải làm một công trình văn học đơn thuần nhằm tồn giữ và giới thiệu một di sản của thơ ca, của minh triết Việt. Hơn ai hết, họ là những người đã sống qua bao thăng trầm, được mất của cuộc đời, nhận ra hạnh phúc đích thực là gì và từ ấy chọn thi ca (thơ Thiền) để chuyển tiếp thông điệp của tiền nhân tới con người của tương lai. ■

(*) NXB Hội Nhà Văn, 2019.

Ảnh: shutterstock.com

“Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa nước ta lan tỏa ra thế giới, nhất là dưới ảnh hưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và văn hóa thế giới cũng du nhập mạnh mẽ vào nước ta. Thiền đã được thế giới chấp nhận và có mặt trong mọi lãnh vực văn hóa, khoa học, tâm lý, y tế, thể dục, âm nhạc, thi ca…. Alan Watts trong tác phẩm Con đường Thiền quán (The Way of Zen) đã viết Thiền là “một trong những món quà quý giá nhất của Á châu tặng cho thế giới”. Vì thế thơ Thiền, nhất là Thiền tông Việt Nam, có thể trở thành gạch nối văn hóa giữa Việt Nam và toàn cầu.

Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam. Nó đã song hành với lịch sử dân tộc trên một ngàn năm, góp phần làm giàu nền văn hóa đó, trở thành mạch sống của dân tộc. Thiền giúp ta, qua lời thầy Nhất Hạnh, “đạt đến trình độ tự chủ và tự tại hoàn toàn đối với bản thân và hoàn cảnh, một người có đầy đủ đại hùng đại lực, coi thường được tất cả mọi thăng trầm và khổ vui của cuộc đời và vượt lên trên những thăng trầm và khổ vui ấy.”

Tuyển tập Thơ Thiền Lê - Nguyễn hi vọng là một đóng góp nhỏ bé trong cuộc hành trình đó”.

Dịch giả NGUYỄN BÁ CHUNG

Thơ Thiền, dù ở Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Hoa, không phải là chỉ của các thiền sư. Có hai mùi vị trong thơ Thiền: một là để nói lên chứng đắc của mình, như một số bài thơ của các thiền sư; hai là để diễn tả cảm giác đượm chất tâm linh như phần đông thi tứ của các thi hào. Cảnh chùa thường gợi lên thi tứ như thế nên trong tuyển tập của Nguyễn Duy, nhiều bài thơ được làm khi các nhà thơ viếng chùa. Người đọc giật mình khi thấy trong số các nhà thơ đó có cả bà chúa của “cõi tục” là Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương cũng làm thơ Thiền? Thì hãy xem bà leo lên núi Đông Sơn. Bà thấy gì ngoài mây khói sông nước và cò trắng?

Ngộ đạo cao tăng huề tích khứ

Hiển thân cổ Phật đáo kim truyền

Đăng lâm độc bộ cao sơn thượng

Thừa hứng lâm lưu nguyệt mãn thuyền

Nguyễn Duy dịch thơ:

Cao tăng cầm gậy viên thông

Hiện thân Phật tổ giữa lòng thế gian

Một mình dạo núi Đông Sơn

Trào dâng thi hứng, trăng tuôn đầy thuyền

Nếu hồn thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam ở các thế kỷ trước cũng đầy thiền vị như thế thì đúng là mùi thiền đã đi vào hồn dân tộc và văn học Việt Nam như hương hoa sen lan khắp mặt hồ....

Cao Huy Thuần

Trong 30 tác giả của 30 bài thơ thuộc tuyển tập này, ta có thể thấy mọi thành phần trong xã hội vào thời Lê - Nguyễn.

Ngoài các thiền sư còn có vua chúa, giới quý tộc, những bậc anh hùng đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà Nho vui thú điền viên Nguyễn Khuyến đến cả kẻ nổi loạn chống lại triều đình như Cao Bá Quát... Nghĩa là tất cả đều lấy cảm hứng từ Phật giáo hay những ngôi chùa của Phật giáo...

30 bài thơ Thiền được Sam Hamill, người sáng lập Nhà xuất bản Copper Canyon danh tiếng ở Hoa Kỳ, dịch sang tiếng Anh. Sam Hamill từng dịch sang tiếng Anh nhiều thơ Trung Quốc và thơ Nhật Bản.

Với thơ Thiền Lý - Trần, chúng ta đã có bộ thơ văn Lý - Trần đồ sộ do Viện Văn học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) xuất bản năm 1978. Nhưng đây là lần đầu tiên, một tuyển tập thơ Thiền Lê - Nguyễn có bản dịch tiếng Anh được xuất bản tại Việt Nam. Điều này, theo tôi, là rất quan trọng, vì lâu nay chúng ta chỉ biết đến Lý - Trần là hai triều đại cực thịnh của Phật giáo, còn Lê - Nguyễn là hai triều đại được các sử gia gọi là “độc tôn Nho giáo”. Nếu đọc 30 bài thơ trong tập này, chúng ta sẽ thấy điều mà giáo sư Lê Mạnh Thát từng nói: “Phật giáo biết bám vào sức sống của dân tộc để tồn tại, còn triều đại nào không hợp lòng dân thì triều đại đó sẽ bị loại bỏ”.

(Hòa thượng Thích Phước An)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận