Những nỗi đời từ Tiếng hát liêu điêu

NGUYỄN HIỆP 20/05/2013 22:05 GMT+7

TTCT - “Những nhân vật của tôi ở quanh đây và ở đâu đó. Lẫn trong số đông, nhòa lấp và chạnh ra một cõi, lẻ đơn. Không khó để tôi gặp được họ, làm thân và sống cùng...

Và khi lặn ngập vào tận góc khuất nơi tâm hồn họ, tôi mới nhận ra mình đã yêu thương họ biết bao, cảm thương cho thân phận họ biết là dường nào!” - nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ từng tâm sự thế.

Phóng to

Đọc tập truyện ngắn Tiếng hát liêu điêu (*) sẽ nhận thấy con suối tình thương ấy tiếp tục dòng chảy mát lành.

Mỏng manh tiếng hát

Tập truyện mỏng manh 139 trang, mang cái tên cũng rất mỏng manh Tiếng hát liêu điêu, chỉ 13 truyện ngắn nhưng là một thế giới vén mở vào những chiều ẩn kín. Đời sống liêu điêu đã thổ lộ bằng tiếng hát, cất tiếng hát cũng là một thái độ, một tâm trạng, một tâm tình, một trạng thái cảm xúc. Tự nhiên. Thủ thỉ. Khoảnh khắc chồng lên khoảnh khắc. Cảnh đời chồng lên cảnh đời. Tiếng hát chồng lên tiếng hát. Không có gì vượt ngoài đời sống, vậy mà đọc xong thấy trĩu lòng, thấy xót và thương vô hạn.

Bắt đầu bằng giấc mơ thiếu nữ, dấn sâu vào tình trường, nửa đêm giật mình tự rủa xả mình, lại đâu vào đấy, lại giấc mơ thiếu nữ nối dài. Và khổ triền miên. Khổ vì tình, đau vì tình là thú đau thương bởi nó "hưng phấn vụng trộm" và cũng bởi "trái tim mãi nhưng nhức nỗi lén thầm đau đớn". Vậy là cả đời hát rồ hát dại vì yêu. Và đêm, lặng nghe tôi hát, truyện khởi hành của tập sách như thế với cách viết nữ tính, cảm thông sâu sắc, nhẹ nhàng mà cuốn hút là thế mạnh của nhà văn nữ miền Trung này.

Truyện ngắn Tiếng hát liêu điêu (lấy tên cho tập sách) kể về cuộc đời người đàn ông "sống lất phất, chấp chới giữa những cơn say" với căn bệnh hoang tưởng, "một cái bóng vật vờ liêu điêu ngã chúi" và hát. Tôi chưa từng thấy ai diễn tả về tiếng hát, giọng hát vừa mộc vừa tinh như chị: "Giọng hát anh nói đã mảnh. Hát, mảnh thêm. Mỗi âm chênh một tí! Mỗi nốt vênh một tị. Hụt thiếu mà mênh mang. Rã rời mà sâu thẳm".

Những nỗi buồn được hỏi thăm

Ngôn ngữ văn chương đặc trưng Nguyễn Mỹ Nữ là ngôn ngữ pha trộn giữa sự chuẩn mực vùng Hà Nam (quê tác giả) và ngôn ngữ luyến láy, thăng hoa, phong phú của rẻo đất khắc nghiệt Bình Định, của con người khắc khổ Bình Định, mọi người quen gọi là xứ Nẫu, dân Nẫu, tiếng Nẫu... Tuy ngôn ngữ chính là vậy nhưng nhờ sống cùng, chia sẻ, đau cái đau của nhân vật đến mức hóa thân, đến mức hòa quyện nên những nhân vật của xứ khác trong văn chị cũng chân xác trong giọng nói, kiểu nói và cả những đặc trưng địa văn hóa của xứ mình (như trong truyện ngắn này hai mẹ con nhân vật chính là người Huế).

Ba nhân vật trong truyện Tiếng hát liêu điêu là ba thế giới khép kín, không có đối thoại, không có đối đầu, tất cả chỉ là những con người mơ mộng, những con người trong con người, được soi rọi hoàn toàn qua tâm thức của kẻ khác, qua ý thức của kẻ khác, dù đôi lúc trong họ cũng có "một ý thức đầy chất ngô nghê trẻ thơ và cũng ăm ắp những sành sỏi, lươn lẹo của một kẻ lõi đời" nhưng hoàn toàn chỉ bộc lộ qua ý thức của tác giả. Đây là lối viết đơn âm khá tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ.

Một thế mạnh khác của chị là cách đặt tên truyện. Mỗi tiêu đề cứ như một câu thơ, rất gợi và dường như đã gói ghém phần nào những nỗi đời sắp kể. Và đêm, lặng nghe tôi hát, Nhốt hộ những tiếng thở dài, Giêng hai vênh một nỗi buồn, Hiên nhà đêm có người, Hỏi thăm nỗi buồn... là những tên truyện như thế.

Đọc Nguyễn Mỹ Nữ từ những truyện ngắn được các giải thưởng lớn, các truyện ngắn đăng trên Văn Nghệ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và các báo, tạp chí trên cả nước đến tập Những câu kinh chấp chới (NXB Văn Nghệ) xuất bản từ năm 2008, thấy văn chị đằm sâu tính cách miền Trung, lòng thương và sự rộng lượng bao dung trải đều tới từng phận đời cùng khổ.

___________

(*) NXB Trẻ xuất bản 2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận