Những tấm bưu thiếp cổ

DƯ THANH KHIÊM, BỈ 01/03/2009 18:03 GMT+7

TTCT - Trong suốt gần một thế kỷ Pháp thuộc, những hình ảnh đất nước còn lưu lại chủ yếu là những bức tranh mộc bản (1), những hình ảnh trong sách, báo chí và những tấm bưu thiếp. Xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, những tấm bưu thiếp cổ Việt Nam dính liền với cuộc đời của một con người: Pierre Dieulefils.

Là con út của một gia đình gồm năm chị em, Pierre Dieulefils là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng có cửa hàng buôn bán trong ngôi làng nhỏ vùng Bretagne mang tên Malestroit. Cha mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi đàn con và trong hoàn cảnh khó khăn đó, Pierre vẫn tốt nghiệp bậc tiểu học và kiếm được việc làm trong một cửa hàng buôn kim chỉ ở thành phố Rennes.

Sáng 2-3-1880, trên đường đi làm, Pierre đã nhảy xuống sông cứu sống một cô gái 15 tuổi và được gắn huy chương danh dự hạng hai.

Tháng 4-1885, lúc vừa tròn 23 tuổi, Pierre được gửi sang Đông Dương trong nhóm viện quân sau cái chết của Henri Rivière.

Đó là thời điểm của cuộc nổi dậy ở Huế (2-7-1885) và tiếp theo là phong trào Cần vương.

Pierre đóng quân ở Hà Nội và con số đoàn quân viễn chinh lên đến 42.000 người vào cuối năm ấy. Điều kiện sống khá khổ nhọc và các căn bệnh sốt rét, lỵ, dịch tả du nhập từ Đài Loan (quần đảo Pescadores), tiếp theo đó là dịch thương hàn, kiết lỵ và các căn bệnh khác đã đưa con số tử vong lên đến ít nhất 5.000 người.

Năm 1886 là cuộc thử lửa đầu tiên của Pierre Dieulefils lúc tham dự cuộc tấn công đồn Ba Đình của Đinh Công Tráng.

Tháng 8-1887 Pierre trở về Pháp và giải ngũ để có thể chung sống cùng người yêu. Khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp tràn lan, Pierre quyết định trở lại Hà Nội mở tiệm ảnh ở phố Paul Bert cạnh hồ Gươm và trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên của miền Bắc.

Năm 1889, nhân cuộc triển lãm Paris, Pierre quyết định tham dự với những hình ảnh Đông Dương, hậu ý là lôi kéo sự quan tâm của Chính phủ Pháp đến xứ sở xa xôi. Sau cuộc triển lãm, Pierre cùng vợ mới cưới đến sống ở Hà Nội.

Kể từ năm 1885, tướng De Courcy đặt ra thuế thân và cấp thẻ cho những ai đã đóng thuế. Pierre trúng thầu việc chụp hình thẻ và đó là dịp cho phép ông đi lại nhiều nơi để chụp hình những vùng đất đi qua.

Sự xuất hiện của bưu thiếp

Việc bán phụ tùng nhiếp ảnh bị cạnh tranh, thất bại trong thương trường, sức khỏe yếu kém, Pierre phải trở về Pháp chữa bệnh và nhờ một người vợ đảm đang đã biến cửa hàng thành một tiệm chạp phô nên cũng sống qua ngày. Trong thời gian này, nhiếp ảnh gia Raphael Moreau chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và đoạt huy chương bạc tại cuộc triển lãm Paris năm 1900.

Cuộc cạnh tranh trở nên căng thẳng khi Pierre từ Pháp trở về để tham dự triển lãm với một quầy rượu táo (2), một quầy triển lãm ảnh và bưu thiếp với giải huy chương vàng. Từ 1902-1904, Pierre phát hành khoảng 1.000 loại bưu thiếp khác nhau và năm 1904 Bưu chính thế giới cho phép việc dán tem trực tiếp lên bưu thiếp, và đó là thời vàng son cho ông.

Tổng số bưu thiếp của Pierre Dieulefils lên đến 4.800 tấm là một con số đáng nể. Ngoài những phong cảnh, người dân của mọi tầng lớp chụp trong lúc ông đi khắp nơi theo giao kèo cho thẻ thân, chúng ta có thể thừa hưởng được hình ảnh của các vị anh hùng Yên Thế trong loạt ảnh có mã số từ 3300-3354 (ảnh).

Và cuốn sách lạ lùng...

Để gìn giữ những hình ảnh quý giá này, một người Việt định cư tại Pháp đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm và dựng hẳn một trang web (3). Có lẽ điều trăn trở của ông là việc không tìm được cuốn sách viết về Pierre Dieulefils.

Tác giả Thierry Vincent đã bỏ công điều tra tỉ mỉ, đi tìm lại hậu duệ của nhiếp ảnh gia này và viết một cách đầy đủ về cuộc đời của ông cũng như những thông tin chính xác về các tấm bưu thiếp. Tất cả đều được phân loại theo đề tài và mã số.

Điều lạ lùng là dù sách viết rất công phu nhưng lại được xuất bản duy nhất một lần năm 1997 với số lượng ít ỏi là 250 cuốn dành cho vòng thân hữu.

Nếu có điều kiện, một ngày kia cuốn sách hiếm hoi đó sẽ nằm trong một thư viện tại Việt Nam để các thế hệ mai sau có dịp tìm hiểu về một phần lịch sử đất nước qua bưu thiếp.

_____________

(1) Tuần báo Illustration nổi tiếng với những bức tranh mộc bản khắc bởi những nghệ nhân tài ba. Một thời gian sau tranh khắc trên đồng mới xuất hiện: người ta dùng một lớp sáp trải đều lên mặt và dùng bút sắt để vẽ. Chất axit sẽ đào sâu những nơi không được sáp bảo vệ.

(2) Rượu táo (cidre) được chiết xuất từ táo có nồng độ nhẹ. Ông đoạt huy chương bạc với đặc sản này.

(3) Anh Nguyễn Tấn Lộc định cư tại Pháp là người đã bỏ công sưu tầm rất nhiều bưu thiếp và dựng một trang web: nguyentl.free.fr

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận