Những thành phố vô hình, giữa hình dung và sự nhìn thấy

KHAI NHIÊN 18/03/2016 02:03 GMT+7

Cuộc đời trái khoáy ở chỗ người ta luôn sống với những gì sắp tới nhưng lại am tường những gì đã qua. (Søren Kierkegaard)

K.N.
K.N.


Miên man trong mê cung suy tưởng về những cuộc tẩu thoát và vờn đuổi, Italo Calvino ngỡ ngàng nhận thấy mình đang ngày một dễ dàng tìm được đường đến lối ra. Thật đáng buồn cho một người đã rành rẽ luật chơi và hết lần này đến lần khác cô độc giữa những chiến thắng tẻ nhạt, Italo Calvino nhanh chóng vẽ ra một cấu thức mê cung mới, trong niềm hoang mang đầy thích thú của kẻ đã quên mất lối vào.

55 thành phố nhỏ gọn như những bài thơ văn xuôi của Những thành phố vô hình được phân bố trong một kết cấu đan xen luân phiên, liên kết với nhau giữa khung cảnh sinh nghĩa của sự thấy và sự nhìn.

Bắt đầu và kết thúc cuộc trò chuyện, Marco Polo và Hốt Tất Liệt bước vào một phức hợp mê cung, ở đó mọi kiến trúc đều bị nhiễu nét. Càng cố sức định vị những đường nét, Hốt Tất Liệt cảm thấy dường như sự tồn tại của mình cũng bị nhiễu tín hiệu.

Vị Đại Hãn bị Marco Polo thử thách lòng kiên nhẫn ở những màn pha trò khác nhau. Và ngay khi vị hoàng đế mừng rỡ nhận ra sự thấy của mình đã được ký ức trong não bộ định vị, thành phố mà ngài mong muốn ngắm nhìn đã bắt đầu vuông vức xếp hàng trên bàn cờ, chàng thương gia thành Venezia thật thà thú nhận, ngay cả ký ức có vẻ sống động của ngài cũng chỉ là những phế tích.

Giữa vườn thượng uyển, Marco Polo và Hốt Tất Liệt bỗng nhận ra mình thê thảm như những kẻ ăn mày, đói rách tưởng tượng và ký ức. Nhưng họ kết nối trong niềm cảm thông về mong muốn rà soát những vết tích hạnh phúc còn vương lại để mà đo lường nỗi thiếu thốn hạnh phúc.

Hôm nay thành phố đối với chúng ta là gì? Nói khác đi, chúng ta tìm thấy điều gì giữa những thành phố bị dồn nén, chất đầy thân thể cư dân còn sống và đã khuất, ký hiệu và tên gọi, ký ức và dục vọng, những mối giao lưu giữa tiếp diễn và ẩn hiện? Mỗi thành phố của Marco Polo đều được đặt bằng một cái tên nữ.

Ở đó, mỗi thành phố hiện lên trong hình dung về niềm cưu mang của một người mẹ. Khi càng nỗ lực thoát khỏi sự nặng nề của những cấu thức để nhìn nhận bản chất thành phố, cư dân dần dà đánh mất những tương tác trực tiếp để tìm thấy một sự che chở thân tình.

Cuốn sách là giấc mơ sinh ra từ trong lòng những thành - phố - sống - không - thấu, và Italo Calvino chưa bao giờ từ bỏ, trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình, niềm khao khát tìm thấy một sự tươi mới trong cách nhìn và ngôn ngữ thể hiện hình ảnh, vì ông hiểu rõ tiếng ồn và bụi bẩn đang phủ trùm lên tồn tại về thành phố, vốn dĩ là một bài thơ xứng đáng cho sự cảm thấu.

Để khỏa lấp tham vọng phục dựng đế chế buồn rầu và tàn phế, Hốt Tất Liệt phái Marco Polo lên đường kiếm tìm những miền đất mới. Thực chất, Đại Hãn phái cử Marco Polo thực thi sự nhìn ở những vùng đất, không gian bên ngoài đế chế.

Hốt Tất Liệt tuy không tận mắt nhìn thấy những thành phố, nhưng có thể ví Marco Polo là thế giới hữu hình tồn tại độc lập bên ngoài, và vị hoàng đế là bộ não đang lục soát và lọc lại những thông tin Marco Polo mang đến.

Thành phố ngài nhìn thấy không hẳn nằm ở lời kể của Marco Polo mà là những gì được tái hiện từ trí nhớ và sơ đồ thị giác của não bộ. Chính sơ đồ ấy phóng chiếu hình ảnh bên trong trí óc lên thế giới xung quanh.

Chàng sứ giả biết rõ Hốt Tất Liệt nhận ra mình đang phỉnh lừa, nhưng chính sự phóng chiếu hình ảnh của Marco Polo đã đón lấy những phóng chiếu của hoàng đế trong một sự đồng điệu. Phần mình, Hốt Tất Liệt hiểu ra Marco Polo chỉ mô tả bằng tưởng tượng, nhưng điều này chẳng còn quan trọng nữa, vì ông đang tìm thấy ở chàng thương gia thành Venezia không phải một thế giới hữu hình mà chính là hình ảnh của sự tương thông.

Nếu Marco Polo là người thực hành những tưởng tượng về thành phố thông qua lời nói để từ đó tái hiện những hình ảnh thị giác trong hình dung của hoàng đế, thì xuất phát từ những giấc mơ hình ảnh, vị Đại Hãn yêu cầu Marco Polo lên đường tìm kiếm các cấu thức không tưởng, biểu đạt cho ngài bằng ngôn từ.

Cứ như thế, Marco Polo và Hốt Tất Liệt thay phiên nhau mô tả những thành phố trong mong đợi. Chính không khí này khiến độc giả bị lạc vào bản đồ thành phố của hai nhân vật lúc nào chẳng hay. Kết thúc chuyến thăm mỗi thành phố, khởi sự một hành trình mới, độc giả cố lục tìm trong não bộ những hình dung về một thành phố quen thuộc trong ký ức, thậm chí qua những giấc mơ ẩn - hiện.

Italo Calvino luôn quan niệm hành động đọc quan trọng và cá nhân hơn nhiều so với hành động viết. Trong cuốn sách này, nếu tồn tại một mối ràng buộc giữa nhà văn và độc giả, có lẽ nó nằm ở việc Calvino đặt ra những nghi vấn và công bằng đòi hỏi người đọc chia sẻ vai trò với người viết, bạn có thể miên man suy tưởng trong đó, dừng lại hít thở không khí trong lành hoặc tháo chạy khỏi những thành phố vô hình hiện diện bằng ngôn từ.

Những thành phố tiếp diễn trong nó nguồn cơn của sự sống, đồng thời nghiễm nhiên lao đầu xuống địa ngục bởi sự tự giới hạn. Như Hốt Tất Liệt tự thấy mình là tù nhân của hiện tại kệch cỡm và khó sống, chúng ta luôn cảm thấy mình là tù nhân trong chính thân thể nặng nề.

Còn tìm kiếm nào ý nghĩa hơn rằng ta sẽ tìm thấy ở cuốn tiểu thuyết này những va chạm mạo hiểm diễn ra ở các đường biên, chẳng chóng thì chày mình cũng sẽ ngã nhào xuống vực thẳm hun hút, nhưng biết đâu ta lại là một người khéo đi dây, biết chơi đùa cùng Italo Calvino, và bởi thành phố của ta là bước đi cân bằng trên đường tơ chỉ của trọng lực luôn hiện hữu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận