Những tiếng nói văn chương đa thanh

ZÉT NGUYỄN 27/03/2018 20:03 GMT+7

TTCT - Danh sách sơ khảo của giải quốc tế năm nay vừa được công bố gồm 13 tác phẩm từ các nền văn học từ Á sang Âu đến Mỹ Latin, từ các nhà văn lão luyện tới người vừa có ấn phẩm đầu tay.

sách 1

Điều đặc biệt là ba tên tuổi độc đáo thuộc thế hệ 7X xuất đầu lộ diện ở danh sách 2018: họ gây ra sự tò mò và háo hức nơi độc giả bởi những tầm nhìn văn chương mới mẻ, vừa gắn liền với lịch sử dân tộc của mỗi nhà văn, vừa chạm tới những vấn đề lớn của nhân loại.

Đó là một đại diện của châu Á: Wu Ming-Yi của Đài Loan với The Stolen Bicycle. Đó là Ahmed Saadawi từ Iraq với Frankenstein in Baghdad. Và đó là tiểu thuyết gia của Pháp, Laurent Binet với tác phẩm The 7th Function of Language.

Một Đài Loan hòa trộn giữa lịch sử dân tộc, cá nhân, và vật dụng

Wu Ming-Yi (sinh năm 1971) là một nghệ sĩ, giáo sư văn chương, chuyên gia sưu tầm các loài bướm, tiểu thuyết gia nổi tiếng của Đài Loan. Được coi là một trong những nhà văn trẻ hàng đầu tại lãnh thổ này, Wu đã có hai tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình, một trong hai chính là tiểu thuyết vào vòng sơ khảo - The Stolen Bicycle (Chiếc xe đạp bị mất cắp) từng giành giải thưởng Văn chương Đài Loan năm 2015.

Chiếc xe đạp bị mất cắp kể về hành trình đi tìm người cha mất tích cùng với chiếc xe đạp của người kể chuyện: “Hai mươi năm trước, khi cha tôi mới biến mất, chúng tôi chợt nghĩ rằng nếu đi tìm chiếc xe đạp của ông thì biết đâu mình tìm được cha. Chỉ đến khi đó chúng tôi mới phát hiện ra cả cái xe của ông cũng đã mất - thế là cả cha và con ngựa sắt của ông đã vĩnh viễn rời bỏ chúng tôi”.

Tập trung vào chiếc xe đạp ấy, Wu khéo léo lồng ghép các câu chuyện, từ cá nhân tới gia đình và dân tộc, tạo thành một áng văn chương hòa quyện lớp lang mà vẫn duy trì được mối quan tâm của anh dành cho hệ sinh thái.

Cheng, nhà văn cũng là người kể chuyện xưng tôi, lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, cha làm thợ may lành nghề tại một khu chợ ở Đài Bắc. Những con ngựa sắt đóng một vai trò lớn trong gia đình anh: là phương tiện để sinh nhai, là vật dụng gắn liền những ký ức thân thương tuổi thơ. Nhưng những chiếc xe đạp liên tục bị mất cắp, như khi mẹ đuổi theo cha ra ga, dựng xe bên ngoài thì bị mất, hay khi thằng con út bị ốm đi khám bác sĩ, ông bố dựng xe bên ngoài, thế là xe không cánh mà bay.

Như chính bà mẹ Cheng đã nói: “Ngựa sắt đã ảnh hưởng lên số phận toàn bộ gia đình”, Cheng quyết lần theo chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Lucky của người cha biến mất vào năm 1993 với hi vọng mong manh tìm được ông, dấn mình vào những gặp gỡ và kết thân với dân sưu tầm xe đạp, để rồi nghe được nhiều chuyện từ các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Đó là Đài Loan giai đoạn bị Nhật chiếm đóng, khi sở hữu một con ngựa sắt thì ngang với chiếc Mercedes Benz thời bây giờ.

Đó là câu chuyện của hơn 60.000 lính Nhật dưới sự lãnh đạo của tướng Tomoyuki với hơn 10.000 chiếc xe đạp đã thần tốc xâm chiếm Malaysia và Singapore.

Đó là câu chuyện về con voi già nhất từng sống trên trái đất tên là Lin Wang, đi liền câu chuyện của những con vật được sử dụng trong chiến tranh và số phận của chúng thời hậu chiến.

Coi ngôn ngữ không chỉ là một phương tiện giao tiếp mà còn đầy chất thơ, Wu Ming-Yi đã dựng lại Đài Loan trong nhiều thời kỳ khác nhau, bằng một thứ văn chương nhẹ nhàng, vừa đầy yếu tố tự thuật vừa đẫm hư cấu. Không viết tiểu thuyết này vì hoài nhớ quá khứ mà vì sự kính trọng cho thời đại mà anh không được trải nghiệm, Wu muốn giúp độc giả cảm nhận được những gì mà nhân vật cảm nhận, mà sống lại được cả một thời đại, từ hành trình tìm kiếm ấy.

Một Baghdad đầy bạo lực và chết chóc

Ahmed Saadawi (1973) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch bản và làm phim người Iraq. Tác phẩm Frankenstein in Baghdad (Frankenstein ở thành Baghdad) đã đoạt giải thưởng quốc tế dành cho tiểu thuyết viết bằng tiếng Ả Rập năm 2014.

Lấy bối cảnh là thành phố Baghdad năm 2005, nơi “cái chết rình rập thành phố như bệnh dịch hạch”, Frankenstein ở thành Baghdad là một tiểu thuyết đầy sáng tạo, vừa hài hước vừa bi kịch, kể về việc linh hồn những người bị chết vì dính bom nhập vào xác chết để đi báo thù. Ahmed Saadawi sử dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, kiến tạo cả một đất nước chìm trong loạn lạc và đau thương kể từ cuộc tấn công Iraq vào năm 2003 của quân đội Mỹ.

Truyện mở đầu bằng một vụ nổ bom khủng khiếp gần quảng trường Tayaran trung tâm thành phố. Ở cái thành Baghdad này, những vụ nổ bom xảy ra như cơm bữa. Tuy vậy, cách ứng xử với thảm kịch của thành phố sau mỗi vụ nổ bom là bình thản đến phẫn nộ, bởi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, như chưa hề có gì xảy ra: vỉa hè sẽ được dọn sạch, xe bị cháy sẽ được kéo đi, người chết sẽ được xác định danh tính, người bị thương chở vào bệnh viện Kindi.

Duy có một người không thể bình thường trở lại, sau cái chết của bạn thân, đó chính là Hadi - một tay kinh doanh đồng nát. Sau mỗi vụ nổ bom hắn đều đứng gần quan sát, bằng cặp mắt diều hâu, nhằm săn tìm một bộ phận cơ thể nào đó.

Lần này, Hadi tranh thủ nhặt lấy một cái mũi rồi lẩn khỏi hiện trường, đi vội về nhà, rồi khâu cái mũi ấy lên một xác chết khổng lồ đang phân hủy mà hắn sưu tập từng bộ phận và đặt ngay trong nhà mình. Hadi gọi cái xác là “Cái mẹ gì đó”.

Câu chuyện xoay trở sang phía huyền ảo khi Hasib, một bảo vệ ở khách sạn Novotel, cơ thể nát tan vì một chiếc xe tải đánh bom liều chết, giờ đây linh hồn vơ vất trong không trung, đã nhập hồn vào cái xác mà Hadi đang ghép và quyết đi trả thù những kẻ đã khiến anh mất mạng.

Ahmed Saadawi xây dựng sau đó một chuỗi những sự kiện kỳ lạ, những cái chết bí hiểm, như bốn tên ăn mày nằm chết trên đường với tay bóp cổ nhau, hay ông thợ cắt tóc chết ngay trên ghế ngồi, chết chóc nối tiếp chết chóc, bạo lực sản sinh và tăng cường thêm bạo lực. Hành trình trả thù của “Cái mẹ gì đó” dần không chỉ nhắm vào những kẻ thủ ác khiến anh bị chết, mà còn kéo theo hàng loạt sinh mạng vô tội bởi càng ngày danh sách trả thù càng dày đặc.

Saadawi từng trả lời phỏng vấn: “Thứ quan trọng nhất xảy đến với tôi chính là tôi vẫn còn sống”. Chính nhờ thế, anh muốn viết về tất cả những trải nghiệm của người Iraq để truyền đi một thông điệp quan trọng: “Với cuộc chiến tranh và bạo lực này, không ai vô tội cả”.

Bằng tác phẩm xứng đáng là hậu duệ của Gabriel García Márquez, Saadawi được coi là người tạo ra niềm tin rằng nước Iraq vẫn còn sống, và có thể tạo ra sự thay đổi nếu thực sự có ý chí.

sách 2

Một lời châm biếm học thuật Pháp

Một đại diện sáng chói đến từ nước Pháp là giáo sư văn chương Laurent Binet (Đại học Paris III). Binet từng đoạt giải Goncourt hồi năm 2010 cho tiểu thuyết đầu tay với tác phẩm HHhH. Vẫn tiếp nối phong cách hậu hiện đại và duy trì thể loại trinh thám điều tra, Binet gây sự chú ý lớn cho giới phê bình gần đây với tác phẩm The 7th Function of Language (Chức năng thứ bảy của ngôn ngữ).

Tiểu thuyết của Binet là một trò chơi hài hước và đẫm trí tuệ, đặt trung tâm vào một nhân vật trí thức siêu sao của Pháp: nhà phê bình, nhà ký hiệu học Roland Barthes.

Vào ngày 25-2-1980, Barthes, lúc băng qua đường sau một cuộc hẹn ăn trưa, đã bị một chiếc xe tải đâm phải. Lịch sử coi đây là một tai nạn. Nhưng giả sử Barthes không phải tình cờ bị tai nạn, mà bị giết, thì sao? Binet đã sử dụng giả định này để triển khai một cuốn tiểu thuyết châm biếm sâu cay giới học thuật Pháp và thế giới, tạo nên một trò chơi ngôn ngữ hài hước hiếm có, nơi người đọc trở thành người tự giải mã hàng loạt ký hiệu và các tên tuổi được lẳng vào một cách tự do trong truyện.

Chức năng thứ bảy của ngôn ngữ là một cuốn trinh thám điển hình: một sĩ quan cảnh sát tên là Jacques Bayard được giao nhiệm vụ điều tra cái chết của Barthes, ông phát hiện nhiều chi tiết đáng ngờ.

Bayard rơi vào một thế giới của những trí thức cánh tả mà ông không chỉ căm ghét mà còn không hiểu được họ nói gì, nơi mọi giao tiếp đều rơi vào ngõ cụt. Với một sĩ quan cảnh sát phải đi mua cuốn sách “Barthes cho người mới bắt đầu” như vậy, làm sao có thể hiểu thế giới của các nhà lý thuyết hậu cấu trúc nói gì? Tác giả đã chuẩn bị ngay một nhân vật để làm thành một đội cùng nhau điều tra cái chết của Barthes.

Ngay từ lúc mới gặp, Simon Herzog đã thể hiện tài năng của một học giả trẻ chuyên gia ký hiệu học khi đọc vị tất tần tật một cách chính xác những gì liên quan tới Jacques Bayard.

Cùng nhau, cặp đôi được kết hợp không tưởng này đã truy tìm nguyên nhân Barthes bị ám sát, trong một cốt truyện đầy thuyết âm mưu, như một hậu nhân của Con lắc Foucault của Umberto Eco. Lần lượt các nhà lý thuyết hậu cấu trúc đình đám của Pháp những năm 1980 được cho lên sân diễn: Foucault, Derrida, Lacan, Kristeva...

Đó là một câu chuyện hài châm biếm đặc chất Pháp, nơi Binet thông minh triển khai việc làm nhòa đường biên giữa các sự kiện có thật và hư cấu, nơi ký hiệu và văn bản trở thành trung tâm, và việc đọc vị chúng quyết định tất cả. ■

3% là con số ước lượng lượng văn học dịch được xuất bản ở Mỹ, trong khi con số ở châu Âu có thể gấp 10-20 lần. Như một cách để thúc đẩy, đồng thời mở rộng việc nhìn nhận văn chương trên toàn thế giới, kể từ năm 2016, hằng năm các giám khảo của giải Man Booker quốc tế lại bình chọn những đầu sách được dịch sang tiếng Anh mà họ tâm đắc nhất để đưa vào danh sách sơ khảo. Khác với giải Man Booker, chỉ trao cho tác phẩm viết bằng tiếng Anh và xuất bản tại Anh, giải quốc tế nhắm tới cả tiểu thuyết lẫn tập truyện ngắn xuất sắc viết bằng các thứ tiếng khác nhau, để chọn ra một tác giả có sức sáng tạo không ngừng nghỉ và có đóng góp lớn cho sân khấu văn chương nhân loại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận