Nỗi ám ảnh về "trẻ con và đàn bà khao khát"

NGA LINH 27/09/2011 11:09 GMT+7

TTCT - Gần 10 năm chuyển sang làm phim truyền hình, “tự dưng cảm thấy sốt ruột”, đạo diễn Nhuệ Giang trở lại với điện ảnh bằng việc bắt tay ngồi viết rất nhanh kịch bản phim truyện nhựa Tâm hồn mẹ. Phim lấy ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Phóng to
Thách thức của Hồng Ánh trong vai diễn mới - Ảnh nhân vật cung cấp

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp vỏn vẹn xoay quanh một cậu bé khao khát tình mẫu tử chơi thân với một cô bé rất thích làm mẹ. Trong phim, Nhuệ Giang cần thêm sự xuất hiện của một người mẹ thật đi vào giữa thế giới của hai đứa trẻ.

Những người không ngủ đêm

Khó khăn để kiếm một gương mặt “ngoài 30 và có chất điện ảnh”, Hồng Ánh vẫn là lựa chọn không thể khác bởi cái đẹp đáng tin về sự từng trải. Vào vai cô bán hoa quả ở chợ, nuôi con gái 11 tuổi, diễn viên phải biến hóa cả về khả năng diễn xuất lẫn hình thức. Tốn rất nhiều công sức để Ánh vượt qua chính mình, tạm bỏ đi cách diễn “đàn bà sâu sắc”, tạo ra một nhân vật đam mê, mạnh mẽ và yếu đuối của một người thật ra “vô cùng đơn giản”.

Đau thì rất đau, vui cũng rất vui, Nhuệ Giang muốn nhân vật lần này của chị bộc lộ được hết sự hồn nhiên, bản năng của người đàn bà lao động.

Trầm tính, kiệm lời và lâu lâu mới mở cửa nhà gặp báo chí, thỉnh thoảng đạo diễn Nhuệ Giang vẫn xuất hiện ở những buổi chiếu phim đơn lẻ tại những rạp tư nhân cỡ nhỏ. Trong một buổi tối tại Hanoi Cinémathèque (một địa chỉ cho những người nước ngoài yêu điện ảnh Việt), một vị khán giả Tây đã vào thẳng vấn đề: “Phải chăng đạo diễn đã trải qua những chuyện rất khó khăn trong cuộc sống riêng? Sao phim của chị tôi thấy một sự đắm đuối với đề tài trẻ con, với những mẫu nhân vật đàn bà khao khát?”.

Người trong nghề đều hiểu một cách lặng lẽ, trong gia đình riêng, cuộc sống của đạo diễn Nhuệ Giang chưa có tiếng cười trẻ nhỏ. Nhưng “thật ra, đâu phải ai cũng trải qua hết những điều mình đã kể trong phim. Với tôi, cái cớ đầu tiên cho một tác phẩm là ý tưởng chứ không phải trải nghiệm cá nhân” - Nhuệ Giang đưa ra lý do thật của chị.

Với sự nhũn nhặn thường thấy, chị kể cho đến ngày làm Thung lũng hoang vắng, nơi quay bối cảnh phim thật sự cũng có một cô giáo tuổi đôi mươi triền miên sống với đám học trò nhỏ. “Các cô cũng phải yêu chứ, mà thực tế cũng có những người đàn ông phức tạp đi qua. Những chi tiết như thế tác động vào bản thân tôi, kích thích tôi làm phim”.

Với Tâm hồn mẹ cũng vậy, “nhiều buổi sáng, muốn viết chẳng hạn, tôi đi ra chợ Long Biên. Đứng trước một đám đông toàn cảnh lớn, tự nhiên tôi thấy nhiều cảm xúc đến với mình, tôi mới hiểu đúng nghĩa cuộc sống của những người cả đời chưa bao giờ biết ngủ đêm. Những người đàn bà dậy từ 1-2g sáng hôm trước, bán hàng đến cả ngày hôm sau. Và tôi muốn phản ảnh được trong phim những vấn đề xã hội như thế”.

Phóng to
Đạo diễn Nhuệ Giang - Ảnh nhân vật cung cấp

Tìm gương mặt lạ

Từ Chú bé cu li, Bỏ trốn, Thung lũng hoang vắng đến Tâm hồn mẹ, phim nào của đạo diễn Nhuệ Giang cũng có bóng dáng trẻ con. Chị thường được tin cậy vì kinh nghiệm tìm ra những gương mặt mới (như Thu Trang trong vai bé Mị phim Thung lũng hoang vắng. Gần 10 năm sau, cô trở lại sinh động với Dạ Hương trong phim Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh).

Trong Tâm hồn mẹ, bao nhiêu cung bậc cảm xúc một đứa trẻ phải diễn tả được hết! Áp lực như thế đè lên Phùng Hoa Hoài Linh (11 tuổi) và Nguyễn Bách Tùng Lâm (9 tuổi).

Tới gần 20 trường tiểu học, tìm khắp hành lang, sân trường Hà Nội (rồi vào tận TP.HCM), năm tháng trời ròng rã Nhuệ Giang mới chọn được Tùng Lâm.

“Khi Tùng Lâm thử vai, tôi yêu cầu cậu bé quát to, cáu kỉnh hay nói một câu rất tình cảm. Lâm diễn được ra một cậu bé trong trẻo, bộc lộ được cảm xúc. Hoài Linh chuyên nghiệp hơn vì đã đóng một vài phim. Đó là một cô bé già dặn trước tuổi, hiểu, thậm chí biết cách diễn. Đến với tôi, Linh phải gạt hết cách diễn xuất biểu hiện bề ngoài đó, cũng là đặc điểm của diễn viên trẻ con ta, bị nặng về diễn xuất giả vờ. Góp ý rồi Linh cũng hiểu ra, đóng chân thực hơn. Điều đó làm tôi yên tâm các em có thể đi được một quãng đường dài”.

Trong kịch bản có những khoảnh khắc quan trọng, Lâm và Linh phải thể hiện đến cung bậc… uất ức, cáu giận (là những cảm xúc khác thường với một đứa trẻ vốn được cưng chiều). Hơn 40 ngày sà sã đóng phim, hai gương mặt mới của Nhuệ Giang đã hết sức cố gắng để đạt đến độ hoàn thiện cho vai diễn.

Câu chuyện của người ngụ cư

Bằng kinh phí đầu tư của Nhà nước và tài trợ của của quỹ điện ảnh Phương Nam (Fond Sud), Tâm hồn mẹ được hoàn thiện hậu kỳ tại Thái Lan, hợp tác với nhà dựng phim và làm âm thanh người Pháp. Một số hình ảnh kỹ xảo được thực hiện (như việc tái hiện giấc mơ trong trẻo của đứa trẻ), theo đạo diễn, “là những yếu tố dung hòa, cân bằng với một chuyện phim nhiều nặng nề về tình cảm”.

Dựng một căn nhà ở khu bãi giữa sông Hồng cho hai nhân vật mẹ con, đạo diễn Nhuệ Giang không giấu chủ đích đưa được nhân vật, câu chuyện của mình vào tầng lớp người ngụ cư nghèo nhất xã hội đang “sống cạnh những tòa nhà mọc quanh bờ sông Hồng”. Trong phim, bên cạnh những cảnh nóng “vừa phải” là một Hồng Ánh buôn bán ngoài chợ hay tắm bùn bên sông hệt đời sống một người dân ở khu bãi giữa.

Hoàn thành Tâm hồn mẹ (có sự trợ giúp của chồng chị, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, trong vai trò nhà sản xuất), Nhuệ Giang đang dang dở với dự án phim Không có Eva (kịch bản của Nguyễn Quang Lập). Dự án này đã nhận được sự đầu tư của hai quỹ nước ngoài và vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm kinh phí.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận