Nỗi lo... 18 tỉ

TƯỜNG ANH 01/11/2017 21:11 GMT+7

TTCT - Tỉ phú, nhà tài phiệt Mỹ gốc Hungary George Soros đã chuyển cho “Quỹ xã hội mở” (Open Society Foundations) 18 tỉ USD, biến quỹ này thành tổ chức từ thiện lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Quỹ Gates của vợ chồng Bill và Melinda Gates và Wellcome Trust của Vương quốc Anh.

Trò ru-lét ở Hungary: Thủ tướng Viktor Orban (phải) từng nhận học bổng của George Soros (trái), nhưng nay đã coi nhà tài phiệt là “kẻ thù tư tưởng”.-Ảnh: atlatszo.com
Trò ru-lét ở Hungary: Thủ tướng Viktor Orban (phải) từng nhận học bổng của George Soros (trái), nhưng nay đã coi nhà tài phiệt là “kẻ thù tư tưởng”.-Ảnh: atlatszo.com

 

18 tỉ USD là một số tiền khổng lồ, và càng lớn hơn khi đặt trong so sánh với tổng trị giá tài sản của tỉ phú xếp hạng 20/400 người Mỹ giàu nhất, theo ước tính của Forbes, là 23 tỉ USD.

Vấn đề là Quỹ xã hội mở do Soros sáng lập, và ông cũng đã thành lập một hội đồng quản trị do ông tự đứng đầu để quản lý việc chi dùng số tiền “sẽ không được đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng như các phi vụ tài chính” này. Câu hỏi đương nhiên được đặt ra: Số tiền này sẽ được dùng để làm gì?

Người chi, người... rét

Đặt câu hỏi này cho Soros, The Washington Post ngày 17-10 cho biết nhà tỉ phú đã khước từ trả lời. Tờ báo tiếp đó dẫn lời người phụ trách thông tin của quỹ, bà Laura Silber, cho biết quỹ “có kế hoạch tiếp tục tập trung vào việc xây dựng xã hội mở. Điều đó có nghĩa là nâng cao nhân quyền, công lý và những thực tiễn dân chủ”.

Một nguồn tin giấu tên của quỹ cũng cho hay số tiền này trên thực tế đã được ông chủ Soros rót dần nhiều năm qua. Còn báo Anh The Guardian (18-10) nhắc lại kể từ khi thành lập năm 1979 đến nay, Quỹ xã hội mở đã chi tổng cộng 14 tỉ USD để xây dựng “những nền dân chủ mạnh mẽ và dung nạp”.

Trong một thế giới mà “cái gì không mua được bằng tiền, có thể mua được bằng nhiều tiền hơn”, số tiền “từ thiện” này không khỏi làm nhiều chính khách lo âu.

Nhớ lại những hoạt động gần đây nhất của Soros, báo Nga SVPressa đặt vấn đề: “Chủ đích của việc tích lũy một khoản tiền khổng lồ trong một quỹ, chẳng bí mật gì, để tham gia tổ chức và hỗ trợ cái gọi là “cách mạng màu” trên toàn thế giới, với lớp vỏ bọc từ thiện, thật ra là để làm gì?”.

Và món tiền đó sẽ được “đầu tư” vào những mục tiêu nào? Lần lượt, tờ này cay đắng đặt câu hỏi: phải chăng là vào “nước Nga mà ông ta đã phá hủy thành công thập niên 1990 mà tháng 3 sắp tới đây sẽ diễn ra bầu cử tổng thống, hay vào Mỹ, nơi ông ta công khai ghét bỏ ông Donald Trump, và không chỉ vì hàng tỉ USD nhà tài phiệt này đã mất sau chiến thắng của Trump do ông đã đặt cược vào ứng viên khác...

Hay lại lần nữa vào Ukraine, nơi “nhà từ thiện” Mỹ đã đầu tư cho cuộc đảo chính năm 2014? Thậm chí nhờ “công trạng” đó, ông Soros còn được nhận Huân chương Tự do do đích thân Tổng thống (Petro) Poroshenko trao... Hay còn nơi nào khác nữa?”.

Hiếm có nhà tài phiệt nào mà khối tài sản gắn liền chặt chẽ với các biến cố chính trị như Soros. Theo The Wall Street Journal, tài sản của nhà tài phiệt này quả thật đã “bốc hơi” 1 tỉ USD trên thị trường chứng khoán chỉ một tuần sau khi ông Trump đắc cử.

Còn Ukraine thì sao? Các tài liệu Wikileaks tiết lộ năm 2016 cho thấy 400 trong số 2.500 tập tin thư từ của Soros mà Wikileaks có là liên quan tới Ukraine.

Các tài liệu này cho thấy một “cơ chế chuẩn bị cho cuộc đảo chính nhà nước ở Kiev cũng như những gì Soros hứa hẹn với chính phủ mới, trong đó có việc ông đã đầu tư 44 triệu USD cho báo chí Ukraine từ năm 2013-2015...”, theo Rossiyskaya Gazeta.

Còn ai nữa không?

Nhưng sẽ không đủ nếu không nhắc tới một quốc gia cũng không chào đón lắm hoạt động của Soros: Hungary, quê hương của ông. The Guardian cho biết một trong những nơi mà Quỹ xã hội mở quan tâm đầu tư chính là Hungary (quỹ này đã đầu tư tổng cộng 400 triệu USD ở đây, theo cnbc.com).

Trang web thân chính phủ 888.hu từng đăng danh sách các nhà báo bị tố cáo là “điệp viên” của Soros, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban gọi Soros là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Gần đây, hồi tháng 4-2017, giữa Budapest và Đại học Trung Âu (CEU - đại học quốc tế do Soros sáng lập ở Hungary) đã nổ ra căng thẳng khi Budapest thông qua luật mới cấm hoạt động các đại học không có cơ sở học tập ở nước mẹ (CEU không có cơ sở ở Hoa Kỳ).

Soros đã tỏ ra là một tay chơi nhất quán với những gì ông theo đuổi, khi không phân biệt đông tây. Chính Liên minh châu Âu cũng phải lo lắng với Soros, một người ủng hộ việc nhập cư hàng loạt và các cuộc chia tách.

Catalonia đòi độc lập vẫn chưa giải quyết xong, nay đến lượt hai vùng bắc Ý Veneto và Lombardy trưng cầu ý dân đòi tự trị rộng rãi hơn, tuyên bố họ đã “chịu đựng đủ sự cai trị của Rome”.

Trong điều kiện đó, một nghiên cứu công bố trên Zerohedge ngày 17-7 cho biết đứng sau làn sóng nhập cư hiện nay là một “hệ thống các nhà hoạt động biên giới mở và các tổ chức, nhiều trong số này được tài trợ hoặc hợp tác với Quỹ xã hội mở của Soros”.

Nếu điều tra trên là đúng thì danh sách các thủ đô không “yên tâm” khi quỹ từ thiện của nhà tài phiệt tăng vọt lên 18 tỉ có lẽ không dừng lại chỉ ở Budapest hay Matxcơva.■

Quỹ xã hội mở có văn phòng ở New York, London, Budapest và Brussels; hiện hoạt động ở hơn 140 quốc gia, có 1.500 nhân viên, điều hành ngân quỹ khoảng 940 triệu USD. 28% số tiền này, phần chi lớn nhất của quỹ, được chia sẻ cho những hoạt động nâng cao dân chủ, nhân quyền. 23 quỹ quốc gia và khu vực do các ban điều hành địa phương điều phối giúp xác định và phân phối các khoản trợ cấp này. (Theo The Washington Post)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận