Núi ở phía xa

TTCT- .... Sau lưng nó, con Thoảng liên tục chắp chắp miệng, tôi cảm giác nó đang nuốt ừng ực nước miếng. Tiếng bụng Thoảng giờ phải ngang tiếng trống.- "Rồi các em sẽ có nhiều bánh, kẹo, sữa uống...", Giọng thầy hiệu trưởng trên micro làm tiếng trống vỡ òng ọc từ đầu đến cuối dãy hàng ....

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn


-Đoàn từ thiện sắp đến!

Thầy hiệu trưởng nói. Nắng giữa trưa đỏ bừng trên gương mặt thầy. Những viên mồ hôi to chạy đuổi nhau từ hai bên tóc mai, bẻ cua qua góc cằm thầy, thả phanh xuống cổ áo.

Nắng kéo nhễu nhão nước rớt ra từ cái lưỡi thè xém chạm đất của con chó dưới gầm bàn. Hình như nó tên Mít. Một lần, tôi đã nghe con Thoảng gọi nó về ăn cơm.

Thêm một dòng nước lòng thòng chảy, tôi đoán con chó đang đói bụng. Thoảng chắc cũng đói. Tôi nghe tiếng bụng nó sôi rột rẹt. Nhưng tập trung vào cái áo ướt nhèm, nó đang vắt nước.

- Kệ nó đi! Chút nó khô!

Mẹ Thoảng từ chỗ gốc nem gọi với qua. Đứa nhỏ trong cái gùi sau lưng nhoi lên, hớn hở kéo chùm trái nem vàng xuộm đang lúc lắc trước mặt nhét vô miệng.

Đứa nhỏ ăn gì chưa nhỉ? Tinh mơ chuẩn bị băng qua con suối đầu tiên đã thấy cái gùi của mẹ nó nhấp nhô trước tôi cả đỗi. Cái đầu ngoẹo lắc lư của đứa nhỏ trong gùi lúc ấy nói với tôi rằng nó chưa dứt ngủ. Con Thoảng bảo đảm cũng vừa đi vừa ngủ. Hai cẳng chân đen thùi của nó lâu lâu lại húc lấy nhau, loạng chà loạng choạng. Chả trách nó xuất hiện trước cổng trường với cái áo ròng ròng nước suối.

Vẫy vẫy hai vạt áo đã bị vặn rúm ró, mắt nó đỏ dừ lên.

- Thầy hiệu trưởng đã nói phải mặc áo đẹp...

Tôi ngó nó, mừng húm vì đã kịp nhét trong lưng quần khúc áo tèm lem sình. Tất cả là tại thằng Quanh. Lúc ngang qua rừng ma, lo giả tiếng chim ma hù nó, xém nữa tôi đã lộn đầu vào xe chở gỗ đang xổ dốc.

“Má! Thằng mọi!”.

Ông chú tay cầm lưỡi hái hệt con nhái đu sau mấy thớt gỗ và cả chiếc xe máy trùi lũi phóng gầm vang rừng.

Hơi sợ ông chú nhưng tôi tức chiếc xe kinh khủng. Sình bắn từ nó làm tơ tướp tôi hết cả mảng áo.

“Các em nhớ đến sớm!”.

Tiếng thầy hiệu trưởng treo trên đầu ngọn nắng làm tôi không dám cả đứng lại guột chỗ áo dơ. Giờ trong lưng quần tôi, bọn chúng (cả áo và sình) đều đang biểu tình. Chúng đòi ra ngoài đây mà, tôi biết hết. Nắng chưa hun trúng nhưng cũng đủ làm chúng ngộp thở. Giá có thể hỏi thầy hiệu trưởng: Sao phải bắt tôi giấu những vết dơ?

- Đoàn từ thiện sắp đến. Rồi các em sẽ có quần áo, cặp, sách cho năm học mới!

Thầy hiệu trưởng chém tay. Nắng đứt từ dấu chém rớt xuống miệng micro, bốc khói.

Con Mít dưới gậm bàn xoãi dài hai chân trước chán nản. Chỉ ánh nhìn cảnh giác ném ra đường cái.

Ngoài đó, trước cổng trường một đám đang chơi kéo tàu dừa. Cái tàu lá dài ngoằng, sống đỏ quạch giờ đang chạy qua mắt tôi lần thứ mười một. Đứa nắm đầu tàu như mọi bữa lại là nó: thằng Khánh Kinh. Nếu chúng tôi còn ở làng định cư, Khánh Kinh và tôi gọi là hàng xóm. Nhưng giờ, nó là con chim ác. Đứa chuyên chặn đường bọn tôi giật bánh kẹo từ thiện.

“Tụi tao cũng nghèo! Sao không ai từ thiện?”.

Chàng hảng trước đám tôi, nó toàn lặp tới lặp lui câu hỏi đó, trừng mắt.

Không ai dám nhìn vào mắt nó, một cặp mắt đầy nhúc khói. Câu trả lời cho nó, tụi tôi cũng không biết. Nên đành chịu thua, giao nộp ít bánh kẹo để được đi.

Làm một đường cua điệu nghệ ngay góc tường, Khánh Kinh đang cho cái tàu dừa bắt đầu vòng chạy thứ mười hai. Trước khi bị gỗ chở đè chết gần rẫy nhà tôi trong núi, ba nó cũng là một tay chạy xe gỗ ôm cua số một.

“Em ước mình là công an, bắt hết mấy ông kiểm lâm!”.

Tôi nhớ bộ vừa trả lời cô giáo vừa mếu máo của nó trong lớp học làng định cư. Xe gỗ ba nó trượt bánh bữa đêm mưa gió đó nghe đâu vì kiểm lâm đuổi riết. Buổi sáng chôn xong ba nó, tụi tôi có bài học về ước mơ.

Riêng Quanh, nếu giờ đang là buổi học hôm ấy, nhất định nó đã không chỉ nín thin, vặn tay vặn đầu với cô giáo, ngỏn nghẻn cười. Nhất định tụi tôi đã được nghe nó dõng dạc một mơ ước.

- Phải đây là cái bánh cam!

Xoay trên tay một nắm trái xanh lè nhỏ chút, nó đang lảm nhảm. Nắng ghim lên vỏ mớ trái làm hiện rõ những u sần như da con cóc. Quanh là thằng chuyên gia trị đói bằng trái dại. Nhựa độc từ đống trái nó nhét vào bụng từ lúc rời làng định cư hình như càng ngày càng làm nó khật khừ.

Kệ vẻ ơn ớn rõ ràng trên mặt tôi, thản nhiên Quanh cắn nứt hai da cóc, móc một nhúm múi trắng dính bợt nhau như hồ dán ra, nhóp nhép. Sau lưng nó, con Thoảng liên tục chắp chắp miệng, tôi cảm giác nó đang nuốt ừng ực nước miếng. Tiếng bụng Thoảng giờ phải ngang tiếng trống.

- Rồi các em sẽ có nhiều bánh, kẹo, sữa uống...

Giọng thầy hiệu trưởng trên micro làm tiếng trống vỡ òng ọc từ đầu đến cuối dãy hàng.

Nắng chan chát gõ xuống đầu. Nhưng trong miệng tôi giờ là ngòn ngọt thơm thơm mùi kẹo sữa bò. Túm kẹo hồi được lãnh một lần ở sân ủy ban xã.

Con Thoảng bữa đó khóc vo cục luôn tấm phiếu nhận quà ướt nước. Nó qua suối, quên bọc bị nilông, tấm phiếu lem hết tên đưa cho phó chủ tịch xã chỉ được cái lắc đầu.

Cháu gái phó chủ tịch được thêm một túm kẹo, về nhà bằng những bước nhảy chân sáo. Đó là lần duy nhất tôi ngóng tàu dừa của thằng Khánh Kinh. Nhưng cái thằng, hình như nó chỉ thích chặn đường những đứa không là con cháu ủy ban.

Con Thoảng cứ khóc miết, nên trên đường về tôi chia cho nó cái lồng đèn đầu mèo được phát kèm. Chưa tới bìa rừng, bịch lạp đã bị gió xô, lửa ăn phựt phựt đầu mèo giấy. Con Thoảng được thêm trận khóc.

Đầu mèo nằm lại dưới suối. Sớm mai ra tôi còn thấy thêm nào đầu gấu, mình cá, mặt thỏ... ngơ ngác ngó lên.

Theo mẹ xuống làng bán sâm núi, tôi nghe cô nhà trước mặt ủy ban chống nạnh, xỏ qua sân đối diện: “Dạng nội cha nó! Ăn không chừa lớn nhỏ! Lồng đèn nhựa nó hô biến thành giấy đó chớ!”.

Tiếng chửi xốc cả gió tới tấp quận lên khoảng sân đầy bụi. Mẹ dắt tôi về, dặn phải thả hết tiếng chửi xuống suối. Tôi làm theo mẹ. Ba ngày sau vẫn thấy xác lồng đèn tắc lại giữa đá không trôi.

- Sẽ có xúc xích!

Hàng trên, thằng Quanh vừa đánh chóc lưỡi, hít hà. Tôi đoán trong miệng nó không phải mấy múi trái dại trắng nhách mà là mằn mặn béo béo mùi xúc xích.

- Có cả sữa Cô gái Hà Lan!

Con Thoảng bổ sung bằng một đường lưỡi quét ra cặp môi khô, đánh vòng.

Sao tôi cứ thấy trên cặp môi nhỏ của nó có thứ gì như mấy giọt sữa ngọt lựng viền quanh.

- Nhưng phải đánh vần mới được quà nhen, anh Quanh!

Những giọt sữa biến mất khi con Thoảng bất thần chành miệng ra, cười hắc hắc.

Hàng trên, thằng Quanh xanh mặt.

Tôi đoán nó đang nghĩ về đoàn từ thiện ghé trường năm ngoái. Có bà cô đeo kính xệ mũi kệ thầy hiệu trưởng phản đối, đòi từng học sinh đánh vần tên mình cho bà nghe trước lúc phát quà. Hơn một trăm đứa. Hơn ba bốn trăm lần bà cô lặp đi lặp lại: “Con họ tên gì? Lớp mấy? Tên con đánh vần sao nè?” mà không thở hắt, không la um lên như cô giáo trên điểm trường lúc giảng lại bài.

Tụi tôi ai cũng thích bà cô. Riêng thằng Quanh, lẽ ra nó không nên thích. Vì trước bà cô, không im re ngỏn nghẻn cười như thường lệ, đột ngột nó mở miệng.

“Cái này cô giáo có dạy đâu!”.

Mắt kính bà cô lóe lên như vừa xẹt qua một tia sét. In trên mắt kính, tôi thấy rõ ràng một thầy hiệu trưởng nhỏ tí, ôm đầu.

Hôm sau ở điểm trường, cô giáo chúng tôi ngồi thút thít đến lâu.

“Quanh ơi là Quanh! Bữa qua có người ở sở lên, em biết không?”.

Thằng Quanh bữa đó bị phạt đánh vần tên phải đến trăm lần. Sợ quá, nó trốn luôn trong rẫy. Tôi dẫn cô giáo lội năm con suối vào kiếm. Cô giáo rinh được nó ra lớp, bảo đảm sĩ số, giảng bài mặt nhăn riết nhưng miệng toàn cười.

Thằng Quanh lại ngày ngày cùng tôi lội năm con suối đến điểm trường. Nhưng bảng chữ cái cần lội, tôi rành lắm, ì ạch trầy trật, mỗi bữa nó làm rớt thêm một (hay có khi cả đống) chữ. Cái giắt trên ngọn bắp trong rẫy, cái kẹt giữa đá suối, cái trả lại cho mặt nhăn cô giáo.

Giờ con Thoảng lại chơi ác nhắc đến đánh vần, hỏi sao nó không lúc tím lúc xanh lét người như say trái dại.

Đúng lúc đó, thầy hiệu trưởng bỏ micro, cười tươi hơn nắng.

Đoàn từ thiện đã tới.

Chiếc xe trắng mang cái thùng chữ nhật lù lù trờ qua cổng. Như đã được dặn, chúng tôi đồng loạt đứng dậy vỗ tay. Thằng Quanh có vẻ như càng ngày càng say trái dại, loạng choạng cụng đầu vào ót con Thoảng đánh cộp. Bị bất ngờ, Thoảng nhào lên trước, đè luôn tôi. Tiếng vỗ tay vẫn rào rào vang lên dù giữa hàng ba đứa tôi nằm dồn cục. Thầy hiệu trưởng thôi trừng mắt chạy về phía chiếc xe, mới bắt đầu nghe rải rác tiếng cười.

Rồi chẳng mấy chốc, cả sân trường láo nháo lên. Nào tiếng chỉ, tiếng kêu, tiếng réo, cả tiếng chân người thịch thịch tuôn ra từ chỗ gốc nem. Là mẹ con Thoảng và mấy người phụ nữ nãy giờ vẫn gà gật bên mấy tấm địu, lẫn đám nhỏ lòng thòng mũi dãi. Trong nắng, chiếc xe trắng y hệt cục nam châm hút những mảnh người.

Bên cái bóng vuông vức của chiếc xe đổ xuống nền cỏ trước sân trường, tôi thấy cả tàu dừa đỏ quạch của thằng Khánh Kinh. Giữa lòng cái bóng, tàu dừa như một vết rạch cứa ngang qua.

Bấu vai nhau, chúng tôi ngóng mắt lên hết chỗ cái bàn. Không thấy thầy hiệu trưởng, chỉ một ông bác nón bêrê đóng thùng với cái micro.

- Các em hãy nhớ chăm đọc sách. Sách là khởi nguồn trí tuệ...

Thùng cao, thùng thấp, bị to, bị nhỏ xếp vòng trước sau, hai bên, chồng muốn sụn mặt bàn ngó ông sốt ruột.

- Tôi có gửi tặng kèm trường ta những quyển sách tôi viết...

Con Mít trong tiếng micro đào một cái lỗ.

Tiếng ông bác nón bêrê lẫn lộn trong tiếng rẹt rẹt xé băng keo thùng, tiếng loạt xoạt bị nilông há ra, gút lại.

Chỉ ước được cao lên cả thước, dòm qua những tấm lưng người lớn.

Con Thoảng được đọc tên lên trước. Rớt ôm, ôm rớt mấy lần cái bị nilông đã gút chặt miệng, nó đi thẳng xuống chỗ người mẹ đang vẫy vẫy tay. Đi mà như chạy.

Tôi không nhìn được mẹ con nó nữa vì thằng Quanh đang bước lên. Giở hẳn cái bị đưa ngang mũi, trong tiếng cười ồ từ đoàn từ thiện, nó có vẻ đang mải mê hít ngửi. Hai cánh mũi chành bành ẹp trên mặt nilông cứ phập xuống, phồng lên không biết mỏi. Chắc chắn trong bị phải có cả trăm cây xúc xích nó thèm.

Lệt bệt na được cái bị phần mình qua khỏi đám xếp hàng, tôi ngó nghiêng tìm Quanh. Mới đó nó đã đi đâu mất. Lởm cỏ trước sân trường vắng hoe. Chỉ mỗi mẹ con con Thoảng đang ngồi chụm đầu, vạch bị quà.

- Gạo, chai mắm, bị đường, cái cặp...

Vẳng lại tôi tiếng mẹ nó lẩm nhẩm đếm.

- Cái này... gì đây Thoảng?

Lọt vào tai tôi là giọng nói bỗng ré lên. Trên tay mẹ Thoảng là một tập vuông vuông xanh đỏ. Một quyển sách.

- Của con a!

Thoảng bật chồm qua tay mẹ nó, giật phắt.

- A. Con hỗn. Tao về nói ba mày. Năm sau mày bắt chồng rồi. Sách làm gì? Về cho em hết đi! Cái cặp nữa...

- Không!

Hét vống lên. Giật lấy tiếp cái cặp trên miệng bị quà, con Thoảng tuôn ào ra cổng.

Theo sau Thoảng ngay lập tức là mẹ nó. Tay ôm cứng ngắc bị quà từ thiện, miệng rần rần chửi. Đứa nhỏ sau gùi ngả nghiêng cái đầu trọc, đấm tay lia lịa vào sau tóc mẹ, thét khóc. Cái gùi và mẹ Thoảng làm thành một vệt thẫm đen trên đám cỏ héo queo, dài như tiếng thở. Ngang cổng trường, cái bóng đang chạy của con Thoảng cũng đổ dài. Tôi nhìn theo hai cái bóng, ngạc nhiên nhận ra chúng giống nhau y hệt. Hèn gì mẹ tôi nói đàn bà Raglai đến bóng cũng giống nhau.

- Không xúc xích. Không sữa Hà Lan. Không bánh kẹo.

Lèm bèm bất thần cất lên sau lưng làm tôi muốn nhảy dựng. Thằng Quanh tay xách một tai bị nilông quà lù lù từ đâu hiện ra, đứng sát ngay tôi. Mặt nó đã hết xanh, thay vào đó là tèm lem nước mắt nước mũi.

- Đứa nào đánh mày? - tôi thét lớn, thấy mình đang quanh quất tìm thằng Khánh Kinh.

- Tao... tao đói!

Thả phịch luôn bị quà xuống vàng ệch cỏ, Quanh khóc hụ lên.

Tay tôi đang thừa. Chân cũng thừa. Hệt như đang có một thằng Khánh Kinh chàng hảng chặn đường, hất mặt hỏi. Trước nước mắt của thằng Quanh, tôi cũng chẳng biết làm gì.

Câu trả lời thầy hiệu trưởng có biết không?

Tôi tìm về hướng cái bàn, đầu micro buồn thiu quay ra một góc, nhưng thầy hiệu trưởng đi đâu mất.

Ngó nghiêng tìm thêm lần nữa, tôi phát hiện bàn tay thầy đang tiếp tục chém nắng trong một bóng râm. Vài ba ông bụng bự đóng thùng, phách đốc ngồi vừa uống nước trà vừa nghe thầy.

Cách đó vài ba bước, ông bác nón bêrê đang lật mở hăng say quyển sách vuông, chỉ trỏ gì đó với một đám tay xách tay ôm vừa dạt xuống, mắt len lén đánh ra hết cổng trường.

Thoáng thấy ông bác xoay người như sửa soạn bước về phía bãi cỏ, lật đật kéo tay thằng Quanh, tôi co giò chạy. Vừa chạy vừa ráng lượm hết bị đường, bị gạo, sang chai mắm xổ ra khỏi cái bị tét hai của thằng Quanh, lăn lông lốc. Đâu có thằng Khánh Kinh rượt theo, sao tự nhiên cặp chân lại lôi tôi hết tốc lực như chạy trốn?

- Bị rách. Bị mày rách!

Ra hết đường làng bêtông, tôi mới nghe được tiếng thằng Quanh thất thanh.

Nhìn lại, bị quà tôi cột bằng dây chuối rừng trước bụng cũng xẻ một đường tẹt ngang đáy không biết tự lúc nào.

Đường xẻ không dài. Chỉ đủ chui ra chóp đuôi bị gạo. Nhưng vật vuông vuông bìa xanh đỏ tôi cố tình lót dưới cùng biến mất.

- Mày rớt gì hả?

- Quyển... quyển sách!

Tôi thấy mình nói không ra hơi.

Quanh lom lom ngó tôi. Trước mặt nó, chắc phải là thứ gì đó rất thắt cười.

- Tưởng gì! Của tao cũng rớt đâu mất ở trường rồi mà. Thôi về!

Lần đầu tiên, thằng Quanh đi lên trước tôi, dẫn đường. Vẫn còn thút thít mũi từ trận khóc, nhưng những bước chân nó khua chắc nụi. Gạo, đường, muối... bụm trong vạt áo trắng theo mỗi bước chân lắc lắc. Hình như bữa nay nó mặc chiếc áo đi học đẹp nhất. Hình như đâu có ai khen áo đẹp tụi tôi. Tôi không thấy cái cặp mới được phát. Hay là nó cũng bỏ lại sân trường?

Nắng rượt từ đỉnh ngọn nem cuối làng, xả xuống lưng chúng tôi rát bỏng. Vọng vào tai tôi hình như vẫn là những âm thanh quen thuộc. Tiếng nổ ầm ầm của pô xe máy chở gỗ lậu hòa trong róc rách tiếng suối. Tiếng sủa nhắng lên của con chó nhà con Thoảng đòi ăn.

Quyển sách vuông, bìa là những đứa nhỏ da có đen có trắng, áo có xanh có đỏ, vai đeo cặp, đang nắm tay nhau nhảy vòng tròn. Tôi bỏ trí nhớ về nó xuống con suối đầu tiên, như từng bỏ tiếng chửi.

- Dù sao cũng không ăn được.

Thằng Quanh nói với trái dại xanh lè cuối cùng moi ra từ túi áo.

Cắm cúi, tôi bước đi, giẫm lên những dấu chân phăm phăm về ăn cơm của nó.

Núi đã ở xa xa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận