Ông già ngồi cuối đường ray

PHAN BẢO HÓA (QUẢNG TRỊ) 24/08/2011 04:08 GMT+7

TTCT - Tôi xa nhà trọ học tại một thành phố nhộn nhịp, cuộc sống ngày ngày trôi qua vội vã. Vốn ở nông thôn, có đôi lúc tôi cảm thấy nghẹt thở trước sự hối hả của mọi người.

Hằng ngày tôi vẫn rong ruổi cùng chiếc xe đạp qua các ngả, vòng vèo trong thành phố theo lối quen thuộc từ nhà đến trường, từ trường đến trung tâm học tiếng Anh, tin học, rồi tất tả cho kịp đến làm gia sư cho những em học tại nhà. Có nhiều bận đi dạy về tối, tôi sợ và lo lắm. Đặc biệt khi phải băng qua một đoạn đường ray không rào chắn.

Hồi trước đoạn ray này có rào chắn nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì người ta tháo nó đi. Những nhà dân cạnh đường ray đều xây cao tầng, che tầm nhìn nên rất khó để biết tàu đến. Ở đoạn đường này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn rất thương tâm.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Cho đến mãi sau này khi đã rời xa thành phố sau gần năm năm trọ học, tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ ông già tóc bạc trắng người gầy còm ngồi ngay cạnh dưới chân dốc đoạn băng qua đường ray. Ông làm nghề may dép. Một ngày tuy chẳng may được mấy đôi dép nhưng tôi vẫn thấy ông ngồi đó mặc trời mưa hay nắng. Chỉ với một tấm bạt che đủ chiếc ghế và mấy đôi dép đã hư cũ, ông cứ ngồi vậy đến khuya.

Lúc đầu tôi cũng thắc mắc tại sao may dép mà ông lại ngồi đến giờ này. Nhưng rồi mới biết ông ngồi đó để làm một việc mà có người gọi ông là tốt bụng, nhưng cũng có người bảo ông rỗi hơi. Đó là canh chừng và nhắc nhở mỗi lúc thấy ai chạy xe băng ngang đường ray; hay người già, các em nhỏ đi học về không chú ý lúc tàu đến. Những lúc ấy ông đứng lên hét lớn để mọi người biết mà tránh. Có bữa tôi đã hú hồn hoảng sợ vì con tàu đến sát sau lưng.

Cho đến lúc này tôi đã đi qua bao nẻo đường và gặp rất nhiều người, nhưng vẫn không quên hình ảnh ông già may dép ngồi cạnh đường ray. Cuộc sống đôi khi như thế đấy. Có người sống cho người khác mà không cần bất kỳ một sự đền đáp nào.

Khúc Dạ cổ của mẹ

Mùa thi này tôi không thức khuya mấy. Ban ngày na thân giữa hai đầu thành phố đã khiến tôi mệt mỏi ít nhiều. Tôi thường ngủ ngon và sâu. Nhưng đến bữa nay tôi đã xong cơ bản phần tìm sách trong thư viện, chuyển sang giai đoạn đọc và viết diễn ra chủ yếu vào những đêm sâu nhất.

Mẹ không thức trễ lắm. Thường thì mẹ đã gà gật khi tập phim truyền hình mẹ theo dõi còn chưa kết thúc. Nhưng mẹ dậy sớm nấu cơm cho tôi đem theo lên thư viện, rồi mẹ đi tập thể dục trong công viên, quay về dọn dẹp vài thứ bề bộn cháu tôi bày ra lúc tối, rồi mẹ quét, lau trong nhà, ngoài hiên... tất cả xong xuôi khi trời hửng sáng. Tôi không thể nói một cách tự nhiên với mẹ rằng tôi biết ơn mẹ vì những điều đó biết bao nhiêu. Cũng giống như ba lúc trước, tôi và chị tôi là những người có thể nổi điên lên vì nhà cửa bề bộn. Mẹ sống đơn giản hơn…

Đêm nay, tôi thức trong tiếng nhạc. Không biết mẹ có mất ngủ không mà nửa đêm giật mình dậy mở nhạc trong điện thoại? Tôi không biết liệu trước giờ mẹ vẫn khó ngủ như thế, chỉ có tôi vô tâm ngủ say sưa không biết, hay chỉ đêm nay chứng khó ngủ của người già mới tìm đến mẹ?

Ca sĩ Hương Lan hát một lúc thì tôi không nghe tiếng mẹ trở mình nữa. Có lẽ mẹ đã ngủ trở lại. Tôi bước nhẹ vào phòng để tắt điện thoại cho mẹ.

Mẹ đã ngủ yên, giữa khúc Dạ cổ hoài lang.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận