Oscar đã già?

NGUYÊN MINH 05/02/2012 06:02 GMT+7

TTCT - Ít năm nào khi mùa Oscar vừa tưng bừng mở hội lại nhận nhiều chỉ trích như năm nay. Phim này bị bỏ quên, nhân vật khác bị ra rìa, ca khúc nọ bị đem lên cầm xuống rồi bỏ lại…

Phóng to
Tom Hanks và Sandra Bullock trong Extremely loud and incredibly close - bộ phim bị chỉ trích nhiều nhất tại đề cử Oscar lần thứ 84 - Ảnh: Paramount/Everett / Rex Features

Tờ báo điện ảnh nổi tiếng Empireonline đã giật tựa ngay trang chủ khi đề cử Oscar lần thứ 84 vừa được công bố “Oscar 2012 thật bất công”.

Bất công

Tờ này cho rằng khi những tiếng vỗ tay còn chưa kịp lắng xuống thì người ta đã phát hiện một loạt lỗ hổng không kịp trám lại.

“Ai nên có mặt trong danh sách ấy và ai không nên? Ai là người bị cướp mất vị trí đúng ra phải thuộc về mình?”, những con chữ như thể phủ nhận hoàn toàn sự lựa chọn có cân nhắc kỹ càng của Viện hàn lâm Oscar cho dù ai cũng hiểu rằng không phải những gì mình thích cũng được lựa chọn.

Nỗi ám ảnh 11-9

Những bộ phim nhận được nhiều đề cử nhất Oscar 2012:

1. Hugo (11)

2. The artist (10)

3. Moneyball và War horse (6)

Và phát pháo đầu tiên được bắn dồn dập vào bộ phim Extremelyloud and incredibly close của đạo diễn Stephen Daldry, một trong chín bộ phim có mặt trong hạng mục Phim hay nhất. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jonathan Safran Foer xuất bản năm 2005, là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về vụ khủng bố 11-9.

Bộ phim được dẫn dắt theo lời kể của một cậu bé 9 tuổi Oskar Schell, cha của cậu đã chết tại Trung tâm Thương mại thế giới khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi. Oskar (Thomas Horn) tin rằng cha mình (Tom Hanks) đã để lại một tin nhắn cuối cùng và giấu ở một nơi nào đó trong thành phố.

Cảm thấy bị ngăn cách với người mẹ đau buồn của mình (Sandra Bullock) và được thúc đẩy bởi tâm trí không ngừng hoạt động vốn từ chối tin vào những điều mà không thể quan sát, Oskar bắt đầu hành trình tìm kiếm một cái khóa ở thành phố New York cho phù hợp với một chìa khóa bí ẩn mà cậu bé đã tìm thấy trong tủ quần áo của cha mình. Một hành trình qua năm quận của thành phố đã đưa Oskar vượt lên sự mất mát của bản thân khi có được sự hiểu biết lớn hơn đối với thế giới xung quanh.

Trong cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng này, Oskar vượt qua những nỗi sợ hãi vô căn cứ và an ủi nhiều linh hồn đau thương.

Được công chiếu từ tháng 12-2011 đến nay, Extremely loud and incredibly close bị hầu hết các giải thưởng tiền Oscar lờ đi và phải nhận một số bài phê bình chỉ trích dữ dội, hầu như mọi người đã gạt bộ phim này sang một bên ngoại trừ các thành viên viện hàn lâm. Trang web điện ảnh Rotten Tomatoes, nơi đăng tải bài viết của những nhà phê bình xuất sắc nhất, đã chấm cho bộ phim này ở tỉ lệ 48%, tỉ lệ thấp nhất trong lịch sử các bộ phim được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất của Oscar.

Trong lịch sử của Rotten Tomatoes chỉ mới có hai bộ phim bị chấm tỉ lệ dưới 70% là The reader (62%) và The blind side (66%) nhưng chưa bao giờ có phim được đề cử Oscar lại có thể nằm dưới 50%.

Đó liệu có phải là một cuộc thách đố giữa các quý ông viện hàn lâm và các nhà phê bình lão làng? Chuyện này thì năm nào cũng có nhưng nhiều người cho rằng ở tuổi 84, Oscar đang trở thành một lão già lẩm cẩm, bắt đầu có những triệu chứng thích những bộ phim gợi nỗi đau 11-9, một kiểu di chứng tấy đau mãi không hết.

Tờ The San Francisco Chronicle gọi bộ phim này là mong manh dễ vỡ, “một sự thích nghi đáng sợ khi cách tư duy của phim quá văn học lại quá ủy mị. Nỗi đau của một thành phố qua lăng kính của một cậu bé được xử lý không khéo và chẳng giống cuộc sống chút nào”.

Bố già phê bình Roger Ebert cho rằng cần phải có một câu chuyện chính đáng hơn để nói về cuộc đời cậu bé này, còn tờ Christian Science Monitor ví von cách đạo diễn Stephen Daldry cho những thi thể đổ xuống từ tầng cao tòa tháp đôi để mong gây nên một quả bom nhưng cuối cùng chẳng có quả bom nào nổ, “đó là một sai lầm”.

Phóng to

Michael Fassbender, diễn viên chính trong phim Shame, bị vuột mất đề cử Oscar năm nay - Ảnh: collider.com

Bị bỏ quên

Khi Oscar chọn Extremely loud and incredibly close cũng có nghĩa những bộ phim được đánh giá khá cao của giới phê bình đã bị bỏ lại. Trong số đó, có lẽ Drive của đạo diễn 41 tuổi Nicolas Winding Refn là thiệt thòi nhiều nhất. Bộ phim được xem là phim hình sự hay nhất năm 2011.

Lấy đề tài về đua xe nhưng khác với các tác phẩm như Driven, Fast and furious, Death race…, Drive không chú trọng vào các pha hành động mãn nhãn mà chủ yếu khai thác tâm lý nhân vật cùng tính hình sự nghẹt thở.

Nhà phê bình Phil De Semlyen cho rằng: “Đáng buồn là các vị hàn lâm lại không máu trò đua xe của bọn trẻ. Nếu các vị chỉ cần đề cử phim này thì tôi tin rằng các vị sẽ được tiếng thơm, vừa sâu sắc lại vừa sành điệu và cũng rất trẻ. Nhưng không, cuối cùng các vị lại chọn Extremely loud and incredibly close”.

“Bọn trẻ bị ra rìa”. Người ta thấy Michael Fassbender (phim Shame) và Leonardo DiCaprio (phim J. Edgar) bị bỏ xó, thay bằng Gary Oldman và Demian Bichir trong hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Nếu ông già Gary Oldman là một sự lựa chọn công bằng và thuyết phục thì Demian Bichir cho dù cũng có nhiều lời khen nhưng các nhà phê bình cho rằng diễn xuất của anh vẫn chưa thể qua Michael Fassbender trong phim Shame.

Nhà phê bình Alastair Plumb nói thẳng trường hợp của Fassbender là cực kỳ không may. Vai diễn Brandon Sullivan của anh trong Shame kể về một nhân vật lệch lạc trong tâm lý tình dục là một trong những vai diễn hay nhất trong năm, có thể liên tưởng vai diễn của anh tới những bộ phim huyền thoại vài thập niên trước như Midnight cowboy hay Last tango in Paris.

“Có thể do anh ấy quá trẻ trong mắt các quý ngài hàn lâm, những người chưa bao giờ trao giải cho nam diễn viên chính nào dưới 40 tuổi. Lịch sử không thể bị thay đổi, chỉ tiếc Michael Fassbender đã không cố gắng đợi đến 40 tuổi”, Alastair Plumb chua chát nhận xét.

Còn một loạt nhân vật bị bỏ quên như Olivia Colman trong Tyrannosaur, Tilda Swinton trong We need totalk about Kevin, Charlize Theron trong Young adult (Nữ diễn viên chính xuất sắc); The adventures of Tintin (Phim hoạt hình hay nhất), bất chấp phim này vừa giành giải Quả cầu vàng.

Thế chỗ cho bộ phim này là hai phim hoạt hình không mấy người biết đến của châu Âu, Chico & RitaA cat in Paris (hai phim này cũng đánh bại Cars 2 và khiến Hãng Pixar “mất tích” luôn năm nay. Còn phải kể thêm The skin i live in không góp mặt ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất… Ngay cả hạng mục Ca khúc gốc hay nhất, Oscar năm nay chỉ chọn có hai đề cử, ca khúc Man or Muppets trong phim The Muppets và ca khúc Real in Rio trong bộ phim hoạt hình Rio.

Trước đây, vào thời điểm thấp nhất Oscar cũng chọn ít nhất là ba ca khúc (2005, 2008), trong khi năm nay còn có thêm rất nhiều ca khúc hay để lựa chọn như tác phẩm của Elton John trong Gnomeo & Juliet, Pink trong Happy feet 2, Zooey Deschanel trong Winnie the Pooh, đặc biệt là Masterpiece của Madonna trong phim W.E. vừa giành được Quả cầu vàng.

Giải Oscar lần thứ 84 sẽ được trao vào ngày 26-2, ngoài những phát biểu đầy xúc động của những người có mặt trong bảng đề cử năm nay, người ta cho rằng Oscar năm nay sẽ có lắm bất ngờ nhưng tất cả bất ngờ ấy vẫn chưa thay đổi một sự thật: Hollywood đang già đi và ngày càng thất bát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận