Paris có gì lạ không em?

KIỀU BÍCH HƯƠNG 04/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Đâu rồi vầng cỏ xanh như chiếc lá mềm đỡ cho tháp Eiffel - nhụy sắt khổng lồ - vươn lên trời đêm Paris? Đâu rồi những đôi uyên ương chụm đầu ngắm màu thép sáng? Đâu rồi tiếng chân trẻ líu ríu chạy trên cỏ và tròn mắt ô a khi thảm sao trên tháp bắt đầu nhấp nháy.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

 Trập trùng tường nhôm, tấm chắn thép dựng kín chân tháp, chỉ chừa lối cho người mua vé lên cao ngắm cảnh. Tôi ái ngại nhìn người bạn lần đầu đến Paris, loay hoay không tìm được góc chụp ảnh.

Thêm chuyện lạ nữa. Trở lại phòng trọ cũ, giữa bàn sừng sững nồi cơm điện, gói mì lăn lóc trên kệ bếp, hai chiếc micro để hát karaoke hôm chúng tôi ở vẫn xếp gọn chẳng động tới, nay dây nhợ rối bời như vừa thức trắng cùng Paris by night.

“Chị còn lạ gì người mình. Em vừa có nhóm khách Việt sang, thèm cơm nên mượn nồi nấu ăn đấy. Họ trả phòng sáng nay nhưng em đi làm về muộn, chưa kịp dọn. Chị thông cảm”. Tôi cười xòa, xắn tay giúp cô chủ nhà trọ gốc Việt thay áo gối, lột vỏ nệm cũ.

Người Việt làm airbnb (dịch vụ chia sẻ nơi ở) ngay giữa Paris, có những chuyện kiểu dân mình là thế đấy, lại thành lạ. Bữa thuê phòng trọ của Jean - chủ nhà người Pháp gốc Tây Ban Nha, tôi thấy ông cẩn thận xếp từng chồng tờ rơi giới thiệu danh lam thắng cảnh, sách du lịch kiểu Lonely Planet và bản đồ Paris lên bàn.

Sách người Pháp viết về Việt Nam cũng ý tứ đặt trong ngăn tủ kê đầu giường. Còn thuê phòng trọ của Thanh trong một chung cư hiện đại ở Paris, đâu đâu cũng thấy dán mẩu giấy vàng nho nhỏ, không phải chỉ dẫn du lịch Paris, mà dặn dò kiểu “nhà vệ sinh chung, chớ ngồi lâu kẻo có người... buồn”, “tắm bồn nhớ kéo rèm kẻo ướt sàn, vét tóc rụng kẻo tắc cống”, “thùng này chỉ để lõi giấy”... Quá nhiều chỉ dẫn, quá ít người làm theo.

Chuyến này về, nếu có bạo tay mở một cái airbnb ở Bỉ phục vụ khách du lịch từ quê nhà sang, chắc tôi cũng lờ đi khoản giường ấm chăn êm thế nào, nước tắm nóng lạnh ra sao. Chỉ tập trung quảng cáo điều quan trọng nhất: giá rẻ, đoàn đông có sofa ngả ra thành giường ở phòng khách, có thể nấu ăn (sẵn nồi cơm điện) và được sử dụng máy giặt.

Chuyện này cũng lạ không kém. Jean đến tận bến Bercy chờ chuyến xe buýt đêm để đón chúng tôi. Giao kèo ghi rõ phải đi hai chuyến vì đoàn đông và lỉnh kỉnh đồ đạc.

Nhìn đồng hồ đã gần nửa đêm, Jean khoát tay: “A lê hấp, tất cả lên xe”. Tôi ái ngại “Nhỡ cảnh sát phạt? Paris chứ có phải Hà Nội đâu mà nhồi 7 người vào xe bốn chỗ?”. “Đêm rồi, không sợ, cứ lên đi”. Không sao thật.

Còn tiết kiệm cho khách 15 EUR phí một chuyến xe. Bắt đầu thấy sông Seine và hai cột khói nhà máy vùng ngoại ô, Jean tiếp tục mạch không sao: “Sắp đến nhà tôi rồi. Các cô yên tâm, khu này an toàn, ít dân nhập cư.

Mấy tháng trước có anh bạn gốc Việt từ Đức sang, phi thẳng xe đến nhà tôi đòi đậu nhờ trong garage. Sợ bị bẻ gương ấy mà. Tôi bảo khu này để xe ngoài đường cũng không trầy xước gì đâu. Anh bạn vẫn không tin vì lần trước sang Paris bị hai thằng lao ra giả vờ lau kính xe rồi đòi hàng chục EUR, hãi mãi”.

Paris có gì lạ không em? / Mai anh về em có còn ngoan? / Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ / Em có tìm anh trong cánh chim (thơ Nguyên Sa). Dù thế nào, đến Paris luôn là hành trình tìm về lãng mạn và hi vọng.

Chỉ cần thấy vầng trăng khổng lồ màu cam treo trên vườn Tuileries, chỉ cần được sờ vào những bìa sách bọc da óng ánh chữ mạ vàng và ngắm giấy cũ đã ngả màu lá khô phơi trong nắng thu bên dòng sông Seine..., mọi cảnh báo đều mờ như ảo ảnh.

Đêm ấy, đã sang ngày mới được một giờ. Chỉ còn nhóm chúng tôi chơ vơ bên những đường ray lộng gió buốt. Xa xa, vài ba thanh niên da trắng, da màu đủ cả tròn mắt nhìn chúng tôi như tự hỏi giờ này mấy người đàn bà châu Á kia còn làm gì ở Paris.

“Các quý cô ơi, quá muộn rồi, không còn chuyến tàu nào đâu mà chờ” - họ cử một anh chàng da màu biết nói tiếng Anh ra nói chuyện. “Làm sao chúng tôi về được nhà trọ?”. “Ra khỏi ga tàu điện ngầm cho an toàn đã. Lên kia tìm xe buýt đêm”.

Biết đi chuyến buýt đêm nào bây giờ? Tôi bấm máy gọi Thanh: “Xin lỗi làm phiền em giờ này, bọn chị không biết cách nào về nhà nữa rồi”. “Các chị đang ở phố nào? Đứng yên đó, em gọi xe đến đón”.

Cô bạn đi cùng thở phào, cất máy ảnh vào túi “Nghĩ thấy kỳ ghê. Người ta cứ kêu Paris giờ thế này thế nọ. Mình lại thấy dân ở đây rất chịu khó nói tiếng Anh, chỉ đường nhiệt tình. Ngày nào cũng nhảy tàu xe, có bị móc trộm đâu”. Lạ thật ấy chứ, từ bao giờ những điều tốt lành quen thuộc thế này bỗng trở thành chuyện lạ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận