Pháp lệnh cá vàng

HỒ VIÊN 02/12/2011 21:12 GMT+7

TTCT - Trong một bữa cơm khách, món gỏi củ hủ dừa bị thừa mứa. Vụ này lỗi hoàn toàn do tôi. Nghĩ đây là món lạ, tôi gọi để đãi khách - một nhà tâm lý học người nước ngoài.

Vị khách ăn thử mấy miếng, vui vẻ khen ngon. Vậy nên đương nhiên phải nói một chút về lai lịch món này với khách. Tôi chỉ vào cây cau kiểng gần bàn ăn, vào vị trí cái củ hủ nơi đọt cây, nơi điểm tụ mấy tàu lá xanh tươi vươn ra, rồi vì quen miệng nói luôn rằng khi lấy củ hủ này thì cây dừa phải chết.

Khách đang tươi tỉnh bỗng mặt mày buồn hiu. Người bạn giúp phiên dịch nói lại: “Cô ấy nói ăn như vầy ác quá, nhưng không sao, em bảo người ta chỉ lấy củ hủ khi thấy cây dừa sắp chết thôi”. Vậy là chủ khách gượng cười, tiếp tục bữa với món mới và những câu chuyện khác…

Minh họa: Bích Khoa

Nhưng cả tháng trời sau, cứ lúc thiu thiu sắp ngủ, tôi lại nghe tiếng bụp bụp vọng xa xa, tiếng dao chém vào bẹ dừa, chém cái củ hủ dừa rời khỏi thân cây. Hồi nhỏ tôi từng thấy cảnh này, nghe tiếng động này, khi mấy anh trong xóm xử lý mấy cây dừa bị lở đất ngã xuống sông, mà có bị ám ảnh gì đâu.

Người bạn đi du học về kể tứ tung nhiều chuyện lạ, nhậu la đà quên hết, nhớ mỗi chuyện ở Hà Lan ban luật hay thông tư quyết định gì đó mà tôi cứ khoái gọi là “pháp lệnh cá vàng”. Lệnh này ban bố lâu rồi, quy định người nuôi cá vàng cá cảnh không được thả cá trong chậu thủy tinh hình cầu, hình trụ mà phải dùng chậu hình vuông hoặc chữ nhật.

Sau nhiều năm thí nghiệm, mấy nhà cá học xứ hoa tulip thấy rằng cá vàng trong chậu vuông sống thọ hơn mấy em trong chậu tròn. Sau nhiều năm nghiên cứu nữa, có kết quả là hầu hết mấy em trong chậu tròn đều mắc bệnh thần kinh vì luôn thấy mình to mập dị hợm, không trẻ trung thon thả mi nhon như mấy đứa lượn lờ bên cạnh, cá thể nào cũng mang mặc cảm không chia sẻ được, rồi chúng buồn bã sầu thảm mang nỗi trầm uất lìa đời, không được hưởng câu viên mãn tịch diệt. Chuyện đến tai chính phủ rồi có pháp lệnh cá vàng.

Chuyện cá vàng được sủng ái dù sao cũng có nét tiến bộ trong màu sắc văn minh của động vật loại, hình ảnh này đủ trấn áp nỗi ám ảnh bởi tiếng bụp bụp chém dừa, tôi nghĩ về nó và giấc ngủ dễ chịu hơn trước. Chưa được mấy bữa thì sáng kia thức dậy thấy nguyên cái chậu thủy tinh hình cầu, miệng còn uốn éo hình lá sen nữa mới bực, trong chậu có mấy em cá vàng lượn lượn. Nghiệt ngã, nhà tôi vuông góc với nhà bên, có khoảng sân chung nho nhỏ, họ đặt chậu cá trước cửa nhà họ cũng là trước cửa nhà tôi. Xong.

Lại khó ngủ. Mà hễ khó ngủ thì hay chiêm bao, thấy đêm nọ anh Dã Tràng ghé chơi, tôi đãi ảnh mớ rượu rồi nằn nì xin mượn viên ngọc nghe, bước ra sân ngồi bên chậu cá. Nghe lũ cá trò chuyện thế này:

“Cách nay hơn hai ngàn năm, trong loài người có đứa cho rằng biết tâm trạng vui buồn của chúng ta, một đứa đồng loại với y không tin, hai bên cãi rong cãi rêu một hồi, kết cuộc là tay tung tin hiểu cá đuối lý. Gặp đồng loại khờ khờ là tay này cứ nói nhảm, nhiều chuyện đại loại như chim to che một góc trời, cá lớn dài đến mấy ngàn dặm, xác rùa chết đã ba ngàn năm được dựng miếu thờ... y đều có thể tưởng ra.

Loài người về sau nhiều kẻ tin y, chép những điều nhảm ấy thành mớ chữ Những lời văn vẻ phương nam, nhưng cũng nhờ vào mớ chữ này mà chúng ta mới biết rõ y xạo, bởi chùm chữ Nước mùa thu đã để lại chứng tích y vác cần đến bờ sông Bộc câu chúng ta để làm mồi nhậu”.

Đoàn cá như bơi chậm lại, liếc mắt cong môi lầm bầm những câu ác độc ác độc, nói mồm mép loài người lừa bịp chúng sanh... Chưa kịp nói câu nào với đám cá thì Dã Tràng lấy viên ngọc lại, rồi đi.

Thức dậy mở đèn kiếm cuốn Nam Hoa Kinh coi lại, thì ra anh cá già kia nói không sai. Loài người hiện nay cứ chờ giống loài nào sắp tuyệt chủng mới la lên “bảo vệ, bảo vệ”. Cái pháp lệnh cá vàng đang áp dụng lẻ loi nơi góc trời kia làm sao có thể đem đến niềm tin của muôn loài với loài người đây? Biết đâu lại có những loài khác nữa cũng đang lưu truyền những câu chuyện lịch sử tàn tệ về/của loài người và cũng đang có những kế hoạch ứng phó chúng ta?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận