Phù Tang trong hẻm

LÊ QUANG 16/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT -

Tôi có thói quen không hẳn tối ưu hoặc dễ hiểu cho một người ưa du lịch: thay vì nghiền ngẫm chồng sách hướng dẫn du lịch và lên danh mục các danh lam thắng cảnh hay bảo tàng, phòng tranh... để lần lượt “xử lý” cho thỏa mãn nhu cầu nâng cao văn hóa kiêm thư giãn trong kỳ nghỉ hiếm hoi, tôi chỉ dựa vào linh tính, để rồi dĩ nhiên sẽ bỏ sót nhiều điểm hay ho.

Bù lại, thế giới sẽ tặng ta những trải nghiệm bất ngờ nhất mà không Google nào tính đến.

Taxi đi Paris

Bức tường Berlin vừa đổ, người Đức hai miền háo hức đi tìm gia đình ly tán hoặc tìm đến chân trời mới. Hawaii? Greenland? Barbados? Riêng tôi có những áp lực khác hẳn. Chỉ qua một đêm mà chẳng còn gì giống trước. Công việc bấp bênh, tiền nhà tiền điện không biết đóng cho ai, đi chợ vẫn lo tuần sau tiêu bằng tiền Đông Đức hay Tây Đức...

Trong không khí mất ăn mất ngủ ấy, tôi ngồi với cậu bạn hàng xóm lái xe tải ở tầng trên, hai đứa nghe Felix de Luxe, một ban nhạc pop từ Hamburg. Nhạc của họ cũng thường, nhưng người hát kiêm viết ca từ là một nhà thơ nên nghe rất ngấm. Chúng tôi nghe đi nghe lại bài Taxi nach Paris (Taxi đến Paris) của Felix de Luxe và gần sáng thì quyết định: lên đường!

Sau này, dù còn vài dịp đặt chân đến xứ gọi là “Kinh đô ánh sáng” nhưng tôi không bao giờ xúc động nữa. Như mối tình đầu có thể dát vàng hay bóp nát tim ta, chẳng mối tình nào sau này thế chỗ nó được.

Chuyến đi đầu tiên của tôi đến châu Phi cũng vậy. Đó là lúc Internet dần thoát khỏi chế độ dial-up và ta có thể thu lượm khá nhiều thông tin trên không gian ảo còn khá còm cõi. Nhưng kể từ đó trở đi, tôi có niềm tin sắt đá là mọi kiến thức do người khác nhai đi nhai lại rồi tung lên mạng tuy rất lợi hại, song ngoài những điều tối cần thiết như kinh nghiệm xin thị thực, cách tìm nhà trọ rẻ... thì cảm xúc của ta sẽ bị giết chết bởi những thìa thức ăn bón vào mồm người đi sau.

“Thế giới phẳng” dĩ nhiên là một cách nói, song chẳng phải đã bao máu đổ để chứng minh quả đất tròn, để rồi ta lại giẫm cho phẳng?

Nên biết (trước) những gì khi đến Nhật Bản?

Theo tôi thì, như đã cố vào đề ở trên, không nên biết gì.

Lần đầu tới Tokyo, tôi bị một anh bạn xui phải đến phố Omoide Yokocho nổi tiếng ẩm thực. Ừ thì đến. Nhà hàng san sát hai bên, vung tay là chạm tường. Từ xa đã ngửi thấy khói thịt nướng mà tôi thì đang rắp tâm ăn chay trường. Nhưng vẫn phải lội vào. Nói “lội” là theo nghĩa bóng, dĩ nhiên, vì Tokyo ở xó nào cũng sạch bong, song nó có lý do cả: Phố Omoide Yokocho có biệt hiệu trong giới du lịch là Piss Alley (hẻm đái).

Nghe nói cái tên đó có từ thập kỷ 1940, khi cái ngõ này trở thành điểm hẹn của các ma men chuyên đi lùng bia cỏ, rượu lậu và Yakatori (thịt xiên nướng) rẻ tiền. Và vì hàng quán ở đây không có nhà vệ sinh, nên thực khách cứ thế tự nhiên giải quyết nhu cầu cấp bách vào chân tường hoặc cạnh đường ray gần đó.

Phố Omoide Yokocho hôm nay vẫn còn một số đặc sản như pín ngựa hay cà lợn, nhưng không biết tiếng Nhật cũng chẳng hỏi được ở đâu, vả lại cũng không thú vị với người sống chay tịnh như tôi. Ginza thì quá đắt đỏ, tháp vô tuyến bắt xếp hàng khá lâu, Disneyland chỉ hợp với con nít.

Các thông tin khác cũng vô duyên nốt. Để trải nghiệm con tàu tốc hành huyền thoại Shinkansen phi hơn 400km/h (chỉ là con số lý thuyết vì bình thường nó chỉ chạy đến 300km/h) thì bạn phải đứng cạnh đường ray khi nó chạy qua, chứ đã mua vé đắt cắt cổ và ngồi trên tàu rồi sẽ chẳng cảm nhận gì được nữa. Phí tiền!

Vào ngõ!

Rủi thay, vì lý do công việc mà trước khi đi Nhật lần này tôi phải đọc một cuốn sách về Karoshi (chết vì làm việc quá sức) và Hikikomori (những người ở ẩn trong phòng mình cả năm trời, thậm chí không bước ra cửa lấy đồ ăn, chỉ vì sợ đương đầu với thế giới lạnh lẽo bên ngoài). Vẫn biết đó là cái giá mà nước Nhật hùng mạnh phải trả cho sự tăng trưởng kinh tế phi mã từ sau Thế chiến II, song sự chuẩn bị tâm lý cho một chuyến đi như thế quả là bất lợi.

Nhưng ông trời, như ta biết, vốn công bằng, chẳng lấy đi của ai tất cả. Ông bù cho tôi nhiều lắm. Linh tính xui tôi bỏ qua các phố xá tưng bừng ánh đèn, lờ đi những tiệm ăn thanh cao, không thèm để ý đến hàng hóa tinh xảo chỉ có ở Nhật - và mò vào các con ngõ nhỏ.

Và ở đây, cả một thế giới “ngầm” mở tung ra cho ta đam mê sà vào. Chưa bao giờ tôi được thấy một quán cà phê nhỏ đến nỗi chỉ mình ông chủ đứng ở trong làm đồ uống, còn cái bàn duy nhất với hai ghế thì kê ra trước cửa. Các khái niệm như “siêu mỏng, siêu méo” mà nhà chức trách ở Việt Nam tung ra nhằm hạn chế mọi biến thái đô thị hầu như không đủ sức thể hiện ở đây.

Người Nhật vốn nổi tiếng vì biết tận dụng không gian chật hẹp, nhưng các ngõ nhỏ của Nhật quả là một thế giới riêng. Trong tiệm mì ramen mà tôi vào, cái máy rửa bát treo khá cao dưới trần nhà vì bếp gas ở dưới đã chiếm hết nửa diện tích bếp. Mà không chỉ một vài: hầu như quán nào cũng chỉ có 4 đến 10 ghế hẹp ngang, người ta xếp hàng ra tận vỉa hè - thực ra đường ở ngõ không có vỉa hè - ghi tên vào một tờ giấy rồi nhẫn nại đợi nghe xướng tên mình trong khi liên tục uốn éo tránh cho mọi người qua lại.

Giữa các quán nhỏ xíu là thợ may, nghệ nhân xăm trổ, cửa hàng cho thuê đồ thời trang quái dị (bảo đảm của Vivienne Westwood, ít nhất là căn cứ vào giá), lộn xộn trong các bình gas cao như đầu người, xe đạp và xe máy, két bia rỗng, thùng xốp...

Và thêm một điều rất Nhật: quán cà phê có sáu chỗ và chỉ có một đôi đang ngồi uống. Tôi rón rén ra hiệu hỏi và bị từ chối lịch sự mà cương quyết. Đến hôm thứ ba thì tôi nhận ra: họ chỉ phục vụ khách quen.

Người Nhật ít khi về nhà ngay sau khi tan giờ, mà còn rủ nhau đi quán - âu cũng tội nghiệp cho các bà vợ và đám con thơ ở nhà. Hình ảnh đặc trưng là các nhân viên làm công ăn lương - vì lý do nào đó họ mang danh hiệu vay mượn là Salaryman - trong bộ complet đen và sơmi trắng như tuyết, đặt cặp cạnh chân ghế, gọi đĩa đậu tương luộc rắc muối và xúp Miso, cùng lắm là thêm đĩa gì đó nhỏ như suất trẻ con. Nói chung ở Nhật dễ bị đói, một phần cũng vì chẳng mấy khi tìm được thực đơn không viết tiếng Nhật.

Tôi bị đói liên tục, nhưng tôi ngây ngất sung sướng được thâm nhập vào cái thế giới kỳ lạ mà tôi trộm gọi là xứ “Phù Tang trong hẻm”. Tuy phải “tùy tục”, nhưng đi xa thế mà được “nhập gia” cũng là phúc lớn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận