Platini có lý

HẢI MINH 04/03/2014 09:03 GMT+7

TTCT - Bất chấp những ý kiến phản đối dữ dội từ hai liên đoàn bóng đá lớn ở châu Âu là Anh (FA) và Đức (DFB), việc mở rộng vòng chung kết Giải vô địch châu Âu (Euro) lên thành 24 đội từ năm 2016 của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini đã trở thành hiện thực.

Ông Michel Platini - Ảnh: telegraph.co.uk

Euro luôn được coi là giải đấu cấp đội tuyển quốc gia đẳng cấp nhất. Chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) là hiểu được điều này: 12 trong 20 đại diện đứng đầu đến từ UEFA. Pháp, vào chung kết World Cup 2006, bị loại ngay từ vòng bảng ở lần dự giải gần nhất, trong khi Anh phải chật vật mới vượt qua được vòng loại Euro 2012 tại Ba Lan và Ukraine.

Sự khắc nghiệt của giải đấu, với chỉ 16 suất cho vòng chung kết, đã khiến những cú sốc lớn xảy ra liên tục.

Những người chỉ trích quyết định mở rộng giải đấu của UEFA lo ngại chất lượng giải đấu sẽ xuống cấp và cho rằng ông Platini hành động chỉ vì sức ép tài chính từ các đài truyền hình (vốn muốn có càng nhiều trận đấu càng tốt) cũng như vì lý do chính trị (do ông muốn kiếm phiếu của các liên đoàn nhỏ sẽ khó có cơ hội dự giải nếu được duy trì như hiện giờ).

Quả thật, Euro là một cỗ máy in tiền cho UEFA. Kiểm toán gần nhất của kỳ giải năm 2008 (tổ chức tại Áo và Thụy Sĩ) cho thấy giải đấu mang về 250 triệu euro lợi nhuận cho UEFA. Và con số đó đã tăng đều đặn qua mỗi lần tổ chức giải. Euro 1992 (Thụy Điển) đạt doanh thu 41 triệu euro, 1996 (Anh) là 147 triệu euro, 2000 (Bỉ và Hà Lan) là 230 triệu euro và 2004 (Bồ Đào Nha) là 852 triệu euro.

Tại Áo và Thụy Sĩ sáu năm về trước, con số đó đã vượt qua cột mốc mơ ước: 1,3 tỉ euro.

Một cổ động viên Croatia ở Euro 2012. Quốc gia này chỉ xuất hiện trên bản đồ châu Âu từ năm 1991 và gia nhập Liên minh châu Âu năm 2013 - Ảnh: missosology.info

Với giao thông thuận tiện và cơ sở hạ tầng gần như hoàn hảo ở châu Âu, mọi bên tham gia đều được hưởng lợi. Năm 2008, hai nước đồng chủ nhà Áo và Thụy Sĩ mỗi nước đã có doanh thu khoảng 360 triệu euro. Hãng MasterCard ước tính riêng thành phố Vienna tăng thu nhập thêm 100 triệu euro chỉ nhờ tổ chức trận chung kết. Các nước tham dự cũng nhận được một cú hích về kinh tế.

Với những lo ngại về việc kỳ giải quá dài, một tháng trời so với chỉ hơn nửa tháng trước đây, sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng các trận đấu cũng như quan ngại của các câu lạc bộ về tình trạng thể lực cầu thủ, ông Platini giải thích: “Ai cũng có thể đưa ra hàng loạt lý do (để mở rộng Euro). Tôi chắc chắn rằng về mặt chuyên môn sẽ không bị ảnh hưởng gì. Ngoài 16 đội như trước kia, tôi tin rằng chúng ta có thể tìm ra thêm tám đội mạnh không kém”.

Platini có lý. Bối cảnh địa chính trị châu Âu đã thay đổi rất nhiều so với những năm 1960, hay năm 1996 khi lần đầu Euro có 16 đội. Năm 1960, trận chung kết Euro là giữa Liên Xô và Nam Tư.

Ngày nay, những liên đoàn bóng đá trực thuộc UEFA là một phần của Liên Xô trước kia bao gồm Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Latvia, Lithuania, Moldova và Ukraine; trong khi Nam Tư đã trở thành Serbia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Montenegro, Slovenia và Kosovo.

Tính đến nay, chỉ có 27 đội tuyển quốc gia từng may mắn được tranh tài ở Euro. Trong thập kỷ tới, con số đó dự kiến sẽ tăng nhiều mà không hề làm giảm đi chất lượng giải đấu.

Thật ra, giống như các giải bóng đá lớn khác là World Cup hay Champions League, Euro đã không ngừng mở rộng kể từ vòng chung kết giải đầu tiên năm 1960 với chỉ 4 đội, rồi 8 đội vào năm 1980, 16 đội vào năm 1996 và giờ đã là thời điểm chín muồi để Euro đi thêm bước nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận