​Platini trở lại cuộc đua FIFA

L.TẤN 10/08/2015 18:08 GMT+7

Từ nhiều tuần trước, ý định này của ông Michel Platini ngày càng hiển hiện rõ và được công bố chính thức ngày 29-7 vừa qua. Cựu cầu thủ ngôi sao nay đã 60 tuổi này muốn viết nên một chương mới trong câu chuyện của mình bằng cách vươn đến vị trí tối cao của bóng đá thế giới.

Michel Platini trước cuộc bốc thăm vòng loại World Cup 2018 tại Konstantin Palace, St. Petersburg (Nga) ngày 25-7-2015 - Ảnh: Reuters

Khi đế chế FIFA lung lay vì hàng loạt xìcăngđan tham nhũng, Michel Platini đã kêu gọi ông Sepp Blatter hãy ra đi ngay sau khi vừa tái đắc cử nhiệm kỳ lần thứ năm ở cuộc bầu cử cuối tháng 5 vừa rồi. Mới đây, chủ tịch FIFA tuyên bố chỉ từ nhiệm tại một “hội nghị bầu chọn đặc biệt” tổ chức vào ngày 26-2-2016 ở Zurich.

Nhận được nhiều ủng hộ

Có những thời điểm bạn phải nắm lấy số phận trong tay mình. Tôi đã đạt đến một trong những thời điểm quyết định ấy” - Platini giải thích việc ông gửi quyết định ứng cử chức chủ tịch FIFA đến 209 liên đoàn quốc gia thành viên ngày 29-7. Ông từ chối các đề nghị phỏng vấn và dự kiến sẽ phát biểu trước báo chí tại Monaco vào cuối tháng 8, nhân lễ bốc thăm chia bảng cúp Champions League của UEFA mà ông đang là chủ tịch. 

Ngày 20-7 trước đó, Platini cho biết cảm thấy “ngạc nhiên dễ chịu” trước làn sóng ủng hộ ông ứng cử, trong đó có ba liên đoàn châu lục gồm Nam Mỹ (Comebol), Bắc Trung Mỹ (Concacaf) và châu Á (AFC). Với AFC, Platini đã có những trao đổi với chủ tịch AFC Al-Khalifa và nhân vật đầy ảnh hưởng người Kuwait Al-Sabah (cả hai đều là thành viên điều hành FIFA).

Dù còn phải thuyết phục hai liên đoàn châu Phi (CAF) và châu Đại Dương (OFC), “vùng đất bầu cử chính” của ông Blatter, nhưng chủ tịch UEFA đã có sự ủng hộ của ít nhất 140 liên đoàn quốc gia. Ngoài ra, ông Platini còn nhận được sự hậu thuẫn của Herber Hainer, tổng giám đốc người Đức của Hãng Adidas, một trong những nhà tài trợ lịch sử của FIFA.

Theo AP, ngày 24-7 ông Platini đã gặp thái tử Jordan Ali Ben Al-Hussein, ứng viên “bất hạnh” tại cuộc bầu cử vừa rồi (bị ông Blatter đánh bại với số phiếu 133 so với 73). Lúc đó, thành viên hoàng gia này đều được Platini và UEFA ủng hộ.

Michel Platini chẳng cần ai ủng hộ cả. Chính FIFA cần sự ủng hộ của Michel. Nếu muốn vị trí này (chủ tịch FIFA), ông ấy sẽ nhận được thôi. Chỉ kẻ ngốc mới chọn cách đối đầu với Michel” - một chủ tịch liên đoàn của châu Âu vừa cười vừa khẳng định.

Michel sẽ không liều chấp nhận rủi ro. Ông ấy tự bảo: nếu tham gia, tôi đảm bảo phải giành chiến thắng. Nếu Blatter không ra ứng cử vào năm 2015, hẳn Michel đã có mặt và sẽ giành chiến thắng” - một cựu trụ cột của FIFA từng khẳng định với tờ Le Monde hồi tháng 8 năm ngoái. Thời điểm đó, ông Platini thích một nhiệm kỳ thứ ba ở UEFA hơn là thách thức ông Blatter ở thùng kiểm phiếu khi nhấn mạnh “chưa phải lúc”. Nhưng ngày 28-5-2015, cựu danh thủ Pháp khẳng định sẽ xem lại đánh giá sau khi ông Blatter rời FIFA.

Ai sẽ cản đường Platini?

Nhật báo AS của Tây Ban Nha vừa khẳng định ông Platini sẽ giao quyền lực ở UEFA về tay Wolfgang Niersbach - chủ tịch LĐBĐ Đức. Nhưng đến ngày 26-10 danh sách ứng cử mới gút lại, tức bốn tháng trước cuộc bỏ phiếu bầu chọn. Từ nay đến đó, cựu chủ nhân Quả bóng vàng châu Âu từ 1983-1985 có dư dả thời gian để “chuẩn y” đề nghị ứng cử và trình làng chương trình hành động. Cần nhắc lại rằng ông Platini là người phản đối quyết liệt việc sử dụng camera làm trọng tài phân xử tình huống trên sân.

Ngoài thái tử Ali, hiện mới có cựu huyền thoại Brazil Zico và chủ tịch LĐBĐ Liberia Musa Hassan Bility cho biết sẽ tham gia cuộc chạy đua. Phó chủ tịch FIFA từ 1994-2011 và hiện là ông chủ của Tập đoàn Hyundai Chung Mong Joon cũng có thể ra tranh cử.

Ông Bility tung phát pháo đầu tiên: “Tôi muốn sớm có cuộc nói chuyện với Platini. Tôi tin rằng ông ấy không đại diện cho sự thay đổi thật sự, một sự thay đổi thích hợp. Chúng ta sẽ phải suy nghĩ khác đi. Chúng ta cần những lãnh đạo mới với những ý tưởng mới để thoát khỏi thời kỳ khó khăn".

"FIFA không phải chỉ do một mình ông Blatter điều hành. Ông ấy không chịu trách nhiệm về tất cả những gì diễn ra không hay ở FIFA. Ông Platini phải chuẩn bị làm rõ vai trò của mình trong mọi chuyện này. Nhưng nếu mọi người chỉ muốn nhìn thấy FIFA thoát khỏi quỹ đạo của ông Blatter và việc điều hành tổ chức này không thay đổi, như vậy ông Platini là người chiến thắng khả dĩ”.

Những người trong cuộc vẫn không quên rằng Platini từng đổi chác lợi ích với Blatter để đạt được mục tiêu mong muốn, như ủng hộ ông Blatter trong cuộc chạy đua kế vị Jose Havelange và sau đó trở thành “cố vấn bóng đá” của ông Blatter.

Tháng 1-2007, ông Blatter đã ra tay giúp Platini hất chân Lennart Johansson khỏi vị trí chủ tịch UEFA mà ông này nắm giữ từ năm 1990. Bởi thế khi nghe ông Platini than phiền kết quả ông Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA (“Như thế là quá lắm, quá lắm rồi. Hình ảnh rất tệ. Không thể tiếp tục như vậy được nữa”), Blatter đã cảnh báo: “Tôi tha thứ nhưng tôi không quên đâu”.

Vì vậy, ông Blatter sẽ cản bước hành trình lên đỉnh Olympia của “gà cũ” của mình, dù ngoài miệng ông già tuổi 79 này vẫn “chúc may mắn cho tất cả các ứng viên, kể cả Michel Platini”.

Vụ “Qatargate” là một dẫn chứng khi ông Blatter ám chỉ rằng lá phiếu bầu chọn Qatar là nước chủ nhà World Cup 2022 có sự can thiệp của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong buổi ăn trưa ngày 23-11-2010 tại Điện Elysée có mặt ông Platini. Báo chí Anh từng ám chỉ ông Platini có “liên quan” đến vụ bỏ phiếu bầu gây tranh cãi này khi con trai ông là Laurent đang điều hành France Burrda Sports - nhà cung cấp trang thiết bị thể thao của Qatar.          

Nước Pháp từng có hai đại diện làm chủ tịch FIFA là Robert Guérin (1904-1906) và Jules Rimet (1920-1954). Theo tờ L’Equipe, Michel Platini đạt những thành công lẫn thất bại ở vai trò lãnh đạo. Trên cương vị HLV đội tuyển Pháp thay thế cho Henri Michel sau chiếc huy chương đồng ở World Cup 1986, Platini đã không giúp Pháp đoạt được vé đến Ý dự giải 1990. Ở vòng loại giành vé dự Euro 1992, tuyển Pháp thi đấu không sai sót nhưng... ra về sau vòng một của giải! Platini kết thúc vai trò ở đội tuyển khá đột ngột. Ngày 2-7-1992, khi Pháp được chỉ định làm chủ nhà World Cup 1998, Platini thông báo: “Tôi dừng lại. Mọi chuyện đã kết thúc”.

Tuy nhiên, Platini đã gia nhập ban tổ chức giải 1998 và trở thành đồng chủ tịch bên cạnh Fernand Sastre, cựu chủ tịch LĐBĐ Pháp (1972-1984), như một biểu tượng thể thao. Trong thực tế, Platini dính dáng đến mọi công việc tổ chức giải, tham dự mọi cuộc họp khác nhau, góp ý kiến về tiếp thị... World Cup 1998 là một thành công và được nhân lên nhờ chiến thắng của tuyển Pháp.

Năm 2007, vừa qua tuổi 50, Platini đã vượt qua Lennart Johansson (77 tuổi) để trở thành chủ tịch UEFA nhờ một chiến dịch tranh cử khéo léo: tìm những “lá phiếu nhỏ”. Khi đã lên đỉnh cao, Platini đã trả ơn bằng cách mở rộng các cúp châu Âu nhiều hơn cho các liên đoàn “thấp cổ bé miệng” cả về mặt thể thao lẫn tài chính. Nhờ giao tiếp khéo, có sức thu hút cao, Platini biết dùng người và điều hành dễ dàng tổ chức bóng đá có doanh số hơn 1 tỉ euro. Dù các biện pháp và dự án không tạo được sự đồng thuận, nhưng cá nhân Platini lại thu phục được các lá phiếu để hai lần tái đắc cử chủ tịch UEFA, năm 2011 và tháng 3-2014. Chủ bài hành động của Platini trong các nhiệm kỳ này là ban hành quy định fair-play tài chính mà nhờ áp dụng nó, các CLB châu Âu giảm lỗ từ 1,7 tỉ euro (năm 2011) xuống còn 487 triệu euro (2014).

Đ.D.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận