Qatar - thế lực bóng đá mới

HẢI MINH tổng hợp 03/12/2013 09:12 GMT+7

TTCT - Giành quyền đăng cai World Cup 2022 và mua lại CLB hàng đầu nước Pháp Paris Saint-Germain chỉ là một phần trong kế hoạch của Qatar hướng đến việc trở thành một thế lực lớn của môn thể thao vua ở quy mô toàn cầu.

Phóng to
Chủ tịch FIFA Sep Blatter (phải) luôn ủng hộ Qatar và khẳng định World Cup 2022 sẽ tổ chức vào cuối năm

Gần như không được ai nhắc đến trong thế giới bóng đá cho tới khi giành quyền đăng cai World Cup 2022, Qatar thật ra là quốc gia giàu nhất thế giới dựa trên thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 103.900 USD/người/năm. Nhưng trước đó, quốc gia vùng Vịnh này đã có những đầu tư tạo hình ảnh thật ấn tượng.

150 triệu euro cho chiếc áo

Đó là số tiền mà năm 2011 Quỹ Qatar Foundation đã chi để trở thành nhà tài trợ đầu tiên xuất hiện trên áo đấu của CLB Barcelona trong thời hạn năm năm.

Với truyền thống hơn 110 năm không nhận quảng cáo thương mại trên áo thi đấu, đội bóng đã giành bốn chức vô địch Cúp C1/Champions League đã phải giải thích với các cổ động viên khó tính của họ rằng Qatar Foundation là một tổ chức từ thiện (thuộc nhà nước Qatar). Nhưng chỉ hai năm sau, thỏa thuận trở thành một hợp đồng tài trợ hoàn toàn sòng phẳng.

Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways sẽ trả cho Barcelona 96 triệu euro để xuất hiện trên áo thi đấu của CLB trong ba năm. Javier Faus, phó chủ tịch phụ trách kinh tế và chiến lược của đội bóng Tây Ban Nha, nói khoản tiền này không chỉ đặt tên Qatar Airways lên áo đấu của CLB mà cả ở sân Nou Camp, các ghế trên khán đài và “sẽ có chỗ của họ trong bảo tàng FC Barcelona”.

Giám đốc điều hành Qatar Airways Akbar al-Baker nói về thỏa thuận với CLB trước giờ vốn coi khinh các lợi ích tài chính và là một định chế do các cổ động viên sở hữu, niềm tự hào của cá tính và bản sắc xứ Catalan: “Chúng tôi chia sẻ những giá trị, tham vọng và sự ưu việt với FC Barcelona”.

Tiếp tục cuộc bành trướng ở châu Âu, sự giàu có của Qatar, xuất phát từ GDP 183 tỉ USD nhờ dầu mỏ và khí đốt, đã giúp nhà nước mua lại CLB Pháp Paris Saint-Germain (PSG) vào tháng 5-2011.

Vụ mua bán, do quỹ đầu tư nhà nước Qatar Sports Investments (QSI) tiến hành, diễn ra sau một bữa ăn trưa ở điện Elysée có mặt tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini (cũng là người Pháp) và Tamim bin Hamad al-Thani khi đó là hoàng thái tử (giờ đã kế vị ông bố Hamad lên ngôi quốc vương kiêm thủ tướng Qatar).

Phóng to
Học viện Aspire với cơ sở đào tạo và thi đấu hiện đại

Đầu tư điên cuồng và vòng vèo

Ông Platini được thông báo là tổng thống Sarkozy muốn những người Qatar mua lại PSG và bản thân ông bỏ phiếu cho Qatar trong chiến dịch đăng cai World Cup, nhưng cựu cầu thủ nổi tiếng này bác bỏ việc cuộc gặp đã có ảnh hưởng tới quyết định của ông.

Thêm một sự kiện khó hiểu nữa diễn ra sau đó khi Laurent, con trai Platini, được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Burrda - một công ty trang phục thể thao thuộc QSI. Tuy nhiên, một lần nữa ông Platini khăng khăng chuyện đó không liên quan gì tới lá phiếu của ông dành cho Qatar.

Từ đó tới nay, PSG đã trở thành một thế lực lớn của bóng đá châu Âu khi họ trả những khoản phí chuyển nhượng và lương khổng lồ để lôi kéo về Zlatan Ibrahimovic, Edinson Cavani và nhiều siêu sao khác của bóng đá thế giới. Dòng tiền được hợp thức hóa nhằm né luật công bằng tài chính của UEFA (do chính ông Platini khởi xướng và cổ xúy) với một thỏa thuận tài trợ, trong đó Cơ quan Du lịch nhà nước Qatar (QTA) sẽ trả 200 triệu euro mỗi năm trong vòng bốn năm cho PSG!

Bản thân quốc vương Qatar chưa bao giờ giải thích đầy đủ về chiến lược thật sự của họ đằng sau cơn sốt đầu tư bóng đá điên cuồng này. Tuy nhiên, mục “chiến lược thể thao 2011-2016” của kế hoạch phát triển Qatar từ giờ tới năm 2030, một tài liệu nhà nước, cho biết: “Những nguyên tắc cho một Qatar phát triển bền vững và cân bằng dựa trên một nền kinh tế năng động và phồn vinh có thể mang tới công bằng kinh tế và xã hội, sự ổn định và cơ hội bình đẳng cho tất cả”.

Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của Qatar vừa mạnh bạo với việc xây dựng nhanh chóng những cơ sở hạ tầng thân thiện với phương Tây chuẩn bị cho một nền kinh tế hậu dầu mỏ, vừa có tính phòng ngự, gây đủ ồn ào để không bị che khuất dưới cái bóng của quốc gia khổng lồ vùng Vịnh cũng là láng giềng của họ là Saudi Arabia.

Điểm sáng Aspire

Nhưng Qatar không chỉ đầu tư cho những dự án hào nhoáng. Phần cứng thật sự của chiến dịch bóng đá mà Qatar đang theo đuổi nằm ở Học viện Aspire, một chương trình tìm kiếm tài năng thể thao được đầu tư với quy mô khổng lồ. Học viện Aspire nói họ tiếp cận 400.000 cầu thủ trẻ mỗi năm ở khắp châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. Những tài năng trẻ được phát hiện từ mọi ngóc ngách ở châu Phi, Paraguay, Thái Lan và cả Việt Nam.

Paraguay và Thái Lan là quê hương của cựu thành viên ban điều hành Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Nicolas Leoz và đương kim thành viên ban điều hành Worawi Makudi, những nhân vật đầy ảnh hưởng trong làng bóng đá. Tuy nhiên, Aspire bác bỏ tin đồn nói việc mở các lò đào tạo ở đây có liên quan đến việc họ được đăng cai World Cup. Mỗi năm, hai cầu thủ giỏi nhất từ ba quốc gia nói trên sẽ được tới học ở Học viện Aspire, đóng tại Senegal.

Năm 2012, Aspire đã mua lại một đội bóng ở hạng hai Bỉ, KAS Eupen, được dùng làm nơi mài giũa cho các học viên triển vọng tốt nghiệp từ Senegal và Doha. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng lý tưởng ở Aspire cũng đã thu hút các đội trẻ của những CLB hàng đầu thế giới, bao gồm Manchester United, Bayern Munich, Everton và Liverpool tới Doha vào mùa đông ở châu Âu để có thời tiết đẹp cho những giải trẻ chất lượng.

Nhiều người cũng tin rằng dự án Aspire là cách để Qatar chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia của họ ở giải đấu trên sân nhà World Cup 2022. Với dân số chỉ 2 triệu người và một nền bóng đá khiêm tốn, không có cách nào nhanh hơn là nhập tịch cho những ngôi sao nước ngoài mà chính họ bỏ tiền ra đào tạo.

Tuy nhiên, tổng giám đốc Aspire Ivan Bravo, một cựu giám đốc chiến lược của Real Madrid, bác bỏ điều đó. Aspire tự nhận họ là một chương trình chỉ có ý nghĩa xã hội nhằm cải thiện cơ hội cho những tài năng bóng đá trẻ ở những vùng nghèo khó trên thế giới.

Tất cả điều đó là thành quả của một nỗ lực và chiến lược lâu dài khó tin ở Qatar: một quốc gia được xây dựng bằng bóng đá với tiền bạc đổ ra ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

Những chỉ trích

Với 2 triệu dân sống hết sức sung túc, hầu hết công việc nặng nhọc chuẩn bị cho World Cup ở Qatar được trao cho lao động nhập cư và cách họ đối xử với các “công dân hạng hai” này gây ra rất nhiều chỉ trích. Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Ân xá quốc tế viết: “Cả thế giới sẽ phán xét rằng liệu World Cup (2022) có phải được xây dựng trên lao động cưỡng bức và các hình thức bóc lột khác”.

Tuy nhiên, cho tới giờ thì đó chỉ là những tiếng nói lẻ loi, nhất là khi Qatar đang tập trung được những gương mặt đại diện lớn nhất, với những đại sứ World Cup của họ bao gồm Pep Guardiola, Zinedine Zidane và Gabriel Batistuta; còn cho Aspire là Lionel Messi và Pele.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận