Quá thiếu đầu tư cho ngành dệt

TTCT - Hiện ngành dệt không những chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong ngành may mà sự phát triển của nó bao nhiêu năm nay cũng đi lòng vòng và giờ là đi xuống. Trong đó có lý do về chính sách thu hút đầu tư và phát triển ngành dệt không được Nhà nước chú trọng...

Phóng to
Ngành dệt Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức, trong khi ngành may mặc lại phát triển mạnh mẽ - Ảnh: Minh Đức

Bị... xua đuổi

Chúng tôi cũng đã nhiều phiên bàn bạc tìm phương hướng cải thiện ngành dệt để đáp ứng xuất khẩu nhưng không dễ vì việc mở các nhà máy dệt yêu cầu vốn lớn và đặc biệt việc tìm địa điểm thực hiện cực khó. Điều này có thể do chủ trương phát triển ngành dệt chẳng được quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đặt vấn đề mở nhà máy dệt nhưng đi đến các địa phương, khu công nghiệp là bị xua tay từ xa. Lãnh đạo nhiều địa phương đều chung một quan điểm là dệt đi chung với nhuộm nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy giờ muốn triển khai dự án nào liên quan đến dệt nhuộm xin cấp phép không dễ dàng. Kể cả Tổng công ty dệt may Gia Định đang tính toán chuyển nhà máy về tỉnh nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì vướng quan điểm trên.

Vừa rồi một số doanh nghiệp may mặc lớn trong hội sang Trung Quốc để tìm cách liên kiết đầu tư nhà máy dệt nhuộm tại VN, nhưng khi về nước họ cũng “xìu” luôn vì thấy lượng vốn bỏ ra rất lớn, mà không những không có ưu đãi lại còn vướng nhiều điều kiện. Chính những rào cản này khiến nhiều doanh nghiệp có hoài bão phát triển dệt bị “gãy” ngay trong ý tưởng ban đầu. Cái này rất dở vì may xuất khẩu mà không đi được với dệt thì hiệu quả và giá trị gia tăng thấp.

Khư khư may, quên dệt

Để phát triển ngành dệt, đầu tiên cần quy hoạch những khu dành riêng cho ngành dệt. Thay vì mở tràn lan khắp nơi thì nên quy hoạch về một chỗ, thay vì nhiều công ty chỉ cần phát triển một vài công ty có đủ tiềm lực. Để làm được việc này, ngoài chính sách phát triển dệt, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) phải là đầu tàu, có chiến lược đầu tư bài bản cho ngành dệt.

Bàn về nguyên nhân thì ai cũng đã rõ, chúng ta không chỉ thiếu chính sách cụ thể để thu hút đầu tư ngành dệt mà hiện nay kêu gọi đầu tư vẫn chỉ khư khư tập trung vào ngành may. Trong khi đó, điều đáng lưu ý là dù xuất khẩu của ngành may mặc VN đạt kim ngạch lớn, nhưng trong đó phần của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã là 60%. Tôi nghĩ cần ưu đãi các dự án đầu tư vào dệt, còn may mặc thì đã quá đủ rồi và cần thiết hạn chế.

Sự phát triển của ngành dệt rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho dệt may, cho nền kinh tế. Cần tính toán để không đưa vấn đề xử lý nước thải làm rào cản cho sự phát triển ngành này, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Câu chuyện phát triển ngành dệt không phải là chuyện ngày một ngày hai, hay chuyện của riêng ai mà cần có thời gian và sự đồng thuận từ Nhà nước đến doanh nghiệp.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp dệt vì chi phí làm dệt nhuộm rất lớn. Với lãi suất như hiện nay thì không ai dám đầu tư mạnh. Nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dệt hiện còn “èo uột”, chỉ mới có một số dự án nhỏ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, còn một số nước có thế mạnh về dệt như Nhật Bản vẫn chưa tham gia. Thực tế khi tôi tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực này, họ cho rằng chính sách thu hút đầu tư của VN chưa hấp dẫn đối với họ.

Ở góc độ hiệp hội, tôi mong ngành dệt may được cải thiện để xuất khẩu tốt hơn, góp vào cho nền kinh tế, thu nhập của hàng triệu công nhân trong lĩnh vực khá lên, kích cầu tốt hơn. Muốn làm được điều đó phải tháo được nút thắt ở ngành dệt. Trước vận hội mới từ TPP, trước mắt hiệp hội chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa những nhà cung ứng vải, dệt, nhuộm với các nhà xuất khẩu ngành may để trao đổi nhu cầu như thế nào nhằm đáp ứng TPP. Nếu mình không đi thì không đến được, không thể ngồi chờ Nhà nước thay đổi chính sách mà bản thân doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm đường đi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận