Sắc màu loài cọp

TRÚC ANH 05/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Họ hàng nhà ông ba mươi coi vậy mà cũng “màu mè”. Có hổ vàng hổ cam với vằn đen rõ rệt trên nền lông, lại có những con hổ lông trắng vằn nâu đỏ, hay hiếm hơn là hổ tuyết toàn thân trắng toát. Trong dân gian và giữa giới thợ săn một số nước còn lưu truyền huyền thoại về loài cọp với bộ lông xám ngả xanh kỳ lạ, hoặc đen trùi trũi.

 
 Minh họa của Bruce Bomberger về chuyện hổ xanh ở Trung Quốc do Roy Chapman Andrews kể.

Một trong những ghi chép chính thức nhất về chuyện tận mắt thấy hổ xanh là quyển Blue Tiger (Hổ xanh), xuất bản lần đầu năm 1924 của nhà truyền giáo Giám lý người Mỹ Harry R. Caldwell (1876 - 1970).

“Với khẩu súng trường của mình, Caldwell đã bảo vệ dân làng [ở Phúc Kiến] Trung Quốc khỏi hổ ăn thịt người, dạy họ cách săn hổ hiệu quả và giúp họ thiết lập lại mối quan hệ với hổ và thiên nhiên” - một học giả đương thời nhận xét về Caldwell. Trong thời gian ở Trung Quốc, Caldwell nghe dân địa phương kể về hổ xanh nhưng không tin, nghĩ rằng đó chỉ là chuyện dân gian hay mê tín, cho đến khi ông tận mục sở thị con vật huyền thoại vào một ngày tháng 9 năm 1910.

Như Caldwell kể lại trong sách, ông đang đi săn thì thấy một bóng màu xanh ẩn hiện sau bụi rậm; ban đầu ông nghĩ đó là một người mặc áo xanh, song nhìn kỹ thì thấy đó là một con hổ. Người thợ săn đi cùng Caldwell giương súng định bắn con vật, nhưng Caldwell ngăn lại vì gần đó có 2 em bé đang đứng chơi. Khi 2 thợ săn đổi sang vị trí khác để bắn tốt hơn thì con hổ đã biến mất. Nhà truyền giáo tả con hổ xanh mà mình đã thấy như sau: “Hoa văn của con vật đẹp một cách kỳ diệu. Nền là màu xám sắc xanh, chuyển sang gần như là xanh đậm ở phần dưới bụng. Các sọc rất rõ ràng, tương tự như sọc của hổ bình thường”.

Theo tạp chí The Atlantic, đến thập niên 1950 vẫn có thợ săn cho biết tìm thấy lông hổ xanh lẫn với lông vàng của hổ thường dọc các lối mòn trong rừng miền nam Trung Quốc. Thế rồi đột nhiên hổ xanh biến mất; lần nhìn thấy cuối cùng được ghi nhận vào năm 1953. Cũng lạ là “hổ chết để da” nhưng trước giờ chưa từng có ai nói đã tìm thấy xác hổ xanh hay bộ da của chúng. Vì không có hình ảnh hay một vật chứng hữu hình nào để chứng minh sự tồn tại của nó, hổ xanh vẫn là sinh vật huyền bí cho đến ngày nay.

Dù cũng từng được xem là huyền bí nhưng trái với hổ xanh, sự tồn tại của hổ đen đã được xác nhận và khoa học cũng hiểu được bản chất của nó: hổ đen thật ra là hổ Bengal với hiện tượng giả nhiễm hắc tố (pseudo-melanism) - hắc tố phát triển mạnh ở phần lông sọc, khiến vằn của những con hổ mắc chứng này đậm và dày, quyện với nhau, tạo hiệu ứng thị giác cả bộ lông màu đen.

Hổ đen nhỏ hơn hổ Bengal thông thường và rất hiếm khi con người thấy chúng. Tháng 4-2019, nhiếp ảnh gia nghiệp dư Soumen Bajpayee đến vườn quốc gia Similipal (bang Odisha, Ấn Độ) để ngắm chim và khỉ, rồi vô tình trông thấy một con hổ đen. Anh chụp vài tấm hình của con vật kỳ lạ rồi đăng lên Instagram, nhưng phải đến tháng 11-2020 các bức ảnh mới gây sốt trên mạng.

 
 Ảnh hổ đen ở Ấn Độ do Soumen Bajayee chụp.

Soumen kể lại vào năm 2020: “Con vật thình lình xuất hiện từ khu rừng, đứng yên vài giây rồi quay lại đằng sau những cái cây. Thoạt tiên tôi còn không biết chuyện gì vừa xảy ra. Tôi đã thấy rất nhiều hổ, cả trong tự nhiên lẫn nuôi nhốt, nhưng con hổ này hoàn toàn khác biệt”. Sau đó Soumen mới biết đó là hổ đen, và cảm thấy may mắn vì “được tận mắt nhìn nó dù chỉ là vài giây ngắn ngủi”.

Vườn quốc gia Similipal xác nhận Soumen may mắn hiếm thấy bởi ảnh chụp hổ đen trước giờ đều là từ bẫy ảnh. Thông tin về hổ đen ở Odisha bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990. Dữ liệu từ bẫy ảnh cho thấy cọp đen chỉ xuất hiện ở Similipal chứ không có ở đâu khác.

Theo thông tin trên trang web của WWF, từ năm 2017, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công nhận chỉ có 2 phân loài hổ - hổ lục địa châu Á (Panthera tigris tigris, gồm hổ Bengal, hổ Mã Lai, hổ Đông Dương và hổ Siberia) và hổ quần đảo Sunda (Panthera tigris sondaica, chỉ còn hổ Sumatra vì hổ Bali và Java đã tuyệt chủng).

 
 Hổ trắng không vằn, hổ trắng, hổ vàng và hổ Bengal.

Hổ trắng, hổ tuyết, hổ đen và hổ xanh (nếu thật sự tồn tại) vì thế chỉ là các cá thể bị đột biến chứ không phải một phân loài của hổ (Panthera tigris). Với hổ xanh trong truyền thuyết, vì không có mẫu vật để nghiên cứu nên chỉ có thể đặt giả thuyết rằng đấy là những con hổ bị đột biến gene như cọp trắng (không phải bạch tạng vì vẫn có vằn màu), hoặc màu lông kỳ lạ đó có thể cũng giống trường hợp các giống mèo nhà có lông xám-xanh như mèo nga xanh hay mèo korat.

Với hổ đen thì dễ hơn. Năm 2017, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học sinh học quốc gia (Ấn Độ) đã giải trình tự gene hổ ở Similipal và xác định nguyên nhân khiến phần lông sọc của chúng đậm hơn nằm ở một gene gọi là taqpep. Các gene taqpep bị thay đổi vốn đã được xác định là nguyên nhân gây ra các kiểu đốm sọc ở mèo cũng như đốm và sọc lớn bất thường với báo cheetah (Acinonyx jubatus). Tuy nhiên, đột biến này rất hiếm vì chỉ xảy ra khi các gene từ cả bố và mẹ đều có đột biến phù hợp.

Theo nghiên cứu hổ ở Similipal đăng trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ tháng 10-2021, 10 trong số 12 con được lấy mẫu có ít nhất một bản sao của gene taqpep bị biến đổi. Trong số đó, 4 con có 2 bản sao gene biến đổi và đều là hổ đen. Nhóm nghiên cứu cũng dành hàng tháng trời thu thập mẫu của các con hổ sống bên ngoài Similipal và kết quả là không có con nào trong số 395 con hổ được lấy mẫu có dù chỉ là 1 bản sao của gene bị biến đổi nói trên. Điều này cho thấy rằng những con hổ Similipal tách biệt đến mức chúng không bao giờ sinh sản với những con hổ bên ngoài, đồng nghĩa khả năng duy trì tính trạng này rất thấp.

Chuyện sắc màu của cọp vậy là đã rõ, tất cả là do gene. Nhưng dù là màu lông gì, vì lý do gì, thì chuyện bảo tồn hổ vẫn luôn là vấn đề cấp bách, nếu biết rằng chỉ còn chưa đầy 3.200 con hổ trong tự nhiên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận