Sài Gòn của một miền ký ức

LAM PHONG 20/01/2014 04:01 GMT+7

TTCT - Sài Gòn xưa và nay, nhiều điều quen nhưng cũng lắm chuyện lạ.

Gói gọn trong 300 trang sách, từng “chuyện đời của phố” (*) với những quen - lạ ấy lần lượt được khơi gợi, vỡ ra trong ngồn ngộn thông tin, tư liệu, hình ảnh, cảm xúc... được thể hiện bằng ngôn ngữ tràn đầy tình cảm của một người Sài Gòn, viết về Sài Gòn bằng tình yêu và những cảm nhận dạt dào từ một miền ký ức.

Phóng to

Nhịp đời một Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay vốn luôn rộn ràng, hối hả, cộng với phong cách sống phóng khoáng, cởi mở của người phương Nam dường như khiến cư dân ở đô thị này quên khuấy đi những sự vật, hiện tượng, địa danh, câu chuyện hiện hữu ngay cạnh mình, bởi lẽ người Sài Gòn ai cũng đã quá thân quen với nó.

Cho đến khi, cầm trên tay tác phẩm Sài Gòn - chuyện đời của phố, từng trang sách cứ như dẫn dắt người đọc vào một cuộc du ngoạn đặc biệt, các đề tài về Sài Gòn xưa - nay lần lượt được tác giả gợi mở và trả lời bằng những hình ảnh, tư liệu sinh động, gần gũi. Những “chuyện đời” cứ thế được trải ra với một hành trình không giới hạn bởi quá khứ hay hiện tại, văn hóa hay đời sống, nhân vật hay thú chơi... Tất cả đều thấy ở đó những nét thân quen đầy ý nhị.

Nằm trong số ít ỏi những cuốn sách viết về Sài Gòn và được in ấn rất đẹp, sách có nhiều hình ảnh, tư liệu chưa từng công bố, nhiều tài liệu phong phú, gần 300 tranh ảnh đẹp và nhiều bài viết đầy cảm xúc như Đẹp xưa, Hồn đô thị, Xóm ngụ cư, Phú Nhuận chốn quê nhà...

Tác giả cuốn sách, cũng là một nhà báo, thể hiện các câu chuyện về Sài Gòn qua lối hành văn giản dị, không câu nệ, trau chuốt cầu kỳ cứ như một lời thủ thỉ, tỉ tê về “chuyện đời của phố” mà chính ông đã có cả một quá trình dài sống, gắn bó, trải nghiệm, tìm hiểu, chiêm nghiệm bằng chính niềm đam mê của mình, kết hợp với việc khai thác thông tin theo góc độ báo chí từ việc gặp gỡ các nhân chứng sống, từ nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh và sách báo sưu tầm mà đúc kết nên “chuyện đời của phố”.

“Chuyện đời” khi là thú chơi cổ ngoạn của người Sài Gòn, qua đó người đọc gặp lại những đồ vật vô tri là cái đĩa Tây chuyển họa hiệu Tùng - Đình thế kỷ 19 có mặt trong những buổi tiệc nói toàn tiếng Tây ở Chợ Lớn giữa những người Việt với nhau như được mô tả trong “Một tháng ở Nam kỳ “của Phạm Quỳnh.

Đó là vị trí của gốm mỹ nghệ Biên Hòa trong cuộc sống của người Sài Gòn và gần gũi nhất là những bức tranh gốm bốn mặt chợ Bến Thành. Là câu chuyện về một thời vàng son của tranh sơn mài Thành Lễ khi còn nhà trưng bày ở góc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi)...

Có khi là câu chuyện một ngôi biệt thự cổ gần cầu Băng Ky trơ gan cùng tuế nguyệt ở Bình Thạnh. Chuyện dòng họ một gia đình sống vắt qua 200 năm trên vùng đất của nội tổ để lại từ thời vua Thiệu Trị...

Tất cả thật bình dị, gần gũi, nhưng khi kết hợp lại chung với nhau trong Sài Gòn - chuyện đời của phố, những câu chuyện giản đơn ấy mang trở lại một miền ký ức sâu thẳm cho tất cả những ai từng sống, gắn bó với mảnh đất phương Nam này.

Phóng to

Trong Sài Gòn - chuyện đời của phố người đọc còn gặp lại hình ảnh những minh tinh một thuở, những nghệ sĩ một thời, cả những câu chuyện nhân vật gắn với đời sống thường ngày của Sài Gòn như “ông Tám ở phố Lê Công Kiều”, ông chủ nhà sách đường Sabourain trước năm 1945, nhà nhiếp ảnh Viễn Kính tạo nên những bức ảnh tuyệt đẹp trên trang bìa báo xuân của nửa thế kỷ trước...

Có những không gian sống tưởng chừng không ai còn nhớ như Trường nữ công Gia Định, nhà thuốc Ông Tạ, nghề đóng bìa sách cho các ấn bản cao cấp với một nhân vật từng được ông Khai Trí tặng cho cả một căn nhà chỉ để đóng và quản lý kho sách của ông...

Tác giả bài viết với hồi ức mạnh mẽ đã lôi ra được những nhân vật “ai cũng biết nhưng không ai biết là ai” như họa sĩ Duy Liêm, một trong hai họa sĩ tài danh sáng tác theo trường phái lập thể cùng với họa sĩ Tạ Tỵ, với số tranh vẽ khổng lồ trên bìa nhạc tờ, tạo mẫu gốm Thành Lễ, bìa sách mà có người ước tính là từ 40.000-50.000 bức.

Hoặc đó là chặng đường thành công sau này với nhiều cuộc triển lãm cá nhân tại Pháp của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, từng được giao bức sơn mài lớn nhất Việt Nam hiện nay, bức Bình Ngô đại cáo trong dinh Độc Lập năm 1966.

Các đề tài cứ liên tiếp, đan xen, cảm giác như không theo một trật tự, bố cục định sẵn, giống với những gì quen thấy trên một con phố Sài Gòn, tất cả được phơi bày với lối nhấn nhá rất duyên, hình thành nên một gạch nối thú vị để dẫn dắt người đọc vào nhịp đập ngẫu hứng và rất “đời” của Sài Gòn giữa quá khứ và hiện tại.

(*) Sài Gòn - chuyện đời của phố - Phạm Công Luận, Phương Nam book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 1-2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận