Sân chơi cho trẻ em: Từ những kiến tạo nho nhỏ...

TS LÊ THANH HẢI 02/06/2014 22:06 GMT+7

TTCT - Chữ “chơi” cho trẻ em thường hay bị hiểu lầm, dù người ta vẫn biết môi trường xung quanh chi phối rất lớn đến tâm hồn và sự phát triển thể chất của trẻ em.


Mỗi chiều có nhiều em thiếu nhi chơi trượt patin tại khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Gia Tiến

Không gian vui chơi không chỉ đơn giản là chỗ giải trí mà còn là nơi để các em hình thành nhân cách và hội nhập xã hội. Đó vừa phải là một nơi có môi trường thiên nhiên, vừa chứa đựng những điều kiện kỹ thuật của cuộc sống hiện đại và lành mạnh.

Chạm vào lá, ngắm côn trùng

Hiện đại đến đâu thì bậc cha mẹ nào cũng tán đồng rằng trẻ con cần được biết thế nào là cây, lá, hoa, là con sâu đang gặm lá, con bướm, con ong bay đến bay đi thế nào. Ở Sài Gòn, ta có một Thảo cầm viên - khu vườn của cây cỏ và muông thú để đón trẻ vào chơi.

Dân cư khu đô thị Phú Mỹ Hưng từng tổ chức xây dựng một khu vườn nông nghiệp để các em cùng phụ huynh vào mở hội. Nếu dành chút thời gian đi bộ cùng con ra ngay bờ rìa của khu vực này, ta vẫn có thể tìm được những rẻo đất mà thiên nhiên còn làm chủ: từ các bụi dừa nước, bờ sông đầy cỏ, những rạch nước nhỏ dưới bóng cây cao giữa hai làn đường.

Hầu hết các khu đô thị mới vẫn có những mảnh đất nông nghiệp sót lại, chỉ cần chịu khó ghé vào mua rau của những nông dân cuối cùng này ở đô thị, ta vẫn có thể chỉ cho con một khu vườn đa dạng để tìm hiểu...

Thứ đến, đồ chơi là cầu nối để trẻ bước vào thế giới kỹ thuật hiện đại. Thời của những chiếc xe hai bánh ngày xưa, trẻ con được khuyến khích tập lái trên những chiếc xe ba bánh. Thời của phương tiện công cộng hôm nay, trẻ em phương Tây được khuyến khích chơi trò tìm đường trên máy tính, còn trẻ em các nước đang phát triển thì học lái xe hơi và máy bay trong buồng mô phỏng (simulation).

Thị trường đồ chơi bây giờ có đủ từ dụng cụ tập thể dục giảm béo cho đến iPad và Xbox cho các em tập luyện cả trí tuệ lẫn thể lực, những hệ thống cơ khí giúp các em cảm nhận được sự vận hành của các loại máy móc, biết cách giữ thăng bằng cũng như chuyển động cơ thể trong thế giới phương tiện đó là rất cần: xích đu, cầu tuột, bập bênh, vòng quay, thang dây...

Nhạc cụ và đồ vẽ cũng là các vật dụng thiết yếu trong thời thơ ấu, mà chỉ cần vài chục đến vài trăm ngàn đồng là ta đã có thể mua cho con một cây ghita hay đàn tranh, một giá vẽ... để chơi đùa với âm thanh và màu sắc.

Một không gian tốt cho trẻ nơi đô thị là nơi có thể giúp trẻ bắt đầu kiến tạo những mối quan hệ xã hội lành mạnh, tập làm quen dần với cơ cấu tổ chức của cuộc sống. Nếu người lớn có nhu cầu đi cà phê hay tụ tập nơi quán nhậu thì đừng quên con trẻ cũng có nhu cầu gặp gỡ bạn bè ở sân chơi, quan trọng hơn là nhu cầu được chơi cùng chúng ta.

Người giúp việc chỉ có thể đảm nhiệm việc trông trẻ, thầy cô giáo ở trường chủ yếu chỉ dạy trẻ một chuyên môn nào đó, nhân cách và cá tính của trẻ được hình thành chủ yếu là nhờ vào những lần tiếp xúc với bố mẹ và anh chị em. Bỏ ra nhiều tiền để thuê người trông con, cho con đi học ở trường quốc tế, cho con đi học đàn, học vẽ, nhưng nếu không dành thời gian để chơi với con mỗi ngày, ta rất khó nhận mình là những bậc phụ huynh có trách nhiệm với con cái.


Trẻ em chơi nhảy dây trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Cầm Phan


Những nỗ lực từ nhiều phía

Tùy theo điều kiện tự nhiên của môi trường sống và kinh tế của mỗi gia đình, ta luôn có thể tạo ra được một không gian phù hợp cho con trẻ. Một góc nhỏ trong nhà, một món đồ chơi phù hợp lứa tuổi cũng có thể đủ để trẻ có được một không gian chơi thú vị.

Những gia đình sống trong một ngôi nhà nhỏ chật cũng có thể dành cho trẻ những khoảng thời gian chơi phù hợp trong không gian chung, khi hết giờ chơi lại dọn dẹp trả lại không gian ấy và từ đây ý thức được về sự chung sống và chia sẻ.

Có những món đồ chơi mà trẻ có thể đem ra khu sân chơi công cộng, học cách chia sẻ đồ vật với bạn bè, cách làm quen với bạn mới... như một quá trình học dần các quy tắc cư xử trong đám đông và khả năng lãnh đạo, vượt qua nỗi sợ hay sự ngại ngùng, biết cách giải quyết tình huống xung đột hay hành xử thích hợp khi có bạn hung hăng giành đồ chơi.

Tại nước Anh, chính quyền quận huyện (council) chịu trách nhiệm về không gian công cộng dành cho trẻ em. Không chỉ bỏ ngân sách ra quét dọn các sân chơi ngoài trời (playground), nơi tôi sống - phía tây nam London - chính quyền chi tiền để duy trì một thư viện đồ chơi (toy library) cho trẻ để các phụ huynh thiếu điều kiện có thể mượn về cho con chơi, hay đem trẻ đến cùng chơi với cô giáo hướng dẫn, chính các bậc phụ huynh tự nguyện giúp dọn dẹp.

Hằng tuần, luôn có các cô giáo về hưu hoặc những người làm việc thiện nguyện đến sân chơi để giúp thiết kế trò chơi cho trẻ, đặt ra các tiêu chí phù hợp về thể chất và tinh thần cho các em.

Những nhóm chơi được chia theo độ tuổi: từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, các em được mẹ ẵm đến câu lạc bộ dành cho các bà mẹ cho con bú để trao đổi kinh nghiệm và học matxa cho bé ngủ ngon; từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi là giai đoạn luyện tập sự khéo léo của tay chân với các trò chơi rót nước, xúc cát, xếp hình, hay đào tạo ý thức về cơ thể qua những trò chơi vận động như nhảy múa, chui ống, cầu thăng bằng... kèm với kỷ luật tập thể là biết ngồi chờ khi được cho ăn và uống nước.


Một sân chơi cộng đồng thu hút rất nhiều trẻ em ở tây nam London (Anh) - Ảnh: L.T.H


Từ 3-5 tuổi, chính quyền cũng có phần ngân sách để tổ chức cho cha mẹ các em đến trường học cách nuôi dạy con, từ nhận thức về khẩu phần ăn uống cho đến quan sát, nhận biết sự phát triển tâm sinh lý của các em, hiểu được hành động và lời nói của trẻ con.

Khi trẻ vào lớp 1, tiếp tục có các hoạt động như thi đọc sách và phụ đạo miễn phí ở các thư viện, thậm chí có cả những lớp tiếng Anh miễn phí cho các bậc phụ huynh người nước ngoài để họ đủ khả năng giúp con làm bài tập ở trường. Không gian cho trẻ do vậy không phải là một khuôn viên giới hạn để cha mẹ loay hoay tạo dựng riêng biệt mà là một tập hợp rất nhiều khu vực dành riêng cho các em, đương nhiên trong một nỗ lực không thể riêng lẻ.

Khi thật sự quan tâm

Đã khác rất nhiều so với quan niệm truyền thống, “sân chơi” hiện nay không chỉ là “cái sân” - khoảng không gian thật chủ yếu cho phát triển thể lực, mà còn là không gian ảo, chủ yếu phát triển trí lực, đôi khi mang lại những hiểu biết rất không phù hợp lứa tuổi. Một “sân chơi - không gian ảo” còn hạn chế tiếp xúc của các em với những hiện tượng xã hội, khiến các em thiếu hiểu biết thực tế... Nói gì thì nói, chơi trong nhà dù “tiện nghi” đến đâu cũng không đủ để các em phát triển toàn diện.

Ở nhiều khu đô thị, cả cũ và mới, trẻ em hầu như không có sân chơi riêng, nếu có thì cũng khá đơn điệu, thiếu an toàn và không đáp ứng hết nhu cầu của các em. Chưa kể những không gian, những món đồ chơi, những trò chơi được xây dựng lắp đặt ở khắp nơi có xu hướng “đồng phục”, không phân biệt nông thôn - thành thị, không phân biệt khu vực đó trẻ em có nhu cầu như thế nào.

Đó là một tình trạng sinh ra từ quan niệm sơ sài và đơn điệu của người lớn về nhu cầu vui chơi của trẻ em. Người lớn (và người có trách nhiệm) thiếu sự hiểu biết về nhu cầu của trẻ em đô thị, người quản lý đô thị thiếu tư duy về thị dân và sinh hoạt thị dân. Những nguồn kinh phí hạn hẹp chỉ có thể giúp các cấp có trách nhiệm đạt được “thành tích tổ chức sân chơi” mà không thật sự mang lại gì nhiều cho trẻ em.

Trong quy hoạch đô thị hiện nay, các nhà đầu tư thường tận dụng triệt để đất đai để xây dựng công trình sinh lời, quy hoạch công trình công cộng bị biến tướng nhiều cách để cuối cùng vào vòng xoáy phân lô bán nền, rất khó tìm ra một nhà đầu tư chí thú với việc phục vụ nhu cầu cộng đồng, tạo lập một công viên nhỏ, một khu vui chơi cho trẻ hay một thư viện.

Ta cần đặt ra những câu hỏi thẳng về trách nhiệm “làm đúng, làm đủ” của nhà quản lý trong việc thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị trước khi nhắc lại điều căn bản rằng để có những không gian công cộng tử tế, trong đó có sân chơi của trẻ, cần có tư duy và điều hành thật sự hướng đến cộng đồng cư dân đô thị.

Từ góc độ người dân, không thể không thấy thực tế vẫn có những bậc cha mẹ không quan tâm đến việc tạo cho con em khoảng không gian chơi trong ngôi nhà của mình.

Đừng nói đến chuyện coi việc chơi của trẻ là hoạt động có ích, nhiều người lớn đơn giản chỉ coi việc cho trẻ em chơi là để mình được rảnh tay làm việc khác. Khi một gia đình đơn lẻ đã mang tâm thức ấy, thật khó bàn đến những tiếng nói chung của cộng đồng về việc này.

Không gian đô thị hiện đại cần có nhiều sân chơi cho trẻ em với hình thức và chức năng mới: hướng dẫn trẻ em sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách có ích. Các thiết chế văn hóa công cộng như bảo tàng, thư viện... do vậy cũng cần hướng đến việc tạo ra những không gian để trẻ vừa chơi vừa học, vừa giải trí vừa tìm hiểu tự nhiên, xã hội...

Trong một không gian đô thị hóa luôn phát triển theo hướng tách rời con người với thiên nhiên, người lớn phải rất nỗ lực để giúp con trẻ đỡ thiệt thòi vì thường phải “giam mình” trong những khối bêtông hoặc chỉ biết đến thiên nhiên ảo trên Internet. Khi và chỉ khi người lớn thật sự quan tâm.

TS NGUYỄN THỊ HẬU

 


Chơi ở nơi cùng chung sống

Thời gian và địa điểm vui chơi cho trẻ em hiện nay chủ yếu là tại các trường học gắn với việc đào tạo văn hóa, bên ngoài trường học thì đầy rẫy những trò chơi không lành mạnh, những địa điểm vui chơi giải trí khác hoặc phải trả tiền, hoặc khá xa nhà, cơ hội được “chơi” do vậy cũng trở nên hiếm hoi dần.

Trong một đô thị mà các khu chung cư ngày càng nhiều hơn, những sân chơi tại khu chung cư chính là nơi giúp các em vui chơi, giao lưu, tiếp xúc với nhau nhằm tăng tình đoàn kết cộng đồng, phát triển thể chất và trí tuệ, tạo mối quan hệ thân thiện hàng xóm.

Nhưng việc đầu tư các khu vui chơi cho trẻ tại chung cư hiện nay ít được quan tâm, hầu hết chủ đầu tư không dành riêng cho cư dân khoảng diện tích này vì ảnh hưởng đến diện tích kinh doanh của họ. Bởi vậy, vào mỗi buổi chiều đi dọc các tuyến đường thành phố, không ít đoạn vỉa hè, lề đường được các em biến thành sân chơi bóng đá, cầu lông và một số trò chơi dân gian khác; các ao, hồ, kênh, mương cũng được biến thành “bể bơi”.

Chính sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, Internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè.

Trong nhiều chung cư khác, sân chơi cho trẻ lại chỉ là nơi tập hợp đồ chơi. Đây là một tư duy sai về chỗ chơi của trẻ. Chúng ta không nên cho rằng khu vui chơi cho trẻ em là phải trang bị các vật dụng đắt tiền, tốn kém. Nếu quan tâm đúng mức, ta sẽ thấy rất nhiều khu vực trong khu nhà chung cư có thể trở thành sân chơi, từ vỉa hè, sân vườn, tầng hầm (hồ bơi) đến sân thượng, sảnh tầng và hành lang...

Để những nơi này thật sự trở thành sân chơi cho trẻ thì cần phải thông thoáng, vệ sinh, sạch, xanh và đảm bảo an toàn. Vấn đề còn lại là những sân chơi như thế cần được người lớn có trách nhiệm tổ chức và quản lý tốt.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC (giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành)

 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận