Sẽ là một Euro rất Pháp

THẢO TRẦN - LOAN PHƯƠNG 12/06/2016 16:06 GMT+7

TTCT - Trái bóng “Beau Jeu” (tạm dịch: Trận đấu đẹp) sẽ chính thức lăn trên các sân cỏ nước Pháp khi vòng chung kết Euro 2016 khởi tranh từ ngày 11-6. Giải đấu năm nay hứa hẹn sự hấp dẫn đặc biệt khi có tới 4-5 ứng viên vô địch, cộng thêm sự hấp dẫn của nước chủ nhà.

Tây Ban Nha bước vào giải lần này với tư cách đương kim vô địch, nhưng nhiều hảo thủ của bốn năm trước giờ không còn trong đội hình của HLV Del Bosque -ntd.tv
Tây Ban Nha bước vào giải lần này với tư cách đương kim vô địch, nhưng nhiều hảo thủ của bốn năm trước giờ không còn trong đội hình của HLV Del Bosque -ntd.tv

Như mọi sự kiện thể thao quy mô khác và những nước chủ nhà của chúng, Euro 2016 sẽ là tấm gương soi chiếu nước Pháp hiện đại: có thể xấu, có thể đẹp, và có thể là sự kết hợp cả hai.

Lo toan của chủ nhà

Rất hợp với nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, những viên gạch xây dựng cho giải đấu thành công đã sẵn sàng nhiều tháng qua. Các sân vận động mới, được cải tạo lại, hay vốn dĩ đã hoành tráng ở chín thành phố tổ chức các trận đấu là màn quảng cáo hoàn hảo cho chất lượng và tinh thần Pháp.

Tương tự với mạng lưới đường sắt cao tốc xuyên đất nước và những tuyến xa lộ cao tốc giúp các CĐV dễ dàng di chuyển khắp đất nước hình lục lăng, tới 51 trận đấu kéo dài một tháng trời, vừa tận hưởng bóng đá, vừa mê đắm trong vẻ đẹp của nước Pháp.

Không còn những cảnh ngủ bờ ngủ bụi vì khách sạn đột ngột tăng giá hay vạ vật ở sân bay vì bị hủy chuyến như ở World Cup Brazil 2014, Nam Phi 2010, cũng như Euro 2012 ở Ba Lan - Ukraine.

Euro 2016 là kỳ giải lý tưởng cho những người yêu bóng đá và thích phiêu lưu. World Cup 2018 sẽ diễn ra ở nước Nga quá rộng lớn và thưa thớt dân cư (từ Sochi tới Yekaterinburg chẳng hạn, là hành trình 2.700km).

Euro 2020 được tổ chức ở 12 nước khác nhau, từ Azerbaijan tới Ireland, được thiết kế cho những nhà tài trợ và hãng truyền hình thể thao hơn là cho người hâm mộ. Tiếp đó, World Cup Qatar 2022 đầy tranh cãi vào mùa hè nóng như thiêu đốt ở vùng Vịnh. Như thế, giải đấu ở Pháp hứa hẹn là những kỷ niệm đẹp với các tín đồ túc cầu trong một thời gian dài.

Nhưng trước khi quả bóng lăn, nhiều lo ngại đã xuất hiện khiến cho niềm vui đơn giản của các CĐV không còn dễ dàng. Nước Pháp lúc này là nơi phức tạp và đầy tranh cãi với những vấn đề kinh tế, xã hội và sắc tộc nhức nhối, những vết thương đã vỡ, tràn ra đường thành những cuộc đình công, biểu tình.

Thật không may, 552 cầu thủ của 24 đội dự Euro tới Pháp vào thời điểm đầy rắc rối. Cuộc tranh cãi lần này (có nơi đã bùng phát thành bạo động), như nhiều lần trước, là về bản sắc nào cho nước Pháp.

Một lần nữa, một bên là chính quyền (những người Xã hội), một bên là các liên đoàn lao động liên quan tới dự luật mà chính phủ thì nói “để thị trường lao động linh hoạt hơn”, còn các liên đoàn thì cho rằng “để giới chủ dễ sa thải nhân công”.

Giống như ông bà cha mẹ mình, thế hệ những người lao động mới ở Pháp đang tận dụng cơ hội Euro để tạo thêm sức ép cho cuộc biểu tình. Tới giờ, hệ thống giao thông công cộng và các trạm xăng chưa tê liệt, dù có chút trục trặc. Ảnh hưởng tới giải đấu sẽ rõ ràng sau khi bóng lăn.

Tình yêu, sự bao dung và đoàn kết quốc gia từng khiến nước Pháp làm nên điều kỳ diệu ở giải World Cup 1998 trên sân nhà và Euro 2000 giờ không còn nữa.

Vào thời của Zinedine Zidane, Didier Deschamps và Lilian Thuram đó, những nhà bình luận nói màu tam tài của nước Pháp là “đen, trắng, nâu”, tức người da đen, da trắng và Ả Rập. Còn giờ, bắt đầu từ cuộc bạo động của dân nhập cư năm 2005, rồi cuộc khủng hoảng người nhập cư, các cuộc khủng bố tang thương vừa rồi, tinh thần đó đã chết.

Ai sẽ vô địch?

Nhưng Euro là bóng đá, và chúng ta nên trở lại với bóng đá, trước hết với những ứng cử viên cho chiếc cúp được trao ở Stade de France ngày 10-7. Dựa vào tương quan lực lượng các đội ở giải năm nay, giới chuyên môn đánh giá các ứng viên hàng đầu là Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Song ở châu Âu, châu lục phát triển nhất thế giới về bóng đá, trình độ giữa các đội rất đồng đều, chiến thắng như thể “phép lạ” không hiếm, như Đan Mạch 1992 hay Hi Lạp 2004.

Trong danh sách các ứng viên, nhà vô địch World Cup, tuyển Đức được đánh giá rất cao. So với World Cup 2014, thành phần của đội bóng do HLV Joachim Loew dẫn dắt đã có những thay đổi lớn, bao gồm việc chia tay ba gương mặt kỳ cựu là thủ quân Philipp Lahm, trung vệ dày dạn Per Metesacker và tiền đạo Miroslav Klose, chỉ ba người đã có tổng cộng 354 trận khoác áo đội tuyển quốc gia.

Loew sẽ mang tới Pháp một đội hình rất mạnh, những khoảng trống mà bộ ba đó để lại sẽ là vấn đề lớn với Die Mannschaft trong chiến dịch chinh phục ở Pháp.

Rất đồng đều và đa dạng ở tuyến tiền vệ và hàng thủ nhưng trên hàng tiền đạo, Loew thiếu một sát thủ thật sự. Việc ông phải gọi lại Mario Gomez đã 30 tuổi, hết thời và đang lưu lạc tận Besiktas cho thấy người Đức đang phải giật gấu vá vai ở hàng công ra sao.

Họ cũng không được may mắn trong quá trình chuẩn bị cho giải lần này. Ngay trước giải, đội bóng này lần lượt mất Marco Reus, Ilkay Gundogan vì chấn thương, trong khi trụ cột Bastian Schweinsteiger và Matt Hummels nhiều khả năng vắng mặt vài trận đầu.

Giống như Đức, Tây Ban Nha của HLV Vicente del Bosque cũng đang trải qua quá trình chuyển giao thế hệ đầy rủi ro sau “thảm họa” World Cup 2014, chỉ thắng được một trận và bị loại ngay từ vòng bảng.

Del Bosque không còn những Xabi Alonso, David Villa, Fernando Torres hay Xavi trong đội hình, thay vào đó là lứa Koke, Alvaro Morata, Lucas Vazquez... còn xa mới sánh được với đàn anh của họ về đẳng cấp.

Có lẽ vì những lý do đó mà chủ nhà Pháp được các nhà cái đánh giá cao nhất trước khi nhập cuộc. Đội bóng của HLV Didier Deschamps có lực lượng khá đồng đều với nhiều tên tuổi thi đấu ổn định ở các CLB lớn châu Âu mùa vừa qua. Paul Pogba là nhân tố chủ đạo giúp Juventus đăng quang ở Serie A, Antoine Griezmann là cảm hứng giúp Atletico Madrid vào chung kết Champions League, còn Blaise Matuidi ngày càng thể hiện bản lĩnh của một cầu thủ lớn ở Paris Saint Germain.

Tuy nhiên, “Những chú gà trống Gaulois” cũng chịu hai tổn thất lớn: Deschamps đã không gọi Karim Benzema và Mathieu Valbuena vì những bê bối không liên quan gì tới bóng đá. Benzema bị cáo buộc có vai trò trong việc phát tán một cuốn băng “sex” của Valbuena! Mâu thuẫn nội bộ từng là vấn đề lớn của Pháp trước những giải đấu quan trọng, như hai lần muối mặt ở giải World Cup 2002 (bét bảng dù vào giải với tư cách đương kim vô địch) và 2010 (cũng bị loại sớm khi cả đội nổi loạn chống lại HLV Raymond Domenech).

Trong khi cả ba ứng viên hàng đầu đều mạnh, họ vẫn có những điểm yếu chí tử, không thật sự vượt trội so với tốp còn lại gồm các đội mạnh truyền thống khác như Anh, Ý hay Bồ Đào Nha. Euro vốn là giải đấu mà mọi đội bóng đều có thể bị đánh bại, ở Pháp lần này, khi lần đầu vòng chung kết mở rộng lên thành 24 đội, những người thích bất ngờ chắc chắn sẽ còn được thỏa mãn hơn nữa.

Bỉ, Xứ Wales, Ba Lan, Áo, hay Croatia sẽ là niềm hi vọng lớn nhất của những ai thích xem các cuộc lật đổ. Ngay trước khi vào giải, Eurosport đã nhận định rằng với tình hình hiện giờ của những thế lực truyền thống, đây sẽ là kỳ Euro với nhiều khả năng chứng kiến một nhà vô địch mới nhất.

Kênh thể thao ESPN đồng ý với nhận định đó và chỉ đích danh đội tuyển Bỉ là lựa chọn của họ. Quả thật, bóng đá Bỉ chưa bao giờ sở hữu nhiều tài năng như lúc này, cả một thế hệ vàng đích thực như Kevin de Bruyne, Eden Hazard, Thibaut Courtois, Romelu Lukaku...

Tất cả mở ra một kỳ Euro đáng chờ đợi hơn bao giờ hết.■

Bầu không khí lúc này khác hẳn với World Cup 1998. 90.000 cảnh sát, binh sĩ, bảo vệ tư nhân đã được huy động cho an ninh giải đấu. Các sân bóng sẽ trở thành vùng cấm bay. Các thiết bị thăm dò vũ khí hóa học sẽ được sử dụng. Cả những giàn tên lửa phòng không cũng sẵn sàng để đối phó với kịch bản khủng bố xâm nhập từ trên cao. “Chúng tôi không để sót một lỗ hổng nào” - giám đốc an ninh của giải, Ziad Khoury, nói với AP.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận