Sẹo của nước

NGUYỄN NGỌC TƯ 15/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - Cùng với nhục hình, thứ chưa bao giờ cũ, họ đã vẽ nên một đêm trăng non tháng sáu khác, với nhân vật phản diện tên Chơn, đã ra tay cướp những thứ không phải của mình. Thằng nhỏ nghèo thân đơn thế cô, chẳng người thân làm chỗ dựa, nhưng không phải vì vậy mà chỉ sau một tuần giằng co, nó nhận tội cho rồi.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Cũng không cần phải gặp thằng Chơn, cứ ghé bất cứ nhà nào trong xóm Cầu Đôi, đứa con nít cũng có thể đưa bạn về một đêm tháng sáu năm trước. 

Trăng mười hai không sáng đến mức có thể nhận mặt nhau, nhưng đủ để Chơn nhìn thấy một người nằm bất động bên đường khi chạy xe ngang qua vườn mía. Trớn xe trờ qua một đoạn, nhưng thằng nhỏ vòng lại, nghĩ khuya khoắt mà nằm đó chắc gặp chuyện không hay.

Dù là thằng cha xỉn say thì nằm phơi sương vậy cũng phải lay dậy, biểu về nhà. Nhưng người phụ nữ đang nằm sấp, chết ngất kia không say, cô bị cướp.

Một bên phổi giập và mấy giẻ sườn gãy, mạch nhảy yếu ớt, cô gái được Chơn xốc đưa vô bệnh viện mà không chút đắn đo nào.

- Bởi vậy mà thằng Chơn bị bắt.

Chỉ là một cái xuống dòng trên văn bản, một cái dừng nghỉ lấy hơi của người kể chuyện, nhưng bạn cảm thấy như đang dạo trong siêu thị thì bị sụp ổ gà. Chới với trong vô lý. Lấy cảm giác ấy nhân lên ngàn lần thì ra tâm trạng của Chơn, khoảng tối đen ngòm nó rơi vào không chỉ cái hố, mà là vực thẳm.

Mấy ông phá án quả quyết thằng Chơn là thủ phạm, trên người nạn nhân đầy những dấu tay nó, chẳng phải thì ai vô đây. Không thì nó đâu có biến mất sau khi đưa cô gái tới bệnh viện, rồi lên xe đò bỏ trốn, không thì nghèo quắt queo như nó sao có nhiều tiền trong người lúc bị chặn bắt ở dọc đường.

Những án oan, kiểu này kiểu khác, nhưng luôn được làm lên bởi một cách: người cầm quyền tự bẻ công lý theo ý mình.

Cùng với nhục hình, thứ chưa bao giờ cũ, họ đã vẽ nên một đêm trăng non tháng sáu khác, với nhân vật phản diện tên Chơn, đã ra tay cướp những thứ không phải của mình. Thằng nhỏ nghèo thân đơn thế cô, chẳng người thân làm chỗ dựa, nhưng không phải vì vậy mà chỉ sau một tuần giằng co, nó nhận tội cho rồi.

- Bởi tui nghĩ ông trời đui. Hồi còn sống má tui nói mình sống sao trời thấy hết, là nói xạo thôi.

Lòng tốt bị ngược đãi không phải bởi còng tay, bị đánh, mà còn vì cô gái mà Chơn ra tay cứu giúp đã không thèm nhìn nó mà xác nhận luôn đây là kẻ tấn công mình. Chỉ dân Cầu Đôi là không tin.

Thím chủ quán nước ngay bên cầu nói ai chớ thằng Chơn thì không bao giờ là lưu manh hết, có lần mướn nó sửa chuồng gà, ngang qua chỗ má thím ngủ quên nằm co ro trong gió lạnh, nó kéo cái mền đắp cho bà già.

Một ông nói mấy lần đang chở nước đá xe lăn ra chết máy, thằng Chơn gặp cảnh bèn ghé vai vác cây nước đá cuốc bộ giao cho khách giúp ông.

Chị làm cỏ mướn nói tiền mà thằng Chơn lận trong người là của chị chớ đâu, là chị nhờ nó ngồi xe đò lên biên giới mua giùm cặp bò, bòn mót mấy năm mới được bao nhiêu tiền đó, chị thuộc lòng từng tờ giấy bạc, không tin thì chị kê ra bao nhiêu tờ mệnh giá nào cho coi.

Hết thảy dân xóm đều bỏm bẻm vài ba chữ, mù luật văn bản, nhưng luật trời thì ai nấy đều chắc chắn, chỉ những kẻ có tội mới bị trừng phạt.

Bà con tìm cách nhắn với thằng nhỏ đang bị tạm giam chờ kêu án rằng thằng nhỏ Chơn ở xóm Cầu Đôi không bao giờ là kẻ cướp, còn gió nam còn gió chướng họ còn tin vào điều đó. Họ nói đang trông Chơn về, dọn nhánh cây si, thông cái máng xối bị nghẹn nước, xây hàng rào, lặt vặt thôi mà không biết kêu ai.

Thằng nhỏ vốn buông xuôi mặc kệ rồi, nghĩ rằng không có trời, nếu có thì ổng cũng đui, nhưng nhận được những lời nhắn từ thím Bảy chú Ba, nó đứng dậy.

Cuộc đòi tự do cho Chơn thì dài, cực nhọc với bao nhiêu thủ tục giấy tờ bao nhiêu lạnh nhạt và hứa hẹn lần lữa. Bạn đừng bị ảo giác rằng chuyện rất dễ dàng bởi cách kể nhảy rào của ai đó, hay bản tin in trên trang báo, khi họ nói gọn một câu “Vậy rồi thằng nhỏ được thả về”.

Làm sai mà chịu nhận sai, con nít thì làm cái rột, nhưng kẻ nắm quyền lực trong tay quên mất hành vi cơ bản ấy lâu rồi, họ cần có thời gian học lại, hoặc giả bộ sao cho lời xin lỗi họ xuất phát tự đáy lòng.

Chuyện của Chơn, cũng không cần gặp nhân vật chính, bất cứ cư dân xóm Cầu Đôi nào cũng có thể đưa bạn về tháng trước, trong cái buổi người ta tổ chức buổi họp dân xin lỗi thằng nhỏ. Một ông bước ra tặng hoa nhưng thằng Chơn từ chối nhận, bởi vẫn còn giận. Hoa đẹp mấy cũng không làm nó quên được cái lạnh rợn của chiếc còng khi họ tra vào tay.

Chơn nói đường xa lắm, không tiện mang hoa về, “nhưng tiền thì được”. Lúc đó có kẻ bĩu môi như một cách bày tỏ, kiểu như à hóa ra cũng là nằm vạ đòi tiền.

Nhưng anh ta thu dọn đôi môi mọng bọt bia khi nghe Chơn nói, nó cần chín trăm mười bảy ngàn để gửi lại cho bà con Cầu Đôi đã chi xài khi đi kêu oan cho nó - một thằng nhỏ ai mướn gì làm đó, đổi công lấy chén cơm, người không phải bà con quyến thuộc gì của họ. Chơn không đòi thêm gì cho mình, bởi như nó nói, “lúc bị nhốt tui cũng được cho ăn cơm, coi như huề”.

Chơn trở lại những ngày bận rộn tay chân, dân Cầu Đôi nhẹ lòng, “trời có mắt”. Mọi thứ trông có vẻ bình thường, như trước cái đêm trăng non tháng sáu, khi lòng tốt chưa bị thương. Chỉ khi bạn hỏi, nếu một bữa gặp một người bị nạn bên đường, Chơn có ra tay cứu nữa không?

Sau giây lát chần chừ là cái gật đầu nhẹ đến khó nhận ra. Không riêng gì Chơn, dân Cầu Đôi ai cũng nói phải nghĩ coi nên cứu hay không. Thứ mất đi không cách nào tìm, chính là khoảnh khắc đắn đo chừng như vô tận. Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận