Số phận song hành của Platini và Coe

LÊ TẤN 10/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Nếu Michel Platini gần như bị cắt đứt mọi ngả đường trở lại ứng cử chức chủ tịch FIFA sau vụ nhận 1,8 triệu euro tiền trả công từ Blatter, thì Sebastian Coe cũng đang vướng vào tranh cãi liên quan vai trò đại sứ Nike và xìcăngđan doping của làng điền kinh thế giới.

Michel Platini gần như mất hết khả năng trở lại cuộc bầu cử FIFA                       -Reuters
Michel Platini gần như mất hết khả năng trở lại cuộc bầu cử FIFA -Reuters

Năm 1846, khi quyết định xây căn nhà ở cửa các dòng sông Willamette và Mac Kenzie thuộc bang Ogeron vắng vẻ chỉ có vài thổ dân da đỏ và một nhóm nhà truyền giáo, Eugene Skinner không biết rằng cửa sông hẻo lánh ấy trở nên đầy cá hồi và căn nhà của ông trở thành điểm khởi đầu một ngôi làng có 3.000 dân một thế kỷ sau đó.

Để tưởng nhớ công lao của nhà tiên phong này, thành phố được đặt tên Eugene và được chọn để xây một đại học. Bill Bowerman, con trai cựu thống đốc bang, đã vào đại học năm 1946 để trở thành HLV điền kinh.

Đầu thập niên 1960, Bowerman cùng một trong số học trò có tên Philip Knight nhập giày thể thao từ Nhật. Sau đó họ và các đối tác quyết định sản xuất giày thể thao cho riêng mình.

Thế là Công ty Nike ra đời trên đường chạy của ĐH Eugene, nơi đã mang về 13 huy chương Olympic (và hai giải thưởng Nobel), theo tài liệu quảng cáo của trường.

Sau cú vấp ngã trước Doha, Nike bắt chước đối thủ

Dù Nike nay đặt trụ sở tại Beaverton, cách Eugene 107 dặm về phía bắc, nhưng công ty có doanh số 25 tỉ USD năm 2014 này vẫn gắn bó với thành phố 150.000 dân trải dài dọc sông Willamette.

Sự gắn bó mạnh đến mức Nike bảo vệ quyết liệt ý tưởng đăng cai Giải điền kinh VĐTG 2019 cho Eugene. Nhưng Doha, thủ đô của Qatar, dường như đã có những lập luận tốt hơn Eugene (chủ yếu chỉ nhấn mạnh vào truyền thống điền kinh) nên được bỏ phiếu.

Phải nói Qatar rất giỏi về nghệ thuật đăng cai các giải đấu thể thao, có khả năng lấy cả phiếu bầu đã dành cho các thành phố khác chỉ bằng những bữa ăn trưa sắp đặt.

Phỏng theo cách làm của Qatar (được đăng cai World Cup bóng đá 2022 trong những tình huống mà người ta bắt đầu biết đến một cách chi tiết), Eugene được Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) chấp thuận cho đăng cai Giải VĐTG 2021 khá bất ngờ. Đó là vào tháng 4-2015, vài tuần lễ trước khi chủ tịch IAAF Lamine Diack rời vị trí và được thay thế bằng phó chủ tịch Sebastian Coe - một… đại sứ của Nike.

Thật khó để không tìm thấy những nét tương đồng về số phận của Michel Platini (sinh năm 1955) và Sebastian Coe (sinh năm 1956), hai trong số những nhà thể thao lớn nhất của thế kỷ 20. Laurent Platini, con trai của Michel Platini, năm 2012 đã trở thành tổng giám đốc Pilatus Sport Management, công ty mẹ (Thụy Sĩ) của Burrda Sport, nhà sản xuất thiết bị thể thao của Qatar.

Về phần mình, Coe được Nike trực tiếp trả lương. Cả Platini lẫn Coe đều có nguyện vọng điều hành liên đoàn thể thao quốc tế. Cả hai từng đóng vai trò tích cực trong những cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi về thành phố đăng cai giải đấu. Và cả hai cũng chứng kiến hình ảnh của mình bị hoen ố bởi những sắp xếp hậu trường mờ ám.

Tay nhúng chàm

Các liên đoàn thể thao quốc tế là những hiệp hội đặt trụ sở tại các quốc gia có chính sách thuế rất cởi mở (với FIFA là Thụy Sĩ, với IAAF là Monaco). Họ kiếm hàng trăm triệu đôla tiền bản quyền truyền hình (2,4 tỉ USD cho World Cup bóng đá 2014) và quyết định thành phố hoặc nước chủ nhà các giải đấu được truyền thông nhiều nhất hành tinh.

Những người tham gia điều hành các liên đoàn này đã quen lún sâu vào thế giới đồng tiền từ lương, thưởng, quà cáp… Những nhà thể thao của thập niên 1980, như Platini và Coe, nhìn thấy những VĐV của những năm 2015 lao động cật lực hơn nhưng tầm thường hơn họ mà lại kiếm được nhiều hơn 10 hoặc 100 lần số tiền họ kiếm được vào thời của mình.

Vậy làm thế nào bảo họ không nhúng chàm được? Làm thế nào để không bị chê trách giữa bầy cá mập chưa hề chơi thể thao ở trình độ cao và “ăn trên lưng” môn thể thao ở các tổ chức liên đoàn bằng cách gia tăng những món tiền thưởng đáng ngờ và những vụ sắp xếp mờ ám? Đó là những câu hỏi được giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Gayant đặt ra trên blog của mình.

Chắc chắn Platini sẽ không bao giờ là chủ tịch FIFA khi bị Blatter “ngoéo chân”, dù ông từng là người có thể cải cách một định chế ngày càng lớn và bị chi phối bởi bao sự thèm thuồng và mưu đồ dơ bẩn.

Coe đã trở thành chủ tịch IAAF, nhưng do bị vấy bùn bởi một xìcăngđan nên ông sẽ khó cải cách tổ chức mà Cơ quan chống doping thế giới (AMA) hứa sẽ “gây sững sờ” hơn nữa khi công bố phần hai báo cáo điều tra vào đầu năm sau (xem bài dưới).

Hiện nay, lịch sử sẽ lưu lại những cái tên như Hein Verbruggen (14 năm đứng đầu Liên đoàn Xe đạp quốc tế), Lamine Diack (16 năm làm chủ tịch IAAF), Sepp Blatter (17 năm dẫn dắt FIFA)…

Trong thập niên 1990, khi các tổ chức thể thao vốn hình thành trên tinh thần nghiệp dư và tình nguyện thu hút dòng tiền ồ ạt đổ về, đó là những người tìm cách tạo chỗ đứng cho mình và họ đã thành công khi nắm quyền lãnh đạo tối cao.

Họ không nhất thiết là những người nhìn xa trông rộng nhất hoặc liêm khiết nhất, nhưng họ có nhiều tham vọng nhất. Họ đã để lại một di sản bi kịch. Những môn thể thao họ điều hành giờ đang xuất hiện thường xuyên trên chuyên mục chuyện tòa án của các báo đài.■

Sebastian Coe rời vị trí đại sứ của Nike

Sebastian Coe tại cuộc họp báo ở Monaco ngày 26-11 -Reuters
Sebastian Coe tại cuộc họp báo ở Monaco ngày 26-11 -Reuters

Bị nghi ngờ có xung đột lợi ích, tân chủ tịch IAAF Sebastian Coe đã từ bỏ vai trò đại sứ ở Nike trong bối cảnh các xìcăngđan về doping và tham nhũng đang gặm nhấm làng điền kinh thế giới.

“Đối với tôi, chẳng có xung đột lợi ích nào cả” - Coe nói tại cuộc họp hội đồng IAAF tổ chức ở Monaco. Nhưng các mối quan hệ giữa Coe và Nike đã làm dấy lên nhiều thắc mắc từ khi ông được bầu làm chủ tịch IAAF cùng những nghi ngờ liên quan đến việc trao quyền đăng cai Giải VĐTG điền kinh 2021 cho thành phố Eugene (Mỹ), nơi ra đời Công ty Nike.

Theo Le Monde, thông tin lựa chọn Eugene hồi tháng 4 gây ngạc nhiên, trong lúc quá trình nghiên cứu các ứng viên như bấy lâu nay không được tôn trọng. “Rõ ràng sự cảm nhận (các sự việc) và thực tế đã bị bóp méo kinh khủng” - Coe tuyên bố ở vị trí phó chủ tịch IAAF sau khi Eugene được chọn. “Tôi rời vị trí đại sứ cho Nike đảm nhận từ 38 năm qua” - ông phát biểu trong tuần qua tại Monaco. Tình hình rõ ràng chẳng tốt lành cho cả IAAF lẫn Nike.

Như vậy, Coe mất đi 100.000 bảng Anh/năm mà Nike trả cho ông. Nhưng dù làm chức chủ tịch IAAF không được trả lương, Coe vẫn có nguồn thu nhập từ vị trí chủ tịch CSM, công ty tiếp thị thể thao. Hiện IAAF đang đối diện với thách thức cực lớn.

Sau những tiết lộ đầu tháng 11 của Cơ quan chống doping thế giới (AMA) về doping có hệ thống trong làng điền kinh Nga, AMA sẽ tiếp tục công bố phần hai của báo cáo vào đầu năm 2016.

“Những thông tin mà chúng tôi công bố sẽ gây sững sờ. Tôi nghĩ mọi người sẽ tự hỏi làm thế nào điều đó có thể xảy ra. Đây là một sự phản bội hoàn toàn đối với những gì các nhà lãnh đạo thể thao sẽ phải làm” - chủ tịch Ủy ban điều tra Dick Pound nói trên tờ Times.

Đối với Coe và IAAF, thời gian đang gấp rút. Tại cuộc họp ở Monaco, Liên đoàn Điền kinh Nga cho biết không có ý định kháng cáo án phạt treo giò, mở đường cho việc thay mới hoàn toàn hệ thống chống doping ở nước này vốn có nhiều tai tiếng trong thời gian dài. Số phận của Nga sẽ được quyết định sau khi Ủy ban điều tra của AMA công bố các kết luận trước cuộc họp hội đồng IAAF sắp tới tại Cardiff (Xứ Wales) vào cuối tháng 3-2016.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận