Sự giàu có “đe dọa” cầu thủ Anh

LOAN PHƯƠNG 17/08/2014 22:08 GMT+7

TTCT - Những giải thích cho chiến dịch World Cup tệ nhất của đội tuyển Anh ở Brazil 2014 thường tập trung vào việc lựa chọn chiến thuật, đội hình và năng lực của HLV Roy Hodgson.

Tuy nhiên, đó chỉ là những triệu chứng. Vấn đề của “bệnh nhân người Anh” mang tính nền tảng hơn nhiều.

Những cầu thủ triệu phú như Wayne Rooney không hiếm ở Premier League. Ảnh: Newsweek

Bóng đá ở Anh gắn liền với sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Sự xuất hiện của giai cấp công nhân ở thành thị đã biến bóng đá trở thành hình thức giải trí cho số đông phổ biến nhất. Và đế quốc thực dân Anh đã biến nó thành môn thể thao toàn cầu.

Nhưng sự toàn cầu hóa bóng đá ở Premier League trong thời hiện đại đã gây ra các tác dụng phụ tai hại cho những tài năng bản địa. Tỉ lệ các cầu thủ thuộc Vương quốc Anh ở Premier League đã giảm từ 69% khi giải ra mắt năm 1992 còn 32% ở mùa vừa rồi.

Các biên giới rộng mở ở châu Âu và áp lực thành tích cũng như tài chính đè lên các đội bóng khiến quá trình này trở nên không thể ngăn cản.

Tại sao lại mất thời gian và tiền bạc đào tạo một cầu thủ địa phương với rủi ro cao là anh ta không thể trở thành một siêu sao, trong khi bạn có thể mua ngay lập tức một ngôi sao lớn ở nước ngoài, nhất là nếu bạn là một HLV có thời gian trung bình làm việc tại một CLB chỉ là một năm rưỡi?

Triển vọng của các cầu thủ Anh sẽ không thể được cải thiện trừ khi Premier League tiến hành những cải cách mang tính nền tảng trong việc phân bổ quyền lực và nguồn lực ở giải đấu.

Bước đầu tiên là phải cấu trúc lại quyền sở hữu buộc các đội bóng hàng đầu phụ thuộc hơn vào các CĐV, chứ không chỉ là món đồ chơi của những tỉ phú.

Hãy học hỏi người Đức khi các đội bóng thuộc sở hữu của số đông người hâm mộ sẽ tạo ra những ràng buộc và cam kết dài hạn hơn. Bundesliga cũng đầu tư gấp đôi so với Premier League trong đào tạo cầu thủ bản địa và thời gian một HLV tại vị ở một CLB cũng dài gấp đôi.

Giải Ngoại hạng Anh không hề thiếu tiền, nhưng các đội bóng cần phải đầu tư nhiều hơn cho dài hạn. Các CLB Premier League dành 71% thu nhập của họ chỉ để trả lương cầu thủ, so với 51% ở Bundesliga.

Quy định về một hạn mức doanh thu tối thiểu đầu tư cho đào tạo trẻ, vì thế, sẽ là cần thiết. Như vậy, những đội nào bỏ nhiều tiền mua thành công trong ngắn hạn cũng phải đầu tư lớn hơn cho tương lai, cho các cầu thủ bản địa, tức là cho đội tuyển Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận