Sự kiện Phạm Băng Băng: Giết gà dọa khỉ

HẢI MINH 17/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Sự kiện siêu sao điện ảnh Trung Quốc Phạm Băng Băng vừa nhận khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử nước này vì trốn thuế đã gây nhiều ồn ào trong làng giải trí mấy tuần qua, nhưng ở một tầm mức khác, vụ việc là lời nhắc nhở rằng chính quyền Bắc Kinh không hề có ý định buông lỏng quản lý với lĩnh vực điện ảnh và truyền hình đang bùng nổ ra sao.

Phạm Băng Băng là một trong những ngôi sao giải trí lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Devianart.com
Phạm Băng Băng là một trong những ngôi sao giải trí lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Devianart.com

 Phạm Băng Băng và các công ty của cô đã được lệnh phải trả khoản phạt 884 triệu nhân dân tệ (128 triệu USD) tiền thuế và các khoản phạt khác, theo Tân Hoa xã ngày 3-10. Nữ diễn viên 37 tuổi này cũng đã nói cô rất ăn năn về hành vi của mình và xin lỗi nhà chức trách thuế cũng như dư luận. “Hôm nay, tôi thấy rất sợ hãi và hối hận sâu sắc về những sai lầm của mình...

Tôi đã phản bội lại lòng tin của xã hội - cô viết trong một lá thư “tự kiểm” được công khai - Mọi thành công của tôi là nhờ có đất nước và nhân dân. Sẽ không có Phạm Băng Băng nếu không có những chính sách đúng đắn của đảng và nhà nước”.

Pháp bất dung tình

Cuộc điều tra của chính quyền Trung Quốc với nữ diễn viên này diễn ra đúng vào lúc sự kiểm soát đang được siết chặt hơn nữa với một trong những thị trường giải trí lắm quy định nhất thế giới, nơi nhà chức trách luật hóa mọi thứ từ trang phục biểu diễn tới catsê cho các ngôi sao.

“Mọi người bình đẳng trước pháp luật, không có “siêu sao” hay “giàu có và quyền lực”, không ai có thể coi thường luật pháp” - Tân Hoa xã ca ngợi sự chí công vô tư của nhà nước Trung Quốc trong một bài xã luận riêng về vụ việc.

Giáo sư Thi Chính Văn, chuyên gia về luật thuế ở Đại học Chính pháp (chính trị và pháp luật) Trung Quốc, nói với Bloomberg rằng vấn đề trốn thuế đang gây nhiều bức xúc trong dư luận những năm gần đây và nhận định án phạt với Phạm Băng Băng là nặng, nhưng tương ứng với các hành vi phạm tội.

Ngay sau vụ việc, Tổng cục Thuế nhà nước Trung Quốc ra một thông báo nói họ sẽ sớm mở một chiến dịch mới nhắm vào thu nhập trong ngành điện ảnh và truyền hình. Cục thông báo các công ty và cá nhân trong ngành này sẽ được trao một thời gian “tự kiểm” và ân hạn để trả các khoản thuế mà họ đã luồn lách được trước ngày 31-12 năm nay.

Còn sau đó, nhà chức trách sẽ không nương tay. Ông Trọng Trình Tường, chủ tịch Hội Văn nghệ Trung Quốc, đã hối thúc các nghệ sĩ và ngôi sao giải trí sớm tuân thủ luật pháp.

Năm nay cũng là năm chính quyền Trung Quốc vừa giới thiệu những cải cách mới với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong bối cảnh các khoản thu thuế đang giảm. Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng 9 nói trên China Daily rằng thu thuế của Trung Quốc sẽ giảm khá mạnh trong nửa sau năm 2018.

Phạm Băng Băng, biến mất từ tháng 6 trước cả công chúng và trên mạng xã hội (nơi tài khoản Weibo của cô có hơn 60 triệu người theo dõi), chỉ xuất hiện trở lại sau khi án phạt đã được công bố. Khoản tiền 884 triệu nhân dân tệ tương đương gần gấp ba lần thu nhập của cô trong năm 2017 - vào khoảng 300 triệu nhân dân tệ, theo Forbes.

Tuy nhiên, nó có vẻ không ảnh hưởng nhiều tới thương hiệu và khả năng kiếm tiền của siêu sao này trong tương lai bởi sức hút rất lớn của cô trong cộng đồng giải trí và các thương hiệu hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Cô là người có thu nhập cao nhất trong làng giải trí nước này năm ngoái và là đại diện của các thương hiệu Cartier, Chopard, Mercedes-Benz, L’Oreal, Louis Vuitton... ở thị trường 1,4 tỉ dân.

Với việc trả khoản tiền phạt, Phạm Băng Băng tránh bị truy tố hình sự, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, xung đột giữa các ngôi sao giải trí và nhà nước dự kiến còn tiếp diễn.

Viện Khoa học xã hội Trung Quốc năm ngoái đã công bố đánh giá “trách nhiệm xã hội” của 100 ngôi sao giải trí hàng đầu nước này và Phạm Băng Băng đội sổ, với chính xác 0%! Đáng nói hơn, chỉ chín ngôi sao đạt được các chuẩn đánh giá là “có trách nhiệm xã hội”, đảm bảo được ba tiêu chí của viện: công tác chuyên môn, hoạt động từ thiện và sự chính trực cá nhân (đứng đầu là nam diễn viên Từ Tranh, 78%).

Ảnh: robertgutschejr.com
Ảnh: robertgutschejr.com

 Hợp đồng âm - dương

Rắc rối về thuế của Phạm Băng Băng bắt đầu vào đầu năm nay khi Thôi Vĩnh Nguyên, một người dẫn chương trình truyền hình đã về hưu, đăng trên Weibo các bức ảnh chụp hai hợp đồng cho một bộ phim sắp chiếu của Phạm.

Một hợp đồng ghi thù lao là 11 triệu tệ (1,6 triệu USD), hợp đồng chính thức để khai thuế nộp cho nhà chức trách, trong khi hợp đồng kia cho thấy khoản thù lao chi trả thực sự lại là 53 triệu tệ (7,8 triệu USD).

Phạm cũng không phải là diễn viên nổi tiếng đầu tiên ở Trung Quốc mắc vào bê bối trốn thuế. Nhiều người đã so sánh vụ của Phạm với vụ của Lưu Hiểu Khánh, từng có thời là người giàu nhất nước (chính thức) vào năm 1999. Nữ diễn viên họ Lưu bị bắt vào năm 2002 và được thả ra sau một năm ngồi tù. Dù không bị truy tố, bà đã phải trả khoản tiền phạt 7,1 triệu tệ (khoảng 1 triệu USD).

Bởi sự hoài nghi lẫn nhau giữa chính quyền và các doanh nghiệp, việc né, tránh, và trốn thuế tại nước này đã trở thành hành vi phổ biến tới mức có một tên gọi riêng cho các hợp đồng kép kiểu đó: “hợp đồng âm - dương”.

Vấn đề thêm phức tạp sau khi vào tháng 6, Ban Tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (tức Ban Tuyên giáo) và bốn cơ quan chính phủ khác ra một chỉ thị quy định thù lao cho các diễn viên không được vượt quá 40% chi phí sản xuất và các diễn viên đóng vai chính không được trả cao hơn 70% tổng thù lao cho tất cả đoàn làm phim. Quy định này được áp dụng cho gần như mọi sản phẩm giải trí, bao gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, sô tạp kỹ và các loạt phim chỉ chiếu trên nền tảng số.

Chỉ thị của trung ương đảng nói tiền thù lao cao thái quá và nạn trốn thuế đã gây ra tình trạng “thờ phụng tiền bạc” và bóp méo các giá trị xã hội, trong khi ngành giải trí lẽ ra phải “đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu”.

“Toàn bộ ngành công nghiệp giải trí và sự thăng trầm của nó, được định đoạt qua lăng kính chính trị, ý thức hệ và những yêu ghét của giới lãnh đạo - Kiều Mộc, một nhà phân tích độc lập sống ở Washington DC (Mỹ), nói với báo Anh The Guardian - Điều này ngày càng rõ ràng trong những năm gần đây”.

Chương Lập Phàm, một sử gia sống ở Bắc Kinh, lưu ý rằng giới giải trí đã gần như hoàn toàn im lặng về sự cố Phạm Băng Băng: “Không ai lên tiếng cho Phạm Băng Băng. Điều đó cho thấy vị thế thấp của ngành giải trí. Họ không có chút quyền lực nào”.

Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc năm 2012, ngành điện ảnh ở Trung Quốc đang cất cánh với mức tăng trưởng doanh thu phòng vé 31% so với năm 2011. Tổng doanh thu đã vượt qua Nhật Bản, biến Trung Quốc thành thị trường phim điện ảnh lớn thứ hai thế giới.

Trong khi Hollywood vẫn thống trị, các nhà làm phim Trung Quốc, qua các siêu sao như Phạm Băng Băng, cuối cùng đã thực sự chen chân được vào các rạp phim trong nước. Lạc lối ở Thái Lan, một phim hài dễ xem vào năm 2012 trong đó Phạm đóng vai chính, đã trở thành bộ phim có doanh thu lớn nhất lịch sử Trung Quốc, thu về 208 triệu USD.

Tuy nhiên, những bộ phim hài nhảm như thế không phải lúc nào cũng được chào đón trong mắt nhà chức trách. Năm 2014, trong bài phát biểu quan trọng về văn hóa nghệ thuật, Chủ tịch Tập đã phê bình những nghệ sĩ “chạy theo quan điểm nghệ thuật rẻ tiền, khiếu thẩm mỹ thấp, biến công việc của họ thành việc kiếm tiền thuần túy hay chỉ để giật gân câu khách”.

Với ông, văn hóa và nghệ thuật phải đóng vai trò xã hội quan trọng “theo quan điểm chủ nghĩa Marx về văn hóa và nghệ thuật lấy nhân dân làm trung tâm”. Thời đại Internet cũng đã khiến sức ảnh hưởng của các ngôi sao giải trí lan rộng một cách nguy hiểm.

Một bài xã luận trên Global Times ngày 9-10-2017 than phiền: “Thật bất công khi những ngôi sao như thế lại nhận được nhiều vinh quang như thế, điều là không tưởng với những người đã có các đóng góp quyết định cho đất nước”. Bloomberg bình luận trong bối cảnh đó, Phạm Băng Băng trở thành một mục tiêu lý tưởng: nhân vật điển hình trong giới giải trí “vô trách nhiệm” với xã hội, rất thuận tiện để “giết gà dọa khỉ”. ■

Hợp nhất “trung ương tam đài”

Ở bình diện rộng hơn, câu chuyện của Phạm Băng Băng, ngành điện ảnh và cả ngành giải trí chỉ là một mảng nhỏ của nỗ lực kiểm soát toàn bộ các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc.

Vào tháng 3-2018, trung ương đảng, qua ban tuyên truyền, thông báo sẽ kiểm soát trực tiếp các đài truyền hình và mọi phương tiện truyền tải thông tin, từ phim ảnh tới sách vở và các chương trình phát thanh. Bước đi này là một phần trong kế hoạch “thống nhất tư tưởng” đã được chính Tổng bí thư Tập Cận Bình vạch ra ở Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2017.

Theo đó, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc, Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc và Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (tức “trung ương tam đài”) sẽ được sáp nhập thành một cơ quan mới duy nhất là Đài quảng bá trung ương, hay còn gọi là Tiếng nói Trung Quốc. Các cơ quan quản lý bên phía chính quyền với báo in, phát thanh, điện ảnh và truyền hình sẽ bị giải thể và trách nhiệm cùng nguồn lực sẽ được chuyển hết sang ban tuyên truyền của đảng.

Báo Global Times dẫn lời chuyên gia Phùng Duyệt của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói động thái này sẽ “tập trung nguồn lực và quyền lực nhằm cải thiện ảnh hưởng của Trung Quốc ở hải ngoại và quảng bá tốt hơn hình ảnh đất nước ra quốc tế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận