Sự tích chữ nôm

NHỊ NGỌC 20/06/2004 04:06 GMT+7

TTCN - “Ngày xưa, ở một đất nước mà ngày nay có tên gọi là Việt Nam. Tại một ngôi làng ven sông thơ mộng hiền hòa, bỗng dưng có một con thủy quái xuất hiện dưới sông, rình rập ăn thịt trẻ em khiến dân làng hết sức lo sợ...

Nhà vua Trần Nhân Tông bèn cử quan thượng thư tiến sĩ Hàn Thuyên đến dẹp loạn thủy quái. Ban đầu thượng thư Hàn Thuyên thả xuống sông nào là chuối chín, nào là cam quít ngon lành cho con thủy quái để dập tắt cơn đói ăn thịt người của nó. Nhưng con thủy quái này chê trái cây, không thèm ăn!

Thượng thư Hàn Thuyên bèn thả xuống sông một bài văn viết bằng chữ Hán phức tạp đang là ngôn ngữ chính thức của triều đình, nội dung bài văn này ra lệnh cho thủy quái phải bỏ đi nơi khác, trả lại sông nước cho trẻ em bơi lội vui chơi. Nhưng con thủy quái không biết chữ Hán, nó nhìn mà không hiểu gì cả nên vẫn ở lì tại chỗ!

Thượng thư Hàn Thuyên bèn thả xuống sông một bài văn viết bằng chữ Nôm, là thứ tiếng quốc hồn quốc túy giản dị, dễ hiểu và đầy ý nghĩa do người Việt sáng tạo. Con thủy quái đọc chữ Nôm là hiểu liền. Nó ngoan ngoãn vâng lời rồi bỏ đi, lặn đến những nơi chốn xa xôi nào đó trong rừng rậm. Từ đó, dòng sông thân thuộc được trả lại cho mọi người. Dưới nước, trẻ em tha hồ tung tăng bơi lội. Trên bờ, dân làng trở về với cảnh thanh bình yên ấm...”.

(lược dịch có bổ sung thêm nhân danh và chức danh)

---------------------------

Tạp chí Destination: Vietnam số tháng 7 và 8-1997 đã đăng ở trang 44 một truyện tranh cổ tích lý thú: The story of Nom (Sự tích của chữ Nôm), do nhà báo nữ Sarah Tilton viết lời và họa sĩ Marion Cook Tilton vẽ tranh. 

Đây chính là câu chuyện về nhà thơ, nhà văn hóa kiêm ngôn ngữ học xuất sắc Hàn Thuyên của VN, được xem là bậc đại bút tiền phong của chữ Nôm. Ông đã sáng tác bài văn tế viết bằng chữ Nôm rồi thả xuống sông để răn dạy giáo huấn những con cá sấu dữ dằn. Kết quả: bầy cá sấu nhà ta đọc xong bài giáo khoa về đạo đức này liền tỉnh ngộ và bỏ sang những vùng khác sinh sống, trả lại sông nước an toàn cho trẻ em.

Tại thành phố lớn San Francisco (2) thuộc bang California của nước Mỹ, có một tạp chí chuyên viết về VN do người Mỹ chủ trương biên tập, biên soạn, in bằng tiếng Anh và phát hành trên khắp thế giới.

Đó là tờ Destination: Vietnam. Hai tháng ra một kỳ, mỗi số dày khoảng 60 trang khổ 21x29. Tạp chí Destination: Vietnam do bà Lisa Spivey và ông Albert Wen làm giám đốc sản xuất. Mỗi số đều tập trung đăng bài viết về nước VN ngày nay, qua các lĩnh vực văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, phóng sự, du lịch... Trong số các nhà báo thường xuyên viết bài cho tờ tạp chí này có nhà báo nữ Sarah Tilton đã nhiều năm làm việc ở châu Á, là tác giả nhiều bài từng đăng trên các tờ báo nổi tiếng.

Hai điều đáng lưu ý: trong truyện Sự tích của chữ Nôm, Sarah Tilton không nêu đích danh tên ông Hàn Thuyên (1) mà chỉ viết là một vị tiến sĩ. Mặt khác, cá sấu đối với trẻ em phương Tây là một con vật... dễ thương, ngộ nghĩnh thường được các em “hâm mộ”; do đó tác giả Sarah Tilton đã khéo léo không nêu đích danh là cá sấu mà chỉ viết chung chung là một con thủy quái .

(1) Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên. Năm 1247 ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Dưới triều vua Trần Nhân Tông (1255 - 1306) ông giữ chức thượng thư bộ hình.

Năm Nhâm Ngọ 1282, có một bầy cá sấu kéo vào hoành hành ở sông Lô. Theo lệnh vua, ông đã viết bài Văn tế cá sấu bằng chữ Nôm rồi ném xuống sông, cá sấu liền bỏ đi.

Nhà vua hết sức khen ngợi văn tài của Nguyễn Thuyên và đổi họ cho ông là Hàn Thuyên, với ý tự hào rằng ông Hàn Thuyên của nước Việt có tài năng dùng ngòi bút đánh đuổi tà ma đạt hiệu quả không thua gì ông Hàn Dũ ở Trung Hoa ngày xưa cũng đã từng viết một bài thơ đuổi được cá sấu.

(2) Từ nhiều năm nay, thành phố San Francisco đã và đang là thành phố kết nghĩa với TP.HCM. Năm 1998, đội bóng đá Bay Seal San Francisco đã sang đấu giao hữu trên sân Thống Nhất và thua đội Công An TP.HCM với tỉ số 1-3).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận