Ta nợ miền Tây Bắc …

LÊ ĐỨC DỤC 10/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - “Bùa mê thuốc lú” là một khái niệm thuộc phạm trù... “bất khả tư nghị”, nhưng tôi đã gặp rất nhiều những người hình như bị nhiễm “bùa mê thuốc lú” của miền Tây Bắc nước Việt.

Cao nguyên đá Hà Giang

 Những cung đường trên cao nguyên đá ở Hà Giang, những sông suối Tây Bắc, những biển mây giăng, những đèo hút mắt ở Điện Biên, ruộng bậc thang mùa đổ nước hay buổi lúa chín trĩu vàng... của vùng cao phía Bắc là vẻ đẹp kỳ lạ, nói là “bùa mê thuốc lú” cũng không ngoa.

Mỗi mùa lại có những đặc sắc riêng thầm thì mời gọi, hoa mận trắng cuối đông, hoa đào vào xuân, hoa gạo vào hạ, tam giác mạch cuối thu... như một tiếng gọi mơ hồ mà tha thiết, rủ rê hàng vạn người theo lên để rồi thành một trào lưu “phượt Tây Bắc”.

Nhưng rồi sau vẻ đẹp kiều mị và quyến rũ ấy, mấy năm gần đây, vào mùa mưa lũ, Tây Bắc lại trở thành nỗi âu lo phấp phỏng. Cứ mỗi mùa lũ, sau những bản tin thiệt hại nhà sập, người chết, người ta lại liên tưởng tới những cánh rừng bị dồn đuổi tận cùng trong cuộc mưu sinh bằng nương rẫy. Liên tưởng đến sự xuất hiện ào ạt của các công trình thủy điện dày đặc trên những dòng sông, con suối. Và cả những biệt phủ, những gỗ bàn quý giá mang về từ rừng...

Và cho dù nguyên nhân từ đâu đi nữa, sự thực vẫn chỉ có một: thiên tai đang ngày càng riết róng hơn, sự an toàn của người dân vùng cao đang bấp bênh hơn. Thiên tai không phải điều gì mới, nhưng chưa bao giờ nó giết người và hủy hoại tài sản với tốc độ khủng khiếp như bây giờ. Mùa mưa lũ 2017, đã có hơn 100 người thiệt mạng và mất tích do lũ.

Năm nay, mới đầu mùa mưa lũ nhưng hình ảnh lũ rừng và núi sạt từ Hà Giang, từ Lai Châu được chia sẻ trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông đã khiến ta bàng hoàng, đã có hàng chục người chết và mất tích.

Nhìn mấy chục ngôi nhà của bản Sáng Tùng ở xã Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu) bị cả quả núi sạt xuống ngập chìm trong đất đá hay những bản làng ngổn ngang bùn đất ở Lùng Tám (Hà Giang), câu hỏi run run bật lên: Rồi những tháng mưa lũ tiếp theo sẽ là ngôi nhà nào? Người dân nào? Bản làng nào?

Năm trước, lũ quét qua Mù Căng Chải (Yên Bái), biến thị trấn nhỏ vốn bình yên với vẻ lộng lẫy của những thửa ruộng bậc thang bên đèo Khau Phạ vào mùa lúa chín thành một cảnh trí tang thương ngổn ngang. Rồi tới lượt xóm Khanh với thác Khanh đẹp quyến rũ gần đèo Đá Trắng thu hút dân phượt khi lên Tân Lạc (Hòa Bình) chỉ trong tích tắc đã chôn vùi, 18 cư dân bị thiệt mạng.

Năm nay, những người dân ở Sáng Tùng may mắn chạy kịp khi phát hiện ra vết nứt, nhưng những ngôi nhà và gia sản tích cóp cả đời người của họ đã bị quả núi lở xuống nhấn chìm. Câu hỏi khắc khoải bật ra, giờ ai đã lo việc xác định được những bản làng nào có nguy cơ bị lở đồi sạt núi tấn công khi mùa mưa đến, nơi nào an toàn cho họ trú ẩn rồi tái định cư?

Người miền Tây đã tìm ra cách “sống chung với lũ” nhưng người Tây Bắc thì không thể sống chung với lở núi, bởi điều đó đồng nghĩa với đánh đổi sinh mạng.

Cả tuyến biên ải Tây Bắc - Việt Bắc - Đông Bắc từ mốc số 0-A Pa Chải trên đỉnh Khoang La Sa ở Mường Nhé (Điện Biên) về mốc 1378 ở cửa sông Bắc Luân (Trà Cổ - Quảng Ninh) có rất nhiều nhà bia ở các địa phương ghi tên các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Rất nhiều liệt sĩ mang họ Sùng, họ Thào, họ Vàng, họ Ma... Những tên họ của người biên ải ấy nói lên rằng chính là họ chứ không ai khác là phên giậu quốc gia, là những người đầu tiên hi sinh, đưa vòm ngực mình che đạn cho Tổ quốc. Vì thế, chúng ta nợ biên ải, nợ những người dân đã ngàn đời nay ở tuyến đầu chở che cho hậu phương yên ổn một món nợ quá lớn.

Vậy nên giờ đây không thể nhìn mỗi mùa mưa lũ đến, cả trăm sinh mạng đồng bào giữa núi rừng Tây Bắc - Đông Bắc bị thiên tai cướp đi. Xin giữ cho những đời dân đã tận tụy tận hiến cho đất nước được yên bình, để rồi mới giữ được vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo riêng có của những miền phên giậu quốc gia này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận