Tai hại của chuyện đóng hai vai 

THẢO NGUYÊN 05/04/2018 02:04 GMT+7

TTCT - Trong những ngày vừa qua, chuyện chuẩn bị Đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nhiệm kỳ 8 hết sức nóng bỏng. Những cuộc đấu đá nhau diễn ra tưng bừng.

 

 

Có lẽ đây là lúc cần nhìn lại tại sao VFF luôn rối ren? Trả lời câu hỏi này, thật ra cũng là câu trả lời chung cho cả mấy chục liên đoàn thể thao ở VN, với bản chất chẳng khác gì VFF, chẳng qua mật ít thì ruồi cũng thưa.

Nhìn lại thuở ban đầu của thể thao VN sau khi đất nước thống nhất, khi ấy chỉ có bộ máy duy nhất để quản lý, điều hành thể thao là của Nhà nước. Đó là thời thể thao được bao cấp. Tuy VĐV, HLV được hưởng chế độ vào loại cao trong xã hội (trong khi cán bộ - công nhân viên bình thường chỉ 12kg lương thực/tháng thì thể thao được 19-21 kg/tháng/người), nhưng phần thưởng các giải đấu đúng nghĩa là hương hoa.

Thế rồi đất nước mở cửa, cái chế độ lương thực tưởng là cao ấy chẳng đủ sức kích thích thể thao phát triển khi đây là một nghề nghiệt ngã với tuổi thọ thấp, 100 em vào nghề chưa chắc có được 1 tài năng. Thể thao buộc phải học như các nước, đó là xã hội hóa.

Nói nôm na thế này, một ông cán bộ ngành thể thao đi xin doanh nghiệp tài trợ thì dù có thương lắm họ cũng nhón tay làm phúc cho vài đồng, chứ không thể nào tài trợ món tiền lớn trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Làm chuyện ấy, nhìn ra thế giới, chỉ có các tổ chức xã hội - với tên gọi liên đoàn, hiệp hội... - mới làm tốt được. Thế là tất cả các bộ môn đều lần lượt thành lập liên đoàn.

Nhưng nếu để các liên đoàn của ta giống như các nước thì cán bộ thể thao nhà nước làm gì? Liên đoàn của các nước mạnh mẽ là bởi nó phù hợp với bộ máy nhà nước phụ trách về thể thao: rất tinh gọn, chỉ làm mỗi nhiệm vụ định hướng chiến lược.

Chính vì cái khác người ấy ở ta, nên bộ máy thể thao nhà nước đưa cán bộ của mình cài cắm vào tất cả các liên đoàn (hiện tại, thể thao VN chỉ có mỗi Liên đoàn Điền kinh là không có cán bộ ngành thể thao ngồi vào đấy).

Chính vì vậy, cố nhà báo thể thao nổi tiếng Chánh Trinh từng sử dụng một cụm từ rất chính xác để nói về các tổ chức liên đoàn ở VN: Cánh tay nối dài của Nhà nước!

Các liên đoàn bị chi phối bởi Nhà nước như thế sẽ không thể nào mạnh được. Từ cả chục năm trước, doanh nhân nổi tiếng Phạm Phú Ngọc Trai dù rất máu mê với thể thao (cụ thể là bóng chuyền) đã ngậm ngùi rút lui khỏi Liên đoàn Bóng chuyền vì cảm thấy chán nản.

Ông từng tâm sự với người viết rằng ông thuyết phục một cán bộ ngành thể thao được biệt phái sang làm tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền là hãy chọn một chỗ đứng mà thôi, hoặc làm cán bộ nhà nước hoặc bỏ công chức để sang hẳn tổ chức xã hội và ông đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống.

Theo ông Trai, phải như thế thì tổ chức xã hội mới đúng nghĩa là tổ chức xã hội. Tuy nhiên, ông thất bại vì vị cán bộ ấy không muốn bỏ nơi nào cả! Chỗ Nhà nước tuy lương chẳng bao nhiêu nhưng được cái “chắc cú”, lại có nhiều khoản không tên mà “không nói ra thì không ai biết”.

Rồi chưa kể tham gia liên đoàn thì phải làm cật lực theo quy luật làm nhiều thì hưởng nhiều, làm kém thì bay ghế như chơi. Còn làm Nhà nước cứ tà tà mà tiến. Và đứng được cả hai chân thì tuyệt vời, như ông Trần Quốc Tuấn chẳng hạn: làm tệ, bị ép phải từ chức ở VFF khóa 6, nhưng sóng yên biển lặng thì quay lại ở khóa 7 và nay nhăm nhe cả ghế chủ tịch VFF khóa 8!

Nhìn như thế, chúng ta sẽ thấy chuyện đấu nhau tưng bừng đang diễn ra ở VFF chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vì một khi các liên đoàn thật sự trở thành một tổ chức xã hội đúng nghĩa, nó sẽ được giám sát tốt hơn bởi các lực lượng trong xã hội, sẽ bầu bán minh bạch hơn...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận