Tai và mắt

TRẦN HUIỀN ÂN 05/12/2013 21:12 GMT+7

TTCT - Khoảng trước sau năm 1960, ông Thạch Hà có truyện ngắn đăng trên tạp chí Bách Khoa nhan đề Tàn tật. Nhân vật trong Tàn tật, cũng như trong Mặt trời chiều, có năng khiếu về viễn thông điện tử, thường tự hào rằng đôi tai rất thính, nghe được và phân biệt rõ ràng những âm thanh cực nhỏ, đáng gọi là siêu âm thanh.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Thế rồi một hôm bỗng nhiên anh ta thấy mình không còn cái khả năng thiên phú ấy nữa. Anh ta hoảng hốt vì mất đi niềm hứng thú về thính giác, anh ta buồn bã nhận rằng mình là kẻ tàn tật.

Tàn tật là nhận xét của anh ta, chứ cứ theo chi tiết trong truyện thì đôi tai của anh ta còn tốt chán so với những đôi tai của thiên hạ. Có khác chăng là anh ta chỉ bằng thiên hạ chứ không còn hơn thiên hạ, không bỏ xa thiên hạ nữa. Anh ta quá chú trọng đôi tai đó thôi.

Không chú trọng sao được? Cái răng cái tóc là góc con người, nhưng góc nào, góc gì, góc vuông hay góc nhọn, góc tù hay góc bẹt… không thấy định nghĩa minh bạch. Trong khi đó tai và mắt không đi thành cặp trong thành ngữ, tục ngữ nhưng nó xác nhận vị trí của người đó.

Bảo rằng ông A ông B vào hàng tai mắt của làng, huyện, tỉnh là có ý khuyên ta phải nên kính nể. Hoặc bảo rằng đến chỗ ấy ngôn ngữ và cử chỉ phải phù hợp vì toàn là hạng tai mắt, đủ khiến cho ta lưu ý thận trọng.

Cái gì dùng lâu cũng bị hao mòn, xuống cấp. Đến tuổi già tai không còn thính, bị lảng tai, bị nghễnh ngãng, nặng hơn thì bị điếc. Mắt thì bị mờ, bị lòa, bị cận thị, viễn thị, đục thủy tinh thể, cườm khô, cườm nước… Thời xưa, lúc tai kém nói chuyện hử hả lung tung, hỏi một nơi trả lời một nẻo. Mắt kém thì phải nheo, phải nhíu, có khi gí sát mắt vào trang sách mới xem được. Về sau, để giúp cho tai có máy trợ thính, để giúp cho mắt có kính lão, kính cận, coi như vật dụng trợ thị.

Ông Khái Hưng tả nhân vật Sếnh sáng: “Đôi mắt sau cặp kính trắng gọng vàng, lúc nào cũng như lúc nào, bình thản, tự nhiên, như chẳng hề bận tâm đến cuộc đời thực tế eo hẹp”. Người đọc sách và cả người ngoài thực tế khi gặp sếnh sáng chắc bỗng quên mất cái nhiệm vụ trợ thị của đôi kính mắt, chỉ thấy rằng với đôi kính mắt ấy Sếnh sáng thành lịch sự hơn, phong lưu đài các hơn.

Đôi kính mắt làm thêm nhiệm vụ trang sức, không phải riêng cho quý cô quý bà mà cả quý ông. Đôi kính mắt làm cho khuôn mặt chủ nhân có vẻ trí thức hơn, tất nhiên là người ấy trí thức hơn. Nhìn các bức ảnh chân dung, ông Phạm Quỳnh với đôi kính mắt… rõ ràng ông là học giả uyên thâm. Cụ Huỳnh Thúc Kháng với đôi kính mắt… rõ ràng cụ là bậc túc nho.

Người ta không sợ cận thị, viễn thị nữa. Có khi mắt chưa cần mang kính người ta cũng mang. Để bảo vệ mắt còn có kính râm, kính mát, khi không mang bỏ vào túi áo, mắc nơi cổ áo trông thật điệu nghệ.

Nhưng dụng cụ trợ thính không được đối xử trân trọng như thế. Một thời nó khá lỉnh kỉnh, hai nút nhét vào lỗ tai, có sợi dây dẫn xuống một hộp nhỏ bỏ túi. Trông có phần lộ liễu. Không mấy ai muốn xác nhận chuyện lảng tai, trong khi mắt kém thì sẵn sàng đem khoe.

Tại sao vậy nhỉ? Hiện nay dụng cụ trợ thính rất gọn nhẹ, gọn nhẹ gấp mấy lần dụng cụ trợ thị. Một vòng cung giống như chiếc sừng trâu tí hon móc nơi vành tai, có ống thông với bộ phận nhét vào lỗ tai. Phần trên thường dùng màu giống như màu da, phần dưới trong suốt. Nếu mái tóc hơi dài một chút, chải phủ xuống, dễ dàng che khuất.

Nếu đồng thời mang kính mắt thì có thể nó bị hiểu lầm là một bộ phận của gọng kính mắt. Thế mà không thấy ai đem dụng cụ trợ thính của mình ra khoe như dụng cụ trợ thị (kính mắt). Hóa ra từ chỗ xa xôi trong lòng người ta vẫn chưa thoát khỏi cái mặc cảm “xấu hổ” khi bị lảng tai. Thật khó mà lý giải.

Hay là tại trong dân gian những chuyện cười, chuyện tiếu lâm phần nhiều nhắm vào người lảng tai, ít khi nhắm vào người kém mắt? Bao nhiêu đời rồi, nó vùi sâu, in đậm trong trí óc, thành vết hằn năm tháng khó gột rửa thay đổi. Đồng thời, văn chương ca tụng, nhất là thơ, chỉ toàn tả đôi mắt, tự cổ chí kim không biết bao nhiêu cách ví von.

Thiên hạ nói tai mắt, không nói mắt tai, lại coi thường tai mà nể nang mắt. Giả sử… Thúy Kiều đẹp như thế, làn thu thủy nét xuân sơn, mà bị lảng tai, nghe Kim Trọng nói cứ hử hả thì buổi gặp gỡ của họ có trọn vẹn tính thơ mộng lãng mạn không? Giả sử vua Quang Trung uy dũng như thế mà bị lảng tai, ngồi trên đầu voi không nghe rõ lời tâu báo, không điều khiển ba quân một cách hữu hiệu, có đánh cho quân Thanh thua chạy tan tác không?

Đừng nói chi với tha nhân, ngay tai của ta, mắt của ta, con người đã thiếu sự công bằng trong ứng xử rồi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận