Tâm tư về rừng

PHAN CẨM THƯỢNG 31/05/2014 07:05 GMT+7

TTCT - Từ Hà Nội đi thành phố Hòa Bình chừng 80km nếu đi theo đường số 6, hơn 90km nếu đi theo đường Láng - Hòa Lạc, rồi đi qua Xuân Mai.

Tranh: Lê Thiết Cương

Con đường xuyên Láng - Hòa Lạc đi Hòa Bình đang làm, nếu xong xuôi thì chỉ khoảng 60km, mất một giờ chạy ôtô.

Từ thành phố Hòa Bình có thể đi đến các huyện, xã miền núi rất đẹp đẽ, song sự đẹp đẽ này lại phản ánh rất nhiều nghịch lý của thời kinh tế đình đốn. Người ta dường như thấy rất ít nhà máy, xí nghiệp hoạt động, giao thông thưa thớt. Qua thị trấn Lương Sơn đến thành phố Hòa Bình, dọc đường lâu lâu mới thấy một chiếc ôtô, phần nhiều là xe khách.

Ở các chợ, hàng hóa từ dưới xuôi mang đến bán rất chậm, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Một mặt tâm lý người dân muốn dùng thực phẩm sạch của địa phương, mặt khác nơi đây đất đai rộng, khả năng tự cung tự cấp vẫn tốt hơn.

Trong các chợ ở Hòa Bình, người ta dễ dàng mua được rau, hoa quả và lợn gà địa phương hoàn toàn nuôi trồng tự nhiên, chúng không tươi tốt mập mạp lắm nhưng lành mạnh và khỏe - cái chất “khỏe” của cây cỏ mọc tự nhiên.

Những vệt rừng còn lại cũng cung cấp rất nhiều loại rau cỏ tự nhiên - thứ rau cỏ không thuần hóa được - mà người Mường biết rõ loại nào ăn được. Trong thực đơn của người Mường, Dao và Thái hằng ngày, không ít rau quả nhặt nhạnh theo lối hái lượm từ cổ xưa. Đấy là chưa kể các nguồn cá sông, cá suối, trứng kiến, ấu trùng ong - những đặc sản.

Những điều này tạo ra tính cách lười tự nhiên của nhiều sắc tộc ở đây. Người ta không sốt sắng làm giàu, sáng tạo. Mỗi hộ gia đình lĩnh vài vạt đồi rừng, cứ thế canh tác nhỏ lẻ, tùy thuộc vụ mùa, dường như không quá quan tâm đến năng suất. Nếu gia đình không có ai đau ốm, đi học xa thì đời sống khá thanh bình, rượu uống hằng ngày. Nhưng nếu có các sự kiện trên thì vài ba năm tích lũy đi tong.

Tôi gặp một chị trong bản Giang Mỗ, nói rằng để cho con đi học ở Nhật đã phải trồng luồng mất bốn năm trên khoảng đồi 2ha, một năng suất quá thấp cho một chi phí quá tốn kém. Nếu đi sâu vào các bản làng xa, một hiện tượng lạ là có nhiều hàng quán địa phương trong bản, bán rau và đồ thực phẩm công nghiệp hoàn toàn mang từ dưới xuôi lên.

Nhiều bản làng dù có đất, thậm chí người ta cũng không trồng rau ăn, có đầm hồ cũng không nuôi thả cá, mà hoàn toàn trông đợi vào cá suối và rau rừng như một thói quen lâu đời. Vùng tôi sống - một bản ở huyện Cao Phong - giờ thành vùng cung cấp cây ngải cứu cho Hà Nội.

Hầu hết đất đai được phát quang trồng cây ngải, ngoài dùng để ăn thịt chó, gội đầu, xông hơi, làm thuốc..., không rõ cây ngải còn được dùng vào những việc gì. Thu nhập từ ngải không nhiều. Nhưng đây là thứ cây thân mềm, thấp, đồi núi trồng ngải coi như bằng phẳng, mưa xuống không có rừng giữ nước, những trận mưa lũ nước đổ tứ tung rất khủng khiếp, sau đó là lại nóng bức, đồi núi khô cong như sa mạc, nguồn nước sạch cũng rất thiếu.

Thứ cây tre nứa, do thổ nhưỡng không phù hợp, chất lượng kém nên không mấy giá trị khai thác, thường bị bỏ mặc, kết thành những bụi lớn không sao phá được.

Liệu đó có phải là kiểu tính cách rất nông dân Việt - không suy nghĩ gì lâu dài, không quan tâm đến môi trường, dù chứa trong nó sự dễ thương, hồn nhiên nhưng lại là không lâu bền. Và vì vậy mà lúc nào cũng nghèo đói?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận