Thăm lại chùa Đồng

NGÔ PHAN LƯU 09/12/2012 23:12 GMT+7

TTCT - Tháng trước, tôi có dịp thăm lại chùa Đồng. Sở dĩ gọi tên chùa Đồng vì chùa tọa lạc ở giữa đồng ruộng bát ngát. Chùa Đồng trông như một cù lao giữa biển lúa mênh mông.

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Lúc gặp nhau, sư Bản trụ trì vui vẻ hỏi thăm tôi:

“Nay anh làm ăn ra sao?”.

Tôi trả lời:

“Không đói và không nợ nần. Thưa, còn sư ra sao?”.

“Cảm ơn, tôi vẫn sống. À, mà anh vẫn còn làm văn chương đó chớ?” - sư Bản lại hỏi.

Tôi trả lời:

“Dạ. Đại khái cũng vẫn còn làm. Đây là cái nghiệp”.

“Nếu anh cho đó là cái nghiệp, vậy anh muốn giải nó không?” - sư Bản lại hỏi.

Trước câu hỏi bất ngờ này, tôi hơi lúng túng. Giải văn chương ra khỏi người tôi ư? Lòng cũng muốn lắm, nhưng nó lại là một đam mê tận cốt tủy, làm sao giải được? Tôi tò mò hỏi:

“Muốn lắm, nhưng giải bằng cách nào?”.

Sư Bản trả lời:

“Muốn giải nó, phải miệt mài với nó hơn nữa”.

Tôi cười:

“Thế thì... càng lún sâu hơn vào nghiệp, giải cái nỗi gì!”.

“Anh lầm rồi. Khi anh miệt mài với nó, nó phải thành công. Khi nó đã thành công, nó sẽ hư đốn. Lúc ấy anh mới giải được nó. Lúc ấy anh không giải nó, nó cũng giải anh vì anh không còn đủ tài sức để giữ nó” - sư Bản giải thích.

Tôi thắc mắc:

“Nó hư đốn hay mình hư đốn?”.

Sư Bản trả lời:

“Cả hai đều hư đốn. Lúc ấy nó ghét anh và anh cũng ghét nó, thế nên rời nhau rất dễ”.

Tôi nín thinh. Có lẽ sư Bản nói đúng. Tôi lại tò mò hỏi thêm:

“Nhưng... hư đốn từ đâu?”.

“Từ sự nổi tiếng. Lúc đã nổi tiếng thì cả cái xấu cũng nổi tiếng theo. Người đời sẽ đốn anh ngã. Đây là cái hư đốn khó tránh” - sư Bản trả lời chắc nịch.

Có lẽ sư Bản lại cũng nói đúng. Tôi cắn nhẹ môi, nín thinh.

Nhìn quang cảnh chùa không có gì đổi khác. Chùa vẫn như xưa. Cây bồ đề đại lão cạnh cổng vẫn bền gan ra lá sum sê. Hàng bảo tháp rong rêu vẫn tắm mưa nắng của thời gian. Chánh điện vẫn tôn nghiêm im vắng trong ánh sáng dịu dàng. Chái Tây vẫn chiếc bàn tiếp khách cũ đặt trước mặt tủ sách chất đầy kinh điển. Thời gian ở đây dường như cũng lưỡng lự trôi chậm lại. Nhìn thấy sư Bản già đi quá nhiều, lòng tôi bỗng nao nao. Uống tiếp ngụm trà, sư Bản nói tiếp:

“Thật khổ, ngay cả lánh đời đi tu cũng vẫn bị nổi tiếng về đạo hạnh. Nhưng mà sao trông anh nay già quá?”.

Nghe thế, tôi giật mình. Tôi định hỏi: “Nhưng mà sao nay trông sư già quá” thì câu ấy sư Bản lại hỏi tôi. Hóa ra cả hai đều già rất nhanh. Quả thật, mình không tự thấy mình già, chỉ kẻ khác xa cách lâu mới thấy được sự tàn phai của thời gian trên khuôn mặt. Khuôn mặt sư Bản đầy nếp nhăn chằng chịt. Những nếp nhăn sâu như dao cứa. Tóc sư cũng rụng theo răng. Chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên nghị lực và trí tuệ. Chỉ ánh mắt là không già. Dưới hàng lông mày cũng trắng theo thời gian, hai tròng mắt vẫn ánh lên sự cương nghị.

Sư Bản mời:

“Anh ở lại ăn cơm trưa với tôi nhé?”.

“Dạ, cảm ơn. Đã lâu tôi chưa ăn cơm chay với sư”.

Sư Bản mừng rỡ:

“Thế thì... anh ngồi đây uống trà, xem sách. Tôi đi vo gạo nấu cơm”.

Nói xong, sư đi xuống nhà ngang. Tôi nhìn theo. Lưng sư đã khòm. Sư vẫn đi chân đất như ngày nào. Tuy già nhưng bước chân vẫn còn nhẹ nhàng thanh thoát. Tôi nghĩ có lẽ đi chân đất có lợi cho sức khỏe. Bàn chân tiếp xúc trực tiếp với mặt đất có lợi cho sức khỏe.

Đột nhiên tôi nghĩ đến đôi mắt và bàn chân. Nơi sư Bản, ánh mắt và lòng bàn chân không già. Tinh thần vào ra nơi ánh mắt. Sức khỏe vào ra nơi lòng bàn chân. Tôi mỉm cười như vừa thấy ra một chân lý đơn sơ.

Và, tôi vội cởi giày, đi chân đất ra vườn, chỗ sư đang vo gạo. Tôi nghe lòng bàn chân mình khỏe khoắn và mát lạnh. Trên vòm cây cao, tiếng chim hót líu lo. Tinh thần bỗng sảng khoái lạ thường như vừa về nhà cũ thân thương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận