Tham vọng “hóa rồng” của quần vợt Trung Quốc

THẢO TRẦN 07/10/2016 05:10 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang tham vọng trở thành siêu cường thế giới trên mọi lĩnh vực, thể thao không phải là ngoại lệ, và quần vợt - một trong những môn phổ biến nhất - đã lọt vào tầm ngắm của cả nhà chức trách lẫn những tỉ phú nước này.

Petra Kvitova (thứ hai từ phải sang), nhà vô địch Wuhan Open 2014 và đại sứ giải đấu Li Na (thứ hai từ trái sang) -zimbio.com
Petra Kvitova (thứ hai từ phải sang), nhà vô địch Wuhan Open 2014 và đại sứ giải đấu Li Na (thứ hai từ trái sang) -zimbio.com


Giải quần vợt Vũ Hán mở rộng (Wuhan Open) không chỉ là một cuộc thi. Nó đang dần trở thành biểu tượng cho tham vọng của người Trung Quốc với làng banh nỉ: sự kết hợp giữa biểu tượng quần vợt lớn nhất của nước Li Na cùng cả núi tiền đã biến giải đấu thành một sự kiện nhận được rất nhiều sự chú ý.

Chủ nhật vừa rồi, Wuhan Open khởi tranh năm thứ 3. Nhà tổ chức đã đầu tư tới 1,5 tỉ nhân dân tệ (225 triệu USD) xây dựng cơ sở vật chất cho giải cũng như thu hút các ngôi sao nằm trong top 10 bảng xếp hạng ATP và WTA.

Năm nay, đáng tiếc duy nhất là sự vắng mặt của Serena Williams, tay vợt nữ đang xếp thứ 2 thế giới, vì chấn thương.

“Một cách làm thương hiệu tuyệt vời - giáo sư Simon Shibli, trưởng khoa nghiên cứu kinh doanh thể thao của Đại học Sheffield Hallam (Anh), nói trên CNN - Thượng Hải và Bắc Kinh từng tổ chức những giải đấu như thế trước đây, nhưng cảm giác lúc đó vẫn giống các giải ở Bahrain hay Qatar hơn (tức mang tính trình diễn, chỉ trả nhiều tiền để thu hút tên tuổi lớn thay vì là một cuộc thi đấu thật sự)”.

Trung Quốc muốn sự khác biệt. Mới đây, Wuhan Open đã thay thế giải Tokyo Open (Nhật Bản mở rộng) để trở thành giải đấu thuộc Premier 5 trong hệ thống các giải đấu của WTA. Năm ngoái, họ tiếp tục chi 1 tỉ nhân dân tệ (150 triệu USD) cho sân trung tâm với mái che và tiêu chuẩn theo giải Úc mở rộng. Sức chứa của sân mới là 15.000 chỗ, tương đương sân trung tâm của Wimbledon.

Nhưng chỉ tiền là không đủ. Người Trung Quốc cần một biểu tượng toàn cầu thật sự để nâng tầm giải đấu và xa hơn là vị thế của nền thể thao nước này. Và sẽ không ai làm tốt hơn Li Na, tay vợt châu Á đầu tiên giành Grand Slam.

“Với thế giới, Li Na là một thương hiệu lớn hơn thành phố Wuhan” - giáo sư Shibli phân tích. Với chức vô địch Pháp mở rộng 2011, Li Na đã thật sự tạo ra một kỷ nguyên mới cho quần vợt Trung Quốc. Năm 2014, cô lại đăng quang ở Úc mở rộng.

“Cô ấy đã đưa quần vợt trở thành một môn thể thao mang tầm quốc gia. Giống như bóng rổ, cầu lông hay bóng bàn” - Fabrice Chouquet, đồng tổ chức Wuhan Open, nói. Theo Liên đoàn Quần vợt thế giới, Trung Quốc hiện có 15 triệu tay vợt tham gia tập luyện và thi đấu, dù nhiều hơn so với 10 triệu tay vợt ở Mỹ, vẫn chỉ là con số khiêm tốn nếu so sánh theo tỉ lệ với tổng dân số.

Vũ Hán cũng là một lựa chọn được cân nhắc kỹ. Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nằm giữa hai con sông mẹ của Trung Quốc - Trường Giang và Hoàng Hà, từ lâu đã là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn ở miền nam. Những tập đoàn đa quốc gia như Nissan, Honda và Peugeot Citroen đều đã trở thành các nhà tài trợ chính của giải đấu, bên cạnh Dongfeng Motor, một trong bốn nhà sản xuất ôtô lớn của Trung Quốc.

Ở giải Wuhan Open đầu tiên năm 2014, Petra Kvitova - tay vợt hai lần vô địch Wimbledon - là người đăng quang. Lượng khán giả tăng đều qua từng năm, 75.000, rồi 120.000 và giờ là 130.000 người. Chính quyền cũng rất sốt sắng.

Tòa thị chính Vũ Hán không giấu giếm tham vọng biến thành phố thành thủ phủ của quần vợt Trung Quốc: đó là một trong ba môn thể thao được chính quyền tỉnh đưa vào giảng dạy chính thức ở trường học.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận