Thần kinh học: Tương lai của bóng đá

HUY ĐĂNG 30/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Không phải Mohamed Salah, không phải Virgil Van Dijk, những người đầu tiên được HLV Jurgen Klopp cất tiếng ca ngợi sau khi Liverpool giành Cúp Liên đoàn Anh hồi đầu tháng 3 là Neuro11 - nhóm chuyên gia thần kinh học đang làm việc tại sân Anfield.

Đó không phải lần đầu tiên làng bóng đá đỉnh cao nghe đến khái niệm này. Nhiều năm trước, Arsene Wenger từng tuyên bố rằng: “Tương lai của bóng đá sẽ nằm trong tay thần kinh học”.

Man City đấu Liverpool, hay “dữ liệu” đấu “khoa học thần kinh”

Bóng đá thú vị đến mức, đôi lúc nét quyến rũ lại được tạo ra từ những thứ tưởng chừng khô khan. Cặp đối đầu nào hấp dẫn nhất trong những năm gần đây? 

 
 Sự hỗ trợ của đội ngũ thần kinh học giúp Liverpool mùa này chơi cực tốt ở các tình huống bóng chết. Ảnh: Liverpoolfc.com

Không phải Real Madrid - Barca, mà là Man City - Liverpool. Từ mùa 2018 - 2019 đến nay, Man City giành 335 điểm ở giải quốc nội, còn Liverpool có 334 điểm. 

Những khoảnh khắc bùng nổ của các siêu sao có thể mang đến một trận đấu hấp dẫn. Kinh nghiệm lão luyện của hai chiến lược gia đồng cân đồng hạng có thể mang đến một mùa giải đua tranh quyết liệt. 

Nhưng khi trạng thái cân bằng gần như tuyệt đối giữa Man City và Liverpool được duy trì trong một quãng đường dài hơi đến vậy, người ta không khỏi đi tìm những lời giải thích khác. Và hóa ra, mỗi đội bóng này có một thế mạnh rất thú vị. 

Khi Pep Guardiola đến Etihad, truyền thông và người hâm mộ quá mải mê chú tâm vào những siêu sao đắt giá, những bản hợp đồng bom tấn và cả triết lý “tiki-taka” của ông. Ít ai để ý rằng tiki-taka chỉ là một thứ tên gọi lãng mạn. Tư duy bóng đá của Pep nằm ở một khía cạnh cốt lõi khác: công nghệ phân tích dữ liệu.

Chiến lược gia người Tây Ban Nha là một tín đồ của dữ liệu thống kê, ông luôn muốn biết chi ly mọi con số: tỉ̉ lệ kiểm soát bóng, tỉ̉ lệ chuyền thành công, số lần dứt điểm… Để đạt tới trạng thái hoàn hảo, sân Etihad từ lâu đã tập trung xây dựng đội ngũ chuyên phân tích dữ liệu. 

Mùa giải trước, họ mời về nhà vật lý nổi tiếng Laurie Shaw làm trưởng nhóm phân tích dữ liệu. 

Phần đông các CLB Premier League đều ký hợp đồng thuê ngoài những công ty lớn trong ngành phân tích dữ liệu để theo dõi thông số của cầu thủ, riêng Man City sử dụng một đội ngũ riêng, cho thấy sự quan tâm cực lớn của họ về yếu tố này.

Trong khi đó, Liverpool lại đang bắt đầu chứng tỏ thế mạnh ở lĩnh vực thần kinh học. 

Từ năm 2019, ban lãnh đạo sân Anfield đã bắt đầu làm việc với Neuro11 - nhóm thần kinh học do tiến sĩ Niklas Hausler (Đại học Bonn, Đức) thành lập - để tư vấn, cải thiện các vấn đề liên quan đến tâm lý cho cầu thủ. Đến đầu mùa giải này, Neuro11 chính thức gia nhập sân Anfield.

Vũ khí bóng chết

Chiến thắng sau loạt sút luân lưu không tưởng trước Chelsea ở Cúp Liên đoàn (Liverpool thắng 11-10, với toàn bộ các cầu thủ đều sút thành công) là cơ hội để Klopp “PR” cho vũ khí mới của đội bóng. 

Mọi cầu thủ Liverpool - từ những người dày dạn kinh nghiệm như Van Dijk cho đến cả một cậu nhóc 18 tuổi như Harvey Elliott - đều đã thể hiện sự điềm tĩnh đáng ngưỡng mộ trong loạt sút luân lưu.

“Tất cả mọi thứ đều đã được đo lường và tính toán, thứ tự các cầu thủ sút như thế nào, cách họ tư duy… Đây là một chương mới đầy thú vị của bóng đá và việc sút luân lưu chỉ là một trong số đó. Tôi muốn nói về những quả sút phạt, những tình huống bóng chết. Tất cả các cầu thủ của tôi khi tập luyện bóng chết đều phải thông qua Neuro11”, HLV Klopp nói.

Nếu việc phân tích dữ liệu thống kê chi li đã góp phần giúp lối chơi kiểm soát bóng của Man City trở nên hoàn hảo, thần kinh học lại tạo ra vũ khí mới cho Liverpool - những tình huống cố định. 

Họ đã ghi đến 15 bàn thắng từ các pha bóng cố định ở Premier League mùa này, nhiều nhất giải. Cả ở Champions League, Liverpool cũng đứng đầu về thống kê này với 5 bàn thắng. Có thể nói lúc này, họ chính là đội xuất sắc nhất thế giới trong khả năng tận dụng các tình huống bóng chết.

Thần kinh học can thiệp thế nào

Về mặt thực tiễn, các cầu thủ của Liverpool đã được cho đeo điện cực quanh đầu trong những buổi tập đầu tiên, để theo dõi điện não đồ khi tham gia các tình huống bóng chết. 

Dữ liệu thu được cho thấy đâu là những người thực hiện sút phạt và đâu là những phương án dàn xếp tối ưu với họ, các chuyên gia cũng qua đó phân tích và đưa ra lời khuyên để mọi cầu thủ có thể tối ưu hóa khả năng trong các tình huống cố định.

Vì sao lại là các tình huống cố định? Tiến sĩ Hausler lấy ví dụ, một cầu thủ nghiệp dư vừa trở lại sau kỳ nghỉ, chưa hề tập luyện, thậm chí gãy một ngón tay vẫn có thể thực hiện một cú sút phạt hoàn hảo. Đó là khi cầu thủ này đạt đến trạng thái não bộ tốt nhất, hoàn toàn loại bỏ những yếu tố mệt mỏi, sức ép… 

Đây là điều không thể khi cầu thủ này tham gia vào một tình huống bóng sống, vốn đòi hỏi tốc độ, thể lực, sự nhuần nhuyễn từ quá trình tập luyện.

“Bạn không cần phải nghĩ ngợi gì, tự nó sẽ diễn ra. Những gì chúng tôi làm là giải mã dữ liệu và tìm ra những gì cần thiết để họ đạt đến trạng thái não đó. Chúng tôi sẽ cố gắng tinh chỉnh đến mức cuối cùng, người chơi có một công cụ tinh thần, không quan trọng tình huống là gì, họ luôn biết mình nên tập trung vào điều gì và không bị mất phương hướng”, tiến sĩ Hausler nói.

Từ trước khi Liverpool thành lập nhóm Neuro11, những cuộc bàn luận về thần kinh học đã được dấy lên vài năm trước. “Sẽ đến một ngày, các cầu thủ đạt đến giới hạn về tốc độ hay các chỉ số vật lý” - nhiều nhà khoa học đặt ra giả thiết này và được HLV Wenger tán đồng.

“Cuộc cách mạng tiếp theo của bóng đá sẽ nằm ở khoa học thần kinh. Vì chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của quá trình rèn luyện thể chất. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sức mạnh và tốc độ của cầu thủ đã được đẩy lên đến cực hạn". 

"Bây giờ bạn có thể thấy những cầu thủ giỏi nước rút ở mọi nơi. Bước tiếp theo của quá trình đào tạo sẽ chú trọng vào việc cải thiện tốc độ suy nghĩ, làm thế nào để các cầu thủ ra quyết định nhanh nhất, hợp lý nhất”, Wenger nói.

Tương lai mà Wenger và các nhà thần kinh học nói đến vẫn còn xa. Nhưng thực sự ở thời điểm này, chúng ta vẫn thường xuyên nhìn thấy nhiều cầu thủ của các CLB hạng dưới đua tốc độ ngang ngửa với Salah hay Kylian Mbappe. 

“Chuyên nghiệp hơn” là một khái niệm chung chung mà dân mê bóng đá chúng ta thường đề cập. Nhưng từ góc nhìn của khoa học, đó là một vấn đề phức tạp liên quan đến não bộ. 

Hướng đến cuộc sống lâu dài

Ngoài việc cải thiện hiệu suất thi đấu, các nhà thần kinh học còn góp phần chữa trị bệnh thuyên giảm trí nhớ của cầu thủ. 

Nghiên cứu cho thấy cầu thủ bóng đá có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 5 lần so với người bình thường và nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh vận động cũng cao hơn đến 4 lần. Đây là hệ quả của môn thể thao dùng đầu khá nhiều. 

Làm việc với các nhà khoa học thần kinh ngay từ thời điểm còn thi đấu góp phần giúp các cầu thủ tránh được những hệ quả liên quan đến não bộ sau này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận