TTCT - Trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Thước quanh Đất lạnh (*), phim tài liệu nhựa đoạt giải Bông sen vàng liên hoan Phim Việt nam lần 16.


Đạo diễn Nguyễn Thước nhận giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 - Ảnh: Thu Quỳnh

* Sinh ra ở Hà Nội, điều gì làm ông quan tâm tới nông thôn và những vấn đề của nó?

- Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và trưởng thành ở đây, song có một giai đoạn trong chiến tranh, khi ấy tôi đang học cấp II, ở miền Bắc nơi nào Mỹ cũng ném bom rất khốc liệt. Gia đình tôi ly tán, khó khăn lắm. Cậu mợ tôi bí quá đành gửi tôi sơ tán ở gia đình người chú họ. Chú thím rất nghèo, song đã nuôi dạy tôi vài năm. Đấy là thời gian tôi không thể nào quên. Và có lẽ đó là điều may mắn để tôi cảm nhận được gốc gác của mình. 

Tôi không ý thức cụ thể nhiều sự kiện xảy ra trong những năm chia sẻ từng bát cơm vơi, nắm rau muống, bát mắm cáy nước thứ ba rất tanh và cơm độn khoai ở Thôn Đà năm ấy, song có lẽ chính từ sâu thẳm tiềm thức và dăm chuyện nho nhỏ ở cái làng nhỏ, đã là cái phôi nuôi lớn sự gắn kết, chia sẻ giữa tôi và người nông dân.

Hơn nữa, thiên chức những người làm phim tài liệu là luôn phải xông vào những vấn đề mà xã hội và đời sống con người quan tâm. Vấn đề của nông nghiệp, nông dân với sự nhức nhối, bất cập... đang là vấn đề nóng. Và chính điều này thúc đẩy nhanh để tôi tiếp cận nông thôn và làm phim Đất lạnh.


Đất lạnh đặt ra những vấn đề lớn của cuộc sống và đất nước một cách trực diện, riết róng. Đó là vấn đề tam nông: nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phim đánh động tâm can của xã hội, đồng thời khơi gợi những suy nghĩ của người xem về số phận người nông dân hiện nay. Đây là bộ phim tài liệu mạnh mẽ, có tính khái quát cao, được thể hiện sinh động với những khuôn hình giàu sức biểu cảm và lời bình súc tích. 

* Như vậy nông nghiệp làm ông quan tâm. Song có phải chỉ vì gốc gác ở Thái Bình nên ông chọn vùng đất đó làm phim, bởi Thái Bình không phải là nơi nghèo nhất nước?

- Đoàn làm phim chúng tôi cứ băn khoăn. Đất Thái Bình có công với cách mạng, đất nước. Kinh tế, công và thương nghiệp trong quá trình đổi mới đã phát triển cũng là nhờ nông thôn. Hai cuộc khủng hoảng vừa qua, chúng ta vượt qua chính nhờ ở nông nghiệp. 

Một xứ sở 80% là nông dân, những giá trị đóng góp cho nền kinh tế quốc dân chiếm tỉ trọng không lớn, nhưng khi lâm vào bờ khủng hoảng, nó lại giúp cho cả nước không đói, các ngành khác có cơ hội chờ qua khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thứ ba cũng đã dựa vào nông nghiệp để cầm chừng như sự chờ thời. 

Vậy liệu mọi điều bất cập mà chúng tôi chứng kiến và đưa lên phim, có phải đó là chúng ta đang phản bội người nông dân hay không? Một hợp tác xã như hợp tác xã Vũ Thắng (Kiến Xương), nơi đã từng được Nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng của một giai đoạn kinh tế, bây giờ 80% lao động trẻ, khỏe bỏ ra thành phố.

Những vấn đề mà Đất lạnh đụng tới không phải chỉ nhằm nói lên sự nghèo đói của nông dân. Sự nghèo, đúng hơn là bần cùng hóa, chỉ là một điểm trong nhiều điểm. Thái Bình đúng là không phải điểm nghèo nhất ở Bắc và Trung bộ, song đó lại là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn. Làm phim tài liệu không chỉ là phản ánh một hiện thực mà phải tìm ra điều gì đẩy tới một hiện thực và sự tác động của nó tới các loại hình kinh tế, vấn đề phát triển kinh tế và xã hội khác. Thái Bình đáp ứng đủ những nhu cầu ấy.

* Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, cố vấn của phim, phát biểu tiên lượng: “Cơ hội duy nhất cho nông nghiệp là phát triển thị trường và cơ hội chính của người nông dân là đưa sức lao động vào công nghiệp. Thế thì, trong tương lai cứ chín người nông dân ngày hôm nay chắc rằng chỉ có một người ở lại nông thôn... Vậy nông thôn chỉ còn lại toàn người già, người yếu và đất đai hoang hóa, hay là nông thôn sẽ trở thành những trang trại mênh mông thẳng cánh cò bay phát triển sản xuất lớn...?”. Ông có định tiếp tục khai thác các câu hỏi ẩn tàng sau những thước phim đã thực hiện?

- Đất lạnh với thời lượng 30 phút, chỉ đặt ra các vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các hệ lụy sau nó. Còn những vấn đề đặt ra phải ít nhất năm tập phim tiếp theo nữa mới trả lời được. Ở đây chúng tôi mới chỉ vạch ra thân phận nông dân, thân phận của đất trong hiện tại. Phim ngắn có thể chỉ nói gọn từng ấy vào điểm quan trọng nhất của nông nghiệp hôm nay. Và có thể từ gợi mở này, các nhà hoạch định chính sách, không chỉ là chính sách kinh tế - nông nghiệp, sẽ kết hợp giải quyết thúc đẩy chiến lược của nhiều ngành, nhiều bộ liên quan.

* Trong quá trình làm phim, có kỷ niệm nào mà cho tới hôm nay vẫn làm ông đau đáu? 

- Có hai xúc cảm mạnh. Lần đầu là khi quay cảnh nông dân thu hoạch lúa, trên một khoảnh ruộng sát khu nông nghiệp. Chúng tôi nhìn các cô gái người gặt, người ngồi thừ ra sau vài nhát liềm, vẻ mặt ai cũng rất buồn, bên những gọn lúa vừa gặt vàng óng. Tôi lặng đi, vì thấu cảm được tình cảnh, tình cảm của người ta ở mùa gặt cuối cùng trên thửa ruộng do cha ông bao đời để lại... 

Lần thứ hai, quay nhân vật hai vợ chồng chị Đặng Thị Luyện, dành cả một kho thóc và tiền nong cho con, mong con thoát khỏi cảnh nhà nông chân lấm tay bùn. Song chính chị ấy lại xác định không bao giờ rời được thôn làng, nơi tổ tiên của họ đã sống và chết! Đây là một mâu thuẫn day dứt của con người, người nông dân thuần Việt Bắc bộ. Sau này khi tiếp xúc với chị Luyện, ông Sơn phải thốt lên: Đây cũng là một bà mẹ Việt Nam anh hùng.

* Vậy còn lại gì sau cuốn phim Đất lạnh?

- Như tôi đã nói ở trên, Thái Bình là nơi chúng tôi thực hiện Đất lạnh. Đó là nơi tổ tiên ông bà tôi và tôi may mắn đã được những nông dân quê hương chia sẻ với chúng tôi cả niềm vui và nỗi thất vọng. Tôi muốn tri ân họ. Tôi nghĩ Đất lạnh của chúng tôi là một thất vọng. Thất vọng không chỉ của riêng ai, nhất là khi nó được nhiều người đồng tình và nhiều ban giám khảo trao giải. Song tôi cũng nghĩ một sự thất vọng thật thật sự thúc giục chúng ta hành động hơn là một hi vọng giả!

* Xin cảm ơn ông đã dành cho TTCT cuộc đối thoại này.

Cảnh đoàn làm phim tại Thái Bình - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

(*) Đất lạnh, phim tài liệu nhựa - Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư. Biên kịch Nguyễn Sỹ Chung. Quay phim Hoàng Tấn Phát. Âm thanh Lê Huy Hòa. Đạo diễn Nguyễn Thước. Trước giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, Đất lạnh từng đoạt giải Cánh diều bạc 2008 của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải C giải báo chí toàn quốc lần thứ 3.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận