Thế giới “âm họa” của Nguyễn Cao Nguyên

NGUYỄN ĐÌNH 16/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Sau hơn 40 năm sáng tác, giảng dạy, hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên trở về ra mắt triển lãm (*) tranh màu nước thể loại trừu tượng với kỹ thuật thể hiện độc đáo mà ông gọi là “âm họa” (negative painting).

Họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên và những giờ vẽ ký họa tại nhà riêng  -Nguyễn Đình
Họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên và những giờ vẽ ký họa tại nhà riêng -Nguyễn Đình

Từ khi vào nghề đến trước cuộc triển lãm và diễn thuyết tranh sơn mài tại San Francisco và Maine (1968), họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên - người chuyên vẽ mẫu cho xưởng sơn mài Thành Lễ - được giới hội họa biết đến với thế mạnh ở các dòng tranh tả thực, tranh lụa và sơn mài truyền thống.

Chuyến tham gia triển lãm “Hội họa Việt Nam tại Hoa Kỳ” 1968 đã giúp ông tiếp cận phong trào vẽ tranh trừu tượng đang phát triển lúc đó, rồi tìm ra con đường riêng, tạo nên một dòng tranh trừu tượng khác lạ trong làng hội họa Việt và quốc tế.

Trong triển lãm đầu tiên về tranh màu nước tại Việt Nam lần này, ông đã có chia sẻ thú vị về cách thể hiện và sáng tác của mình.

*Điều gì khiến ông, một họa sĩ vẽ hình tượng truyền thống, chuyển hướng sang hội họa trừu tượng?

- Họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên: Những năm 1960, hội họa thế giới ngập tràn tranh trừu tượng. Khi được Asia Foundation mời sang Mỹ triển lãm, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu, tham quan các phòng tranh ở New York và ấn tượng với lối vẽ của Jackson Pollock.

Tôi cũng tìm đến trường dạy vẽ và điêu khắc hàng đầu lúc bấy giờ là School of Painting and Sculpture ở bang Maine và thật sự kinh ngạc khi thấy các sinh viên (đến từ 28 quốc gia khác nhau) mỗi người có một xưởng vẽ riêng bên phong cảnh núi đồi, hồ nước tuyệt đẹp. Tất cả đều vẽ tranh trừu tượng.

Tôi cảm thấy thể loại tranh này thật đặc biệt như một lối đi để tôi giải thoát. Họa sư Nguyễn Gia Trí khi dạy tôi có nói: “Chuyển từ hình tượng qua trừu tượng tựa như một con chim cất cánh bay lên”.

*Khi ấy hội họa Việt Nam đã có những dấu ấn nào giữa trừu tượng và hội họa truyền thống?

- Hội họa Việt Nam khi ấy được quốc tế xếp thứ hạng cao trong khu vực bởi là sự hòa hợp thú vị của những đường nét, ý tưởng, lối thể hiện mang âm hưởng phương Tây của thời thuộc địa cùng những bản sắc văn hóa thuần Việt, tạo nên một dòng hội họa đặc trưng ghi dấu ấn ở các triển lãm quốc tế tại Manila, Kuala Lumpur, Tunis (Tunisia), Paris, Sao Paulo, California, San Francisco...

Nhắc đến trừu tượng Việt Nam lúc bấy giờ, người đầu tiên kể đến là họa sĩ Tạ Tỵ, còn lại hầu hết đều chập chững sáng tác. Đến năm 1963, tôi lập Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam nhằm tập hợp các họa sĩ yêu thích thể loại trừu tượng và anh em trong giới có điểm hội họp, triển lãm, trao đổi nghiệp vụ, tiếp đón các đoàn khách, các tổ chức quốc tế quan tâm tìm hiểu về hội họa Việt.

*Ngoài những triển lãm tranh quốc tế về sơn dầu, lụa, in mộc bản, ông còn được giới hội họa trong nước biết đến qua các nét đen trên sơn mài khổ lớn trưng bày ở khách sạn Caravelle, xưởng sơn mài Thành Lễ. Ông đã thành danh với hội họa truyền thống, vậy chuyển sang trừu tượng hẳn là điều không đơn giản?

- Phương Tây họ đi trước mình xa về thể loại tranh trừu tượng, và có quá nhiều họa sĩ chọn thể loại tranh này. Thế nên muốn ngồi vào chiếu ấy, nếu không đem lại sự mới lạ, đặc biệt thì coi như bị loại ngay từ vòng đầu. Khi sáng tác thể loại trừu tượng, tôi đề ra bốn mục tiêu: đường nét, màu sắc, hình thể và phương thức sáng tác. Cả bốn tiêu chí này phải thật đặc biệt mới có thể tồn tại và phát triển.

Tranh bột màu trên giấy vẽ mẫu cho sơn mài -Nguyễn Đình
Tranh bột màu trên giấy vẽ mẫu cho sơn mài -Nguyễn Đình

*Ông có thể “bật mí” cái đặc biệt trong các tác phẩm trừu tượng của ông tại triển lãm lần này?

- Nói đến tranh màu nước dễ gợi đến thủy mặc hoặc tranh truyền thống, tôi chọn màu nước vẽ trừu tượng cũng là một nét mới lạ trong hội họa Việt từ những năm 1970. Khi vẽ, thông thường người họa sĩ sẽ đưa màu vào tranh, tôi sử dụng thêm một công đoạn khác là lấy bớt màu ra khỏi tranh.

Cụ thể là khi vẽ xong một bức tranh, tôi đem ngâm cả tác phẩm vào nước để màu tan dần, và điều chỉnh trên nền đó để “rửa” đi những gam màu nặng nề, dư thừa hoặc gạt bỏ những đường nét mình không mong muốn. Tôi gọi kỹ thuật đó là “âm họa”. Và 18 tác phẩm triển lãm tại Việt Nam lần này đều sử dụng kỹ thuật âm họa.

*Ngoài sự sáng tạo về chất liệu, kỹ thuật “rửa tranh” có đem lại lợi thế nào khác trong các tác phẩm của ông?

- Nỗi sợ hãi kinh hoàng của những người vẽ màu nước trên giấy là sau khi dụng màu, tranh khô sẽ tạo sự co rút của giấy khiến tác phẩm bị vênh, nhăn, không bao giờ phẳng phiu, vuông vức.

“Rửa tranh” xóa đi cái hạn chế co rút ấy vì toàn tấm giấy trong nước nên các thớ giấy nhả đều, tạo cho tấm tranh phẳng theo ý muốn. Các vệt màu khi tan trong nước hòa quyện tạo nên bảng màu kỳ lạ mà ngay cả tôi cũng không chủ định trước được.

Và trong lúc sáng tác, tôi vẽ cũng mạnh tay, phóng khoáng hơn chứ không gò ép. Điều này vượt khỏi giới hạn của màu nước vốn mang nặng tính “bút sa gà chết” vì không dễ chỉnh sửa, nhưng kỹ thuật rửa tranh đã giúp tôi lấy được ra những màu sắc mình chưa ưng ý và có thể bổ sung những nét mới.

Một tác phẩm tại triển lãm -Nguyễn Đình
Một tác phẩm tại triển lãm -Nguyễn Đình

*Tham dự nhiều triển lãm quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, từng là trưởng ban giám khảo cuộc thi vẽ tranh thủy mặc toàn Hoa Kỳ (năm 1988), hướng dẫn các lớp vẽ cho sinh viên Mỹ, lập phòng tranh riêng ở Washington D.C (từ năm 1995), ông có thấy ai ứng dụng kỹ thuật “rửa tranh” như cách ông thể hiện?

- Tôi đã sử dụng kỹ thuật này từ hơn nửa thế kỷ, bạn bè quốc tế và đồng nghiệp của tôi cũng tìm hiểu kỹ thuật này, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nghe nói có ai đem tranh đi rửa như tôi cả. Ngay cả trong các lớp dạy vẽ cho sinh viên tại Mỹ, khi học trò vẽ xong tôi bảo họ đem nhúng tranh vào nước thì nhất định không ai chịu làm, chắc họ nghĩ tôi nói đùa vì chẳng ai dại dột đem tác phẩm màu nước ưng ý, vẽ mất cả tháng trời nhúng nước để màu tan đi cả.

Nhưng việc rửa tranh cũng là một công phu, phải “rửa” cho hợp lý và đúng thời điểm, chứ “rửa” quá màu trôi tuột hết thì lại hỏng. Kỹ thuật “rửa” này tôi ứng dụng chính từ hình thức “mài” trong lối chế tác sơn mài truyền thống Việt.

*Ông có thể chia sẻ đôi nét về ý tưởng 18 tác phẩm màu nước trừu tượng trong triển lãm lần này?

- Thế kỷ 20 là thế kỷ của nhiều cuộc chiến tranh, gắn với sự tàn phá, hủy diệt, tôi lấy ý tưởng ấy làm nền cho 18 tác phẩm để đánh dấu sự hiện diện của thời cuộc, với những hậu quả, dấu ấn u ám, uất khổ, vết tích chiến tranh từ những kinh thành hoang phế. Và vươn lên trên những nét bi quan ấy là sự tươi vui, hòa bình, sức sống đầy tươi sáng của các thành phố mới.

Tranh trừu tượng vẽ bằng kỹ thuật máy tính -Nguyễn Đình
Tranh trừu tượng vẽ bằng kỹ thuật máy tính -Nguyễn Đình

*Cả đời gắn bó với hội họa, cho đến giờ ông thích sáng tác thể loại tranh nào nhất? Và ngoài mục đích giới thiệu lối thể hiện mới lạ tại triển lãm này, ông có dự án gì khác với nền hội họa Việt?

- Điều tôi thích nhất bây giờ là sáng tác trên máy tính. Làm họa sĩ có khi mất hàng tháng trời tìm ra một màu sắc ưng ý để vẽ, trong khi chỉ cần vài cú nhấp chuột trên máy tính là xong, hình ảnh lại có thể phóng to, thu nhỏ tùy thích. Và ở độ tuổi như tôi, lỉnh kỉnh với cọ vẽ, bột màu, khung tranh, kể cũng rất phức tạp.

Sau triển lãm này, tôi tính đến một triển lãm trừu tượng toàn bằng kỹ thuật vẽ trên máy tính, mục đích để mọi người có thể tiếp cận hội họa ở góc nhìn đa chiều. Những họa sĩ cùng thời tôi từ Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam ngày trước, giờ tranh họ có giá lắm, nhiều người muốn mua nhưng không đủ điều kiện.

Tôi muốn lập tiếp một phòng tranh ở Việt Nam, đóng góp cho phong trào sáng tác, giảm giá thành các nghệ phẩm để người Việt có nhiều cơ hội tiếp cận hội họa, với ước vọng đời sống nghệ thuật nước nhà sẽ từng bước đi lên xa hơn nữa.■

Một tác phẩm tại triển lãm-Nguyễn Đình
Một tác phẩm tại triển lãm-Nguyễn Đình

(*): Triển lãm tác phẩm màu nước trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên từ ngày 9 đến 30-10 tại không gian Si., 7A Ngô Văn Năm, Q.1, TP.HCM (vào cửa tự do).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận