Thể thao và những hiểm nguy của ép tăng cân

HUY ĐĂNG 30/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Nhiều HLV thể thao VN khi nghe đến câu chuyện “tăng cân 20kg để thi đấu” đều thể hiện sự sửng sốt. Ý kiến đa số cho rằng tăng cân như vậy là quá nguy hiểm với VĐV.

Ông Giáp Trung Thang - tổng thư ký Liên đoàn Muay Đông Nam Á - nhận xét: “Ở muay và tất cả các môn thi đấu võ đài, điều chỉnh cân lượng cho VĐV là chuyện cực kỳ quan trọng. Độ biến thiên tối đa là 5kg, nhưng đó là đối với giảm cân. Thông thường thì võ sĩ ở hạng cân nặng hơn giảm xuống một hạng cân nhẹ sẽ có chút lợi thế. Nhiều lúc do tình cảnh bắt buộc phải giảm cân để thi đấu thì chúng tôi phải thực hiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện đúng trình tự để các VĐV kịp thích nghi với trọng lượng mới”.

Tăng khó hơn giảm

“Đó là giảm cân, còn tăng cân lại càng khó hơn nữa. Nếu bảo tăng cân so với thông thường để được thi đấu thì tăng 2-3kg là hết mức rồi, tăng nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì khung xương, khớp, cơ bắp của võ sĩ vốn chỉ phù hợp với trọng lượng “trời ban” đó”, ông Thang cho biết thêm.

Câu chuyện tăng - giảm cân cũng đặc biệt được giới khoa học thể thao phương Tây xem trọng. Trong nhiều tài liệu về phát triển cơ thể của VĐV, tăng cân được nhắc đến rất nhiều như một vấn đề mà các HLV cần phải lưu tâm cho các VĐV trẻ. Nó không hoàn toàn bị cấm đoán, nhưng có nhiều khuyến nghị với việc tăng cân bất thường để thi đấu.

Tổ chức Y học nhi Hoa Kỳ khẳng định việc tăng cân bắt buộc phải theo trình tự tăng khoảng 1 pound (0,45kg) mỗi tuần, tăng nhiều hơn sẽ dẫn đến sự tăng mất kiểm soát chất béo trong cơ thể. Như vậy, mỗi tháng VĐV chỉ tăng được tối đa 2kg, và để tăng 20kg cần tối thiểu 10 tháng và kèm theo là một lịch tập luyện gắt gao và chi tiết, cùng chế độ dinh dưỡng khoa học, chứ không đơn giản là “ăn cho lên cân”. Tăng cân nhiều cũng dễ dẫn đến các các vấn đề với hệ thống miễn dịch, nội tiết tố, tim mạch, thận…

Một điểm quan trọng khác, những điều chỉnh cân lượng “bất thường” được khuyến nghị chỉ nên dành cho VĐV trẻ, từ khoảng 16-20 tuổi, và là nam giới. Trong tài liệu nghiên cứu của mình, bác sĩ Donna D’Alessandro thừa nhận từ trước đến nay những khảo sát liên quan đến việc tăng/giảm cân lượng cho VĐV khi thi đấu có rất ít nghiên cứu cho nữ giới vì sự phức tạp của cơ thể họ.

Cựu VĐV nhảy cao Nguyễn Thị Ngọc Tâm - hiện là thạc sĩ ngành giáo dục thể chất - cho biết: “Chuyện tăng - giảm cân để thi đấu rất phổ biến trong làng thể thao VN, các HLV cần đặc biệt lưu tâm và tìm tòi nghiên cứu vì nó rất nguy hiểm. Tăng cân thì tăng đến khoảng 10kg cũng được, nhưng phải có liệu trình kéo dài trong khoảng 3-6 tháng, làm sao để cơ xương khớp phù hợp với cơ thể mới. Tăng đến 20kg thì tôi nghĩ sẽ để lại nhiều hệ lụy cho VĐV về tim mạch, bệnh béo phì”.

Tham khảo các bí quyết của sumo

Nếu các VĐV muốn tăng thật nhiều cân, họ có thể tham khảo cách thức của những VĐV sumo. Trong sumo, khoảng cách của mỗi hạng cân lên đến 20-30kg. Các VĐV sumo phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng cùng tập luyện cực kỳ nghiêm ngặt. Chúng ta thường nghe về việc các sumo ngốn lượng thức ăn chứa khoảng 10.000 calo mỗi ngày - tức gấp 10 lần người thường. Nhưng ăn chỉ là chuyện nhỏ, quá trình “ăn để trở thành võ sĩ” cần những bí quyết hoàn toàn khác.

Một bữa ăn của võ sĩ sumo. Ảnh: Insider
Một bữa ăn của võ sĩ sumo. Ảnh: Insider

Bí quyết đầu tiên là bỏ bữa ăn sáng. Người ta thường nói bữa ăn sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chương trình ăn uống lành mạnh, đó là bởi cơ chế trao đổi chất của cơ thể. Trong lúc ngủ, quá trình trao đổi chất chậm lại, và bữa sáng giúp cơ thể mau chóng phá vỡ điều đó, thúc đẩy quá trình trao đổi chất hoạt động bình thường trở lại và đốt cháy nhiều calo hơn. Vì vậy với người ăn kiêng, bữa ăn sáng là không thể bỏ. Còn các võ sĩ sumo thì ngược lại, họ cần đốt cháy ít calo.

Điều kiện thứ hai là tập thể dục lúc bụng đói. Lại thêm một chuyện ngược đời nữa, khi chúng ta thường được khuyên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trước khi tập luyện. Với các võ sĩ sumo, tập thể dục khi bụng đói sẽ đẩy cơ thể chuyển sang chế độ đói, khi đó cơ thể sẽ cố gắng tiết kiệm càng nhiều năng lượng càng tốt, quá trình trao đổi chất bị chậm lại và lượng calo bị đốt sẽ rất ít.

Tương tự, hai điều quan trọng nữa trong dinh dưỡng của môn sumo là ngủ trưa ngay sau khi ăn và uống trong lúc ăn. Ngủ trưa ngay sau khi ăn cũng để đạt mục đích làm chậm quá trình trao đổi chất, còn các võ sĩ sumo thường uống nhiều bia và rượu trong khi ăn vì nó sẽ cung cấp năng lượng dưới dạng chất béo, tăng các tế bào mỡ.

Có lối sống ngược đời, tại sao các võ sĩ sumo không gặp phải những vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch (ít ra là không quá nhiều so với những người ăn uống vô độ thông thường)? Câu trả lời nằm ở trong chế độ tập luyện của họ. Các võ sĩ sumo thường phải tập luyện từ lúc 5h sáng và quá trình tập kéo dài đến khoảng 5 tiếng liền - không giống hầu hết những môn thể thao khác.

Việc tập luyện cường độ cực cao giúp võ sĩ sumo tăng hormone adiponectin, vốn hướng dẫn các phân tử glucose và chất béo ra khỏi dòng máu, nơi chúng có thể tích tụ dưới dạng mỡ nội tạng, mà thay vì thế là mỡ dưới da. Chính vì vậy, các võ sĩ sumo không có nhiều mỡ nội tạng hay mỡ máu, vốn là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh mãn tính nguy hiểm.

Nhưng ngay cả như vậy, nhiều khảo sát cho thấy các võ sĩ sumo sau khi giải nghệ vẫn thường mắc các bệnh gan, tiểu đường, cao huyết áp và một số loại bệnh tim. Tuổi thọ trung bình của họ cũng chỉ khoảng 60-65, thấp hơn rất nhiều so với tuổi thọ trung bình của người Nhật là trên 80.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận