Theo dấu vết rồng, chuyện kể của hai chàng Oliver

TRUONGUY 06/09/2012 00:09 GMT+7

TTCT - Có hai người bạn cùng tên là Olivier, đều là người Pháp và sống ở Singapore. Olivier Mermet, họa sĩ, và Olivier Massis, giáo viên dạy văn học và kịch. Họ còn có một điểm chung nữa: tình yêu Việt Nam. Và kết quả của tình yêu ấy là một cuốn truyện tranh tiếng Pháp dành cho du khách La quête du dragon (tạm dịch: Theo dấu vết rồng).

Nhân dịp Olivier Massis tới Hà Nội, TTCT đã có cuộc trao đổi với anh.

Phóng to
Một trang sách mô tả các món ăn Việt Nam, trong đó có món phở qua công thức của đầu bếp Pháp Didier Corlou - Ảnh: lexpeditionbooks.com

Phóng to
Olivier Massis - Ảnh: lexpeditionbooks.com

La quête du dragon ghi lại cảm nhận của một du khách Pháp lần đầu tiên tới Việt Nam, thăm phố cổ Hà Nội, vịnh Hạ Long, những cuộc gặp gỡ của anh với những con người Việt Nam bình dị, chân tình. Sách dày 44 trang do Nhà xuất bản Expedition phát hành tại Pháp, cũng có thể đặt mua trên mạng amazone.fr.

* Theo dấu vết rồng, câu chuyện với cái tên nghe rất truyền thuyết và Á Ðông, đã được hai người bạn Pháp hình thành như thế nào?

- Một nhà xuất bản đặt hàng Olivier Mermet làm cuốn sách này. Anh ấy đã vẽ xong tất cả tranh và tìm người viết lời tựa giới thiệu về Hà Nội, về Việt Nam. Chúng tôi quen nhau từ rất lâu rồi vậy nên anh ấy bảo: "Này, cậu đã từng ở Hà Nội, vậy cậu viết lời cho tôi nhé". Tôi bảo với anh ấy là mình chưa bao giờ viết lời cho sách, vậy nên anh ấy phải cho tôi thêm thông tin. Tôi vác cả chục cuốn sách từ nhà anh ấy về đọc. Nghiền ngẫm xong mới nhận ra rằng mình không thể nào viết được lời tựa theo đúng nghĩa.

Tôi thử mãi vẫn thấy không được. Cuối cùng, tôi gửi cho anh ấy một bài viết và bảo: "Olivier này, tôi đã đọc hết nhưng không thể viết lời được. Tôi gửi cậu bài viết này. Cậu muốn dùng làm gì cũng được". Anh ấy đọc xong gửi cho những người cộng tác cùng đọc và hai giờ sau thì anh trả lời: "Bọn tôi sẽ thay đổi hoàn toàn cuốn sách. Bọn tôi thấy bài viết của cậu rất tuyệt. Lúc nào có thể thì rẽ qua nhà tôi nhé. Chúng ta sẽ cùng thảo luận và làm một cuốn sách mới". Trong vòng ba tháng sau, chúng tôi cùng làm việc để kết hợp những bức tranh anh ấy đã, sẽ vẽ và phần văn bản của tôi.

Nếu xem cuốn sách, các bạn sẽ thấy các trang bên phải là tranh đã vẽ từ trước, còn các trang bên trái là tranh được vẽ sau này dựa theo lời tự sự của nhân vật trong truyện.

* Vậy tại sao hai anh lại chọn cho cuốn sách tựa đề là Theo dấu vết rồng?

- Chúng tôi không phải bàn thảo nhiều về tựa đề sách. Nó cứ tự nảy ra thôi. Có lẽ vì rồng là một linh vật với vầng hào quang thần bí. Và cũng vì tên xưa của Hà Nội là Thăng Long, có nghĩa là rồng bay lên, và Hạ Long, nơi rồng đáp xuống. Theo dấu vết rồng cũng là hành trình khám phá Việt Nam của du khách.

* Trong cuốn sách, người ta thấy cuộc sống đời thường nhiều hơn là những thắng cảnh du lịch...

- Điều tôi thích nhất ở Việt Nam là cuộc sống đời thường. Tôi từng sống ở Hà Nội mười tháng, từng gặp gỡ những con người mà tôi không hề biết họ sống ra sao, suy nghĩ thế nào, cũng không hiểu tiếng nói của họ. Với tôi, đó là cuộc gặp gỡ thật tuyệt vời và tôi muốn nói về điều đó. Tôi nghĩ rằng các điểm du lịch dù ở Hà Nội hay Hạ Long thì trước sau gì du khách cũng sẽ biết, dù là qua tranh ảnh hay tới tận nơi, nhưng không phải ai cũng biết được về cuộc sống đời thường nơi đây.

Trong cuốn sách này, chúng tôi không có tham vọng đưa ra thật nhiều tư liệu, mà chỉ muốn giới thiệu những cảnh sống thường nhật chúng tôi từng được chứng kiến.

Phóng to
Bìa sách Theo dấu vết rồng - Ảnh: lexpeditionbooks.com

* Ðọc cuốn sách, người ta cũng nhận thấy là các tác giả chú ý nhiều đến những con người bình thường, như ông Trung, người thợ cắt tóc già chẳng hạn...

- Đúng vậy. Đó là kết quả những chuyến đi dạo lang thang trên các con phố ở Hà Nội, thỉnh thoảng có dừng lại quan sát mọi người, trao đổi vài lời với họ, khi tôi hiểu được những gì họ nói với tôi bằng tiếng Việt, khi họ nói với tôi vài từ tiếng Pháp, hay khi chúng tôi cùng trao đổi bằng tiếng Anh. Tôi thấy cuộc sống trên phố thật tuyệt vời. Những căn nhà mở cửa ra phố là điều tôi chưa từng thấy trước đây.

Ở Pháp, nhà thường khép kín. Cuộc sống ngoài phố dừng lại ở ngưỡng cửa nhà. Khi tôi đi qua con phố nhỏ gần phố Đội Cấn nơi trước đây tôi từng sống, tôi thấy phòng khách các nhà đều mở cửa ra phố, chỉ cần ngó sang trái, sang phải là đã nhìn vào nhà người ta rồi. Còn cuộc sống của mọi người ở trên phố nữa, tôi thấy thật đặc biệt. Với cái nhìn của một người Pháp, không phải lúc nào tôi cũng hiểu tại sao mọi chuyện lại diễn ra như thế, nhưng tôi rất muốn chia sẻ những ấn tượng, cảm xúc và tình cảm mà tôi cảm nhận được.

* Cảm ơn anh.

Phóng to
Olivier Mermet - Ảnh: lexpeditionbooks.com

Họa sĩ Olivier Mermet từng theo học đại học tại Hoa Kỳ và sống ở châu Á từ mười năm nay. Nhiều lần tới Việt Nam, những nơi chốn anh từng qua đều mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc trong hội họa. Đôi khi đó là sự hòa hợp giữa thiên nhiên với con người, đôi khi đó là những quang cảnh cuộc sống hằng ngày, luôn tương phản, khi thì sôi động, lúc lại bình yên.

Anh cũng cảm thấy bị mê hoặc bởi sự hòa trộn và pha trộn của nhiều thời kỳ trong kiến trúc, chẳng hạn như ở Hà Nội là sự hòa trộn giữa kiến trúc cổ châu Âu và ảnh hưởng của Trung Quốc. Khu phố cổ Hà Nội là nơi độc nhất vô nhị trên thế giới, thoạt nhìn tưởng như lộn xộn nhưng thật ra vẫn trật tự. Phải dừng lại suy ngẫm mới hiểu được điều gì đang thật sự diễn ra. Với anh, đó chính là Việt Nam.

THANH PHƯƠNG thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận