Thiếu nữ đào hoa

PHAN THỊ VÀNG ANH 08/11/2019 21:11 GMT+7

TTCT - "Cái chữ hay hay ấy mới là tai hại. Nó là bầu khí quyển quấn quanh kẻ ấy, vô hình và vô cớ, là cái duyên mà chắc luyện mấy cũng không được, trời cho ai nấy nhận...".

Minh họa

Hôm nọ lẩn mẩn lên mạng, nhân đọc mục hỏi đáp có cô gái vật vã vì yêu phải kẻ đào hoa, tôi liền nhớ lại một nhân vật đào hoa, nhưng là nữ.

Đó là thời còn chưa có xe máy nhiều, thức ăn cũng chưa nhiều, ai nấy gầy gầy, nhanh nhẹn. Đến lớp 12, đứa nào định thi đại học đều phải học thêm hết. Đứa học trung tâm, đứa học nhà riêng của thầy. Với mỗi môn, trong thành phố đều có vài lò riêng nổi tiếng.

“Lò” của thầy Ng. thuộc loại nổi tiếng, nằm trong con hẻm rất ngoắt ngoéo giữa trung tâm thành phố, các ca học cứ nối tiếp nhau, nườm nượp. Học trò lóc cóc đạp xe tới, tự xếp ngay ngắn. 

Lớp học rất bé, bề ngang chắc chỉ 3m, cửa sau, cửa trước đều thông ra hẻm nhưng phòng học nhìn ngay ra cái bếp của cô, đến giờ cô nấu ăn mà bụng trong này lại đói thì đúng là hành hạ.

Lò học thêm nào cũng có những ngôi sao, về học hành và về nhan sắc. Lò thầy Ng. có hai cô rất xinh, một cô mắt to đặc biệt, da trắng cũng đặc biệt; một cô có nét như Củng Lợi của phim Tàu, nhưng bình dân hơn, dĩ nhiên. Tuy vậy, cả hai cô chỉ như hai bình hoa giả trong lớp. Không khí lớp chỉ sôi động lên, bí ẩn hơn khi M. đi học.

Học với nhau đã lâu, lại đang tuổi thính mũi thính tai, tiếng xe đạp, tiếng bước vào lớp từ cửa sau của các “yếu nhân” đều được quần chúng ghi nhận. M. hầu như không đi xe đạp, ngày nào cũng có người chở, không anh này thì anh kia trong lớp, nên M. không có tiếng xe quen. M. chỉ có tiếng chân quen, và cho dù M. có bước vào từ cửa sau khẽ đến mấy giữa rừng tiếng ồn thì cái “điện” mà M. phát ra cũng đủ làm cho các bạn trai nhận ra ngay, sững sờ lại một giây, tự giác chỉnh đốn lại tư thế, rồi cùng rộ lên “gáy”, còn to hơn, rộn rã hơn.

***

Bây giờ gặp lại, đám đàn ông - là bọn con trai lớp học ngày ấy - không ai “chủ động” nhắc đến M. Nhưng hễ có một cô nào vô tình nhắc tới M., thì chỉ nhìn cách đám đàn ông lúng túng cũng hiểu là họ còn rất nhớ.

Rất khó nhắc, vì nó dài dòng và khó hiểu lắm. Làm sao giải thích rằng một cô gái thật ra chẳng đẹp gì cả, học cũng chẳng giỏi, cũng chẳng bao giờ cười đùa duyên dáng… lại làm cho cả lớp lao đao?

Nhớ lại, M. đâu có đẹp. M. gầy gầy, da ngăm ngăm, môi tái tái, tóc không uốn cũng không buộc, để dài suôn đơn giản ngang lưng, như thể M. cũng không để ý tới nó. M. lại đeo một cặp kính cận to, trông như con chuồn chuồn kim. Các nét trên mặt M. nhỏ nhỏ, hình như chỉ có cái mũi là đẹp nhưng đã bị đè dưới gọng kính. À, còn cặp mắt hơi ướt ướt, nhưng cũng khó xác định là ướt tự nhiên hay là do ốm, vì M. hình như lúc nào cũng ốm, cũng sổ mũi, sụt sịt.

Đúng rồi, đây chính là cảm giác khiến bọn chúng tôi nhớ nhất. M. lúc nào như cũng cần người che chở mà lại không cần ai che chở. M. nói giọng hơi nghẹt mũi, như có tí làm nũng và giận hờn ngay cả khi nói về bài tập. Nhà M. trong hẻm, kiểu nhà công chức khá giả nhưng không phô trương. Bọn con trai lấy cớ đến mượn tập đều chỉ được đứng ngoài cửa. M. tiếp chớp nhoáng, lần nào cũng có cớ đang bận gì đó trong nhà, nhiều nhất là đang bóp lưng cho mẹ.

Buồn cười thật, hồi ấy chưa có những thứ kiểu dầu dịu cốt, cao dịu xương để mua biếu bác vài hộp cho bác đỡ đau lưng, cứ thế đua nhau mua dầu xanh con ó của Thái, dầu cù là hộp bé như đồng xu… mà biếu bác. M. bao giờ cũng nhận, bằng hai tay, mặt thì lạnh nhưng mắt thì ấm áp, vẫn ươn ướt. Đối với chúng tôi, ngay từ hồi ấy và đến tận bây giờ, đó là một phức hợp cử chỉ của phụ nữ không sao giải mã được, “M. có quý mình không? M. có “ngoan” không?”.

Chúng tôi đến nhà M. mượn tập và “đặt xe” (nói theo kiểu ngày nay), tức xin được chở M. đi học vào chiều hôm sau. M. là một tổng đài rất công bằng và thông minh. M. sụt sịt mũi bảo không biết mai có đi học được không (thế là chúng tôi lại lo!), M. bảo mai cứ đến, có Bình, có Việt đến rồi đi luôn. Và cảnh tượng chiều hôm sau thường là một thằng được chở M., hai ba thằng đạp bên cạnh. Thế cũng đủ vui lắm rồi.

Cứ thế, M. là một “chiến trường” để chúng tôi tỉ thí, và cuối cùng chẳng ai thắng cả. Cho đến khi lớp chia tay, đứa vào đại học, đứa làm công nhân, và M. đi định cư nước ngoài, vẫn không ai có thể khoe một chiến tích nào của mình về M..

***

Ngày nay, chúng tôi đọc những bài (chắc là phụ nữ viết) về làm sao để hấp dẫn đàn ông, thấy có cái gì đó như ta bàn về tâm lý người ngoài hành tinh. Cái có duyên, cái cuốn hút của phụ nữ thì khó mà lý giải lắm. Như chúng tôi ngày ấy hệt bọn thiêu thân, lao vào M. mà trong lòng vẫn thắc mắc: “Mình thích cô này quá, nhưng vì sao?”.

Có lẽ ở người đào hoa nó tỏa ra một thứ hóa chất gì đó, một loại “siêu sóng” gì đó mà chỉ những tế bào ta “thấy” chứ mắt ta và não ta không “thấy”. Có những cô mà vợ thì chê ơi là chê, còn chồng thì không dám nói thật, là trông cô ấy “hay hay”.

Đấy, cái chữ “hay hay” nó mới là tai hại. Nó là bầu khí quyển quấn quanh kẻ ấy, vô hình và vô cớ, là cái duyên mà chắc luyện mấy cũng không được, trời cho ai người đấy nhận, gọi là tinh túy của “đào hoa”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận