Thơ Nguyễn Phan Quế Mai

MAICONG 31/08/2014 11:08 GMT+7

TTCT - Tập thơ song ngữ Anh - Việt do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và nhà thơ Mỹ Bruce Weigl chuyển ngữ sẽ được NXB BOA Editions (Mỹ) ấn hành vào tháng 10 và phát hành trên toàn cầu.

Minh họa: La Khuê

LTS: Với tiêu chí mỗi năm xuất bản hai tập thơ dịch xuất sắc nhất của thơ đương đại trên thế giới, lần đầu tiên sau 12 năm ra đời, loạt ấn phẩm Lannan Translations Selection Series (Mỹ) đã chọn tác phẩm của một nhà thơ Việt Nam, cũng là nhà thơ Đông Nam Á đầu tiên: Bí mật của hoa sen (The secret of hoa sen) của Nguyễn Phan Quế Mai.

Tập thơ song ngữ Anh - Việt do chính nữ tác giả và nhà thơ Mỹ Bruce Weigl chuyển ngữ này sẽ được NXB BOA Editions (Mỹ) ấn hành vào tháng 10 và phát hành trên toàn cầu.

TTCT giới thiệu một số bài trong tập thơ.

Quê nội

Quê nội vạt ngô dậy thì con gái ngày Cha ta bé dại đợi Bà về vàng vạt cỏ triền đê
Quê nội mây chiều ngủ mê Ông ta thổi lửa nắng về tựa cửa mướp vàng bờ ao chuồn chuồn bay cao cào cào bay thấp giếng khơi trong vắt gọi mưa bay về
Chiến tranh ập tới trai làng ra đi bóng người về lác đác nỗi đau trắng tạc trên tóc người già
Tuổi thơ của Cha lớn cùng bom đạn sau mùa nắng hạn lũ lụt tràn về

Quê nội lời thề Cha lồng vào nhẫn cỏ trong chiều gió cầu hôn Mẹ đường làng be bé ngan ngát tiếng cười hoa gạo đỏ trời thay cho pháo cưới
Sương về giăng lưới thơ thẩn ao làng ta oe oe khóc ngày thu sang

Hoa cải vàng
Dâm bụt thì đỏ
Trên triền đê gió anh ta thả diều
Ta vùi khoai nướng ta chạy ta trốn giữa xanh mơn mởn luống mạ Mẹ gieo

Dốc làng cheo leo bao mùa thất bát
Dáng người còng lưng miệt mài gieo hạt
Cánh đồng nứt nẻ hốc hác tia nhìn
Cha ta vẫn tin vẫn cày vẫn cuốc
Đường làng lại thơm mùi rơm thân thuộc
Bão về xô đổ cây gạo đầu làng
Lũy tre lại mọc những mùa non măng

Đình làng cong
Hoa xoan thì tím
Hoàng hôn xuống lả cánh cò

Trong những giấc mơ
Ta ôm rơm ngủ
Mùa ta no đủ
Vì còn quê hương

Thời gian trắng

Trong mưa phùn mùa đông, tiếng ve xé lòng mùa hạ
Tôi nhìn thấy ông
Kiên nhẫn đứng như một chấm than giữa phố phường lũ lượt còi xe
Người người mắc cạn trong sự vội vã của chính mình

Ông một mình
Lặng lẽ
Nhỏ bé
Thời gian chảy qua hai bàn tay
Tôi mua một cuốc xe ôm
Ông chở tôi đi không kỳ kèo giá cả
Hình như, ông chỉ muốn ai đó nghe thấy giọng mình trồi lên trên những tòa nhà cao ốc
trên những điệu nhạc ộc từ quán bar
vượt lên tiếng còi xe người người bắn vào nhau như đang ở trong cuộc chiến

Tôi ngồi sau xe
Lắng nghe ông kể chuyện
Nghe gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc
Nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc
Nghe tiếng súng xuyên về từ ngày tôi chưa sinh

Người lính già
Đem giọt mưa xa về mắt tôi
Giọt mưa mang vị ngọt chiến thắng, vị đắng cuộc chiến đã xa ông vĩnh viễn ghi tên mình vào nó
Vị mặn trăn trở - “rồi có ai còn nhớ tới Trường Sơn”
Và, vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi
như chỉ biết vươn mình về phía trước
về phía trước
phía trước...

Mà quên đi
Quên đi
Những người lính và những câu chuyện cần được kể
Quên đi
Người lính già bé nhỏ
Cạnh ngã tư đường
thời gian trắng qua đôi bàn tay

Ngôi nhà trái đất

Con đường chảy máu xanh đến khi nhợt nhạt không còn máu nữa
Mùa hè chôn tiếng ve
Mùa đông khâm liệm lá
Tôi trơ trọi trên lối bêtông nghĩa địa loài cỏ
Nỗi buồn không chỗ treo

Mọc lên mọc lên những tòa nhà cao tầng bêtông cốt thép
Dày lên dày lên khói bụi
Tiếng ồn nuốt chửng mặt trời
Tôi vuốt mặt mình chẳng thể nhận ra tôi

Dòng sông chảy về từ cánh rừng chết trẻ
Máu quầng lên ráng đỏ
Nhân loại tự khâm liệm bằng trùng trùng trận lũ quét từ phía đồi trọc
Nơi đám cây còn ngạo nghễ hôm qua chôn rễ khóc phận mình

Nơi thảm mạ một thời non
Ống khói nhà máy nghênh ngang thọc vào sườn ánh sáng
Ung thư đáp xuống mọc lên di căn từ lòng tham loài người
Biết trốn vào đâu
khi
tôi
rượt đuổi
chính tôi?

Lời của rác

Khi thành phố chìm vào cơn ngủ
Thế giới loài rác cất lên tiếng nói

Vỏ rau quả đẫm phóc môn quặt quệ vì chúng không thể thối rữa
Những bào thai chưa đủ hình hài bị loại ra khỏi cơ thể mẹ, ri rỉ cất lên tiếng côn trùng
Những chai rượu rỗng không bị quẳng từ bàn tiệc xa xỉ vẫn cố nhoi mình lên cao, dìm tất cả xuống thấp

Những chồng bản thảo lớn tiếng kèn cựa
Những lời hứa bị xé toang vẫn ra rả giảng bài

Bãi rác thành phố, có những người phụ nữ ngồi
Nhặt nhạnh chắp vá đời mình từ rác vụn

Bức tường chiến tranh Việt Nam (*)

Tiếng chim gõ vào Nhà Trắng
Nụ cười Lincoln âm vang
Hoàng hôn đỏ quạch Washington
Bức tường đen
58.267 cái tên không quen biết


58.267 tên người đã nã súng vào trí nhớ tôi
Mũi giày họ còn loang vết máu
Tôi muốn chôn họ thêm lần nữa
Chất độc da cam rực lên màu lửa
Phan Thị Kim Phúc (**) bốc cháy băng qua những hàng tên

Lặng câm đen
Lặng câm câu trả lời cho nghìn câu hỏi
Chợt một đóa hồng nhỏ thắp lên, đau nhói

Bức thư nhòa lệ một người còn sống viết cho một cái tên đã chết: “Cha ơi, hôm nay là ngày sinh nhật con gái con. Ước gì cha ở đây để cùng cháu thổi nến mừng tuổi mới. Không ngày nào con không nghĩ đến cha. Tại sao cha ơi? Tại sao cha phải đến Việt Nam, tại sao cha phải chết?”

Những cánh hồng héo quắt. Những bức thư rải thảm dưới chân tường. Những con chữ chập chờn rỉ máu

Tôi nghe từ trong lòng đất âm u hình thù của những người cha Mỹ bế những đứa con thơ. Hốc mắt họ quầng sâu hố bom, trái tim loang lổ vết đạn. Chất độc da cam đẫm vào người họ. Dòng máu chảy loang kéo trôi những đứa con đang thét gào khỏi đôi tay...

Từng cái tên trên bức tường đen chìm vào tôi
Thành từng khuôn mặt của mỗi 58.267 cái tên đã chết
Đỏ quạch Washington chiều nay
Hoàng hôn hay nước mắt?

(*): Bức tường Chiến tranh Việt Nam là đài tưởng niệm có hình một bức tường dài 75m, cao 3m, hình chữ V, bằng đá hoa cương đen, khắc tên hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Bức tường nằm trong khu tưởng niệm các cựu binh chiến tranh Việt Nam tại trung tâm thủ đô Washington D.C. và được khánh thành ngày 13-9-1982.

(**): Phan Thị Kim Phúc là cô bé trong tấm ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer của phóng viên Nick Út, được chụp ngày 8-6-1972, khi Kim Phúc bị phỏng bom napalm và đang chạy ra từ ngôi làng của cô.

Trong phần giới thiệu cuốn sách, Bruce Weigl viết: “Thi ca của Nguyễn Phan Quế Mai chỉ dẫn cho chúng ta biết cách sống hết mình với cuộc đời này, và tái khẳng định sức mạnh của thứ thơ ca bộc trực và nhạy bén có sức mạnh chuyển biến ngay cả những thời khắc đen tối nhất thành những bài học vĩnh cửu sâu sắc về sự phức tạp của lịch sử, thời gian và tình yêu”.

Còn nhà thơ Teresa Mei Chuc, tác giả của Red thread (Sợi chỉ đỏ), chia sẻ: “Đi qua những khổ đau chiến tranh, tham vọng của loài người và tình yêu cuộc sống, những bài thơ bắt nguồn từ sâu thẳm lầm than và vươn lên, giống như bông hoa sen với những cánh hoa đang bay lên một cách nhiệm mầu, mang đến cho chúng ta chân lý và sự tự do”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận