Thói ngậm tăm

HỒ ANH THÁI 21/06/2009 20:06 GMT+7

TTCT - Ông Huề nhất định không bỏ cái thú đi ăn sáng ngoài quán, dù bà vợ ông đã xin nghỉ hưu “khuyến mãi” từ nửa năm nay, sẵn sàng phục vụ ông các bữa điểm tâm. “Quen rồi!” - ông nói với vợ. Rồi tiếp: “Bà thông cảm”.


Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Là dân Nam bộ chính gốc nhưng ông Huề lại thích ăn phở, mà ở đây phải là tiệm phở Hà Thành ông mới ưng. Ông giải thích: “Mấy năm học tập ở thủ đô, ăn phở mãi thành quen. Về đây ăn hủ tiếu, ăn mì cách gì cũng thấy thua phở!”.

Mấy cô bé phục vụ ở tiệm phở Hà Thành đã quá thuộc “bài” của ông Huề, cứ tự động bưng ra bàn cho ông một tô phở chín, đơn giản thế thôi, chẳng nạm hay gầu, nước trong hay nước béo gì cả! Rồi nhắm chừng lúc ông ăn gần xong đem ra một bình trà nóng. Mà phải là trà Bắc ông mới khoái. 

Còn nữa, nhất thiết phải có cái bình tăm để trước mặt ông ngay từ đầu! Ông giải thích: hàm răng của ông ngày càng thưa, ăn thịt thà đã đành, mà cả rau cũng có thể giắt kẽ răng bất cứ lúc nào, nếu không có cái tăm để đẩy những kẻ “cư trú bất hợp pháp” ra khỏi kẽ răng thì ông ăn chẳng còn thấy ngon miệng nữa! 

Hôm ấy cũng thế. Một ngày như mọi ngày. Có đặc biệt một chút là hôm ấy thứ sáu, ngày cuối tuần làm việc của giới công chức như ông Huề. “Tuần có hai ngày nghỉ kể cũng tốt, làm được khối việc riêng. Dù sao thì trước mắt cũng còn đến tám giờ vàng ngọc nữa. Phải đến cơ quan mà “kéo cày” thôi”. Ông Huề nghĩ ngợi rồi gọi tính tiền. Để kết thúc trọn vẹn bữa điểm tâm, ông nhấp một ngụm trà và nghĩ đến cuộc họp quan trọng vào buổi sáng. Lúc đứng dậy ra chỗ để xe, miệng ông đã có cây tăm nằm giữa, đưa lên đẩy xuống theo cử động của đôi môi.

Chạy xe tới cổng bảo vệ sở, ông Huề tắt máy dắt bộ theo đúng nội quy. Cậu bảo vệ có mái tóc húi cua gật đầu chào ông kèm theo câu nói nghe phát nhàm: “Chú mới đi ăn sáng về ạ!”. Nhưng sau câu nói nghe phát nhàm ấy, ông lại phải giật mình như mọi ngày, vội nhả cái tăm ra khỏi miệng. Không hiểu sao ông vẫn không thể nhớ nổi là mình cần phải bỏ cái thói quen ngậm tăm kỳ cục ấy đi kia chứ! 

***

Ông phó sở niềm nở bắt tay mọi người, luôn miệng nói: “Cứ góp ý chân tình cho tôi nhé! Tôi rất cần nghe những lời gan ruột của các anh chị”.

Số là giám đốc sở sắp về hưu. Trên đã nhắm người thay thế là ông phó. Để cho chắc và cũng để dân chủ, trên tổ chức cuộc họp toàn sở để góp ý và lấy kết quả tín nhiệm trước khi chính thức ra quyết định bổ nhiệm. 

Ông Huề chẳng lạ gì ông phó sở. Hai người trước kia vốn là đồng đội của nhau nhiều năm mà. Có điều trong quá trình công tác, trong khi ông phó sở hết theo học khóa tập huấn này lại đeo đuổi lấy cho được bằng cấp kia để có điều kiện thăng tiến thì ông Huề lại chọn sự nhàn nhã của một chuyên viên cứ làm tròn nhiệm vụ là... xong! Lần ra Hà Nội học ba năm là lần duy nhất ông Huề chấp nhận “phấn đấu” cũng chỉ để vui lòng vợ con. Vì thế ông chẳng hề thắc mắc gì về mức chênh lệch chức vụ giữa ông phó sở và mình, chỉ là một trưởng phòng.

Thực ra thì cũng có chuyện đấy, nếu ông Huề muốn phát biểu. Sống với nhau quá lâu, ông quá hiểu tính tình của ông phó sở, nhất là cái tính gia trưởng “hết thuốc chữa” của ông ấy. Những lời ngọt ngào mà ông phó sở nói với mọi người ở đầu cuộc họp chỉ là những lời cửa miệng, chắc chắn không phải “gan ruột” của ông. Cứ chờ xem sẽ rõ! Ai thì không biết chứ ông Huề, ông sẽ chẳng góp ý góp tứ gì cả. Chỉ tốn lời mất công!

Kia rồi! Đã có người giơ tay xin có ý kiến. Đó là anh chàng Tụng, nhân viên phòng hành chính được ông phó sở giới thiệu vào làm việc. Khỏi cần nghe cũng biết anh chàng lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt này nói gì. Hẳn phải là những lời ca ngợi thủ trưởng lên tít mây xanh thôi. Nhưng cái gì thì cũng vừa phải, chứ quá lên một chút là... chướng! Cho nên không ngạc nhiên gì khi ông phó sở cảm thấy “nhột” và ông tế nhị hắng giọng mấy cái. Anh chàng Tụng hiểu ý, xin “hết ý kiến ạ”.

Lại đến cô Chung, phó phòng tài vụ. Làm việc ở sở này gần hai mươi năm, từ nhân viên kế toán thanh toán lên đến chức phó phòng, cô Chung chưa bao giờ làm mất lòng ai. Trên môi cô luôn là nụ cười, kể cả khi cô bị cấp trên quở trách việc gì đó. Những lời cô nói ra luôn là những lời dễ nghe. Ông Huề ngồi ngoáy tai mà vẫn nghe lọt cô Chung khen thủ trưởng là người hòa đồng, dễ mến (có mấy tiếng cười!). Nhưng cô cũng góp ý là thủ trưởng không nên dễ dãi quá khiến nhân viên “dễ ngươi”, khó làm việc. Tới đoạn này thì mọi người vỗ tay, tuy có hơi rời rạc.

Ông Huề khẽ thở dài. Không biết ông còn phải nghe những lời góp ý “gan ruột” kiểu thế này đến bao giờ mới thôi? Chà! Hình như bánh phở hôm nay dai hơn mọi hôm, không chừng lại trúng loại bánh phở có pha hàn the thì nguy cho cái dạ dày vốn yếu ớt của ông. Từ lúc ấy đến giờ đã hai tiếng đồng hồ mà bụng ông vẫn ổn, chắc là không sao rồi. Kể cả mấy cái lá rau húng quế có đôi ba chấm đen mà ông ăn liều chắc cũng không có vấn đề gì! Chà! Chiều nay thế nào cô con gái lớn của ông làm việc ở tận Sài Gòn cũng về thăm nhà. Cuối tháng gần tết nhất này, không biết nó sẽ biếu vợ chồng ông món quà gì hay lại đưa bao thư như năm ngoái? Chà! Lúc khai mạc cuộc họp, người chủ trì bảo là đến mấy giờ thì chấm dứt nhỉ? Chà! Mà ai vừa đứng lên thế kia? Ôi, cái anh trưởng phòng nghiệp vụ sao mà mặt mũi có vẻ hùng hổ thế. 

Ông Huề không thể ngó lơ ra ngoài sân, cũng không còn ngoáy tai hay nghĩ ngợi lung tung nữa rồi. Cả mọi người trong phòng họp cũng thế. Có vẻ căng thẳng đây! Có vẻ sắp “bùng nổ” đây! Cái anh kia chắc là không muốn được đề bạt lên vị trí cao hơn rồi! Phó sở lên giám đốc thì hẳn sẽ trống một cái ghế phó mà ứng cử viên sao ngoài danh sách các trưởng phòng! Liều quá! Anh này liều quá! Sao anh ta lại dám “lý sự” thế này kia chứ: thủ trưởng thường đưa ra vấn đề cần giải quyết rồi kêu gọi mọi người góp ý, bàn bạc tìm phương án tối ưu, nhưng sau đó chẳng thấy thủ trưởng kết luận gì. Cuối cùng, đến thời điểm phải giải quyết thì thủ trưởng đưa ra cách giải quyết riêng của mình. Mọi người chỉ còn một việc là chấp hành. Cái này có khác gì một kiểu dân chủ hình thức mà thực chất là độc đoán, là một biểu hiện của thói gia trưởng, đề nghị thủ trưởng cần lưu ý rút kinh nghiệm!

Ông Huề thấy phó sở hơi nhếch mép mà không rõ ra nụ cười hay một thái độ coi thường người góp ý, sau đó cúi xuống ghi chép trên sổ tay. Ông Huề nhìn mọi người. Rõ ràng là ai cũng đang chờ một “vụ nổ”, hoặc là ý kiến đồng tình, hoặc là ý kiến phản bác gay gắt. Nhưng... chẳng thấy cánh tay nào giơ lên. Mãi một lúc sau, dễ chừng phải dăm phút, mới thấy cô Linh thủ quỹ rụt rè đứng dậy, rụt rè phát biểu: “Em đề nghị thủ trưởng đừng nhuộm tóc nữa, cứ để mái tóc muối tiêu tự nhiên trông vừa đẹp lão vừa đúng phong cách... giám đốc sở ạ!”.

Mọi người cười ồ lên vui vẻ. Lúc này thì cái nhếch mép của ông phó sở rõ hẳn một nụ cười. Tiếp theo cô Linh là vài ý kiến tương tự, vừa sôi nổi vừa nhận được sự tán đồng của số đông. Thế là những lời “gan ruột” của tay trưởng phòng nghiệp vụ đương nhiên bay biến vào hư không!

***

Tối hôm ấy phó sở đến nhà ông Huề chơi. Ngồi uống trà ngoài sân, phó sở than thở với chủ nhà rằng cái tay trưởng phòng nghiệp vụ là một tay có năng lực, làm việc gì cũng vừa nhanh vừa bảo đảm an toàn, chính xác, thế mà không hiểu sao trong cuộc họp buổi sáng lại nói năng lung tung quá. Phó sở thừa nhận rằng những gì tay trưởng phòng kia nói là... chẳng sai. “Ông thừa biết tính của tôi nó thế từ hồi nào tới giờ rồi. Muốn sửa khó lắm. Mà có gì ghê gớm đâu chứ! Tôi có độc đoán, có gia trưởng thì cũng chỉ với những việc vặt. Việc nào quan trọng, có cho kẹo tôi cũng chẳng dám quyết theo kiểu ấy. Ông nhỉ!”. 

Ông Huề châm thêm trà mời khách. Cô con gái ông đem ra đĩa trái cây. Ông lập tức chuyển đề tài: “Anh coi đó, hai mươi bảy tuổi rồi mà vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai nào. Anh coi có đám nào giới thiệu cho nó để còn có cớ đi mừng cháu chớ”. Phó sở góp một câu về chuyện chồng con con gái ông Huề rồi lại vòng về chuyện buổi họp: “Cái cậu Tụng làm tôi ngượng một thì cái cô Linh làm tôi ngượng mười. Ai lại đi nói năng như thế trước mọi người kia chứ! Nhưng dù sao thì cũng phải cảm ơn cô ấy. Nhờ thế mà buổi họp góp ý không rơi vào tình trạng căng thẳng, lại còn hanh thông ngoài cả dự kiến! Mà anh nghĩ sao? Liệu ý kiến của tay trưởng phòng nghiệp vụ có ảnh hưởng gì đến việc đề bạt tôi không nhỉ?”. 

May quá, vợ ông Huề vừa xong việc dưới bếp, ra tiếp khách với chồng. Câu chuyện chuyển qua tâm trạng của bà Huề thời gian đầu về hưu. Quả là khó cho ông phó sở khi trò chuyện với phụ nữ vì ông buộc phải lịch sự, không cách nào chuyển đề tài về buổi họp sáng được nữa. Cuối cùng, nghe đồng hồ gõ chín tiếng, khách đành phải kiếu từ. Ông Huề lịch sự tiễn khách ra tận lề đường. Đến đây, ông phó sở lại thở dài: “Tôi cũng vì sự nghiệp chung của sở ta thôi, chứ cái chức giám đốc... tôi chẳng ham! Nhưng có gì anh phải ủng hộ tôi trong công việc đấy nhé!”. Bây giờ ông Huề mới nói: “Anh yên tâm! Tôi không giúp anh thì giúp ai!”.

***

Sáng nay, một buổi sáng khác mọi buổi sáng. Khi cô bé phục vụ bưng ra tô phở chín như mọi khi, ông Huề nói: “Cho chú thêm tí nước béo”. Cô bé tròn mắt chưa kịp hỏi thì ông đã nói tiếp, như một sự giải thích: “À! Năm sắp hết, tết sắp đến, chú đổi mới một chút ấy mà!”.

Ông Huề nói thật. Ông đang tự thân vận động làm một cuộc “đổi mới” chính con người mình. Dứt khoát là phải đổi mới thôi. Vì ông vừa nghe qua một nguồn tin đáng tin cậy là trên đã thuận đề xuất của tân giám đốc sở đề bạt ông lên phó giám đốc. Quyết định có thể sẽ ký vào sau tết âm lịch. Dư luận ở văn phòng sở cũng đã râm ran chuyện này. Cậu Tụng nói nhỏ với ông: “Không chú thì ai xứng đáng làm phó sở cơ chứ!”. Cô Chung thì nói cho cả phòng hành chính nghe lúc sang gặp ông có chút việc chuyên môn, rằng: “Làm việc với thủ trưởng Huề thật dễ chịu, việc gì khó mấy cũng phải xong!”. Cô Linh lúc qua đưa cho ông ký sổ lương, rụt rè góp ý: “Chú Huề đừng mặc áo sơmi ngắn tay nữa. Mặc dài tay trông sang hơn chú ạ”.

Dù sao ông Huề cũng không quên thăm dò anh trưởng phòng nghiệp vụ. Anh chàng này đúng là chẳng biết giữ gìn ý tứ gì khi nói với ông: “Anh giúp việc tân giám đốc thì chắc chắn là hợp ý rồi! Chỉ xin là cứ thể tất cho thằng em này mỗi khi nó nói thẳng nói thật là thằng em này cảm ơn lắm rồi”.

Xong tô phở sáng có thêm nước béo, xong ngụm trà Bắc nóng, xong tiền bạc..., ông Huề bước ra chỗ dựng xe với cái tăm nơi miệng. Từ tiệm phở Hà Thành, ông phóng xe về đến cổng sở thì tắt máy, xuống xe dắt bộ theo đúng nội quy cơ quan. Cậu bảo vệ nhìn ông như mọi ngày, lại nói cái câu nhàm chán: “Chú mới đi ăn sáng về ạ!”.

Ông Huề giật nẩy người. Ông vẫn chưa bỏ được cái thói quen ngậm tăm. Ông nhổ phì cái tăm xuống dưới chân. Chà! Dưới chân ông, một khoảng đất rải đá xanh vụn có hẳn cả một đám que tăm! 

Cái bà tạp vụ đến là đoảng. Nhất định ông Huề sẽ cho họp phòng hành chính, phê bình bà ta đến nơi đến chốn!

Cánh công chức đọc được một nửa truyện chắc hẳn đều nghĩ: chuyện thế này có mà phải viết trường thiên tiểu thuyết. Chuyện bổ nhiệm, cất nhắc, tự phê và phê bình, chuyện thủ thuật điều khiển cuộc họp, chuyện lựa lời và thao tác làm sao có lợi cho bản thân... tưởng như chẳng có gì liên quan đến thói quen ăn phở Bắc và cái tăm cắm ở miệng. Đâu chỉ là một thói quen quê mùa giữa đô thị đang bị làng xã hóa, rất chướng mắt mà khó bỏ. Bên cạnh nó lại còn những thói quen nào nữa, khởi lên từ đâu và đeo bám đến đâu?

Không khí đều đều của truyện rồi cũng nhói lên ở chi tiết cuối. Cùng lúc nhiều người phải giật mình. Nhân vật ông Huề giật mình trước việc lâu nay ông coi là bình thường. Người đọc giật mình vì cả một đống đã tích góp lại. Chắc là chính tác giả cũng giật mình dù đã chuẩn bị một chi tiết như vậy. Bà tạp vụ lại càng phải giật mình, vô lý như thế mà bà để nó tồn tại bao lâu nay.

Nhà văn Khôi Vũ là tác giả cuốn tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Nghe nói ông là dược sĩ trước khi làm báo ở Hội VHNT Đồng Nai. Trong mấy chục cuốn sách đã in, có hơn mười cuốn ông viết cho thiếu nhi với bút danh Nguyễn Thái Hải.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận