Thử chống ngập đơn sơ

THIÊN DI 14/07/2016 04:07 GMT+7

TTCT - Năm nay nước Pháp lãnh đủ “cơn lụt của thế kỷ”. Họ đã vất vả chống và còn sẽ tiếp tục phòng chống, bắt đầu tìm hiểu lại: tại sao lụt, ngập?

 

Mưa ngập một con hẻm đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM-Q.Khải
Mưa ngập một con hẻm đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM-Q.Khải


Bên cạnh các yếu tố tự nhiên như tuyết tan đổ về, triều cường, biến đổi khí hậu..., họ còn nhắc nhau những yếu tố không do tự nhiên, trong đó cơ bản là các thành phố đã trở nên không thấm nước!

Một tác giả viết: “Vào lúc mà biến đổi khí hậu gây ra những cơn bão ngày càng mạnh hơn thì chính những điều chúng ta làm biến đổi môi trường chúng ta, đặc biệt là ở mặt đất, đã tạo nên một trong những nguyên nhân chính yếu của những cơn lụt ngày càng nhiều ở thời đại tân thời này...

Ở các thành phố, mặt đất bị phủ bởi các con lộ cùng những tòa nhà không thấm nước, khiến cho nước mưa đổ thật nhanh về các đường cống thoát nước. Khi các đường thoát nước này đầy thì tràn ra thành ngập lụt”.

Đọc lại đoạn than trách trên không vì ngưỡng mộ họ, mà để nhớ lại cũng những nhận xét đó của chúng ta về quá trình bêtông hóa TP.HCM từ đầu những năm 1990. Còn nhớ năm 1990 bắt đầu khai mạc hội chợ Quang Trung.

Đường đi lên Quang Trung qua ngả Gò Vấp còn đầy những ruộng và ruộng, ngay giữa Gò Vấp lúc đó còn khét tiếng một làng hoa. Vậy mà bây giờ, đố ai, kể cả dân Gò Vấp, có thể chỉ được làng hoa ở đâu. Biến đất ruộng thành công trình, xây càng cao, đổ bêtông càng dày và càng không cho nước thấm xuống lòng đất: ngập khi trời mưa là phải!

Chưa kể việc chỉnh trang bằng cách “đá hoa cương hóa” các vỉa hè và cả mặt lộ mà quên tự hỏi xem “đá hóa” như vậy có góp phần ngăn không cho nước thẩm thấu, làm tăng ngập lụt hay không.

Có thể lấy một ví dụ trớ trêu ở Gò Vấp vốn ưa ngập khi trời mưa: khu vực quanh chợ Gò Vấp ngập do đổ bêtông - nguyên một khối “đại học” to khổng lồ, chưa nói đến các dãy nhà lầu bốn, năm tầng trên một nền tảng thoát nước cổ lỗ từ trước năm 1975.

Trong khi đó một con đường chẳng thèm ngập do vỉa hè bị bỏ mặc, không lát gì cả từ “tạo thiên lập địa” tới giờ, cứ toàn đất và đất, nước mưa tha hồ thẩm thấu, đó là con đường Nguyên Hồng.

Có lẽ nên tự vấn xem có tiếp tục đam mê bêtông hóa, đá hóa bằng mọi giá, ở mọi nơi, mọi lúc hay là giảm bớt theo một bản đồ quy hoạch dài hơi: Paris từ một thế kỷ rưỡi qua phát triển ngày càng rộng hơn theo quy hoạch mang tên Haussmann chứ không tùy hứng mà chỉnh trang.

Không chỉ tự răn mình mà còn vận động dân chúng cũng đừng ham đổ bêtông, lát đá. Thành phố Rouen in tờ rơi khuyên: “Để đừng khiến cho tình hình ở hạ lưu thêm trầm trọng, nên cùng kiểm soát việc nước mưa tích tụ trên lô đất của quý vị từ các diện tích không thấm nước. Vì mục đích đó, mọi dự án xây dựng đều phải đưa vào hoạt động các thiết bị như hồ điều tiết, mương thoát nước, hố thẩm thấu...”.

Thậm chí họ còn chỉ vẽ chi tiết đào hầm rồi trồng cỏ lên để cho nước mưa thấm trước mặt tiền các biệt thự thay vì đổ bêtông hay lát đá... Trong khi đó, ở quận 7, các khu biệt thự vẫn đổ bêtông vỉa hè. Rất nhiều tác giả nêu biện pháp xây các hồ tích nước để chống ngập lụt.

Ngay ở Singapore, hồ tích nước Linggiu phía quận vùng biên Johor vừa đóng vai trò phòng chống ngập cho một đại đô thị quá sức bêtông, vừa đóng vai trò tích trữ nước sinh hoạt. Nhân dịp lại bàn chống ngập khẩn cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất, có lẽ cũng cần nhắc rằng ở các sân bay của Thái Lan thường thấy có những dãy hồ nước ở đầu phi đạo.

Liệu có thể đào những hồ nhỏ tạm tích nước mưa trên những vạt đất còn sót lại giữa các đường băng trong một sân bay nay đã đổ bêtông hết đầu này đến đầu kia?

Chống ngập, cơ bản là vì con người trước hết. Một số tác giả chủ trương hạn chế các tác hại của ngập lụt bằng kinh phí khả dĩ, đồng thời tránh tác động tiêu cực thêm đến môi sinh ở mức tối thiểu (A. Kamal, “Cuộc chiến chống lụt”).

Có lẽ cần dừng lại ở hai ý chính vừa nêu: (1) kinh phí khả dĩ, (2) đừng tác động xấu thêm nơi môi trường sinh sống của người dân. Khi đưa ra những giải pháp chống ngập như nâng nền đường cao, người ta có cân nhắc xem liệu sẽ gây tác hại thêm cho người dân khu vực được chống ngập như thế nào?

Ngân sách bỏ ra chừng đó ngàn, trăm tỉ đồng để đổi lấy một môi sinh mới bế tắc, “ngoại bất nhập, nội bất xuất” trên một quãng đường dài như thế có phải là chi phí khả dĩ? Tổn thất của việc nâng đường cao như thế (đã là hiển hiện) so với lợi ích chống ngập (còn là dấu hỏi) liệu có đáng hay không?

Tò mò, tọc mạch, góp vài ý của kẻ “thất học” về lĩnh vực này để “cả làng” cùng bàn thêm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận