Thương những lạ lùng ngày cũ

TRÂM OANH 24/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - ​Tôi không biết nên so sánh miếng thịt lợn ngày xưa với tôi nó kỳ diệu như vật gì so với trẻ con hiện nay: điện thoại thông minh, iPad, xe đạp điện...

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 Những năm 1970-1980, như mọi gia đình nông thôn khác, nhà tôi có nuôi một con lợn sản lượng. Gọi là sản lượng vì theo quy định của hợp tác xã, mỗi năm mỗi gia đình có nghĩa vụ nuôi và nộp sản lượng thịt lợn nhất định, lợn giống do xã cung cấp, cứ cân móc hàm lên (cân nguyên cả con lợn sống) mà nộp, dư sản lượng thì hộ gia đình được hưởng. Việc giết mổ gia súc hoàn toàn do hợp tác xã quản lý.

Bố tôi là người nhiều sáng kiến nên tìm, nghĩ cách. Chẳng lẽ năm nào cũng nuôi và nộp sản lượng trong khi con mình thèm thuồng miếng thịt.

Nghĩ là làm, bố tôi quây một ngách chuồng lợn thành một cái chuồng con con, sáng sớm đi chợ xa mua một con lợn ỉ giống mang về. Con lợn da hồng, khoang đen, bụng võng đẹp tựa con lợn trong tranh Đông Hồ được nuôi giấu kỹ càng đến mức chẳng được nhìn ánh sáng mặt trời.

Được chăm sóc kỹ, ăn uống đầy đủ, chú ta ăn, ngủ khò và lớn nhanh như thổi. Ban quản trị hợp tác thi thoảng có đi kiểm tra lợn sản lượng nhưng không thể phát hiện cậu ỉ béo ú nằm ngủ im trong ngách.

Rằm tháng chạp, bố mẹ tôi quyết mổ con lợn ỉ - một việc phải tiến hành trong bí mật. Đêm rằm mùa đông rét căm căm, trăng vằng vặc, ở một góc vườn, bố mẹ, chị cả và anh hai tôi mỗi người một tay âm thầm làm công việc mờ ám chẳng đặng đừng.

Sáng hôm sau, mấy anh em chúng tôi thức dậy đã được đánh chén món cháo lòng ngon, ngậy và ngọt lừ dai dẳng nơi cổ họng. Trong buồng nhà có mấy hũ thịt muối mặn để ăn dần, trên gác bếp cất giấu một âu mỡ.

Tôi không biết nên so sánh miếng thịt lợn ngày xưa với tôi nó kỳ diệu như vật gì so với trẻ con hiện nay: điện thoại thông minh, iPad, xe đạp điện... Chịu, chẳng có gì sánh nổi. Anh chị em tôi được mẹ dặn không được khoe khoang, làm lộ bí mật chuyện nhà có nhiều thịt. Đương nhiên chúng tôi kín như bưng, được ăn ngon thế, hà cớ gì không nghe lời mẹ.

Nhưng chuyện mổ lợn của nhà tôi hở chứ không kín. Buổi chiều, có người đến kiểm tra vì nhận được tin báo đêm qua nhà tôi mổ lợn trộm. Một người hàng xóm đi về khuya, ngang qua bờ rào nghe thấy âm thanh lạ, phát hiện sự tình và báo hợp tác xã.

Nhưng bố tôi không phải thanh minh gì nhiều vì con lợn sản lượng vẫn nằm yên đó trong chuồng, gia đình tôi vẫn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, rốt cuộc cũng không ai căn vặn gì thêm. Ngách chuồng lợn nuôi thêm ấy vẫn được bố tôi duy trì trong vài tết liên tiếp, cho đến khi có những quy định đổi thay.

Cũng vì vậy, so với bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của chị em chúng tôi đỡ hẳn thua thiệt, thèm thuồng.

Giờ chị cả tôi lên chức bà lâu lắm rồi, nhưng tự nhận vẫn hay lẩn thẩn thèm thịt lợn muối. Nhưng thứ thịt lợn muối giờ cố làm lại cho y hệt ngày xưa, khi mang ra ăn lần nào cũng lắc đầu chịu thua vì vị mặn quéo lưỡi.

Thua rồi mà ít bữa lại thèm, chị gọi tắt là thèm thua. Anh hai tôi đầu hai thứ tóc, ăn gì cũng kiêng nhưng vẫn thích tổ chức mổ lợn, nấu cháo lòng để anh em, con cháu tưng bừng chia phần, dẫu chia xong rồi mang về không biết “xử” cách nào cho hết.

Ba anh em bé chúng tôi không mang ấn tượng sâu sắc bằng chị cả, anh hai, nhưng anh chị bày chuyện gì cũng phụ họa hưởng ứng nhiệt tình như thời còn chấy rận.

Mỗi dịp gặp nhau, mỗi lần tết về đều kể, nhắc chuyện những con lợn cải thiện từ những ngày lâu thật là lâu của gia đình. Lần kể nào cũng thấy như còn mới nguyên. Và thấm thía rằng có những câu chuyện ngày qua với ngày nay là lạ lùng, nhưng đó là một lịch sử không quên trong từng gia đình, từng thời đoạn.

Để thấy thương yêu âm thầm mãi một thời gian khổ, khó khăn mà vui tươi, lạc quan... Để yêu, để nhớ và thương hơn những kỷ niệm thuở thơ dại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận