Tìm huy chương trên đất khách

TẤN PHÚC 02/08/2011 19:08 GMT+7

TTCT - Đến Việt Nam “tầm sư” theo chỉ thị của Ủy ban Olympic quốc gia Indonesia, càng tập các thành viên của đội càng khám phá được tinh hoa và yêu thích môn võ Việt.

Phóng to
Các chiêu thức đẹp mắt của Vovinam thu hút các võ sinh Indonesia miệt mài tập luyện - Ảnh: T.P.

Vovinam chỉ mới du nhập Indonesia nhưng đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn, hứa hẹn trong tương lai chỉ đứng sau quốc võ pencak silat tại nước này. Hiện chỉ tính riêng ở Bali đã có xấp xỉ 300 người tập Vovinam.

Chịu cực để học võ

Hơn nửa tháng qua, người dân sống xung quanh võ đường Sơn Tây (huyện Bình Chánh) đã quen với những tiếng hô thật lớn của những võ sinh trong trang phục màu xanh truyền thống Vovinam khi luyện tập. Họ luôn miệng hét vang bằng tiếng mẹ đẻ “Indonesia sẽ đoạt chức vô địch” để tăng thêm khí thế.

Trong khuôn viên võ đường rộng hơn 200m2, 30 võ sinh (trong đó có 11 nữ) và năm HLV người Indonesia hăng say luyện tập. Họ được chia thành nhiều nhóm: nhóm theo HLV Việt Nam học quyền, côn; nhóm tập đối kháng. Không khí thật sôi động, họ tận dụng từng giây để học các chiêu thức mới.

Nữ võ sinh 23 tuổi Kadek Wulandari nói: “Chúng tôi tập huấn tại Việt Nam gần một tháng nhưng sao cảm thấy thời gian quá ngắn ngủi. Mỗi ngày chúng tôi tập cả sáng lẫn chiều với HLV Việt Nam, buổi tối vẫn tranh thủ tự luyện. Tôi quyết tâm học hết những điều căn bản tinh túy nhất của Vovinam”.

Đây là thành phần Indonesia gửi đến Việt Nam tập Vovinam để chuẩn bị SEA Games 26 vào cuối năm ở quê nhà, nhưng trước mắt là Giải vô địch Vovinam thế giới khởi tranh tại TP.HCM ngày 27-7. Đáng nói là họ vẫn duy trì sự lạc quan dù phải tập trong điều kiện thiếu thốn kinh phí. Ngày lên đường, trưởng đoàn Yamadhiputra I Nyoman và cũng là thành viên Ủy ban Olympic Indonesia đã biết chắc sẽ rất khó khăn khi trong tay chỉ có số tiền hỗ trợ ít ỏi.

Dù tất cả vé máy bay đều do chủ tịch Liên đoàn Vovinam Indonesia - tiến sĩ Ida Bagus Gede Wiyana bỏ tiền túi chi trả, nhưng 35 thành viên của đội vẫn không kham nổi chi phí đắt đỏ khu vực trung tâm TP.HCM. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên đoàn Vovinam TP.HCM, đoàn Indonesia được đưa đến võ đường Sơn Tây của bà Dương Phạm Hạnh Dung, một cựu võ sinh Vovinam.

Với chi phí 150.000đ/người/ngày cả ăn, ở và tập luyện, bà Hạnh Dung chấp nhận thất thu để dẹp các bàn bida bên cạnh võ đường làm chỗ ngủ cho các thành viên đội. Mỗi người tự trang bị một chiếc chiếu và một chiếc nệm mỏng là đủ ngon giấc sau một ngày tập luyện mệt nhọc. Liên đoàn Vovinam TP.HCM cũng hết mình với đội Indonesia khi mỗi ngày luân phiên cử võ sư, HLV đến hướng dẫn miễn phí.

Từ áp lực huy chương đến đam mê vovinam

Ngoài chức danh thành viên Ủy ban Olympic Indonesia, anh Yamadhiputra còn là võ sư kiêm tổng thư ký Liên đoàn Pencak silat Indonesia. Anh đánh giá: “Nhìn chung Vovinam không quá khác biệt với pencak silat nên dễ phát triển tại Indonesia. Đa số võ sinh Vovinam Indonesia đều xuất thân từ pencak silat”. Các thành viên đến Việt Nam lần này hầu hết là học sinh, sinh viên, viên chức. Áp lực huy chương với họ là rất lớn, nhưng càng tập họ càng bị Vovinam hớp hồn”.

Nhiều người đã cười bẽn lẽn khi chúng tôi hỏi chỉ tiêu bao nhiêu HCV Vovinam tại SEA Games 26. Anh Yamadhiputra đại diện nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng thành tích khó có thể nói trước bởi Lào và Campuchia cũng đầu tư cho môn này khá tốt. Dù sao đây chỉ là lần đầu tiên Vovinam có mặt tại SEA Games. Điều quan trọng là sau SEA Games, chúng tôi sẽ phát triển Vovinam thêm ở 4-5 thành phố nhờ số võ sinh trong đợt tập huấn này”.

Từ chỗ bị Vovinam chinh phục, anh Yamadhiputra đã truyền bá và thuyết phục được nhiều người đến với Vovinam. Chàng sinh viên Agung Ari Wirawan Wetan của Trường đại học Undhiksa nói: “Chúng tôi phải tạm ngưng việc học để sang Việt Nam tập huấn Vovinam vì SEA Games. Tuy nhiên, càng tập tôi càng thích môn võ này. Vovinam khác pencak silat ở chỗ có nhiều chiêu thức đẹp, đánh rất nhanh”.

Trong khi đó, cô Kadek Wulandari là nhân viên của Văn phòng chính phủ tại Bali. Cô đã dành trọn phép năm cho chuyến tập huấn này. Cô Wulandari nói: “Hơn 20 triệu người dân Indonesia tập pencak silat, nhưng tôi chọn Vovinam vì muốn tìm trải nghiệm ở môn võ mới. Tôi đã khám phá nhiều kỹ thuật hay của Vovinam, nhất là đòn chân tấn công. Tôi sẽ phát triển môn võ Việt tại quê hương mình”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận